Văn Hóa Việt Nam Theo Hofstede - Phan Phuong Dat
Có thể bạn quan tâm
Giáo sư Geert Hofstede đã thực hiện một trong những nghiên cứu toàn diện nhất về việc các giá trị ở nơi làm việc (value in the workplace) bị ảnh hưởng bởi văn hóa (văn hóa dân tộc) như thế nào. Ông định nghĩa văn hóa là:
“việc tâm trí mọi người được lập trình một cách tập thể, và do đó phân biệt các thành viên của một nhóm hoặc một thể loại người này với những nhóm hay thể loại người khác”. (the collective programming of the mind distinguishing the members of one group or category of people from others)
Sáu chiều kích của văn hóa dân tộc (national culture, còn có thể dịch là văn hóa quốc gia) dựa trên nghiên cứu sâu rộng được thực hiện bởi GS Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede, Michael Minkov và nhóm nghiên cứu của họ. Ứng dụng của nghiên cứu này được sử dụng trên toàn thế giới, trong cả môi trường học thuật lẫn môi trường quản lý chuyên nghiệp.
Hofstede đưa ra lý thuyết các chiều kích (dimension, cũng có thể dịch là khía cạnh) của văn hóa dân tộc. Theo đó, văn hóa một quốc gia có thể được đo bởi một bộ 6 chỉ số, mỗi chỉ số từ 1 đến 100. Các chỉ số của văn hóa một quốc gia và bình luận kèm theo, ví dụ cho Việt Nam, có thể tra cứu tại đây.
Dưới đây là bản dịch kết quả cho Việt Nam, trong hình có so sánh với Nhật bản và Mỹ. Các diễn giải kết quả cho Việt Nam có vẻ giống. Văn hóa quốc gia ảnh hưởng nhiều đến văn hóa các doanh nghiệp của quốc gia đó.
Nếu khám phá văn hóa Việt Nam qua lăng kính của Mô hình 6-D, ta có thể có cái nhìn tổng quan về những động lực sâu bên trong của văn hóa Việt Nam so với các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, kết quả của Hofstede cũng bị phê phán là không đầy đủ và lỗi thời – độc giả có thể tham khảo thêm bài này tóm tắt về các mô hình đa văn hóa (ngoài Hofstede còn có GLOBE và Erin Meyer)
Khoảng cách quyền lực (Power Distance Index – PDI)
Khía cạnh này đề cập đến thực tế là các cá nhân trong xã hội là không bình đẳng. Nó cho ta thấy thái độ của nền văn hóa đối với những bất bình đẳng này. Khoảng cách quyền lực được định nghĩa là mức độ mà các thành viên kém quyền lực hơn của các thể chế và tổ chức trong một dân tộc chờ đợi và chấp nhận việc quyền lực được phân phối không bình đẳng.
Việt Nam đạt điểm cao về chỉ số này (70đ), có nghĩa là mọi người chấp nhận một hệ thống thứ bậc, trong đó ai cũng có vị trí của mình và không cần phải biện minh gì thêm. Hệ thống phân cấp trong một tổ chức được coi là phản ánh sự bất bình đẳng cố hữu, mô hình quản lý tập trung là phổ biến, cấp dưới mong đợi được chỉ dẫn những gì phải làm, và ông chủ lý tưởng là một người chuyên quyền nhân từ. Việc nhân viên thách thức lãnh đạo không được mọi người ủng hộ.
Tính cá nhân hay Tập thể (Individualism Versus Collectivism – IDV)
Vấn đề cơ bản mà khía cạnh này quan tâm là mức độ phụ thuộc lẫn nhau mà xã hội duy trì giữa các thành viên. Khía cạnh này liên quan đến việc, liệu hình ảnh bản thân của mọi người được xác định theo nghĩa “Tôi” hay “Chúng tôi”. Trong các xã hội theo chủ nghĩa cá nhân, mọi người được cho là chỉ chăm sóc bản thân và gia đình trực tiếp của họ. Trong các xã hội theo chủ nghĩa tập thể, mọi người thuộc về ‘hội nhóm’ – là tập thể chăm lo cho họ để đổi lấy lòng trung thành của họ.
Việt Nam, với 20 điểm, là một xã hội tập thể. Điều này được thể hiện trong cam kết lâu dài chặt chẽ với nhóm “thành viên” – có thể là gia đình, dòng họ hoặc các mối quan hệ rộng hơn. Lòng trung thành trong một nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể là điều tối quan trọng và vượt qua hầu hết các quy tắc và luật lệ khác trong xã hội. Một xã hội như vậy nuôi dưỡng các mối quan hệ bền chặt, nơi mọi người đều có trách nhiệm với các thành viên trong nhóm. Trong xã hội tập thể, việc xúc phạm nhau sẽ dẫn đến xấu hổ và mất mặt. Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và nhân viên được nhìn nhận theo khía cạnh đạo đức (giống như một gia đình), việc tuyển dụng và thăng chức có tính đến việc nhân viên có thuộc nhóm mình hay không. Quản lý nghĩa là quản lý của các nhóm.
Nam tính hay Nữ tính (Masculinity Versus Femininity – MAS)
Nếu điểm cao (Nam tính), nghĩa là xã hội được thúc đẩy bởi cạnh tranh, chiến tích và thành công, với thành công được xác định bởi người chiến thắng / người giỏi nhất trong lĩnh vực – một hệ thống giá trị bắt đầu từ trường học và tiếp tục trong suốt cuộc đời tổ chức.
Nếu điểm thấp (Nữ tính), nghĩa là các giá trị chủ đạo trong xã hội là quan tâm đến người khác và chất lượng cuộc sống. Một xã hội Nữ tính là một xã hội nơi chất lượng cuộc sống là dấu hiệu của sự thành công, và việc nổi bật giữa đám đông là không đáng ngưỡng mộ. Mấu chốt ở đây là điều gì thúc đẩy mọi người: mong muốn trở thành người giỏi nhất (Nam tính), hay thích những gì mình làm (Nữ tính).
Việt Nam đạt 40 điểm về chỉ số này và do đó được coi là một xã hội Nữ tính. Ở các quốc gia Nữ tính, trọng tâm là “làm việc để sống”, các nhà quản lý nỗ lực vì sự đồng thuận, mọi người coi trọng sự bình đẳng, đoàn kết và chất lượng trong cuộc sống làm việc của họ. Xung đột được giải quyết bằng thỏa hiệp và thương lượng. Các ưu đãi như ngày nghỉ hay thời gian làm việc linh hoạt được ưa thích. Trọng tâm là hạnh phúc, địa vị không được khoe ra. Người quản lý hiệu quả là người hỗ trợ người khác, và việc ra quyết định đạt được thông qua sự tham gia của nhiều người.
Mức độ tránh sự bất định (Uncertainty Avoidance Index – UAI)
Khía cạnh này liên quan đến cách xã hội đối phó với thực tế rằng không bao giờ có thể biết trước được tương lai: nên cố gắng kiểm soát hay là cứ để nó xảy ra? Sự mơ hồ này kéo theo sự lo lắng, và các nền văn hóa khác nhau đã học cách đối phó với sự lo lắng này theo những cách khác nhau. Mức độ mà các thành viên của một nền văn hóa cảm thấy bị đe dọa bởi những tình huống mơ hồ hoặc không rõ, và đã tạo ra những niềm tin và thể chế gì để cố gắng tránh chúng được phản ánh trong chỉ số này.
Việt Nam đạt 30đ và do đó có ít ham muốn trong việc tránh sự mơ hồ. Các xã hội có chỉ số này thấp duy trì một thái độ thoải mái hơn, trong đó thực tế được coi là quan trọng hơn các nguyên tắc, và sự lệch lạc so với chuẩn mực dễ được dung thứ hơn. Trong các xã hội có chỉ số này thấp, mọi người tin rằng không nên có nhiều quy tắc hơn mức cần thiết và nếu chúng không rõ ràng hoặc không hoạt động thì nên bỏ hoặc thay đổi. Lịch trình rất linh hoạt, người ta chỉ làm việc chăm chỉ khi cần thiết và vì bị bắt buộc, tính chính xác và đúng giờ không tự nhiên mà có, sự đổi mới không được coi là nguy cơ.
Định hướng dài hạn hay định hướng ngắn hạn và quy chuẩn (Long Term Orientation Versus Short Term Normative Orientation – LTO)
Khía cạnh này mô tả cách các xã hội phải duy trì một số liên kết với quá khứ của chính mình (tức là duy trì truyền thống), trong khi đồng thời đối phó với những thách thức của hiện tại và tương lai, và các xã hội đặt ưu tiên khác nhau cho hai mục tiêu sống còn (hiện sinh) này. Chẳng hạn, các xã hội chuẩn mực, đạt điểm thấp về khía cạnh này, thích duy trì các truyền thống và chuẩn mực lâu đời trong khi nghi ngờ về bất kỳ sự thay đổi nào của xã hội. Mặt khác, những nền văn hóa điểm cao lại có cách tiếp cận thực dụng hơn: họ khuyến khích việc đầu tư hiệu quả (thrift) tiền và công sức cho nền giáo dục hiện đại như một cách để chuẩn bị cho tương lai.
Việt Nam đạt 57 điểm, thuộc nhóm văn hóa thực dụng (tức là thiên về định hướng lâu dài). Trong các xã hội có khuynh hướng thực dụng, người ta tin rằng chân lý phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, bối cảnh và thời gian. Họ cho thấy khả năng thay đổi truyền thống để thích ứng dễ dàng với các điều kiện mới, xu hướng tiết kiệm và đầu tư sự chi tiêu cẩn thận và tính kiên nhẫn để đạt được kết quả.
Bình luận của người dịch: chiều kích này có vẻ khó hiểu, khi Mỹ lại có điểm thấp hơn Việt Nam (26 so với 57), vì có vẻ như người Mỹ suy nghĩ dài hạn hơn người Việt? Trên website, người ta giải thích Mỹ có điểm thấp bởi vì họ gắn vào nhiều chuẩn mực mang tính truyền thống (ví dụ các vấn đề như phá thai, sở hữu vũ khí, v.v.) và các doanh nghiệp được đánh giá ngắn hạn đến mức hàng quý.
Nuông chiều hay kiềm chế (Indulgence Versus Restraint – IVR)
Một thách thức mà nhân loại phải đối mặt, cả hiện tại và trong quá khứ, là mức độ hòa nhập của trẻ nhỏ với xã hội. Nếu không có xã hội hóa, chúng ta không trở thành “con người”. Khía cạnh này được định nghĩa là mức độ mà mọi người cố gắng kiểm soát ham muốn và xung lực của họ, dựa trên cách họ được nuôi dạy. Khả năng kiểm soát tương đối yếu được gọi là “Nuông chiều” và kiểm soát tương đối mạnh được gọi là “Kiềm chế”. Do đó, các nền văn hóa có thể được mô tả là Nuông chiều hoặc Kiềm chế.
Điểm thấp 35 cho thấy văn hóa Việt Nam có đặc điểm là Kiềm chế. Các xã hội có điểm số thấp trong khía cạnh này có xu hướng hoài nghi (cynicism) và bi quan. Ngoài ra, trái ngược với các xã hội Nuông chiều, các xã hội Kiềm chế không chú trọng nhiều vào thời gian giải trí, và kiểm soát việc thỏa mãn mong muốn của họ. Những người có định hướng này có nhận thức rằng hành động của họ bị hạn chế bởi các chuẩn mực xã hội, và cảm thấy việc nuông chiều bản thân là có gì đó sai trái.
Share this:
- Tweet
Like this:
Like Loading...Từ khóa » Chỉ Số Nam Tính Cao Cho Biết *
-
Năm Chiều Văn Hóa Hofstede Và đánh Giá Về Việt Nam - SlideShare
-
Lý Thuyết Chiều Văn Hóa Của Hofstede Là Gì? Ý ... - Luật Dương Gia
-
Lý Thuyết Chiều Văn Hóa Của Hofstede – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lí Thuyết Chiều Văn Hóa Của Hofstede (Hofstede's Cultural ...
-
Mô Hình Chiến Thuật Các Chiều Văn Hóa Của HOFSTEDE - Trí Phúc
-
Văn Hóa đa Chiều Của Hofstede - 15 Phút Một Ngày
-
Nghiên Cứu Về Văn Hoá Quốc Gia Của Hofstede - Dân Kinh Tế
-
Nắm Bắt Sự Khác Biệt Trong Văn Hóa Làm Việc Của Việt Nam Và Nhật ...
-
Hofstede's 6 Cultural Dimensions - 6 Chiều Văn Hóa Của Hofstede
-
Giatri Van Hoa Cua Hofstede
-
Văn Hóa đức Và Những Khía Cạnh Văn Hóa Của Hofstede - Tài Liệu Text
-
3: NĂM CHIỀU VĂN HÓA GEERT-HOFSTEDE - Tài Liệu Text - 123doc
-
[PDF] CUNG CẤP KIẾN THỨC VĂN HOÁ MỸ CHO SINH VIÊN CHUYÊN ...