Từ Vựng Tiếng Nhật Về Tên Các Tổ Chức Trong Hệ Thống Chính Trị Việt ...

Xin chào! Chúc vị khách tình cờ một ngày thật nhiều niềm vui nhé!

Hôm nay, tôi viết về một chủ đề có lẽ hơi khô khan mà bản thân tôi cũng hiếm khi tiếp xúc trực tiếp và cũng chẳng phải là mối quan tâm thường ngày của tôi nốt, đó là “Chính trị”.

Đây là một chủ đề rộng và phức tạp với một ma trận các thuật ngữ, tên chức danh, tên tổ chức mà đôi khi có thể gây chút rắc rối cho thậm chí những người thường xuyên tiếp xúc với chúng. Vì vậy, bạn đừng kì vọng một kẻ ngoại đạo, mù mờ như tôi có thể cung cấp một ý tưởng hay kiến giải sâu sắc nào về chủ đề này.

Mục đích của bài viết này, như tiêu đề của nó, chỉ đơn giản là giới thiệu các từ vựng tiếng Nhật về bộ máy chính trị của Việt Nam, đồng thời thông qua đó cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thể chế chính trị của đất nước chúng ta. Bởi suy cho cùng, dù làm việc gì ở đâu nhưng một khi đã sống trong xã hội thì cuộc sống của chúng ta vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các chuyển động của chính trị nên việc nắm được những kiến thức chung về chủ đề này thiết nghĩ sẽ hữu ích theo một cách nào đó.

Do hiểu biết còn hạn chế nên nếu có gì thiếu sót mong bạn đọc bỏ qua cho! Thôi không dông dài nữa, mời quý zị đi vào nội dung chính.

1. Hệ thống chính trị Việt Nam (ベトナム統治機構)

Hệ thống chính trị là tổng thể các cơ quan, tổ chức nhà nước, đảng phái, đoàn thể xã hội, nói chung là các lực lượng tham gia, và mối quan hệ giữa các lực lượng đó, chi phối sự tồn tại và phát triển đời sống chính trị của một quốc gia, thể hiện bản chất của chế độ chính trị của quốc gia, con đường phát triển của xã hội. Đôi khi người ta cũng dùng từ “bộ máy chính trị” để chỉ khái niệm này. Bạn có thể dịch từ “hệ thống chính trị” sang tiếng Nhật là: 政治システム.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với thể chế chính trị (政治体制), trở thành tiền đề, điều kiện của nhau. Do đó, trong trường hợp không cần phân biệt một cách nghiêm ngặt thì hệ thống chính trị còn thể dịch là: 政治体制.

Hệ thống chính trị của chúng ta gồm 3 “tiểu hệ thống” (nói đầy đủ theo Hiến pháp 2013 thì hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm 8 tổ chức chính trị nhưng để dễ tiếp cận và trình bày người viết phân ra làm 3 nhóm chính) là:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (ベトナム共産党), gọi ngắn gọn là Đảng (党);
  2. Nhà nước (国家機関);
  3. Mặt trận Tổ quốc (祖国戦線), trong đó tập hợp các đoàn thể, tổ chức nhân dân.

Để dễ hình dung, bạn có thể xem qua Sơ đồ tổ chức hệ thống chính trị Việt Nam (2019) dưới đây.

Nguồn: Wikipedia

Tiếp sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng “tiểu hệ thống” đã trình bày ở trên.

2. Đảng Cộng sản (共産党)

Hệ thống tổ chức Đảng (党機関) bao gồm: – Cấp Trung ương + Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc; + Cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội là Ban chấp hành (BCH) Trung ương gồm Bộ Chính trị và Ban Bí thư; + Những cơ quan Trung ương tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương có thể bao gồm: Văn phòng Trung ương (Chánh Văn phòng là người đứng đầu), Ban tổ chức Trung ương (Trưởng ban là người đứng đầu), Ban Tuyên giáo Trung ương (Đứng đầu là Trưởng ban); Ban Dân vận Trung ương (Trưởng ban là người đứng đầu), Ban Đối ngoại Trung ương (Trưởng ban là người đứng đầu), Ban Nội chính Trung ương (Trưởng ban là người đứng đầu), Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương (Chủ tịch là người đứng đầu), Ban Cán sự Đảng Ngoài nước (Trưởng ban là người đứng đầu); + Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; + Các đảng bộ khác trực thuộc Trung ương: Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương; Đảng bộ Quân đội; Đảng bộ Công an Trung ương và Đảng bộ ngoài nước.

– Cấp tỉnh + BCH Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh ủy, thành ủy); + Đảng bộ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; + Đảng bộ cấp trên trực tiếp của cơ sở (tương đương cấp huyện) trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; + Một số tổ chức cơ sở Đảng có vị trí quan trọng, đông đảng viên, nhiều tổ chức Đảng trực thuộc, được giao một số quyền của cấp trên cơ sở; + Các đảng bộ, chi bộ cơ sở có vị trí quan trọng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối Trung ương, Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương.

– Cấp huyện + BCH Đảng bộ huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ) + Các đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn; + Các đảng bộ cơ sở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang trực thuộc huyện ủy, quận ủy, thị ủy và tương đương.

– Cấp xã + BCH Đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn (Đảng ủy, Chi ủy) + Các đảng bộ bộ phận trực thuộc ban chấp chấp hành Đảng bộ cơ sở (nơi có đông đảng viên); + Các chi bộ trực thuộc ban chấp hành Đảng bộ cơ sở; + Các tổ đảng trực thuộc chi bộ cơ sở.

Hic đọc hoa cả mắt nhưng đừng lo tôi sẽ liệt kê các từ vựng tiếng Nhật cần thiết trong phần này vào bảng sau. Tôi xin phép chỉ nêu các từ phổ biến thường sử dụng chứ không có tham vọng nêu hết toàn bộ các tổ chức Đảng ở các cấp vì một vài lí do như: số lượng nhiều, tính chất phức tạp, một số khái niệm chưa rõ ràng, cơ cấu và tên gọi thay đổi theo thời gian,…

Tiếng Việt 日本語 Chú thích
Đại hội đại biểu toàn quốc 全国代表大会 Còn cách gọi khác là Đại hội Đảng (党大会) được tổ chức 5 năm một lần thông thường rơi vào khoảng từ ngày 15 – 20 tháng 1
Ban chấp hành Trung ương 中央執行委員会 Hoặc ngắn gọn là 中央委員会
Bộ Chính trị 政治局
Ban Bí thư 書記局 hoặc 書記委員会
Ủy ban Kiểm tra Trung ương 中央検査委員会 hoặc 中央監視委員会
Ban chỉ đạo Trung ương 中央指導委員会
Văn phòng Trung ương Đảng 党中央事務局 hoặc 党中央官房
Hội đồng Lý luận Trung ương 中央理論評議会 hoặc 党理論誌編集部
Ban tổ chức Trung ương 中央組織委員会
Ban Tuyên giáo Trung ương 中央宣伝教育委員会 hoặc 中央宣教委員会
Ban Dân vận Trung ương 中央大衆動員委員会 hoặc 中央大衆工作委員会 hoặc 中央国民運動委員会
Ban Đối ngoại Trung ương 中央対外委員会
Ban Nội chính Trung ương 中央内政委員会
Ban Kinh tế Trung ương 中央経済委員会
Các ban đảng 党の各委員会
Đơn vị sự nghiệp 事業単位
Quân ủy Trung ương 中央軍事委員会
Đảng ủy Công an Trung ương 中央公安共産党委員会
Đảng ủy 党委員会
Chi ủy 党支部
Ban chấp hành Đảng bộ cấp Tỉnh 地方省党委員会 Còn gọi là tỉnh ủy
Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố trực thuộc Trung ương 中央直轄市の共産党委員会 Còn gọi là thành ủy
Ban chấp hành Đảng bộ cấp Huyện 県党委員会 Còn gọi là huyện ủy
Ban chấp hành Đảng bộ cấp Xã 村党委員会 Còn gọi là đảng ủy xã

Đến đây là xong phần 1 rồi, mời các bạn đón chờ phần 2 nhé!  Trong phần 2, tôi sẽ trình bày về “tiểu hệ thống” tiếp theo là “Bộ máy Nhà nước”. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.

Xem thêm:

Từ vựng tiếng Nhật về tên các tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam (Phần 2)

※Nếu đăng lại nội dung bài viết này, bạn vui lòng ghi rõ nguồn là Blog Vạn diệp. ※Bài viết được viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả. Tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm cho bất kì thiệt hại nào phát sinh từ việc sử dụng thông tin của bài viết này để ra quyết định.

Chia sẻ →Share on facebookFacebookShare on pinterestPinterestShare on twitterTwitterShare on linkedinLinkedin

Từ khóa » Tổng Bí Thư Tiếng Nhật Là Gì