Trách Nhiệm Tiến Cử - Tạp Chí Cộng Sản
Có thể bạn quan tâm
Tiến cử là cách thức quan trọng được người xưa dùng để chọn lựa người tài ra giúp nước. Người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm, thậm chí cả danh dự, tài sản, tính mạng của mình để bảo đảm rằng người được tiến cử là thực sự có tài năng, đức độ, xứng đáng với chức vụ được giao và phải chịu trách nhiệm cá nhân suốt đời về sự tiến cử đó. Ai vì tình riêng, vì tư lợi mà tùy tiện, hồ đồ hay cố tình tiến cử sai người hoặc ngược lại thấy người tài mà bưng bít đường thăng tiến, thì đều bị trị tội rất nặng (1).
Khi sẵn sàng đem cả tính mạng của bản thân và gia đình ra để giới thiệu hiền tài cho đất nước, thì rõ ràng người tiến cử đã nhìn thấu thực đức, thực tài và gửi trọn niềm tin, lý tưởng vào người mình giới thiệu, thể hiện trách nhiệm trong sáng và nghĩa cử cao cả vì việc quốc gia đại sự. Ngược lại, người được tiến cử cũng vì trọng con “mắt xanh”, trọng tấm chân tình và nghĩa khí, không muốn phụ lòng tin của người tiến cử, mà ra sức cống hiến tài năng, cả đời giữ gìn thanh liêm. Trong lịch sử dân tộc ta, nhiều bậc kỳ tài làm rạng danh non sông, đất nước nhờ chế độ tiến cử mà phát lộ tài năng, nếu không, có lẽ họ đã mãi chìm khuất trong dòng chảy của lịch sử.
Ngẫm chuyện xưa càng thấm thía chuyện nay, cả chuyện hay, chuyện dở.
Có không ít người lãnh đạo đặt việc công lên hàng đầu, họ không chỉ mẫu mực về chuyên môn, đạo đức, mà trong công tác cán bộ cũng thực sự công tâm, khách quan. Không chỉ khéo lựa chọn, cắt đặt, cất nhắc cán bộ, mà họ có tài phát hiện những người có thực lực. Đó là con “mắt xanh” nhìn người của bậc “minh chủ”. Khi phát hiện và quyết định dùng người nào, lấy việc công làm trọng, họ quyết đoán trong giới thiệu, tiến cử, bổ nhiệm, tin tưởng sử dụng, hỗ trợ…, vượt lên trên nhiều rào cản, sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng về quyết định của mình. Bậc “minh chủ” có sức hút tự nhiên rất lớn để quy tụ chung quanh mình những người tài năng, “thần thiêng nhờ bộ hạ” và khi đó “hổ như mọc thêm cánh”, khiến công việc “thuận buồm xuôi gió”, tổ chức vững mạnh. Thường người tài mới nhận diện được người tài và người tài chỉ mong muốn đi theo những người có tài hơn họ. Khi đã theo thì sẵn sàng xả thân, dốc toàn tâm, toàn lực làm việc, mà không màng danh lợi…
Nhưng, ở không ít nơi, cũng có những người đề cử, tiến cử “cho vui” vì cảm tính, yêu ghét cá nhân hay toan tính riêng vì thân hữu, thậm chí là mua bán tiến cử… Việc công và lợi ích tập thể bị đặt dưới những lợi ích và mưu đồ cá nhân. Họ cố tình giới thiệu những người kém đức, kém tài; lôi kéo phe nhóm “đánh hội đồng” những người có năng lực. Khi xảy ra những sai phạm hệ lụy từ sự đề cử, tiến cử sai trái của mình, gây hại cho cơ quan, đơn vị, thì vô trách nhiệm đổ lỗi cho tập thể, “hòa cả làng”. Ở những nơi này, thường công tác cán bộ mịt mù, khuất tất; các “nhóm lợi ích” như làm xiếc “trong hộp đen”.
Đó là những nơi mà công tác cán bộ một màu xám xịt, nhưng cũng có nơi nhờ nhờ tranh tối tranh sáng. Có người ngoài mặt mượn danh “dụng nhân như dụng mộc”, rồi tiến cử và dùng cán bộ tốt xấu lẫn lộn. Điều nguy hại là thấy cái xấu, cái ác không hạn chế và loại bỏ, mà vẫn để tồn tại nhằm tạo “thế cân bằng”, kìm chế lẫn nhau, bản chất là vì mục tiêu chính trị của cá nhân người sử dụng. Đây không khác gì chuyện “đùa với lửa”, “chơi với dao”. Cái xấu, cái ác không bị hạn chế thì sẽ có ngày lên ngôi, lấn át cái tốt, gây hại và khiến tổ chức rối loạn, suy yếu. Cũng có nơi người đứng đầu tiến cử được người tài đức, nhưng nơi nhận vì lợi ích cục bộ, đầu óc hẹp hòi, ích kỷ, thiển cận mà thiếu tinh thần hợp tác, cũng làm lãng phí người tài...
Cán bộ muôn đời là câu chuyện liên quan tới sinh mệnh của tổ chức, của quốc gia. Việc trọng đại đó không thể có chỗ cho sự hồ đồ, thiếu trách nhiệm, “hòa cả làng” hay chuyện mua đi bán lại. Việc tiến cử cán bộ do đó đã đến lúc phải bị ràng buộc trách nhiệm nghiêm ngặt. Đó là cách tiến cử trọng danh dự, liêm sỉ và trách nhiệm, giúp tăng cơ hội chọn lựa được những người có tài năng, đức độ; hạn chế những kẻ bất tài, vô đức leo sâu, trèo cao. Quan trọng hơn, chế độ tiến cử như vậy sẽ nuôi dưỡng trong nhân dân một niềm tin người hiền tài thật sự trong xã hội sẽ không bị bỏ sót, cùng niềm tin về công tác cán bộ của Đảng ta…/.
------------------------
(1) Thời kỳ hưng thịnh của nhà Lê, việc tiến cử và bảo cử rất quan trọng. Điều này được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vào năm Cảnh Thống thứ nhất (1498): “Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, đó là việc lớn của chính trị. Cho nên, dùng người tài không lưỡng lự, bỏ kẻ gian không chần chừ… Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung thực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực, kê tên tâu lên. Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha”.
Từ khóa » Sự Tiến Cử In English
-
SỰ TIẾN CỬ - Translation In English
-
SỰ TIẾN CỬ - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Glosbe - Sự Tiến Cử In English - Vietnamese-English Dictionary
-
Tiến Cử In English - Vietnamese-English Dictionary | Glosbe
-
Tra Từ Recommendation - English Vietnamese Dictionary
-
Translation Of Recommendation – English–Indonesian Dictionary
-
"sự Tiến Cử" Tiếng Anh Là Gì? - EnglishTestStore
-
Viết Thư Giới Thiệu Tiếng Anh Thế Nào Cho Tốt để Xin Học Bổng Du Học
-
Translate Recommendation In Vietnamese With Examples
-
CƠ HỘI SỰ NGHIỆP In English Translation - Tr-ex
-
Hỏi đáp Anh Ngữ: Sự Khác Biệt Giữa Recommendation Letter Và ...
-
Tiến Cử Chỉ định | Trường THPT Sendai Ikuei Gakuen