Tục Ngữ Và Những Chuyện Về Rắn - Thành ủy TPHCM

Theo đóm ăn tàn

Về nghĩa bóng là nói kẻ dựa hơi, chỉ qua nghĩa đen để hiểu về loại rắn này. Đó chính là rắn mái gầm (cạp nong). Loài rắn này ngủ ngày, ăn đêm, tính chậm chạp. Mái gầm là một loại rắn hung dữ, màu sắc vàng, đen hoặc đen sậm, trắng, có 16 khoang từ cổ tới đuôi. Con lớn dài tới 2 mét, nặng 4 - 5 kg. Dân gian truyền đời về nọc độc cực mạnh của nó bằng câu "mái gầm cắn nằm tại chỗ, rắn hổ còn đem về nhà". Có nghĩa là bị rắn mái gầm cắn dọc đường không có thuốc trị cấp thời chỉ vài mươi phút sau, nọc độc truyền về tim là sùi bọt mép, có người, trợn mắt “ra đi”.

Người ta nói rằng loại mái gầm đặc biệt thích nhấm nháp chất tro tàn, nhất là tro tranh, có lẽ là nó cần chất muối (Kali). Song có nhà khoa học giải thích “theo đóm ăn tàn" chỉ là chuyện rắn lầm lẫn các tia hồng ngoại phát ra từ đốm tàn lửa với các tia hồng ngoại phát ra từ cơ thể ấm áp của chuột đồng vốn là món ăn khoái khẩu của rắn.

Vào nhà rắn rồng, ra đồng hổ ngựa

Loại rắn hổ ngựa có hai đặc tính về hình thể, sắc màu: Ở ngoài nắng, màu xám sọc đen, vô nhà hơi ngả màu xanh. Nó hay luồn lách theo các vuông tre gai, tre mỡ dày đặc, rậm rịt để săn bắt chuột - món khoái khẩu của họ xà hổ. Ban ngày (buổi sớm hoặc buổi chiều), nó đi sàn sạt với thân hình màu xám trắng, trên lưng tới đầu có hai sọc đen, dân gian gọi là "dây cương" để phân biệt loài hổ ngựa với hổ trâu. Có con dài tới 2 - 3 mét.

Ở ngoài đồng, hổ ngựa bò rất nhanh, lao vun vút; Nhưng vào những buổi trưa hè, chúng thích chui vào các mái lá nhà dân để trú nắng và bắt chuột.

Rắn đổ nọc cho lươn

Thật là nghịch lý khi “gắn kết” rắn, loài bò sát không chân, có vẩy sừng, còn lươn là một loài cá nước ngọt sống chui rúc trong hang, bãi bùn, ao hồ. Da lươn trơn tuột như da cá trê. Lươn hiền lành không cắn người và nhẫn nhịn. Còn rắn thì có nọc độc, có thể cắn người và làm chết cả súc vật. Vì vậy mới có câu "miệng hùm nọc rắn" ám chỉ loài vật hiểm sâu. Còn "thân lươn bao quản lấm đầu" để nói thân phận hẩm hiu của loài cá sống ẩn dật chui rúc bùn sình.

Vào tiết xuân tháng hai, ba âm lịch, có loài rắn trun thân đen, bụng trắng, một đầu chừ vừ, nhọn hoắc và phần hậu môn có khúc đuôi cụt giống như loài đẻn biển, khi gặp địch thủ nó vừa cắn phun nọc, vừa châm, xịt mủ sau đuôi bằng một màn nước đục trắng, nặng mùi, khiến kẻ thù vọt thẳng - lại tìm đến ao, hồ, khoắng vào hang lươn quậy phá. Có người cho rằng đây là "rắn đổ nọc cho lươn".

Từ khóa » Gầm Nghĩa Là