Vì Sao Nguồn Nhân Lực Việt Nam Vừa Thừa Vừa Thiếu? - VnExpress

Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn được biết đến với lợi thế nguồn lao động giá rẻ và dồi dào. Tuy nhiên, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, đòi hỏi cả lao động chất lượng cao, có tay nghề, trình độ, chuyên môn sâu lại là điểm nghẽn khiến nguồn nhân lực trong vài năm tới sẽ vừa thừa (về số lượng các nhân công giá rẻ) lại vừa thiếu (lực lượng tay nghề chuyên môn sâu).

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động cả nước không ngừng gia tăng suốt một thập kỷ qua, từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm chủ yếu. Lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, khoảng 24,5% năm 2020. Trong khi nhân sự đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Kỹ năng của lao động Việt Nam cũng bị đánh giá còn nhiều hạn chế, với 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.

Vấn đề này đã được các khách mời đưa ra giải pháp trong tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" diễn ra ngày 3/8 trên VnExpress.

3 chuyên gia tham dự tọa đàm trực tuyến Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất.

3 chuyên gia tham dự tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất".

Tọa đàm có sự tham gia của ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ủy viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCOM).

Dẫn chứng về việc đào tạo nguồn nhân lực, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết trong suốt thời gian làm việc, doanh nghiệp thường xuyên phải đào tạo lại ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động. Theo bà, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các ngành cũng nên đi vào đào tạo nhân lực cao nhất để mang lại hiệu quả cho sản phẩm, tăng năng suất lao động, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

"Người lao động Việt Nam thiếu cả tay nghề và ý thức. Họ phải được đào tạo từ cấp phổ thông, luôn có ý thức hoàn thiện bản thân. Có như vậy, khi đi vào môi trường sản xuất thực tế sẽ có năng suất lao động cao", bà Hương đưa ra giải pháp.

Tuy nhiên, ông Tào Bằng Huy lại không cùng quan điểm này. Ông cho rằng không thể xem người lao động không có ý thức, có thể họ có ý thức nhưng chưa phù hợp với cách quản trị của doanh nghiệp đấy.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM.

Ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo ông Huy, nếu ý thức làm việc của người lao động chưa tốt cũng có một phần trách nhiệm từ phía doanh nghiệp đào tạo chưa hiệu quả. Cho nên, việc đào tạo tại doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Cụ thể là đổi mới, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động ở doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của mình, ông Huy cho biết, nên xây dựng cơ chế, tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là điểm yếu trong đào tạo nhân lực từ trước đến nay. Bên cạnh đó, cần tập trung vào đánh giá, dự báo các ngành nghề mới trong tương lai.

Một trong những giải pháp mấu chốt để nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh công tác dạy nghề là tăng cường hợp tác 3 bên giữa Nhà nước-Nhà trường-Doanh nghiệp. Đánh giá về sự phối hợp này, ông Nguyễn Đăng Minh đi từ đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện tại.

Ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM.

Ông cho rằng, kỹ năng xuất phát từ lý thuyết, thực hành. Thời gian đào tạo lý thuyết - thực hành phải là 20%-80%. Hầu như, đào tạo ở cả 3 bên hiện nay chỉ chú trọng vào lý thuyết trong khi việc phối hợp này phải phù hợp với thực tiễn.

"Nhà trường chỉ nên đào tạo 20% thời gian, 80% còn lại nên gửi vào doanh nghiệp để nhân lực được đào tạo thực tiễn. Nhà trường có thể chia lợi nhuận cho doanh nghiệp", ông Minh nêu quan điểm.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, công tác tại Nhật Bản và sáng lập, vận hành Viện Quản trị Tinh gọn GKM, ông Minh cho rằng vướng mắc lớn nhất là nhận thức của người Việt Nam luôn coi trọng bằng cấp. Nguồn nhân lực phải luôn trong tâm thế làm thật mới tăng được năng suất lao động, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Phía Nhà trường-Nhà nước-Doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế phối hợp, nhận thức đúng về kỹ năng lao động.

"Sự chung tay của 3 bên phải được xem là phép nhân, không được xem là phép cộng nữa. Bên nào bằng 0 thì tất cả bằng 0", ông Nguyễn Đăng Minh khẳng định rõ.

Tọa đàm cũng nhắc đến một vấn đề đáng lưu tâm rằng doanh nghiệp lớn đang đề xuất cấp Smart Visa (từ 4-5 năm) cho một số đối tượng là chuyên gia nước ngoài mang lại lợi ích trực tiếp cho phát triển kinh tế Việt Nam. Ông Tào Bằng Huy nhận định rõ đây là một cách, cơ hội cho người Việt Nam được học, được đào tạo bởi cá tầng lớp trí thức đấy. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng cho lao động Việt Nam, cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ, đánh giá thực chất trình độ của các chuyên gia này.

Ngược lại với ý kiến này, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng điều này không cần thiết, phù hợp lúc này. "Ngay cả những nhà sản xuất yêu cầu cần đến chuyên gia nước ngoài phải là thực sự thiếu. Nếu người Việt Nam có thể đáp ứng được thì không phải thuê. Điều này kéo theo nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến thủ tục đi lại, văn hóa,...", bà Hương khẳng định.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ủy viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCOM).

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ủy viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCOM).

Kết thúc buổi tọa đàm, các khách mời tham dự đã hiến kế giảm thừa, bù thiếu cho nguồn nhân lực trong ngành sản xuất. Bà Đỗ Thị Thúy Hương đưa ra giải pháp bên cạnh đào tạo kỹ năng nghề, ý thức, nhân lực còn phải được đào tạo về hiểu biết pháp luật lao động để họ biết rõ trách nhiệm, được hưởng quyền lợi tới đâu.

"Người lao động nếu đạt đúng tiêu chuẩn sẽ nhận được đãi ngộ rất tốt. Nếu có tay nghề vững chắc thì họ hoàn toàn có thể tự tin nắm giữ vị trí cao trong các doanh nghiệp", bà Hương khẳng định về chính sách đãi ngộ đối với người lao động.

Trong khi đó, ông Tào Bằng Huy cho hay, Nhà nước cần có cơ chế chính sách gắn kết nhà trường với doanh nghiệp. Phía nhà trường phải tìm đến các doanh nghiệp để xem họ đang cần gì để đào tạo nhân lực phù hợp. Doanh nghiệp cũng phải tham gia đào tạo, nhất là trong bối cảnh sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có chính sách thu hút, giữ chân người lao động.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, phía Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng phải nhận thức lại đào tạo kỹ năng trong thời đại 4.0, thời gian phân bổ cho thực hành phải nhiều hơn cho người lao động. Đồng thời, người lao động phải luôn trong tâm thế làm thật, giúp đất nước thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.

"Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" thuộc chuỗi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".

Thanh Thư

Từ khóa » Nguồn Nhân Lực O Viet Nam