Về Nghĩa Của Từ VÕNG GIÁ Trong Tiếng Việt - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc

Đọc bài viết “Đểu, đều cáng, đểu giả” của Nguyễn Ngọc Trâm đăng trên tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư số 5 (7)-2010, tôi cảm thấy thật thú vị. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra một giả thiết độc đáo về nguồn gốc và nghĩa của giả trong từ đểu giả. Theo tác giả thì giả trong từ đểu giả có gốc gác từ chữ giá trong từ võng giá. Võng ở đây có nghĩa là cái võng và giá ở đây có nghĩa là cái để đỡ võng. Võng giá có nghĩa là “cái võng và cái giá để khiêng quan lại thời xưa, tức là cái để khiêng đỡ”. Ra đường võng giá nghênh ngang (cd). Từ chỗ lí giải giá có nghĩa là cái để khiêng đỡ, mô phỏng sự phát triển nghĩa của đểu và cáng, theo phép loại suy, tác giả cho rằng giá từ nghĩa cái để khiêng đỡ phái sinh thêm nghĩa mới là phu khiêng giá. Mà phu khiêng giá là loại người bị coi là hèn mạt nên giá phái sinh thêm một nghĩa mới nữa là hèn hạ, xỏ xiên lừa đảo, mất nhân cách. Theo tác giả thì nghĩa này của giá cũng chính là nghĩa của giả trong đểu giả. giả là biến âm của giá, đáng lẽ phải nói là đểu giá nhưng đã nói chệch thành đểu giả (giống như hiện tượng biến âm từ giá sang giả trong cách đọc Hán Việt đối với chữ 假, ví dụ âm Hán Việt của từ giả như đã đọc thành giá như, v.v.).

Thực ra thì cách hiểu này về nghĩa của giá trong từ võng giá không phải là cách hiểu riêng của Nguyễn Ngọc Trâm. Nhiều tác giả từ điển khác cũng hiểu như vậy. Chỉ có điều là cách diễn đạt có chỗ hơi khác nhau. Có người thì bảo giá là cái để đỡ võng, có người bảo giá là cái khung võng, cũng có người bảo giá là cái đòn để khiêng.

Mặc dù cách diễn đạt còn có chỗ khác nhau nhưng các tác giả này đều hiểu thống nhất giá ở đây có nghĩa là một bộ phận của một loại phương tiện đi lại của người giàu sang quyền quý thời xưa. Với cách hiểu này thì giá tương ứng với chữ 架 trong tiếng Hán. 架 (giá) trong tiếng Hán lúc đầu có nghĩa là đỡ, về sau phát sinh thêm nghĩa danh từ là cái giá như thư giá (书架) là cái giá sách. 架 còn có một nghĩa động từ nữa là dìu. Dìu chứ không phải là cáng như cách dịch câu ví dụ 架着伤员慢慢地走 (Giá trước thương viên mạn mạn địa tẩu) trong cuốn Từ điển Hán-Việt do Phan Văn Các chủ biên. Câu này mà dịch là “Cáng thương binh đi từ từ” là không đúng. Câu này chỉ có thể dịch là “Dìu người bị thương đi từ từ”. Trong tiếng Hán 架 còn có một số nghĩa nữa nhưng không thấy nghĩa khiêng. Có thể có người phản bác lại: “Trong tiếng Hán giá (架) không có nghĩa đó, nhưng trong tiếng Việt có thì sao?”. Đúng là trong tiếng Việt có những yếu tố Hán Việt phái sinh nghĩa mới mà trong tiếng Hán không có. Như yếu tố phi (飞) chẳng hạn. Phi trong tiếng Việt ngoài nghĩa bay vốn có trong tiếng Hán, còn có thêm một nghĩa mới là phóng rất mạnh binh khí có mũi nhọn: phi dao găm. Còn trong trường hợp võng giá thì võng mới là yếu tố có sự phái sinh từ nghĩa danh từ sang nghĩa động từ: võng là khiêng người bằng võng. Trong tiếng Việt người ta có thể nói: “Hai người lính võng quan huyện đi chơi” chứ không ai nói “Hai người lính giá quan huyện đi chơi”. Chính vì vậy mà tôi không tin rằng trong tiếng Việt có một từ giá với nghĩa là phu khiêng giá như giả thiết của Nguyễn Ngọc Trâm.

Theo tôi thì võng và giá là hai phương tiện đi lại thời xưa. Thời đó người quyền quý ngồi trên võng do hai người khiêng. Tất nhiên là loại võng này đẹp chứ không phải thô sơ như những cái võng ta thường thấy ở làng quê mà mùa hè bà mẹ nằm ru con ngủ. Còn giá ở đây thì có nghĩa là xe, chữ Hán viết là 驾. Các từ điển tiếng Hán đều định nghĩa giá là xe. Giá là phương tiện đi lại tiến bộ hơn võng, nhanh hơn, sang trọng hơn và thường do ngựa kéo (cho nên trong chữ giá có bộ mã (马) để biểu ý). Nhà vua thời đó cũng đi lại bằng giá chứ không có phương tiện nào hơn. Võng và giá là hai yếu tố biểu thị hai loại phương tiện đi lại kết hợp với nhau theo quan hệ đẳng lập tạo thành một từ ghép có nghĩa tổng hợp. Như vậy võng giá có nghĩa là “Võng và xe (nói khái quát) dùng dể chỉ chung phương tiện đi đường của quan lại hay người quyền quý thời xưa”. Định nghĩa này của chúng tôi có chỗ khác so với định nghĩa trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “Võng giá là võng và giá để khiêng (nói khái quát); dùng để chỉ phương tiện đi đường của quan lại hay người quyền quý thời xưa”.

Ngoài hai ý kiến đối lập trên đây về giá trong từ võng giá còn có ý kiến của Thanh Nghị trong Việt Nam tân từ điển cho rằng trong tiếng Việt có hai từ đồng âm nhưng chính tả khác nhau:

1. Võng dá: Võng có đòn khiêng của nhà quan thời xưa.

2. Võng giá: Võng của vua đi mỗi khi xuất tuần.

Có lẽ Thanh Nghị muốn phân biệt nghĩa của dá và giá. Dá là đòn khiêng và giá là vua (驾). Trong tiếng Hán 驾 (giá) ngoài nghĩa là xe, còn có nghĩa là vua. Điều đáng chú ý là trong cách định nghĩa của Thanh Nghị dá và giá đều là định ngữ để phân biệt hai loại võng khác nhau, một loại võng có đòn khiêng là phương tiện đi lại của nhà quan. Còn một loại võng khác là của nhà vua, trong lúc đó theo ý kiến của chúng tôi thì giá trong võng giá có nghĩa là xe, quan hệ giữa võng và giá là quan hệ đẳng lập và nghĩa của võng giá là nghĩa tổng hợp chứ không phải là nghĩa biệt loại.

Nếu cách hiểu của chúng tôi về nghĩa của giá trong từ võng giá là đúng thì võng giá không thể là căn cứ để truy tìm nguồn gốc của giả trong từ đểu giả như Nguyễn Ngọc Trâm đã làm.

Bài viết này cốt để giải thích nghĩa của từ võng giá trong tiếng Việt và cũng từ đó bình luận ý kiến của Nguyễn Ngọc Trâm về nghĩa và lai lịch của giả trong từ đểu giả. Cuối cùng giả ở đây có ý nghĩa gì và nguồn gốc như thế nào là vấn đề cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu mới có câu trả lời chính xác được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Ngọc Trâm, Đểu, đểu cáng, đểu giả, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 5 (7)-2010.

[2] Phan Văn Các (chủ biên), Từ điển Hán Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2008.

[3] Thanh Nghị.Việt Nam tân từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1967.

[4] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng, 2000.

Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 6(8)/2010

Từ khóa » Cái Võng Là Gì