Tra Từ điển - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc
ABSTRACT In some dictionaries, functional don not receive any concerns so they are not taken into some explanatory dictionaries sufficiently. Of the functional words collected and explained, their parts of speech are not sufficiently and correctly showed. This may cause a provision of wrong and deficient knowledge. Therefore, the paper helps to overcome that when the same kind of dictionary is compiled.
1. Một số vấn đề chung
1.1. Về định nghĩa trong từ điển giải thích
Trong Dictionary of lexicography, mục từ Definition được giải thích như sau: “Bộ phận trong cấu trúc vi mô của một công trình tra cứu, các công trình này có đưa ra việc giải thích nghĩa của từ, ngữ hay thuật ngữ. Định nghĩa cung cấp một chức năng chủ yếu: nó là nơi mà người biên soạn ấn định và người dùng tìm kiếm các thông tin ngữ nghĩa. Từ điển phổ thông đơn ngữ cung cấp các định nghĩa trong một vị trí nổi bật ngay đầu các mục từ (do đó, nó còn được gọi là từ điển định nghĩa hay từ điển giải thích), luôn luôn ở dạng một lời “bình luận” về “chủ đề” đưa vào qua từ đầu mục. Mối quan hệ giữa từ được giải thích (“definiendum” / cái được giải thích) và lời giải thích (“definiens” / cái giải thích) rất phức tạp và phụ thuộc mục đích của việc định nghĩa và phong cách định nghĩa được sử dụng”[1].
Như vậy, định nghĩa là thông tin về ngữ nghĩa, một thông tin quan trọng nhất trong các thông tin về đầu mục, bên cạnh các thông tin như: thông tin về ngữ âm, chính tả, từ vựng, ngữ pháp, ngữ dụng, từ nguyên, về mối quan hệ hệ thống của ngôn ngữ như đồng nghĩa, trái nghĩa, về tần số sử dụng, v.v…
Người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để định nghĩa, như định nghĩa bằng phương pháp phân tích, bằng cách dùng từ bao, bằng cách dùng từ đồng nghĩa, bằng cách dùng từ trái nghĩa, bằng chỉ dẫn, bằng cách nêu chức năng của từ. Trong đó, phương pháp định nghĩa bằng cách nêu chức năng của từ thường được áp dụng cho các hư từ.
Trong các từ điển giải thích tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học, nhìn chung, các tác giả thường chủ yếu quan tâm đến những thực từ (danh từ, động từ, tính từ) mà chưa quan tâm nhiều đến các hư từ, tình thái từ. Trong khi đó, việc hiểu rõ để nắm vững và sử dụng đúng các lớp từ đó sẽ góp phần không nhỏ cho việc diễn đạt của trẻ em khi nói cũng như khi viết. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành khảo sát việc định nghĩa các hư từ trong hai cuốn từ điển dành cho học sinh tiểu học và khảo sát thực tế cách thức học sinh tiểu học giải thích một số hư từ. Trên các cơ sở đó, đưa ra một số đề xuất về cách định nghĩa các hư từ, nhằm phục vụ cho việc biên soạn một cuốn từ điển giải thích phù hợp hơn dành cho học sinh tiểu học.
1.2. Về khái niệm hư từ
Hiện nay, trong tiếng Việt, có tồn tại một số cách phân loại vốn từ vựng khác nhau đối chút. Một số tác giả quan niệm hư từ bao gồm tất cả những từ loại khác danh từ, động từ, tính từ (có thể có cả số từ, đại từ) (Diệp Quang Ban [2], UB KHXH [3], ...) và một cách quan niệm khác là hư từ khu biệt với thực từ và tình thái từ (Đinh Văn Đức [4]). Trong bài viết này, chúng tôi theo quan điểm thứ hai. Theo đó, hư từ gồm có hư từ từ pháp là những từ phụ cho ngữ động từ và các từ phụ cho ngữ danh từ (từ phụ / phụ từ) và hư từ cú pháp là những từ nối hay các quan hệ từ (thường gặp là liên từ, giới từ).
1.3. Về nguồn tư liệu khảo sát
Hai cuốn từ điển sau được lựa chọn để khảo sát:
(1) Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đào Thản, Nguyễn Đức Tồn (1999), Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học, NXB Giáo dục, H (NNY); tái bản nhiều lần.
(2) Nguyễn Hạnh, Trần Thị Hạnh Nguyên (2007), Từ điển có minh hoạ dành cho học sinh tiểu học, NXB Trẻ (NH).
Chúng tôi tiến hành khảo sát tất cả những từ ngữ được các tác giả của các cuốn từ điển trên chú là pht (phụ từ). Định nghĩa của chúng được so sánh với định nghĩa của các từ tương ứng trong cuốn: (3) Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng (VNN).
1.4. Kết quả khảo sát
Trong các từ điển khảo sát, có 71 từ được chú là pht. (phụ từ), trong đó có những từ ngữ chỉ xuất hiện trong từ điển giải thích dành cho học sinh tiểu học mà không xuất hiện trong từ điển VNN (9 từ: a thần phù, bôm bốp, chình chịch, hoá ra, bai bải, khôn lường, khôn tả, hết hơi, hết lòng); có những từ xuất hiện trong cả từ điển học sinh tiểu học và từ điển VNN nhưng không được xếp cùng từ loại (14 từ: ni, chiếu lệ, hồi hộp, ngó bộ, bai bải1, hun hút, vừa, đích thị, quả, đó, ầu ơ, hoá ra, ngang nhiên, nỡ nào); có những từ xuất hiện trong cả từ điển học sinh tiểu học và từ điển VNN và cùng được xếp là phụ từ (48 từ: ắt là, bất giác, bỗng nhiên, chửa, lẳng lặng, lũ lượt, rón rén, vô vàn, tất; ắt, biến, chẳng, chung quy, dần dà, đặng, nhất quyết thực tình,; khư khư, lóc cóc, sa sả, có lẽ, ắt hẳn, đầu tiên, đồng thanh, đột nhiên, hoài, hồng hộc, một mực, nằng nặc, nhất tề, rất mực, tiện thể, bỗng chốc; hộc tốc, lần lượt, lia lịa, lông lốc, lủi thủi, nghiễm nhiên, nhiệt liệt, nức nở, phắt, quả tang, thình lình, thỉnh thoảng, tuần tự, tức tốc, xuể). Về các quan hệ từ, chỉ xuất hiện 3 từ, và được chú là lt (liên từ) hoặc kt (kết từ): bởi, cho dù, nhân tiện.
Dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích các kết quả một cách cụ thể.
2. Việc định nghĩa hư từ trong từ điển giải thích dành cho học sinh tiểu học
2.1. Việc định nghĩa các từ ngữ được xếp vào loại phụ từ
2.1.1. Những từ chỉ xuất hiện trong từ điển học sinh tiểu học
Kết quả khảo sát cho thấy, có những phụ từ chỉ xuất hiện trong các từ điển dành cho học sinh tiểu học mà không xuất hiện trong từ điển VNN. Điều này có thể lí giải là do quan điểm thu thập bảng từ khác nhau. Trong Từ điển VNN, không thu thập các từ tượng thanh như bôm bốp chẳng hạn, hoặc các từ kết hợp lỏng như hoá ra, khôn lường, hết hơi,...
2.1.2. Những từ xuất hiện trong cả từ điển học sinh tiểu học và từ điển VNN nhưng không được xếp cùng từ loại
Trong các từ điển dành cho học sinh tiểu học, có những từ ngữ được các tác giả chú là phụ từ, nhưng trong Từ điển VNN lại được chú là những từ loại khác như danh từ (ni), động từ (chiếu lệ, hồi hộp, ngó bộ), tính từ (bai bải1, hun hút, ngang nghiên, thực tình, vừa2), đại từ (đó), trợ từ, cảm từ... Điều đó cho thấy cách hiểu khác nhau về ý nghĩa khái quát của các từ ngữ đó. Tuy vậy, bên cạnh những lời định nghĩa khác nhau vẫn có những lời định nghĩa gần như giống nhau hoàn toàn. Ví dụ:
NH: ni pht: này (tiếng của người miền Trung).
VNN: ni1 d. (phg.) 1 Này. Bên ni, bên tê. 2 Nay. Mấy năm ni.
Những trường hợp khác, cách định nghĩa nhìn chung đều rất khác nhau, phản ánh những quan điểm khác nhau về cách phân định từ loại, về cách định nghĩa. Chúng ta sẽ so sánh một số trường hợp để thấy rõ hơn vấn đề.
Phụ từ - động từ:
NNY: hồi hộp pht. Thấp thỏm đợi chờ, xao xuyến, không yên ổn trong lòng, tim đập dồn dập. Hồi hộp bước vào phòng thi. Theo dõi trận đấu với tâm trạng hồi hộp. Đừng có hồi hộp quá. Tất cả hồi hộp mong chờ (Tiếng Việt, L3, T2, 1987).
VNN: hồi hộp đg. 1 Ở trong trạng thái trái tim đập dồn dập. Thiếu máu, nên hay hồi hộp. 2 Ở trong trạng thái lòng xao xuyến không yên trước cái gì sắp đến mà mình đang hết sức quan tâm. Hồi hộp bước vào phòng thi. Hồi hộp theo dõi trận đấu.
Trong NNY, hồi hộp được định nghĩa là “thấp thỏm...” là một ngữ động từ. Các ví dụ cũng đều cho thấy đây là một động từ, đặc biệt là ví dụ: “Đừng có hồi hộp quá.”. Điều đó cho thấy bản chất động từ của từ này đã bị các tác giả xếp nhầm thành phụ từ.
Phụ từ- tính từ:
NH: vừa pht: khớp hoặc đúng về kích thước, khả năng, thời gian.
VNN vừa2. t. 1 Khớp, đúng, hợp với, về mặt kích thước, khả năng, thời gian, v.v. Đôi giày đi rất vừa, không rộng cũng không chật. Việc làm vừa sức. Vừa với túi tiền. Ăn cơm xong, đi là vừa. Vừa đúng một năm. 2 ở mức đủ để thoả mãn được yêu cầu Vừa rồi, không cần nữa. Nó tham lắm, mấy cũng không vừa!
VNN vừa3. p. 1 (dùng phụ trước đgt.) Từ biểu thị sự việc xảy ra liền ngay trước thời điểm nói hoặc trước một thời điểm nào đó trong quá khứ được xem là mốc, hay là chỉ trước một thời gian ngắn, coi như không đáng kể Nó vừa đi thì anh đến. Tin vừa nhận được sáng nay . 2 x. vừa... vừa.
Ở trường hợp này, chúng ta thấy, nghĩa của từ vừa trong NH được xử lí hoàn toàn trùng với nghĩa của vừa2, là tính từ trong VNN. Các tác giả của từ điển đã bỏ qua nghĩa của từ khi được dùng phụ trước động từ (tương ứng với nghĩa của vừa3).
Phụ từ - đại từ:
NH: đó pht: từ chỉ người, sự việc, sự vật, địa điểm, thời điểm cần nói đến. Vd1: Ai đó? Vd2: Việc đó không tốn kém? Vd3: Cái gì đó? Vd4: Ở chỗ đó không tiện. Vd5: Lúc đó tôi có thấy.
VNN: đó2 I. đ. (như đấy, nhưng thường có sắc thái phg.) 1 Từ dùng để chỉ người, sự vật, địa điểm, thời điểm hoặc sự việc đã được xác định, được nói đến, nhưng không ở vào vị trí người nói hoặc không ở vào lúc đang nói. Mấy người đó hôm qua không đến. Ai đó? Từ đây đến đó không xa mấy. Nay đây mai đó. Vừa mới đó mà đã ba năm. Cứ theo đó mà làm. 2 (dùng sau đ. nghi vấn) Từ dùng để chỉ người, sự vật, địa điểm, thời điểm hoặc sự việc được xác định là có, tuy không biết cụ thể. Có người nào đó bỏ quên cái mũ. Nói một câu gì đó, nghe không rõ. Để quên ở đâu đó. Đến một lúc nào đó. 3 Từ người nói dùng để gọi người đối thoại một cách thân mật hoặc trịch thượng, sỗ sàng; đối lập với đây (là từ người nói dùng để tự xưng) Trăng kia làm bạn với mây, Đó mà làm bạn với đây thiệt gì? (cd.).
Cả hai từ điển đều giải thích nghĩa từ bằng cách nêu chức năng của từ, và lời định nghĩa cũng tương tự nhau. Điều đó cho thấy việc xếp từ loại của NH là không hợp lí. “Từ chỉ người, sự việc, sự vật, địa điểm, thời điểm...” thì không thể là phụ từ được.
Phụ từ - tổ hợp từ
NH: hoá ra pht 2: từ biểu thị điều bất ngờ nhận ra; trái ngược với điều mình đã tưởng trước kia. Vd: Tưởng nó cứng, hoá ra lại mềm.
VNN: hoá ra (dùng ở đầu câu hoặc đầu phân câu). Tổ hợp biểu thị điều sắp nêu ra là điều bỗng nhiên nhận thức ra, có phần bất ngờ, trái với điều trước kia tưởng. Hoá ra xôi hỏng bỏng không. Tưởng thiếu, hoá ra đủ.
Ở trường hợp này, trong NH, hoá ra được quan niệm là từ, trong VNN, được quan niệm là tổ hợp từ. Điều đó dẫn đến sự khác nhau trong lời định nghĩa.
Các từ ngữ thuộc nhóm này trong các từ điển dành cho học sinh tiểu học được phân loại là phụ từ, nhưng thực tế, các trường hợp đó đều không chính xác. Trong Từ điển VNN, chúng được xếp vào các từ loại khác nhau, phù hợp với ý nghĩa khái quát của các từ hơn.
2.1.3. Những phụ từ xuất hiện trong cả từ điển học sinh tiểu học và Từ điển VNN
2.1.3.1. Những từ có định nghĩa giống nhau
Về mặt nguyên tắc, đối với hai đối tượng người dùng khác nhau, lời định nghĩa phải khác nhau. Dành cho học sinh tiểu học, với đặc trưng tâm lí tình cảm và tâm lí nhận thức, lời định nghĩa phải dễ hiểu, đơn giản hơn trong từ điển phổ thông. Điều đó thể hiện ở việc chúng sẽ có ít nghĩa, ít nét nghĩa, chú thích cụ thể, dùng nhiều từ thuần Việt,... hơn.
Xét theo những tiêu chí đó, việc định nghĩa các phụ từ giống hệt nhau ở hai loại từ điển không phải là một hiện tượng đáng mừng. Vậy mà, có tới 9 / 71 từ như vậy (xem cụ thể phần Kết quả khảo sát 1.3). Ví dụ:
NH: lẳng lặng pht: một cách lặng lẽ, không nói một tiếng.
VNN: lẳng lặng p. Một cách lặng lẽ, không nói một tiếng. Lẳng lặng bước ra khỏi phòng. Cứ lẳng lặng ngồi suy nghĩ. Dòng sông lẳng lặng trôi (b.).
NH: lũ lượt pht: thành từng đoàn nối tiếp nhau không ngớt.
VNN: lũ lượt p. Thành từng đoàn nối tiếp nhau không ngớt. Người các nơi lũ lượt kéo nhau về xem hội.
NH: rón rén pht: từ gợi tả dáng điệu của động tác (thường là đi đứng) cố làm cho thật nhẹ nhàng, thong thả vì sợ gây tiếng động hoặc điều thất thố.
VNN: rón rén p. Từ gợi tả dáng điệu của động tác (thường là đi đứng) cố làm cho thật nhẹ nhàng, thong thả vì sợ gây tiếng động hoặc điều thất thố. Đi lại rón rén vì sợ mọi người thức giấc. Rón rén bước vào. Ăn rón rén từng hạt một. Rón rén thưa.
Tuy nhiên, những từ có lời định nghĩa khác nhau vẫn chiếm đa số.
2.1.3.2. Những từ có lời định nghĩa khác nhau
Trong số các định nghĩa khác nhau, có thể quy thành một số loại như sau:
- khác nhau về phương pháp định nghĩa
- khác nhau về việc có / không có phần chú thích
- khác nhau về số lượng nghĩa của các từ đa nghĩa
- khác nhau về việc sử dụng từ ngữ (Hán Việt / thuần Việt)
a. Khác nhau về phương pháp định nghĩa
Trong danh sách khảo sát, có 11 từ được các tác giả từ điển VNN áp dụng cách định nghĩa bằng cách nêu chức năng của từ. Cách định nghĩa này có thể bắt đầu bằng cụm “Từ biểu thị + ý, hành động, cách thức...”, hoặc bắt đầu bằng cụm từ “Từ gợi tả...” hay “Tổ hợp biểu thị...”. Cũng với các từ ngữ đó, trong từ điển dành cho học sinh tiểu học, các tác giả của chúng thường định nghĩa bằng từ, ngữ đồng nghĩa:
NNY: chung quy pht. Rút cục, xét cho cùng, quy đến cùng, tóm lại. Nhiều ý kiến khác nhau nhưng chung quy lại nổi lên hai vấn đề. Chung quy, có một vấn đề cơ bản. Chuyện ấy, chung quy chỉ tại tôi. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, kết quả là quần chúng không tin, không phục, không yêu họ, chung quy là họ không làm nên trò trống gì (Hồ Chí Minh).
VNN: chung quy p. (dùng làm phần phụ trong câu). Từ biểu thị ý quy cho đến cùng, về thực chất của sự việc. Nhiều câu hỏi, nhưng chung quy chỉ có một vấn đề. Việc đó chung quy chỉ tại anh.
NH: dần dà pht: dần dần, chậm từng bước.
NNY: dần dà pht. Dần dần, chậm chạp từng bước một. Dần dà làm quen với công việc. Dần dà về sau mới hiểu nhau.
VNN: dần dà p. (thường dùng làm phần phụ trong câu). Từ biểu thị cách thức diễn biến, phát triển dần dần từng bước một của quá trình, của sự việc Tập sự để rồi dần dà làm quen với công việc. Dần dà họ trở thành thân nhau.
Hoặc họ giải thích chúng bằng các ngữ động từ, ngữ danh từ:
NH: khư khư pht: không chịu từ bỏ.
NNY: khư khư pht. Cương quyết giữ, không chịu từ bỏ, không chịu rời ra. Ôm khư khư quyển sách, chẳng cho ai mượn. Khư khư như từ giữ oản (thng). Khư khư giữ ý kiến.
VNN: khư khư t. (hay p.). (thường dùng phụ cho đg.). Từ gợi tả vẻ một mực giữ chặt lấy không chịu rời ra, không muốn cho ai động đến. Ôm khư khư cái túi như sợ bị cướp mất. Khư khư như từ giữ oản (tng.). Khư khư giữ ý kiến.
NH: lóc cóc pht: dáng vẻ đáng thương vì có một mình.
NNY: lóc cóc pht. (Đi lại) một mình lủi thủi vẻ mệt nhọc, đáng thương.Lóc cóc đạp xe. Ngày hai buổi lóc cóc đi về. Ông lão lại lóc cóc ra biển (Văn.L7.T1.1987).
VNN: lóc cóc p. Từ gợi tả dáng đi một mình, vẻ vất vả, đáng thương. Chú bé lóc cóc chạy theo mẹ. Ngày hai buổi lóc cóc đi về.
Việc phụ từ được giải thích bằng ngữ động từ, ngữ danh từ là một điều không hợp lí, vi phạm nguyên tắc về sự đồng nhất từ loại giữa từ đầu mục và lời định nghĩa trong từ điển.
b. Khác nhau về việc có / không có phần phụ chú
Cụ thể như sau:
(i) Chú cách dùng:
Phần chú này thường đứng trước lời định nghĩa, nó xác định cách sử dụng cho từ đầu mục, làm rõ hơn vai trò của từ đầu mục trong câu hoặc trong ngữ. Chỉ trong từ điển VNN chúng ta mới bắt gặp những phần phụ chú như thế này, thiết nghĩ, những chỉ dẫn đó cũng rất nên có trong các từ điển dành cho học sinh tiểu học, là đối tượng đang trong quá trình học tiếng Việt, trau dồi năng lực sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ:
NH: đột nhiên pht: thình lình.
NNY: đột nhiên pht. Bỗng dưng, thình lình. Mặt đột nhiên biến sắc. Trời đột nhiên đổ mưa. Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến.
VNN: đột nhiên p. (dùng làm phần phụ trong câu) (Hành động, quá trình xảy ra) một cách hết sức đột ngột. Mặt đột nhiên biến sắc. Trời đang quang đãng, đột nhiên đổ mưa.
NH: rất mực pht: hết sức.
NNY: rất mực pht. Hết mức, không còn gì hơn. Khôn ngoan rất mực. Rất mực ngoan ngoãn. Rất mực hiếu thảo. Vua cha yêu thương Mị Nương rất mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng (Văn.L6.T1.1986).
VNN: rất mực p. (dùng phụ cho t. và một số đg.) Đến mức dường như không thể hơn được nữa (thường nói về phẩm chất, tính cách của con người). Rất mực hiếu thảo. Rất mực khiêm tốn. Khôn ngoan rất mực.
(ii) Chú phạm vi sử dụng:
NH: hồng hộc pht: thở mạnh từng cơn bằng miệng vì quá mệt.
VNN: hồng hộc2 p. (Thở) mạnh và dồn dập từng hồi, qua đằng miệng, do phải dùng sức quá nhiều và lâu. Thở hồng hộc như bò cày nặng.
Việc thêm chú thích “(Thở)” có tác dụng hạn chế phạm vi sử dụng của từ hồng hộc. Hồng hộc không phải là thở mà chỉ là cách thở. Cũng như vậy, từ nằng nặc không phải là đòi, xin, mà là cách, kiểu đòi, xin.
NH: nằng nặc pht: đòi cho bằng được.
NNY: nằng nặc pht. Một mực đòi hoặc xin cho kì được.Em bé nằng nặc đòi đi theo. Nằng nặc đòi mua bộ quần áo mới. Thấy con anh Hành có cái gì là thằng con tôi cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho được cái đó.
VNN: nằng nặc p. (Đòi, xin) một mực, cho kì được. Bé nằng nặc đòi đi theo mẹ.
c. Khác nhau về số lượng nghĩa
Thông thường, số lượng nét nghĩa trong từ điển dành cho học sinh tiểu học ít hơn trong Từ điển VNN.
NH: lông lốc pht: (vật hình tròn lăn) nhiều vòng và tăng dần theo đà. Vd: Đầu trọc lông lốc bình đào. Nhà ai có cỗ thì vào gặm xương. (cd)
VNN: lông lốc1 p. (kng.) 1 (Tự lăn) nhiều vòng theo đà. Súc gỗ lăn lông lốc xuống thềm. Quả bưởi lăn lông lốc. Quay lông lốc. 2 (Béo, tròn) đến mức như có thể lăn được. Chú lợn béo tròn lông lốc. Tròn lông lốc như củ khoai.
Tuy nhiên, có trường hợp trong từ điển dành cho học sinh tiểu học, số lượng nghĩa lại nhiều hơn. Có điều, đây lại là một trường hợp nhầm lẫn trong việc phân định từ loại. Nghĩa 2 ở từ điển NNY chính là nghĩa tính từ chứ không phải phụ từ:
NNY: nghiễm nhiên pht. 1. Tự nhiên, đàng hoàng mà được hưởng.Nghiễm nhiên ngồi vào ghế người khác. Nghiễm nhiên trở thành giám đốc. Nghiễm nhiên sống ngoài vòng pháp luật. Thế là hắn nghiễm nhiên sống ở ngay chính quê hương hắn (Nam Cao). 2. Thản nhiên trước việc xảy ra, không băn khoăn, không áy náy. Con ốm nặng mà ông bố cứ nghiễm nhiên như không. Nước lên gần đến nền nhà rồi mà mấy đứa con tôi vẫn nghiễm nhiên ngồi đàn hát.
VNN: nghiễm nhiên I. t. (id.) Thản nhiên như không trước sự việc nghiêm trọng. Thái độ nghiễm nhiên trước cái chết.
II. p. (thường dùng làm phần phụ trong câu) (Trở thành hoặc làm được) một cách tự nhiên, như từ đâu đưa đến, điều mà trước đó không ai ngờ tới Thừa hưởng gia tài của người chú, nghiễm nhiên trở thành triệu phú
d. Khác nhau về việc dùng từ Hán Việt / thuần Việt
Thông thường, trong lời định nghĩa, người ta phải dùng những từ dễ hiểu để định nghĩa cho từ khó hiểu, đặc biệt là trong các từ điển dành cho trẻ em. Ví dụ như trong trường hợp sau:
NH: quả tang pht: (bị bắt gặp) ngay khi đang làm việc xấu.
Từ điển NH rất hợp lí khi sử dụng “việc xấu” thay vì cả cụm “việc vụng trộm phạm pháp” như trong Từ điển VNN. Trẻ em có thể sẽ thấy khó hiểu thế nào là vụng trộm, thế nào là phạm pháp, nhất là khi đây lại là một từ Hán Việt.
VNN: quả tang p. (Bị bắt gặp, bị phát hiện) ngay khi đang làm việc vụng trộm phạm pháp. Mang hàng lậu bị bắt quả tang. Kẻ trộm bị bắt quả tang đang bẻ khoá.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các từ điển dành cho học sinh tiểu học lại sử dụng từ Hán Việt để giải thích cho từ Hán Việt. Ví dụ:
NH: nhất tề pht: đồng loạt.
NNY: nhất tề pht. Đồng loạt cùng một lúc.Cả nước nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Mọi người nhất tề xông lên đánh địch. Thanh niên gương mẫu dẫn đầu, cùng đơn vị nhất tề xông lên diệt địch.
Trong khi đó, với mục từ này, Từ điển VNN giải thích bằng những từ thuần Việt dễ hiểu:
VNN: nhất tề p. (Nhiều người) cùng bắt đầu làm việc gì đó cùng một lúc, có sự phối hợp ăn ý. Các nơi nhất tề hưởng ứng. Tiếng trống tiếng mõ nhất tề nổi lên.
Như vậy, trong số những phụ từ có lời định nghĩa khác nhau, chúng ta có thể thấy chúng khác nhau về phương pháp định nghĩa, về việc có / không có phần chú thích, về số lượng nghĩa của các từ đa nghĩa, và về việc sử dụng từ ngữ (Hán Việt / thuần Việt). Trong những điểm khác biệt đó, có những điểm hợp lí do người biên soạn đã quan tâm đến người dùng, nhưng có những điểm chưa hợp lí do ý muốn lời định nghĩa ngắn gọn hoặc do quan tâm chưa đầy đủ đến đối tượng sử dụng.
2.2. Việc định nghĩa các từ ngữ được xếp vào loại quan hệ từ
Số lượng các từ ngữ thuộc nhóm quan hệ từ được đưa vào các từ điển dành cho học sinh tiểu học quá ít ỏi, vẻn vẹn có ba từ và được chú là lt. (liên từ) hoặc kt. (kết từ): cho dù, bởi, nhân tiện.
Trong số đó, cho dù chỉ xuất hiện trong NH mà không được NNY thu thập và trong Từ điển VNN cũng không có:
NH: cho dù l t: từ dùng trước câu để báo trước hậu quả sẽ đến.
Hai từ còn lại đều được xử lí khác với trong từ điển VNN. Từ bởi trong NH chỉ đưa vào một nghĩa, trong khi trong VNN có hai nghĩa:
NH: bởi lt: từ biểu thị nguyên nhân của một hành động.
VNN: bởi k.1 (thường dùng trước một cấu trúc chủ ngữ - vị ngữ) Từ biểu thị điều sắp nêu ra là lí do hoặc nguyên nhân của việc được nói đến; vì. Bởi anh chăm việc canh nông, Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài (cd.). 2 Từ biểu thị điều sắp nêu ra là người hoặc vật gây ra trạng thái đã nói đến. Bị trói buộc bởi tập quán cũ. Trăng lu vì bởi áng mây...(cd.).
Từ nhân tiện trong NNY được giải thích bằng từ đồng nghĩa, trong khi VNN giải thích bằng cách nêu chức năng của từ:
NNY: nhân tiện kt. Nhân có dịp thuận tiện, nhân thể, tiện thể.Đi qua, nhân tiện ghé vào thăm. Nhân tiện đi bỏ thư mua giúp tôi tờ báo. Nhân tiện có gặp cụ Lí thì trách cụ mấy câu (Bước đường cùng).
VNN: nhân tiện k. (kng.).Từ biểu thị quan hệ đồng thời giữa hai sự việc, nhân làm (hay có) việc này thì tiện thể làm luôn việc kia. Nhân tiện anh đến chơi, tôi muốn bàn với anh một việc.
3. Một số nhận xét
Chúng ta có thể thấy, các hư từ chưa được quan tâm thu thập để đưa một cách đầy đủ vào trong các từ điển giải thích dành cho học sinh tiểu học.
Trong số những hư từ đã được thu thập và giải thích thì việc chú từ loại cũng chưa được đầy đủ và chính xác. Điều này có thể dẫn đến việc cung cấp cho người dùng những thông tin sai lệch, thiếu sót.
Cách giải thích, ngôn ngữ sử dụng để giải thích vẫn còn những điểm chưa phù hợp với năng lực tư duy và trình độ thủ đắc ngôn ngữ của học sinh tiểu học.
Những điểm trên cần lưu ý khắc phục khi biên soạn từ điển giải thích dành cho học sinh lứa tuổi này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hartmann, R.R.K. & James G. (2002). Dictionary of Lexicography, Routlegde, London & New York.
[2] Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3] Đinh Văn Đức (2010), Ngữ pháp tiếng việt, Từ loại (tái bản, có bổ sung), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[4] Hoàng Trọng Phiến (2008), Từ điển giải thích hư từ tiếng Việt, NXB Tri Thức, Hà Nội.
[5] Nguyễn Anh Quế (1996), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[6] Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (2000), Ngữ pháp tiếng Việt (tái bản), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[1] Hartmann, R.R.K. & James G. (2002). Dictionary of Lexicography, Routlegde, London and New York.
[2] Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3] Uỷ ban KHXH (2000), Ngữ pháp tiếng Việt (tái bản), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[4] Đinh Văn Đức (2010), Ngữ pháp tiếng Việt, Từ loại (in lại và có bổ sung), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 6 (38), 11-2015.
Từ khóa » Câu Có Từ Rón Rén
-
Đặt Câu Với Từ "rón Rén"
-
Đặt Câu Với Từ "rón Rén" - Dictionary ()
-
Đặt Câu Với Từ Rón Rén
-
Rón Rén - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "rón Rén" - Là Gì? - Vtudien
-
Rón Rén Có Nghĩa Là Gì - Thả Tim
-
Rón Rén Trong Tiếng Anh, Dịch, Câu Ví Dụ | Glosbe
-
đi Rón Rén Trong Tiếng Anh, Dịch, Câu Ví Dụ | Glosbe
-
Rón Rén Là Gì - Nghĩa Của Từ Rón Rén Trong Tiếng Pháp - Từ Điển
-
Câu : Rón Rén, Chị Dậu Bưng Một Bát Cháo Lớn đến Chỗ Chồng Chị ...
-
Xét Về ý Nghĩa, “rón Rén” Thuộc Từ Loại Nào? Chỉ Ra Sự Khác Biệt Trong ...
-
Rón Là Gì - Nghĩa Của Từ Rón Trong Tiếng Pháp - Từ Điển
-
RÓN RÉN - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Vietgle Tra Từ - Định Nghĩa Của Từ 'rón Rén' Trong Từ điển Lạc Việt