Trong “thế Giới” ôsin Thời Công Nghệ 4.0 - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Dịch vụ ô sin khỏa thân bùng nổ tại nhiều nước với giá trên trời
Nghề đề cao sự chu đáo, trung thực
Ôsin giờ đây không chỉ dùng để chỉ người giúp việc nhà đơn thuần mà bao gồm cả người chăm người bệnh, chăm sóc trẻ con, người giúp việc nhà theo giờ, người chăm thú cưng... Thông thường nhắc tới người giúp việc, người ta nghĩ ngay tới các bà, các chị. Nhưng thực tế nghề này cũng quy tụ nhiều đàn ông. Công việc của họ thường là chăm vườn cây cảnh, đảm bảo an ninh, sửa chữa đồ đạc, điện nước, lái ôtô…
Ngoài việc chăm chỉ, ý tứ, sạch sẽ, tươm tất và chu đáo, còn một yếu tố quan trọng bậc nhất là ôsin phải thật thà, trung thực. Người giúp việc là những phụ nữ đã có tuổi, cuộc sống độc thân, không vướng bận chuyện gia đình và con cái luôn luôn là sự lựa chọn hàng đầu với những gia đình thành phố hiện nay.
Anh Nguyễn Xuân Bách, Giám đốc một công ty kinh doanh hàng xuất nhập khẩu hoa quả cho biết thêm, lúc bà xã nhận chị Năm đã gần 60 tuổi dưới quê lên giúp việc, tôi hỏi dò rất cặn kẽ về hoàn cảnh gia đình, chồng con, cháu chắt, cuộc sống dưới quê, nhu cầu riêng… Tôi thử bỏ quên mấy trăm ngàn dưới bàn làm việc để thử lòng, chị nhặt khi quét dọn nhà và đưa cho vợ tôi. Tôi thấy hối hận đã xin lỗi chị nhưng cũng từ đó mà chị sống với gia đình tôi như một thành viên, quản lý mọi thứ, tuyệt đối tin tưởng.
Từ dưới nông thôn, quê mùa chân ướt chân ráo lên sống ở thành thị, đối với nhiều người giúp việc, mọi thứ đều quá xa lạ, ngỡ ngàng và phải mất một thời gian mới hòa nhập, quen dần. Thế nhưng, muốn quan hệ công việc ổn định lâu dài và ổn thỏa thì cả người giúp việc với chủ nhà cần có sự tin cậy, tôn trọng nhau.
Nghề ôsin bây giờ không chỉ dành riêng những người ở thôn quê, ít học, nhà nghèo mà cả sinh viên, cử nhân cũng chen chân kiếm thêm thu nhập trong lúc đi học hoặc chờ xin việc. Chủ nhà chọn ôsin nhưng cũng không hiếm chuyện ôsin chọn chủ nhà. Với những cô gái trẻ đi giúp việc nhà, điều lo sợ nhất là bị chủ lạm dụng tình dục, đánh đập hoặc mắng chửi.
Hoàng Thị Lợi, 25 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Hồng Bàng, kể: “Có mấy người giới thiệu em làm ôsin cho nhà chủ khá giả bên đô thị Phú Mỹ Hưng. Lần đầu đến nhà giúp việc cho một bà cô luống tuổi, người miền Bắc, em dọn phòng ở của ông chủ. Bà cứ lên xuống thập thò, giám sát. Cho đến khi ông tập thể dục về, bà ngồi luôn trong phòng nhìn em gườm gườm…
Linh cảm em biết bà ấy ghen, sợ ông chủ với em có gì đó. Chưa hết, bà hoạnh họe em đủ điều từ việc rửa chén bát không sạch trắng, lau kính cửa không sát góc khung, lại hay bỏ dép bên ngoài mà không chùi chân khi vào nhà trong… Em bỏ việc sau khi làm đúng một tuần. Giờ thì em chọn công việc làm theo giờ để tự do hơn, có chủ nhà giám sát và không muốn đi ở giúp việc”.
Nếu ở cùng gia chủ, người giúp việc thường được hưởng từ 3 đến 5 triệu đồng. Còn lương theo giờ khoảng 30 đến 50 ngàn đồng/giờ, thu nhập cao hơn nếu có nhiều mối để làm liên tục. Khó khăn nhất của các cô gái còn trẻ khi giúp việc nhà, nếu là người lạ mới quen đều phải suy nghĩ, đắn đo về tuổi tác, tính tình, cách ăn, nếp ở của bà chủ và ông chủ, cô chiêu, cậu ấm trong nhà rồi mới quyết định làm việc hay không.
Việc tìm các ôsin có kỹ năng chăm trẻ, yêu trẻ là điều không đơn giản với nhiều gia đình. |
Bà Ngàn, 64 tuổi, quê ở huyện miền núi Nghệ An nói giọng đặc sệt xứ Nghệ đã được chị Linh, vợ anh Bình ở Tân Bình - Tổng Giám đốc một công ty liên doanh rước về giúp việc gia đình từ khi sinh con trai đầu lòng nay đã hơn 20 tuổi. Hằng ngày, hai anh chị đi làm ở hai cơ quan khác nhau, việc nhà, việc chăm giữ hai cậu con từ khi còn nhỏ đến việc học hành do một tay bà lo.
Hai con trai của anh Bình được bà yêu thương, chăm bẵm từ bé “nhiễm” luôn giọng nói địa phương của bà. Món ăn, sở thích, giờ giấc… tất tần tật đều nghe bà răm rắp. Bà đi về quê vài hôm là mấy đứa bỏ ăn bỏ uống, nằng nặc đòi mẹ đưa bà lên.
Cô Nguyễn Thị Hà là người giúp việc cho nhà vợ chồng anh Bá, chị Hiền. Cơ duyên vào 28 năm trước, khi anh Bá làm Giám đốc một công ty chuyên xây dựng cầu đường, cô được mời về giúp việc nhà phụ vợ anh lúc sinh con đầu lòng. Mọi chuyện trong nhà từ khi có bàn tay cô Hà trở nên tươm tất, sạch sẽ gọn gàng đến mức những ngày Tết cô về quê, hai vợ chồng anh chỉ còn biết mua đồ siêu thị hoặc ra quán ăn vì vợ anh không sành nấu nướng, nấu không vừa miệng các con. Đi du lịch, anh chị thường đưa cô đi cùng như người thân trong nhà, các con thì coi cô như người mẹ thứ hai.
Đỏ mắt tìm ôsin đạt chuẩn
Xoay theo guồng quay công việc, nhiều gia đình ở thành phố bận rộn đến nỗi họ không có thời gian lo việc nhà, chăm sóc con cái hoặc người ốm đau, bệnh tật. Đặc biệt, ở các gia đình có ít thành viên, chỉ có vợ chồng và con nhỏ, nhu cầu thuê ôsin càng cấp bách.
Bà Trần Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết mỗi năm thành phố cần đến 10.000 người giúp việc nhưng thị trường chỉ mới cung ứng được 30%. Dịp cuối năm, nhu cầu này tăng mạnh trong khi người giúp việc lại kéo nhau về quê ăn Tết. Do vậy nhiều người phải vin tới dịch vụ giúp việc theo giờ. Lương bổng những ngày này dù được nâng lên gấp đôi, gấp ba nhưng không mấy gia chủ tuyển được ôsin ưng ý.
Việc các trung tâm mặc nhiên cho người đăng ký làm ôsin tự chịu trách nhiệm về bản khai lai lịch, nhân thân, quá trình làm việc khiến số ôsin kém chất lượng nhiều vô kể. Có bà gia chủ phàn nàn rằng, họ phát hiện ôsin nhà mình (do một trung tâm nổi tiếng giới thiệu) hay đi ra chợ buôn chuyện, mượn danh gia chủ “nổ” mình là giáo sư rồi lừa tiền thiên hạ. Thế nhưng khi gia chủ này sa thải ôsin và phản ánh lên trung tâm, họ không lưu lại vụ việc. Vài tháng sau, khi đi tìm ôsin ở một trung tâm khác, bà gia chủ đụng ngay ôsin cũ với bản lai lịch và quá trình làm việc đẹp như mơ.
Nhiều ôsin vẫn coi giúp việc là một công việc tạm thời chứ không gắn bó lâu dài nên họ không đầu tư tâm sức, tay nghề, kỹ năng. Cũng vì quan niệm này nên nếu nơi đâu lương cao hơn là họ nhảy việc, yêu sách đòi tăng lương... hoặc gây ra những vụ việc đáng tiếc với gia chủ.
Do chọn lựa không kỹ, không nắm được lai lịch, đạo đức ôsin nên tình trạng trộm cắp, bạo hành trẻ em, người già, dan díu với chủ nhà của những ôsin “hổ, báo” mà báo chí, mạng xã hội phán ánh diễn ra nhan nhản. Cuối năm ngoái, vụ bà Nguyễn Thị Hàn, 59 tuổi, giúp việc cho gia đình chị P. nhiều lần đánh tát vào đầu bé sơ sinh mới 2 tháng tuổi tại Nam Định gây rúng động dư luận. Người lạ đã thế, thuê ôsin là bà con, họ hàng nhiều khi cũng mang họa nếu gia chủ không hiểu rõ nết ăn nết ở của họ hoặc gia chủ thiếu đề phòng, cảnh giác.
Mới đây, Công an TP Cần Thơ bắt giữ Lê Hồng Thảo, 38 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, cháu ruột và cũng là người giúp việc cho vợ ông Nguyễn Hoàng Dũng. Nhân lúc vợ chồng ông Dũng đi vắng, Thảo lén trộm 100 cây vàng SJC mà gia đình cất giấu nơi đầu tủ. Lúc mới phát hiện mất tài sản, gia đình ông Dũng cũng không nghi ngờ gì cô cháu gái bên vợ. Đến khi gia đình trình báo Công an, thủ phạm bị điểm mặt chỉ tên thì vợ chồng mới tá hỏa.
Không hiếm ông chủ, thiếu gia “chết” vì ôsin, dẫn đến tan nhà, nát cửa. Trường hợp này chị Hồng Ch. ở đường Trường Sơn, quận 10 kể lại bằng giọng ấm ức: Mấy năm trước, hai vợ chồng đều đi làm ở trên Gò Vấp, nhà lại có 2 phòng cho thuê nên tôi trả công cho một cô gái tên H. nấu cơm, giặt giũ cho cậu con trai và ông nhà. Thấy con nhỏ đàng hoàng, lớn hơn con tôi mấy tuổi nên rất an tâm, tin tưởng.
Chẳng ngờ, có một ngày hai vợ chồng “chết đứng” như Từ Hải khi nghe con trai không muốn học đại học mà đòi cưới chị H. Sau đó, anh chị dùng mọi biện pháp để đưa cậu con ra nước ngoài du học, còn cô H. chắc chắn phải rời khỏi nhà.
Chị Hồng Ch. mỗi khi nhắc đến người giúp việc là chị gọi là “bà ôsin” vì ngay sau khi tóm được trái tim cậu con trai chị, cô H. giở trò ngay, cô đóng vai bà chủ và sai cậu chủ giặt đồ, mua cơm, trà sữa về cho “em uống” vì “em mệt nè”…
Không phải ôsin nào cũng có thể mang đến cho gia đình chủ niềm tin tưởng và dốc hết tâm sức vun vén, hỗ trợ cho gia đình nhà chủ hạnh phúc. Một cán bộ cấp Trung ương mới nghỉ hưu ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng kể rằng trong nhà có một cô cháu gái trên 40 tuổi, là người bà con bên vợ giúp việc nhà, hủ hỉ với vợ những năm anh thường xuyên công tác tại Hà Nội.
Trong khu biệt thự, anh có dành một phòng làm kho để những vật kỷ niệm hầu để về sau trưng ra nhìn ngắm. Ai ngờ, một ngày kia, khi dọn dẹp lại phòng ốc, anh giật mình phát hiện kho báu của mình chỉ còn đúng hai chai rượu vang, còn tất cả mọi thứ đều không cánh mà bay. Trị giá của những vật đã mất không nhỏ, nhưng tiếc hơn là những vật đều có bút tích, kỷ niệm, kỷ vật về anh em, bạn bè, đồng đội anh.
Ôsin trong nhà lại là bà con của vợ. Do đó, anh và vợ bắt đầu ngấm ngầm có “chiến tranh lạnh” sau khi cố khuyên lơn cô cháu trả lại những gì đã lấy đi. Bị chất vấn, cô ôsin này tuyên bố xanh rờn: “Cháu mang đi bán lấy tiền tiêu hết rồi vì tưởng là của dì dượng bỏ không dùng!”.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Người giúp việc như người nhà! Tôi bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm nay nên dù trong nhà chỉ có hai vợ chồng, con trai lớn đã đi du học, tôi vẫn phải thuê người giúp việc. Cũng may có người cáng đáng việc nhà nên bệnh tình của tôi đỡ hơn. Tôi coi họ như người thân, tin tưởng và tôn trọng vì đó cũng là một nghề lương thiện như bao nghề khác chứ không có gì đáng xấu hổ, kỳ thị. Họ làm gì sai mình chỉ nhắc nhẹ nhàng chứ không có chuyện mắng chửi. Người giúp việc tôi chọn toàn là bà con hoặc người quen ở Quảng Nam vì gần họ, tôi như được gần quê. Mình không yên tâm khi nhờ trung tâm môi giới. Tôi biết nhiều trung tâm cứ đợi hết 2 tuần là giục người giúp việc bỏ qua nhà khác làm để họ tiếp tục hưởng tiền môi giới. Trung tâm nào cũng quảng cáo người giúp việc bên mình kinh nghiệm, uy tín, lâu năm… trong khi rất nhiều trong số đó mới lần đầu đi làm. l Bà Trần Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu cần người giúp việc rất cao. Mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần đến hơn 10.000 người giúp việc nhưng thị trường chỉ mới cung ứng được 30%. Dịp cuối năm, nhu cầu này tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đáng tiếc, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, người giúp việc Việt Nam vẫn chưa được chọn lọc kỹ càng về hạnh kiểm, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ. |
Từ khóa » đi ở đợ Là Gì
-
ở đợ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "ở đợ" - Là Gì?
-
Từ ở đợ Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt - ở đợ Là Gì?
-
ở đợ Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Nghĩa Của Từ Ở đợ - Từ điển Việt
-
Ở đợ Là Gì, Nghĩa Của Từ Ở đợ | Từ điển Việt - Việt
-
Sự Khác Nhau Giữa ôsin Và ở đợ - VnExpress
-
"ở đợ" Là Gì? Nghĩa Của Từ ở đợ Trong Tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt
-
Éo Le Cảnh Người đẹp Lâm Na Anh đi ở đợ - Tiền Phong
-
ở đợ Trong Tiếng Anh, Câu Ví Dụ, Tiếng Việt - Glosbe
-
Chí Phèo Có Chí Lớn - .vn
-
Khu Tái định Cư... Toàn Nợ - Thư Viện Pháp Luật
-
Xung Quanh Nghề Giúp Việc Nhà ở Việt Nam - Radio Free Asia