Từ Vựng Thần Học Thánh Kinh: Lòng Thương Xót - TGP SÀI GÒN
Có thể bạn quan tâm
Rõ ràng ngôn từ thông dụng hằng ngày chịu ảnh hưởng bởi tiếng Latin của Giáo hội nên đã đồng nhất lòng thương xót với tình thương hay sự tha thứ. Sự đồng nhất này dù có giá trị nhưng lại gặp nguy cơ che khuất ý nghĩa cụ thể phong phú mà nhờ kinh nghiệm, Israel đã gán đặt cho từ ngữ này. Thật vậy, đối với Israel, lòng thương xót được nhận thấy ở sự giao thoa của hai dòng chảy tư tưởng, đó là tình thương và trung thành.
Hạn từ đầu tiên theo tiếng Do thái (rahamim) diễn tả sự gắn kết bản năng của một người đối với người khác. Theo những người Xê-mít (sémites) cảm xúc này bắt nguồn từ trong lòng mẹ (rèhèm: 1 V 3,26), trong tình cảm – mà chúng ta nói là tấm lòng – của người cha (Gr 31,20; Tv 103,13) hay của người anh (St 43,30): đây là thứ tình cảm quyến luyến. Nó cũng được diễn dịch ra bằng những hành động như: thương cảm đến một tình cảnh bi đát nào đó (Tv 106,45), hoặc tha thứ cho những lời xúc phạm (Đnl 9,9).
Hạn từ thứ hai theo tiếng Do thái (hèsèd), thường được dịch sang tiếng Hy lạp bằng một từ nó cũng diễn tả lòng thương xót (eleos), thì tự nó diễn tả lòng thành, tức mối quan hệ nó hợp nhất hai người, và bao hàm ý nghĩa trung thành luôn. Do đó, lòng thương xót có được một nền tảng vững chắc: nó không chỉ còn là tiếng vọng của bản tính tốt lành vốn có thể bị lầm lẫn với đối tượng hay bản chất của tính này, nhưng là một sự tốt lành có ý thức, ý muốn; nó còn là lời đáp lại bổn phận bên trong tâm hồn, tức trung thành với chính mình.
Các bản dịch những từ ngữ Do thái và Hy lạp sang tiếng Pháp thường dao động nghĩa từ lòng thương xót qua tình yêu, phải trải qua tình cảm quyến luyến, thương hại, tình thương, khoan dung, nhân hậu và ngay cả ân huệ nữa (Do thái, hén), tuy nó mang nghĩa rộng hơn nhiều. Tuy có sự đa dạng nghĩa như thế nhưng không thể không giới hạn phạm vi hiểu biết về lòng thương xót của Kinh thánh. Từ khởi đầu đến hoàn thành, Thiên Chúa tỏ bày tình cảm xót thương của Ngài nhân vì đau khổ của con người; đến lượt mình, con người cũng phải bày tỏ lòng thương xót hướng về những người thân cận để bắt chước Đấng Tạo Dựng.
CỰU ƯỚC
I. THIÊN CHÚA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Khi con người ý thức rằng mình bất hạnh hay tội lỗi thì cũng là lúc nơi người ấy được mặc khải, ít hay nhiều, dung mạo của lòng thương xót vô biên.
1. Cứu người khốn khổ. Tiếng kêu cầu của tác giả sách thánh vịnh không ngừng vang vọng: “Lạy Chúa, xin thương xót con!” (Tv 4,2; 6,3; 9,14; 25,16); hay những lời tuyên xưng tạ ơn: “Cảm tạ Giavê vì tình yêu (hèsèd) của Ngài thì thật vĩnh cửu” (Tv 107,1), lòng thương xót mà Ngài không ngừng tỏ bày này đối với những ai kêu cầu Ngài trong cảnh khốn cùng, chẳng hạn những người đi biển trong cơn lâm nguy (Tv 107,23), đối với “con cái Ađam” dù họ có thế nào chăng nữa. Thật vậy, Ngài tự thể hiện như Đấng bảo trợ kẻ nghèo hèn, góa phụ, trẻ mồ côi, đó là những người được Ngài ưu đãi.
Niềm tin không lay chuyển này của những người lòng thành dường như bắt nguồn từ kinh nghiệm xuất hành mà Israel đã trải qua. Mặc dù từ ngữ lòng thương xót không thấy xuất hiện trong câu chuyện kể về sự kiện, nhưng việc giải phóng khỏi Ai Cập được mô tả như một hành động thương xót của Thiên Chúa. Các truyền thống đầu tiên nói về lời kêu gọi của Môisen đã hoàn toàn ám chỉ đến điều này: “Ta đã thấy nỗi khổ đau của dân Ta. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than… Ta biết những nỗi lo của chúng. Ta xuống giải thoát chúng” (Xh 3,7.16). Sau đó, người biên soạn theo truyền thống tư tế thì giải thích quyết định của Thiên Chúa bằng sự trung thành của Ngài với Giao ước (6,5). Vì lòng thương xót, Thiên Chúa không thể chịu đựng được nỗi khổ của dân Ngài tuyển chọn; đó như thể là trong khi kí kết giao ước với dân ấy, Ngài đã làm nên “một dòng giống của Ngài” từ dân này. (x.Cv 17,28): bản tính yêu thương đã kết hợp Ngài với dân Ngài mãi mãi.
2) Cứu người tội lỗi. Đôi khi điều gì sẽ xảy ra nếu dân được tuyển chọn này tách mình khỏi Thiên Chúa bằng tội lỗi? Lòng thương xót sẽ còn mang lấy cả tội lỗi nếu ít ra con người không cứng lòng, vì nó bị xáo động bởi sự trừng phạt mà tội lỗi kéo theo, nên nó muốn cứu vớt người tội lỗi. Do vậy, dù tội lỗi nhưng con người cách sâu thẳm nhất vẫn còn đi vào mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa.
a) Trung tâm mặc khải. Chính ở núi Sinai mà Môisen lắng nghe được Thiên Chúa mặc khải nơi sâu thẳm lòng mình. Dân được tuyển chọn vừa mới bội phản. Thế nhưng Thiên Chúa, sau khi đã khẳng định rằng Ngài tự do thương cách nhưng không những ai Ngài thấy thương (Xh 33,19), thì loan báo rằng trừ khi làm tổn hại danh thánh Ngài, bằng không tình thương của Thiên Chúa có thể chiến thắng tội lỗi: “Giavê là Thiên Chúa nhân hậu (rahum) và đầy ơn sủng (hanun), hay nén giận và giàu lòng thương xót (hèsèd), trung thành (èmèt), giữ lòng xót thương (hèsèd) với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng lại không bỏ qua những điều đó mà trừng phạt lỗi phạm… cho đến ba bốn đời” (Xh 34,6). Thiên Chúa không lờ đi tội lỗi. Ngài để cho những hậu quả do tội gây ra ập xuống người tội lỗi đến ba bốn đời, và điều đó chỉ ra sự nghiêm trọng của tội. Tuy vậy, lòng thương xót của Ngài vốn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến nghìn thế hệ làm cho Ngài hết sức kiên nhẫn. Đó là nhịp điệu sẽ ghi dấu ấn những mối tương quan của Thiên Chúa với dân Ngài cho đến khi Con Ngài đến.
b) Lòng thương xót và sự trừng phạt. Thực vậy, trong suốt chiều dài lịch sử thánh, Thiên Chúa cho thấy rằng, nếu Ngài phải trừng phạt dân chúng phạm tội, thì Ngài cảm thấy động lòng thương ngay khi dân này từ vực sâu khổ đau kêu cầu đến Ngài. Cũng thế, Sách Thủ Lãnh được nhấn mạnh bởi sự giận giữ bùng lên chống lại sự bất trung và lòng thương xót gửi đến cho thủ lãnh vị cứu tinh (Tl 2,18). Kinh nghiệm của các tiên tri sẽ đem lại cho lịch sử này những giọng điệu khác lạ của con người. Hôsê (Osée) vén mở điều này là nếu Thiên Chúa đã quyết định không còn thương lấy Israel nữa (Hs 1,6) và sẽ trừng phạt nó, thì “trái tim Ngài thổn thức, ruột gan Ngài bồi hồi” và Ngài quyết định “không hành động theo cơn nóng giận của Ngài” (11,8); cũng vậy, một ngày nào đó, kẻ bất trung lại một lần nữa được gọi “đón nhận lòng thương xót” (Ruhama: 2,3). Ngay cả khi các tiên tri loan báo những hiểm họa xảy đến thì họ vẫn biết trái tim nhân hậu của Thiên Chúa: “Đối với Ta Ép-ra-im (Éphraim) có phải là đứa con yêu dấu, rất mực được yêu mến, để sau mỗi lần Ta đe dọa, Ta luôn phải nhớ tới nó, lòng Ta bồi hồi thổn thức vì nó, Ta thương nó rất nhiều?” (Gr 31,20; x Is 49,14; 54,7).
c) Lòng thương xót và sự hoán cải. Nếu chính Thiên Chúa đã không ngoảnh mặt trước nổi khổ đau do tội lỗi gây ra như thế, thì tức là Ngài ước muốn người tội lỗi quay về với Ngài, tức sự hoán cải của họ. Nếu một lần nữa Ngài dẫn đưa dân Ngài vào sa mạc thì đó là vì Ngài muốn “thổ lộ tâm tình với nó” (Hs 2,16); sau thời kỳ lưu đày, người ta sẽ hiểu rằng Đức Giavê muốn biểu tượng hóa sự trở về với Ngài, với cuộc sống bằng sự trở về miền đất (Gr 12,15; 33,26; Ed 33,11; 39,25; Is 14,1; 49,13). Vâng, Thiên Chúa “không còn giữ thù oán nữa đâu” (Gr 3,12), nhưng Ngài muốn kẻ tội lỗi nhận ra tâm địa xấu xa của mình; “kẻ gian ác hãy hoán cải trở về với Đức Giavê, Đấng sẽ xót thương, trở về với Thiên Chúa của chúng ta, vì Ngài rộng lòng tha thứ” (Is 55,7).
d) Kêu gọi người tội lỗi. Từ sâu thẳm lòng mình, Israel luôn giữ niềm xác tín về lòng thương xót vốn không có gì của con người: “Người đã đánh đập, Người sẽ băng bó vết thương của chúng ta” (Hs 6,1). “Vị thần nào giống được Ngài, Đấng cất bỏ lỗi lầm, Đấng tha thứ tội ác, Đấng không giữ mãi giận dữ, nhưng là Đấng thích ban ân sủng? Hơn một lần, Ngài đã thương xót chúng ta, chà đạp tội lỗi của chúng ta dưới chân, ném xuống đáy biển mọi lỗi lầm của chúng ta” (Mk 7,18-19). Tiếng kêu cầu của tác giả Thánh vịnh cũng vang vọng không ngừng: “Xin thương xót con nhờ lòng nhân từ của Chúa! Xin xóa bỏ tội lỗi con nhờ lượng từ bi bao la của Chúa” (Tv 51,3).
3) Lòng thương xót đối với mọi xác phàm. Nếu lòng thương xót của Thiên Chúa ở mức độ khác chỉ biết đến sự cứng đầu của kẻ tội lỗi (Is 9,16; Gr 16,5.13), thì dẫu vậy người ta luôn cho điều ấy chỉ dành riêng cho dân tộc được tuyển chọn. Thế nhưng, bằng sự rộng ban đến kinh ngạc, Thiên Chúa cuối cùng đã cho thấy rõ sự nhỏ nhoi còn xót lại của con người (x. Hs 11,9). Sau thời lưu đày, người ta đã hiểu được bài học này. Câu chuyện ông Giôna (Jonas) là một loại châm biếm những tâm hồn chật hẹp chúng không chấp nhận lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa (Gn 4,2). Sách Huấn ca cũng nói rõ: “Lòng thương xót của con người thì dành cho người thân cận, nhưng lòng thương xót của Chúa thì cho mọi xác phàm” (Hc 18,13).
Sau cùng truyền thống chung hết của Israel (x. Xh 34,6; Na 1,3; Gioen 2,3; Nkh 9,17; Tv 86,15; 145,8) được tác giả sách Thánh vịnh thừa hưởng cách tuyệt vời, không thêm bất cứ ghi chú nào đặc biệt: “Đức Giavê thì nhân hậu và đầy ân sủng, chậm giận và giàu lòng xót thương; Ngài chẳng trách cứ luôn, Ngài không giữ oán hờn mãi; Ngài không xử với ta theo tội của ta… Như người cha xót thương con cái mình, Chúa xót thương những ai kính sợ Ngài; Ngài biết chúng ta được nặn nên bằng gì; Ngài luôn nhớ chúng ta là cát bụi” (Tv 103,8-13). “Phúc thay những ai hy vọng nơi Ngài vì Ngài sẽ thương xót họ” (Is 30,18), vì “lòng thương xót của Ngài tồn tại muôn đời” (Tv 136), vì lòng thương xót ở nơi Ngài (Tv 130,7).
II. “ĐIỀU TA MUỐN, ĐÓ LÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”
Nếu Thiên Chúa nhân hậu, vậy làm thế nào Ngài không đòi hỏi các tạo vật của Ngài cũng nhân hậu với nhau? Thế mà cảm xúc này lại không tự nhiên nơi con người: người với người xem nhau như sói! Vua Đavit biết rõ điều này nên ông thích “rơi vào bàn tay Đức Chúa, vì lòng thương xót của Ngài bao la, hơn là vào tay người ta” (2 Sm 24,14). Cũng dựa vào điểm này, Thiên Chúa sẽ dạy dỗ dân Ngài cách từ từ.
Ngài lên án dân ngoại đã dập tắt lòng thương xót (Am 1,11). Điều Ngài muốn đó là người ta giữ giới luật yêu thương anh em (x Xh 22,26) hơn là của lễ (Hs 4,2;6,6); đó là thực hành sự công chính cần được bao bọc bằng một “tình yêu dịu dàng” (Mk 6,8). Nếu người ta thực sự muốn ăn chay thì họ phải cứu giúp người đói nghèo, góa phụ và trẻ mồ côi, không làm ngơ trước người ruột thịt của mình (Is 58,6-11; G 31,16-23). Chắc hẳn phạm vi liên đới anh em vẫn còn bị giới hạn ở giòng tộc hay ở niềm tin (Lv 19,18), nhưng chính mẫu gương của Thiên Chúa sẽ mở rộng dần dần trái tim con người đến với trái tim của Thiên Chúa: “Ta là Thiên Chúa, chứ không phải phàm nhân” (Hs 11,8; x. Is 55,7). Biên cương sẽ lan rộng nhất là nhờ giới răn không được hận thù, không giữ oán hờn. Nhưng điều này sẽ chỉ thật sự được nêu bật qua các quyển cuối của sách khôn ngoan mà dựa vào điểm này đã phác thảo nên thông điệp của Đức Giêsu: sự tha thứ phải tác động đến hết “mỗi người” (Hc 27,30-28,7).
TÂN ƯỚC
I. DUNG MẠO CỦA THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG
1. Đức Giêsu, “Vị Thượng Tế giàu lòng thương xót” (Dt 2,17)
Trước khi thực hiện ý định của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã muốn “trở nên giống các anh em mình” để cảm nghiệm khổ đau của những người mà Ngài đến cứu giúp. Những việc làm của Ngài cũng được diễn giải như là lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng không được các tác giả Tin Mừng nêu lên. Thánh sử Luca đã quan tâm đặc biệt đến việc làm nổi bật lên điểm này. Những người được Đức Giêsu yêu thương hơn là những “người nghèo” (Lc 4,18; 7,22); những kẻ tội lỗi tìm thấy nơi Ngài một “người bạn” (7,34) đã không sợ giao du với họ (5,27.30; 15,1; 19,7). Lòng thương xót mà Đức Giêsu biểu lộ ở một mặt chung nào đó nơi đám đông (Mt 9,36; 14,14; 15,32) thì ở Luca lại mang khuôn mặt riêng tư nhất: tình thương ấy liên quan đến “đứa con duy nhất” của bà góa (Lc 7,13) hay cũng “đứa con duy nhất” của người cha khóc sướt mướt (8,42; 9,38.42). Đức Giêsu cuối cùng biểu lộ một lòng nhân từ đặc biệt đối với những người phụ nữ và dân ngoại. Như thế tính phổ quát dẫn tới sự hoàn thành của Ngài: “mọi xác phàm đều thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (3,6). Nếu Đức Giêsu chạnh lòng thương đến mọi người thì ta hiểu rằng những người sầu khổ chạy đến với Ngài như là đến với Thiên Chúa trong khi lập lại: “Xin thương xót!” (Mt 15,22; 17,15; 20,30).
2. Lòng nhân từ của Chúa Cha
Dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Giêsu chỉ cho thấy qua những việc Ngài làm cũng chính là dung mạo Ngài đã muốn vẽ những nét đặc sắc cho muôn đời. Ngài đã công bố Tin mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa, theo lối ghi trực tiếp những lời loan báo xác thực của Tân ước, cho những người tội lỗi mà họ cảm thấy bị loại trừ khỏi Vương Quốc của Thiên Chúa bằng thái độ nhỏ nhoi của người Pharisiêu. Những ai làm vui lòng Thiên Chúa, đó không phải là những người tin mình công chính, nhưng là những người tội lỗi ăn năn, được ví như chiên hay đồng bạc bị mất và được tìm thấy (Lc 15,7.10); Người Cha đứng ngóng trông đứa con hoang đàng của mình trở về, và khi ông nhận ra con mình ở đằng xa thì ông “động lòng thương” và chạy đi gặp con (15,20). Thiên Chúa đã chờ đợi lâu rồi, Ngài vẫn còn kiên nhẫn chờ đợi Israel nó không chịu hoán cải, như cây vả không sinh trái vậy (13,6-9).
3) Tràn đầy lòng thương xót
Thiên Chúa đúng là “Người Cha giàu lòng thương xót” (2 Cr 1,3; Gc 5,11), Ngài hòa giải với Phaolô (1 Cr 7,25; 2 Cr 4,1; 1 Tm 1,13) và hứa thương xót những ai tin (Mt 5,7; 1 Tm 1,2; 2 Tm 1,2; Tt 1,4; 2 Ga 3). Thánh Phaolô đã biểu lộ cách rõ ràng sự phong phú và tràn đầy của việc thực hiện ý định xót thương trong ơn cứu độ và bình an, đó là ca vang những bài hát dưới ánh hừng đông của Tin mừng (Lc 1,50.54.72.78). Mặc khải này là cao điểm của thư gửi tín hữu Roma. Trong lúc người Do thái đã hiểu sai lòng thương xót của Thiên Chúa khi đánh giá rằng họ được ban cho sự công chính là khởi đi từ những công trạng, từ việc thực hành Lề Luật của họ, thì thánh Phaolô tuyên bố rằng họ cũng là những người tội lỗi, và như thế họ cũng cần lòng thương xót bằng sự công chính của đức tin. Trái với những người Do thái, những dân ngoại vốn không được Thiên Chúa hứa cho điều gì thì đến lượt họ lại được hút vào quỹ đạo rộng lớn của lòng thương xót. Vì vậy, tất cả mọi người phải thừa nhận mình tội lỗi để hưởng lòng thương xót: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong sự bất vâng phục để thương xót tất cả mọi người” (Rm 11,52).
II. HÃY XÓT THƯƠNG…
Sự “hoàn thiện” mà Đức Giêsu, theo Matthêu (5,48), đòi hỏi các môn đệ của Ngài là ở chỗ, theo Luca 6,36, phải biết xót thương “như Cha anh em là Đấng xót thương”. Đây là một điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời (Mt 5,7) mà Đức Giêsu nhắc lại dựa theo tiên tri Hôsê (Mt 9,13;12,7). Tình cảm này đem tôi lại gần với người cùng khổ mà tôi gặp trên bước đường của tôi, như người Samari tốt lành (Lc 10,30-37), và đầy lòng tha thứ đối với những ai đã xúc phạm đến tôi (Mt 18,23,25), bởi vì Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi (18,32). Chúng ta cũng sẽ được phán xét dựa theo lòng thương xót mà chúng ta đã làm, có lẽ một cách vô thức, cho đích thân Đức Giêsu (Mt 25,31-46).
Trong khi nơi dân ngoại thiếu vắng lòng thương xót làm nổi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Rm 1,31) thì người Kitô hữu phải biết yêu thương và “cảm thông” (Pl 2,1), phải có tấm lòng bác ái (Ep 4,32; 1 Pr 3,8); không thể “khóa chặt lòng” trước người anh em đang trong cơn túng thiếu: tình yêu của Thiên Chúa chỉ ở trong những người thực hành lòng thương xót (1 Ga 3,17).
Từ khóa » Sự Thương Xót Tiếng Anh Là Gì
-
Sự Thương Xót Bằng Tiếng Anh - Glosbe
-
Thương Xót Trong Tiếng Tiếng Anh - Tiếng Việt-Tiếng Anh | Glosbe
-
THƯƠNG XÓT - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Nghĩa Của Từ Thương Xót Bằng Tiếng Anh
-
Thương Xót Trong Tiếng Anh Là Gì? - English Sticky
-
THƯƠNG XÓT NGƯƠI Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch
-
TỎ LÒNG THƯƠNG XÓT Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch
-
"Anh Nhanh Chóng Lên đường Về Sự Thương Xót Của Mình." Tiếng Anh ...
-
Xót: Trong Tiếng Anh, Bản Dịch, Nghĩa, Từ đồng Nghĩa, Phản Nghiả, Ví ...
-
Lòng Thương Xót Chúa - SimonHoaDalat
-
Nghĩa Của Từ : Pity | Vietnamese Translation
-
Những Kẻ Có Lòng Thương Xót Sẽ Được Thương Xót
-
Sự Khác Nhau Giữa Sự Thương Xót Và ân điển Là Gì?