Trồng Lúa Bao Lâu Thì Thu Hoạch? Quy Trình, Kỹ Thuật Trồng Và Chăm ...

Trồng lúa bao lâu thì thu hoạch? Thông tin chi tiết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa Để gối thêm vụ 3, vụ 4 nhằm tăng sản lượng thóc lúa mỗi năm, bà con đang hướng đến sử dụng các giống lúa ngắn ngày, lúa lai. Điều đáng quan tâm là trồng lúa bao lâu thì thu hoạch? Bài viết dưới đây sẽ là câu trả lời. Khomay3a cũng chia sẻ trọn bộ kỹ thuật trồng lúa để quý bà con tham khảo.

1. Các vụ lúa trong năm

Miền Bắc thường có 2 vụ lúa chính: đông xuân và mùa.

Miền Trung, miền Nam thời tiết khí hậu thuận lợi, ngoài 2 vụ chính còn có thêm vụ hè thu. Một số vùng có thể trồng thêm vụ thu đông với các giống lúa ngắn ngày.

Trồng lúa bao lâu thì thu hoạch? Một số giống lúa ngắn ngày như P6ĐB, vụ mùa chỉ từ 75 - 85 ngày, vụ xuân từ 105 - 110 ngày được thu hoạch. Giống lúa IR50404 cũng có thể canh tác được 3 vụ/năm với thời thu hoạch chỉ từ 85 ngày. Giống lúa OM218 có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày

2. Kỹ thuật xử lý hạt giống

Các loại lúa ở Việt Nam có rất nhiều loại khác nhau bao gồm các loại cho năng suất cao, ngắn ngày, hạt dẻo, thơm… Một số giống lúa thuần phổ biến như: Giống lúa LTh31, HDT10, Gia Lộc 37, N26, PC26…

Cách ủ lúa lên mầm nhanh nhất:

  • Ngâm thóc giống trong nước ấm từ 10 - 15 phút. Đem ra rửa, đãi bỏ hạt lép nổi trên mặt.
  • Tiếp tục ngâm với nước sạch từ 24 - 36 giờ với giống lúa thuần và ngâm 8 - 12 giờ với giống lúa lai. Bẻ ngang nếu thấy hạt thóc có màu trắng trong suốt thì vớt ra đem ủ.
  • Ủ trong điều kiện nhiệt độ ấm vừa phải. Khi đã nảy mầm dài bằng ½ hạt thì đem gieo mạ.

3. Quy trình trồng lúa

a. Làm đất

Làm sạch cỏ, phơi ải. Vụ đông xuân sẽ trục đánh bùn và san bằng mặt ruộng. vụ hè thu sẽ cày sâu thêm từ 15 - 20cm sau đó phơi ải trong khoảng 1 tháng thì mới cày bừa và cấy.

b. Làm mạ

  • Làm mạ dày xúc để cấy

Chọn nơi khuất gió, cày bừa kĩ, bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục. Liều lượng: 3 tạ phân chuồng + 15 - 20kg lân + 25kg NPK loại 6 - 11 - 2 cho 1 sào bắc bộ.

Lên luống rộng 1,2 - 1,4m, san phẳng, phủ lớp bùn dày 2 - 25cm. Xoa đều rồi gieo mạ. Trung bình 1kg thóc giống gieo được 6 - 7m2. Khi mạ được 15 - 18 ngày, có nhiều rễ trắng thì xúc lên, đem đi cấy.

  • Làm mạ khay

Dùng đất bùn để khô, sàng mịn sau đó cho vào các lỗ nhỏ của khay mạ. Chuẩn bị đường ray cho bánh xe của máy gieo mạ. Tưới nước ẩm lên lớp đất. Tiến hành gieo 150 - 200g thóc/ khay.

Sau khi gieo, phủ một lớp đất mỏng, không cần tưới nước. Tiến hành xếp chồng các khay lên nhau, đảm bảo độ ẩm.

Khi cây mầm được 0,5cm thì đem ra vườn ươm chăm sóc, nhiệt độ dưới 15 độ C. Cấp đủ lít nước/khay/ngày. Khi cây mạ đạt 10 - 20cm thì có thể đem gieo sạ.

c. Gieo sạ, cấy

Gieo sạ với mật độ từ 100 - 120kg/ ha. Sử dụng máy gieo sạ kéo tay hoặc máy gieo liên hợp. Khoảng cách giữa 2 hàng là 20cm. 95% các tỉnh phía nam đều áp dụng cách này.

Ở miền bắc thường cấy lúa. Với cây 2 dảnh, chuẩn bị 30kg thóc giống/ ha. Khoảng cách giữa các cây lúa là 20 s 13cm. Bình quân 1m2 sẽ trồng được từ 35 - 45 cây.

4. Kỹ thuật chăm sóc lúa

Bón phân cho cây lúa

  • Bón lót

Bón lót cho ruộng lúa có nghĩa là tiến hành bón phân trước khi cấy, gieo sạ. Bón lót trong quá trình làm đất là thích hợp nhất. Sau khi bón, tiến hành cày bừa, phân sẽ tan đều hơn.

Lượng phân bón lót: 1000m2 (khoảng 3 sào Bắc bộ) sẽ cần: 600 - 900 kg phân chuồng ủ + 5 - 6kg đạm ure + 5 - 6kg kali + 30 - 45kg phân lân.

Nếu không bón lót phân chuồng, bà con có thể bón phân trước khi cấy. Sử dụng: 6 - 7kg đạm ure + 30 - 50kg lân + 6 - 7kg kali cho 1000m2 đất ruộng.

  • Bón thúc

Bón thúc cho lúa là gì? Bón thúc chính là bón phân cho lúa vào các thời kỳ sinh trưởng nhất định. Nhằm cung cấp dinh dưỡng để cây phát triển tốt, cho năng suất cao.

Bón thúc lúa đợt 1:

Tiến hành bón sau khi gieo sạ/ cấy từ 7 - 10 ngày. Lượng phân: 25 - 30kg đạm ure + 6 - 7kg kali. Bón cho 1000m2 ruộng lúa.

Bón thúc đợt 2:

Tiến hành bón sau khi cấy từ 20 - 25 ngày. Liều lượng phân bón: 20 - 25kg đạm ure + 6 - 7kg kali. Cũng dùng để bón cho 1000m2 ruộng lúa.

  • Bón phân đón đòng

Sau khi cấy từ 45 - 50 ngày, bà con nên sử dụng bảng so màu lá lúa để so sánh với ruộng lúa để bổ sung lượng đạm cần thiết cho cây kịp thời.

Bảng so màu có 6 màu tất cả. Nếu lá lúa tương ứng khung màu 1, 2, 3 có nghĩa là lúa thiếu đạm. Cần bón thêm 40 - 80kg đạm/ha. Nếu lá lúa tương ứng khung màu số 4 nghĩa là đủ đạm. Còn màu lá tương ứng màu 5, 6 nghĩa là thừa đạm. Bà con nên điều chỉnh lượng phân đạm. Không nên bón quá nhiều, vừa lãng phí lại khiến lúa bị lốp, đổ sớm, năng suất giảm.

Làm cỏ lúa

Nhận dạng các loại cỏ dại phổ biến ở ruộng lúa:

  • Nhóm cỏ dại 1 lá mầm: cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ túc, cỏ lông công, có đuôi chồn
  • Nhóm cỏ dại cói, lác: cỏ cháo, cỏ chác, cỏ lác rận, cỏ lác vuông, cỏ lác hến
  • Nhóm cỏ dại 2 lá mầm: cỏ xà bông, cỏ vẩy ốc, rau mương, rau mác bao, cỏ đồng tiền, rau bợ

Các phương pháp quản lý cỏ dại ở ruộng lúa:

  • Điều chỉnh lượng nước trong ruộng lúa

Giữ mức nước phù hợp ở trong cánh đồng lúa vừa đảm bảo độ ẩm để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Đồng thời cũng khống chế cỏ dại mọc xung quanh, tránh giành chất dinh dưỡng.

  • Nhỏ cỏ bằng tay

Khi cỏ mới mọc, cây lúa còn nhỏ, bà con có thể làm cỏ bằng tay - dùng tay nhổ cỏ dại trong ruộng. Cách này sẽ tốt cho lúa. Tuy nhiên, đi lại trong ruộng lúa khi cây còn nhỏ cũng phải khéo léo, tránh làm hỏng cây lúa.

  • Phun thuốc trừ cỏ

Phun thuốc trừ cỏ lúa là cách phổ biến hiện nay để phòng trừ cỏ dại, đặc biệt là với cánh đồng lúa rộng. Trước khi phun, bà con cần chuẩn bị bình phun thuốc sâu bằng ắc quy 3A, thuốc trừ cỏ, xô lấy nước và mặc quần áo bảo hộ. Tiến hành pha thuốc theo đúng hướng dẫn trên bao bì.

Bà con có thể phun ở giai đoạn tiền nảy mầm: Với hình thức gieo sạ, sau khi gieo 1 - 4 ngày thì dùng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm phun cho cả ruộng. Liều lượng: 50 - 60ml sofit/ bình 16 lít. Phun 2 bình cho 1000m2. Đợi 2 - 3 ngày sau đó, cho nước vào ngập mặt ruộng. Hoặc cũng có thể dùng Acenidax 17WP để rải lên ruộng lúa trừ cỏ.

Diệt cỏ ở giai đoạn hậu nảy mầm: Sau 7 - 20 ngày trên ruộng vẫn còn cỏ thì dùng thuốc phun. Bà con có thể dùng thuốc Cantanil 550EC. Tiến hành pha 60ml cho bình phun 16 lít nước. Phun 2 bình cho 1000m2 đất ruộng.

  • Lưu ý khi dùng thuốc trừ cỏ lúa

Dùng đúng loại thuốc theo khuyến cáo. Mỗi ruộng sẽ mọc cỏ dại khác nhau. Có thể là 1 loại hoặc nhiều loại. Bà con xem xét các nhóm cỏ trên ruộng mình để mua thuốc trừ cỏ tận gốc.

Phun trừ cỏ đúng thời điểm. Như đã trình bày, thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm sẽ có tác dụng từ 1 - 4 ngày sau khi gieo sạ/cấy. Còn thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm thì có tác dụng từ 6 - 20 ngày sau khi cấy. Nếu phun vượt quá thời gian này, tỉ lệ đạt được sẽ không cao.

Dùng đúng liều lượng theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Nhiều thuốc quá có thể khiến cây lúa bị ngộ độc là cháy lá, lùn lá, còi cọc hoặc chết. Nếu ít quá, sẽ không có tác dụng diệt cỏ dại.

Dùng đúng cách các loại thuốc trừ cỏ.

Quản lý nước trong ruộng lúa

Đây là kỹ thuật chăm sóc cây lúa cực kỳ quan trọng. Bà con phải điều chỉnh lượng nước trong ruộng theo từng thời kỳ phát triển của cây thì mới cho năng suất cao.

Sau gieo sạ từ 2 - 3 ngày, không nên để nước ngập ruộng, ảnh hưởng xấu đến quá trình hạt thóc nảy mầm. Với phương pháp cấy thì chỉ nên duy trì nước ngập tối đa ½ thân lúa.

Sau khi gieo sạ từ 5 - 20 ngày, bổ sung lượng nước xâm xấp mặt ruộng, không để đất quá khô.

Thời kỳ đẻ nhánh - sau cấy từ 20 - 25 ngày, duy trì mực nước ngập sâm sấp mặt ruộng. Nước quá nhiều sẽ khiến khả năng đẻ nhánh của lúa giảm. Trong giai đoạn đẻ nhánh, giữ mực nước ổn định từ 3 - 5cm. Sau thời kỳ đẻ nhánh (30 - 40 ngày sạ), để ruộng cạn nước, khô ráo.

Giai đoạn trỗ bông, mực nước trong ruộng nên duy trì từ 5 - 10cm. Nếu ngập nước sâu, bông sẽ bị thối. Còn nước cạn, đất khô, hạt lúa sẽ bị lép nhiều.

Cây lúa ở thời kỳ chín sữa, duy trì mực nước từ 3 - 5cm.

Thời kỳ lúa chín sáp (10 ngày sau trổ bông), duy trì mực nước sâm sấp mặt ruộng. Đến cuối thời kỳ chín sáp (nghĩa là sau khi trổ bông 20 ngày), rút cạn nước mặt ruộng.

Thời kỳ chín, thu hoạch, lúc này cây lúa không cần nước nhưng độ ẩm trong đất vẫn phải đạt từ 60 - 70%.

5. Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu đục thân bướm hai chấm

Con đực thân dài 8 - 9mm. Đầu, ngực và cánh trước có màu nâu vàng nhạt. Mép bên ngoài có từ 8 - 9 chấm đen nhỏ. Con sâu cái có thân dài từ 10 - 13mm, toàn thân có màu trắng vàng hoặc màu vàng nhạt. Bụng có chùm lông màu vàng nhạt. Vòng đời của chúng thường từ 50 - 55 ngày.

Con sâu non sẽ đục vào thân lúa từ giai đoạn cấy cho đến khi làm đòng. chúng cắt đứt ngang đọt, làm cho lúa bị héo đọt và chết. Giai đoạn lúa trổ, chúng cắt ngang cuống bông gây hiện tượng bông bạc.

Phòng trừ:

  • Trồng giống lúa ngắn ngày.
  • Giảm mật độ gieo trồng lúa.
  • Ngâm ruộng diệt sâu non trước khi trồng mùa vị tiếp theo.
  • Cân đối lượng phân đạm, không nên bón quá nhiều đạm tốt thân hại thóc.
  • Dùng thuốc trừ sâu bệnh Padan 95SP, Gegent 800WP...

Sâu cuốn lá nhỏ

Sâu này có vòng đời từ 30 - 37 ngày. Khi sâu non mới nở, chúng sẽ bò khắp ruộng để ăn phần lá non. Chỉ chừa lại lớp màng mỏng trắng. Chúng sẽ di chuyển dần đến lá già, nhả tơ bên bìa lá, khiến lá khô, co lại thành một cái bao theo chiều dọc thân lá. Đây là nơi ẩn náu của chúng.

Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ:

  • Gieo trồng với mật độ thích hợp
  • Dọn dẹp, làm sạch cỏ xung quanh và dưới ruộng để chúng không có nơi ẩn náu.
  • Sử dụng thuốc đặc trị sâu cuốn lá nhỏ khi mật độ sâu trên 20 con/m2. Tuy nhiên, bà con lưu ý không nên phun trong giai đoạn 40 ngày sau khi sạ. Nó có thể làm giảm hiệu quả. Các loại thuốc hóa học như: VIRTAKO 40 WG; PADAN 95SP; ALFATAC 600WP; DIAZAN 50ND; Regent 800WG….

Rầy nâu hại lúa

Đây là loại côn trùng thường gặp khi trồng lúa. Chúng gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu.

Rầy nâu sẽ chích hút nhựa cây làm cản trở quá trình trao đổi chất. Hệ quả, cây lúa bị khô héo, gây hiện tượng cháy rầy. Đồng thời tại các vết chích hút đó sẽ tạo điều kiện cho virus, nấm, vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. Điển hình là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Biện pháp phòng trừ:

  • Diệt cỏ, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng.
  • Lưu ý mật độ gieo sạ, không sạ quá dày
  • Nhỏ bỏ những cây bị rầy nâu làm hại
  • Có thể dùng dầu gassoil đổ lên mặt nước với liều lượng 5 - 7 lít/ha. Dùng que nhỏ lung lay cây lúa khiến rầy rơi xuống mà chết
  • Bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu sau: ALIKA 247 SC; ACTARA 25 WG, BASSAN 50 EC , CHESS 50 WG; JETAN 50 EC, ANPROUD 70 DF …

Bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn có thể gây hại cho bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt ở bất cứ thời điểm nào. Bệnh khiến cây khô héo chết; xuất hiện vết bệnh to, màu nâu nhạt, cháy lá lúa…

Biện pháp phòng trừ:

  • Bón phân liều lượng hợp lý, không bón quá nhiều N khi lúa bị nhiễm bệnh
  • Duy trì mức nước trong ruộng lúa cho cây ở các thời điểm thích hợp
  • Sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hại lúa: Fuji –one 40WP, Bump 650WP, Filia 525SE, Kasai-S 92SC, Kabim 30WP, Kabum 650WP, Bankan 600WP, Bemsuper 75WP, Katana 20SC, Fu-army 40EC,…

6. Thời điểm và phương thức thu hoạch lúa

Trồng lúa bao lâu thì thu hoạch - Thời điểm thu hoạch lúa tốt nhất

Xác định đúng thời điểm thu hoạch để tránh bị hao hụt về số lượng và cả chất lượng thóc. Vì nếu thu hoạch quá sớm, tỉ lệ gạo tấm nhiều, gạo nguyên ít. Còn nếu thu hoạch quá muộn, thóc vàng nằm trên đồng dễ bị côn trùng, chim chuột cắn phá. Cây lúa dễ bị đổ nghiêng ngả, giảm năng suất.

Thời điểm lúa chín: Thường thì những hạt lúa ở nhánh gié cấp 1 sẽ chín trước. Lúa ở nhánh gié cấp 2, cấp 3 chín sau. Nhưng bà con không thể đợi cả ruộng chín hoàn toàn được. Lúc này. nên thu hoạch trước 1 tuần khi cả ruộng lúa chín hoàn toàn. Ít nhất 85% hạt lúa trên cánh đồng đã chín vàng, ở cổ bông đã chín sáp.

Trước khi thu lúa: tháo cạn nước trong ruộng trước 7 - 10 ngày. Và tiến hành gặt lúa khi trời nắng.

Các phương thức thu hoạch lúa phổ biến

  • Bằng liềm: Trường hợp ruộng lúa bị đổ, ngã hoặc diện tích trồng lúa nhỏ, ruộng bậc thang thì sẽ dùng liềm cắt. Cách này năng suất thấp, cần nhiều nhân công nên không khả thi với cánh đồng lúa.
  • Máy cắt lúa cầm tay chạy bằng xăng: Thích hợp với ruộng có diện tích nhỏ, ruộng bậc thang, ruộng thụt.
  • Máy gặt, đập liên hoàn: Những cánh đồng lúa rộng lớn, bằng phẳng, các hợp tác xã trồng lúa thì nên sử dụng máy gặt đập liên hoàn. Mục đích để tiết kiệm nhân công, thời gian thu hoạch, giảm hao hụt.

7. Bảo quản thóc sau khi thu hoạch

Sau khi nắm bắt được trồng lúa bao lâu thì thu hoạch, sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bà con cách bảo quản lúa sau khi thu hoạch. Lúa sau khi thu hoạch đem về bà con nên phơi nắng ở sân gạch, sân xi măng. Rải lớp mỏng từ 5 - 10cm. Không ủ đống trong bao thóc dễ bị mọc mầm.

Thời gian phơi từ 2 - 3 ngày nắng đều. Trong khi phơi, 1 - 2 tiếng phải đảo một lần để hạt thóc khô đều và không bị nứt. Hạt thóc khô đến độ ẩm khoảng 13 - 14 % là được. Trường hợp muốn bảo quản lâu hơn thì độ ẩm phải dưới 13%.

Vụ hè thu, thời gian thu hoạch thường vào mùa mưa, thời tiết nắng mưa thất thường. Nếu sau khi gặt về trời không nắng, bà con nên để thóc ở nơi khô thoáng, tránh ủ đống. Các hợp tác xã nên có phương án sấy khô thóc bằng máy sấy để hạt thóc không bị mọc mầm, không ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất.

Thóc sau khi phơi khô cần được bảo quản ở nơi khô thoáng. Không để tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và môi trường ẩm ướt.

Với quy mô sản xuất lớn, kho bảo quản lúa phải có biện pháp chống thấm từ nền, sàn, tường, mái. Hạn chế sự xâm nhập của không khí và độ ẩm bên ngoài. Nhà kho kín, kiên cố, không để chim chuột, động vật gặm nhấm phá hoại.

Bà con thường xuyên theo dõi tình trạng đống thóc. Nếu độ ẩm vượt quá 14% và nhiệt độ ngoài trời cao tới 39 độ C thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.

Trên đây, chúng tôi đã giải đáp thắc mắc trồng lúa bao lâu thì thu hoạch và chia sẻ toàn bộ kỹ thuật trồng lúa. Chúc bà con áp dụng và có vụ mùa bội thu.

Công ty CPĐT Tuấn Tú - Địa chỉ: Số 2, Ngõ 2, Đường Liên Mạc, P. Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Hotline : 02422050505 – 0945796556 - 0984930099 - Email: khomay3a@gmail.com - Website: https://khomay3a.com - Fanpage: https://web.facebook.com/Congtycpdaututuantu

Từ khóa » Tôm Tất Quy Trình Trồng Lúa Nước