Ưu, Nhược điểm Các Loại Hình Công Ty, Doanh Nghiệp - Có Video
Có thể bạn quan tâm
Bạn đang băn khoăn không biết nên thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân? Ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp này là gì? Anpha sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
Nội dung chính
- Ưu nhược điểm của công ty cổ phần
- Ưu nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) + Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn + Ưu nhược điểm của công ty TNHH một thành viên + Ưu nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- Ưu nhược điểm của công ty hợp danh
- Ưu nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân
- Ưu nhược điểm của doanh nghiệp xã hội
- Một số câu hỏi thường gặp về các loại hình doanh nghiệp
Theo luật Doanh nghiệp 2020, các loại hình doanh nghiệp ở nước ta gồm có: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình sẽ có những đặc điểm riêng. Sau đây, Anpha sẽ chỉ ra cho bạn hạn chế và thế mạnh của từng loại hình doanh nghiệp.
ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN
Đặc điểm của công ty cổ phần
Công ty cổ phần có những đặc điểm sau:
- Có tư cách pháp nhân;
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông tham gia góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không giới hạn số lượng;
- Các cổ đông góp vốn thành lập công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Ưu nhược điểm của công ty cổ phần
Ưu điểm:
- Khả năng huy động vốn công ty rất cao và linh hoạt do công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp duy nhất trong 5 loại hình doanh nghiệp kể trên không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn và được quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng;
- Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cũng tương đối dễ dàng, vì thế thu hút được nhiều đối tượng cùng tham gia góp vốn vào doanh nghiệp;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao;
- Với ưu thế khả năng huy động vốn nhanh và linh hoạt cho phép công ty cổ phần có thể hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.
Nhược điểm:
- Ít niềm tin với đối tác khi cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp;
- Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng cổ đông rất lớn, nhiều cổ đông có thể không quen biết nhau và có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông trong công ty đối kháng nhau về lợi ích;
- Cơ cấu tổ chức phức tạp hơn loại hình công ty TNHH, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Quyền quản lý trong công ty cổ phần được phân cấp rõ rệt. Cụ thể:
- Đại hội đồng cổ đông là bộ phận nắm quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Tuy nhiên, bộ phận này ít hoạt động và thường chỉ họp Đại hội đồng cổ đông mỗi năm 1 lần;
- Hội đồng quản trị có toàn quyền quản lý và ra quyết định chiến lược cho công ty, chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông;
- Giám đốc/Tổng giám đốc chịu trách nhiệm điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị.
- Quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số không được đảm bảo. Thực tế, tại các công ty cổ phần của Việt Nam, quyền lực của công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người điều hành quản lý công ty, cho nên đối với những công ty cổ phần có Ban kiểm soát được lập ra mang tính chất hình thức hoặc không có Ủy ban kiểm toán nội bộ thì quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ có thể bị xâm phạm hoặc ảnh hưởng;
- Đối với công ty cổ phần sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Công ty cổ phần sở hữu những lợi thế mà không loại hình doanh nghiệp nào dưới đây có được, nhưng cũng đồng nghĩa với việc loại hình doanh nghiệp này yêu cầu cao về cách thức tổ chức và quản lý doanh nghiệp. Đa phần các công ty lớn có ít nhất 3 cá nhân hoặc tổ chức góp vốn trở lên muốn kinh doanh những ngành nghề đòi hỏi vốn lớn sẽ ưu tiên lựa chọn loại hình công ty cổ phần để dễ dàng huy động vốn từ nhiều nguồn và nhiều đối tượng khác nhau. Loại hình công ty này phù hợp cho tất cả các ngành nghề kinh doanh pháp luật Việt Nam cho phép.
Xem chi tiết: Công ty cổ phần là gì? Ưu và nhược điểm của công ty cổ phần?
ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN (TNHH)
1. Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn
Công ty TNHH bao gồm công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Đây là mô hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay, phù hợp với quy mô kinh doanh vừa và nhỏ.
Các đặc điểm chung của loại hình công ty TNHH:
- Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc tổ chức;
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Công ty TNHH không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.
2. Ưu nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên
Ưu điểm:
- Chỉ có duy nhất một chủ sở hữu, nên chủ sở hữu công ty có quyền quyết định toàn bộ trong quản lý và điều hành công ty;
- Cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ quản lý;
- Chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty dẫn đến rủi ro cho chủ sở hữu ít hơn doanh nghiệp tư nhân.
Nhược điểm:
- Vì chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty nên trong nhiều trường hợp có ít sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác;
- Không được phát hành cổ phiếu, nên chỉ có thể huy động vốn từ chính chủ sở hữu hoặc bằng cách chuyển nhượng 1 phần vốn sang cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Tuy nhiên, nếu chuyển nhượng 1 phần vốn thì đồng nghĩa với việc phải chuyển đổi loại hình công ty từ một thành viên lên công ty TNHH từ hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Xem thêm: Công ty TNHH 1 thành viên là gì?
3. Ưu nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Ưu điểm:
- Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình trong những trường hợp nhất định;
- Quy định về việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được luật pháp quy định khá chặt chẽ. Một thành viên trong công ty có thể chào bán hoặc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác nhưng phải ưu tiên chào bán hoặc chuyển nhượng cho các thành viên công ty trước. Theo đó, nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty;
- Tương tự như công ty cổ phần, thành viên công ty TNHH chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Như vậy, trong công ty TNHH có sự phân tách tài sản: tài sản của công ty và tài sản của thành viên. Nguyên tắc phân tách tài sản được áp dụng trong mọi quan hệ tài sản, nợ nần và trách nhiệm của công ty;
- Quy định cho phép công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể có tối đa 50 thành viên góp vốn do đó đây cũng là yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp có thể huy động thêm vốn góp từ thành viên mới. Tuy nhiên thời gian huy động không nhanh bằng loại hình công ty cổ phần.
Nhược điểm:
- Do các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên trong một số trường hợp niềm tin của đối tác và khách hàng với doanh nghiệp có thể bị lung lay và không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra với họ;
- Việc giới hạn số lượng 50 thành viên góp vốn cũng là một nhược điểm của loại hình công ty này;
- Không được phát hành cổ phiếu ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng.
Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp phổ biến và ưa chuộng ở nước ta phù hợp với mọi quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Công ty TNHH 1 thành viên phù hợp với một tổ chức muốn thành lập 1 công ty con, hoặc cá nhân có đủ năng lực tài chính thành lập công ty riêng cho mình. Còn nếu bạn muốn hùn vốn với cá nhân hoặc tổ chức để kinh doanh thì công ty TNHH 2 thành viên trở lên là sự lựa chọn thích hợp.
ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÔNG TY HỢP DANH
Đặc điểm của công ty hợp danh:
- Có tư cách pháp nhân; có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Ngoài thành viên hợp danh, công ty hợp danh còn có thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh: là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn: là tổ chức hoặc cá nhân, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Ưu nhược điểm của công ty hợp danh
Ưu điểm:
- Việc quản lý và điều hành công ty hợp danh không quá phức tạp, do số lượng thành viên ít, hầu hết đều quen biết và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau;
- Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với hoạt động kinh doanh của công ty khi có phát sinh xảy ra vì thế mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng và đối tác kinh doanh.
Nhược điểm:
- Do phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Cũng chính vì điều này mà loại hình doanh nghiệp này thường không phổ biến;
- Công ty không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Mặc dù loại hình doanh nghiệp này nhận được sự tin tưởng cao của khách hàng và đối tác, tuy nhiên vì rủi ro cho các thành viên hợp danh cao, nên số lượng công ty hợp danh được thành lập không nhiều. Nên bạn cần cân nhắc khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp này.
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp có các đặc điểm sau:
- Không có tư cách pháp nhân;
- Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ưu điểm:
- Thủ tục thành lập đơn giản;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động và có toàn quyền quyết định trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp tư nhân ít bị chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ không những bằng tài sản doanh nghiệp mà kể cả tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp nên tạo được sự tin tưởng cho các đối tác, khách hàng.
Nhược điểm:
- Việc tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình do dù vốn góp cam kết góp vào lúc thành lập công ty là bao nhiêu dẫn đến rủi ro có thể xảy ra cho chủ doanh nghiệp là rất cao;
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, cũng như không được bán phần vốn góp cho cá nhân hoặc tổ chức khác, nên không có khả năng huy động vốn từ bên ngoài;
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
So với ưu điểm thì dường như doanh nghiệp tư nhân lại mang nhiều bất lợi hơn cho chủ doanh nghiệp. Do đó, rất ít người lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân để đăng ký hoạt động kinh doanh.
ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
Đặc điểm của doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội KHÔNG PHẢI là 1 loại hình công ty, doanh nghiệp, mặc dù được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội không phải là tối ưu hóa lợi nhuận, và có những điểm đặc đặc trưng riêng so với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể:
- Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
- Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;
- Được thành lập theo loại hình doanh nghiệp như: công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.
Ưu nhược điểm của doanh nghiệp xã hội
Trong bài viết này, Anpha đề cập đến đặc điểm và ưu nhược điểm của các loại hình công ty doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp xã hội không phải là 1 loại hình doanh nghiệp.
Xem chi tiết: Ưu và nhược điểm của doanh nghiệp xã hội
Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 14 năm hỗ trợ tư vấn và thành lập doanh nghiệp, Anpha khuyên bạn nên thành lập công ty TNHH một thành viên nếu là cá nhân hoặc thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên nếu có từ 2 thành viên góp vốn, công ty cổ phần nếu có từ 3 thành viên góp vốn.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin về từng loại hình doanh nghiệp hoặc cần hỗ trợ tư vấn hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp, bạn có thể liên hệ Anpha theo số 0984 477 711 (Miền Bắc), 0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP
1. Theo luật doanh nghiệp có mấy loại hình công ty?
Có 5 loại hình công ty, doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
2. Khi khởi nghiệp nên chọn loại hình doanh nghiệp nào?
Theo kinh nghiệm của Anpha, trong giai đoạn khởi nghiệp, các nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý còn hạn chế, bạn nên thành lập công ty TNHH 1 thành viên để dễ quản lý. Sau này khi công ty phát triển lớn mạnh và có nhu cầu huy động vốn cao hơn để mở rộng quy mô, ngành nghề, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
3. Ưu nhược điểm của công ty cổ phần là gì?
Ưu điểm: Có tư cách pháp nhân, được phát hành cổ phiếu ra công chúng, thủ tục chuyển nhượng đơn giản nên khả năng huy động vốn công ty rất cao và linh hoạt, có thể hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Nhược điểm: Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp, chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn trong một số trường hợp có thể làm giảm niềm tin của khách hàng, đối tác đối với công ty. Quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số không được đảm bảo.
4. Ưu nhược điểm của công ty tnhh 1 thành viên là gì?
Ưu điểm: Có tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức đơn giản, chỉ có 1 chủ sở hữu nên dễ quản lý. Chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty dẫn đến rủi ro cho chủ sở hữu ít. Nhược điểm: Không được phát hành cổ phiếu, muốn huy động vốn từ cá nhân, tổ chức khác thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty nên trong nhiều trường hợp có ít sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác.
5. Ưu nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên là gì?
Ưu điểm: Có tư cách pháp nhân, quy định về việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp rất chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên công ty. Có thể thuận lợi huy động thêm vốn góp từ thành viên mới do quy định cho phép loại hình công ty này có thể có tối đa 50 thành viên, các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp nên ít rủi ro khi công ty phát sinh vấn đề Nhược điểm: Không được phát hành cổ phiếu ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng, các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên niềm tin của đối tác với doanh nghiệp không cao.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc), 0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
Từ khóa » Nhược điểm Của Phương Pháp Hành Chính Trong Quản Trị Doanh Nghiệp Là
-
Phương Pháp Hành Chính (Administrative Methods) Trong Quản Lí ...
-
Nội Dung Chủ Yếu, đặc điểm, ưu điểm Và Hạn Chế Của Các Phương ...
-
Vai Trò Và Các Phương Pháp Quản Trị ? Ưu Nhược điểm
-
Các Phương Pháp Hành Chính Trong Quản Lý Và Vận Dụng Vào Doanh ...
-
Ưu Nhược điểm Của Các Phương Pháp Quản Trị
-
Ưu Nhược điểm Của Các Phương Pháp Quản Lí Nhà Nước - TaiLieu.VN
-
Phương Pháp Hành Chính Trong Quản Lý Kinh Tế Là Gì? Nội Dung Và ...
-
Phương Pháp Quản Trị Trong Doanh Nghiệp
-
Phân Tích Các Phương Pháp Quản Lý Hành Chính Nhà Nước Hiện Nay ?
-
Phân Tích Phương Pháp Quản Lý Hành Chính Nhà Nước
-
[PDF] CHƢƠNG 5 KHÁI LƢỢC VỀ QUẢN TRỊ KINH DOANH Số Tiết
-
Ưu Và Nhược điểm Của Phong Cách Lãnh đạo độc đoán
-
7 Phương Pháp đánh Giá Nhân Sự - Ưu điểm Và Nhược điểm
-
[DOC] Chuyên đề 4: Nền Hành Chính Và Cải Cách Hành Chính Nhà Nước