Trình độ Học Vấn Là Gì? Trình độ Chuyên Môn Là Gì? - LuatVietnam

Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn là gì?

Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc định nghĩa, trình độ học vấn là bậc học cao nhất đã hoàn tất trong hệ thống giáo dục quốc dân mà một người đã theo học.

Trong đó Điều 6 Luật Giáo dục 2019 nêu rõ: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay gồm:

- Giáo dục mầm non: Giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

- Giáo dục phổ thông: Giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông;

- Giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề khác;

- Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản nhất thì độ học vấn là trình độ hiểu biết do học hỏi mà có. Trên thực tế, có hai yếu tố thường dùng để thể hiện trình độ học vấn của một người trong là trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn.

Văn bản phổ biến nhất yêu cầu ghi trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn phải kể đến là sơ yếu lý lịch. Trong sơ yếu lý lịch, trình độ văn hóa được hiểu là trình độ giáo dục phổ thông, dùng để chỉ cấp độ học tập theo các bậc học phổ thông.

Cách ghi trình độ văn hóa trong Sơ yếu lí lịch thể hiện một người đã tốt nghiệp lớp mấy và thuộc hệ đào tạo phổ thông nào.

Ví dụ ghi trình độ văn hóa:

- Lớp 10/10 (đối với người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm);

- Lớp 12/12 (đối với người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm).

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn dùng là khả năng, năng lực về một chuyên ngành, lĩnh vực nào đó đã được đào tạo.

Trình độ chuyên môn được chia thành nhiều cấp bậc như: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp…

Cách ghi trình độ chuyên môn trong Sơ yếu lý lịch hay hồ Sơ xin việc là trình độ chuyên môn cao nhất tại thời điểm bạn khai + chuyên ngành đào tạo.

Ví dụ ghi trình độ chuyên môn: Cử nhân luật, Kỹ sư công nghệ thông tin…

trinh do hoc van la gi? trinh do chuyen mon la gi?

Một số thuật ngữ dễ nhầm lẫn trong Sơ yếu lý lịch ai cũng nên biết

Sơ yếu lý lịch là loại hồ sơ quen thuộc đối với với học sinh, sinh viên và cả người đi làm. Sau đây là một số thuật ngữ thường dùng trong sơ yếu lý lịch nhưng lại rất dễ bị nhầm lẫn.

Quê quán

Nhiều người thường hiểu lầm rằng nguyên quán hay quê quán là nơi mình sinh ra, tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Cụ thể, khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 giải thích:

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Ví dụ: Một người sinh ra ở Hà Nội nhưng có bố sinh ra ở Nghệ An thì người này có thể lấy quê quán là Nghệ An.

Cách xác định quê quán chính xác nhất để ghi vào sơ yếu lý lịch là xem thông tin về quê quán được ghi tại Giấy khai sinh.

Nơi cư trú, tạm trú, thường trú

Nơi cư trú, nơi tạm trú và nơi thường trú là 03 thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên trong các văn bản, giấy tờ. Căn cứ giải thích từ ngữ tại Điều 2 Luật Cư trú 2014:

- Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Nơi cư trú có thể ghi theo nơi thường trú hoặc nơi tạm trú đều được.

- Nơi thường trú là nơi sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Nơi thường trú thì không có thời hạn cư trú.

- Nơi tạm trú là nơi sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Trên đây là thông tin giải thích về: Trình độ học vấn là gì? Trình độ chuyên môn là gì? Nếu còn thắc mắc khác cần giải đáp, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Mẫu Sơ yếu lý lịch chuẩn cập nhật mới nhất và cách điền

Từ khóa » Trình độ Meaning