Xanh Và Xoong - Tục Gõ Xoong - PetroTimes

Học giả An Chi: Xanh và xoong không phải là hai từ cùng nguồn gốc: một đằng có gốc Hán, một đằng thuộc gốc Pháp. Xanh là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 鐺. Chữ này có hai âm: đang và sanh, mà âm tương ứng trong tiếng Bắc Kinh hiện nay là dāng và chēng. Với âm đang, nó là từ tượng thanh chỉ tiếng kêu leng keng, loảng xoảng của kim khí. Với âm sanh, nó có nghĩa là cái xanh, cái chõ có chân.

Còn xoong là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở từ casserole, có nghĩa là… xoong. Trong tiếng Việt, âm xoong cũng được dùng để phiên âm tên thứ rau cresson, mà miền Bắc gọi là cải còn trong Nam kêu là xà lách (cải xoong/ xà-lách xoong).

Xoong, tiếng Tây Ban Nha là cacerola, cùng gốc với tiếng Pháp casserole. Với cacerola, tiếng Tây Ban Nha có thêm danh từ phái sinh cacerolazo (hoặc cacerolada), được tạo ra để chỉ một hình thức phản đối bằng cách gõ xoong và các dụng cụ nhà bếp bằng kim khí mà dân chúng, khởi xướng là phụ nữ, ở một số nước nói tiếng Tây Ban Nha – đặc biệt là Argentina và Chile – thường sử dụng.

Tại Nam Mỹ, lời kêu gọi khua gõ xoong nồi vào một giờ nhất định đã trở thành một truyền thống. Nó có thể được một tổ chức phát đi hoặc được phát động bằng những tờ truyền đơn nhưng thường là bằng cách rỉ tai. Đến giờ quy định, một vài tiếng môi (vá) gõ cầm chừng vào nắp xoong vang lên để khuyến khích những nhà láng giềng vớ lấy những cái nồi nhôm của mình mà gõ cho đến khi hòa vào nhau thành một sự náo động giữa đêm. Chẳng cần phải tập hợp, với những dụng cụ nhà bếp, mọi người đều có thể gây náo loạn một cách nhịp nhàng.Thời gian đôi khi được quy định trước, còn thường thì kéo dài đến rạng sáng. Đó là hiện tượng gọi là cacerolazo mà mục đích là bày tỏ sự bất mãn trước sinh hoạt đắt đỏ do hệ thống kinh tế tự do kiểu mới của các nền độc tài ở Argentina và Chile áp đặt. Trong một bài viết dưới danh nghĩa Ngôi nhà Phụ nữ Paris (La Maison des Femmes de Paris), Martina Chavez cũng cho biết: “Những người phụ nữ Argentina đã khởi sáng ra lệ cacerolazo, hình thức chói tai nhất, để nói rằng họ đã quá chán chường với chủ nghĩa tư bản độc đoán, rằng họ không thể tiếp tục làm nạn nhân của thói cướp phá tài nguyên của Argentina”. Những chiếc xoong rỗng đã trở thành biểu tượng.

Xuất phát từ trong nhà vào ban đêm, dần dần cacerolazo đã xuống đường giữa ban ngày. Tại Chile thì năm 1982, hoạt động của bọn Chicago Boys – được đào tạo tại Đại học Chicago (Hoa Kỳ) rồi làm việc cho chế độ độc tài của Pinochet – lên đến đỉnh điểm. Tiêm nhiễm tư tưởng của Milton Friedman và Arnold Herberger, bọn kinh tế gia này áp đặt thuyết tự do kinh tế kiểu mới dã man, làm cho nạn thất nghiệp gia tăng và công ăn việc làm bấp bênh. Đến nỗi sự nghèo đói của xã hội Chile còn ảnh hưởng tới các tầng lớp trung lưu mới manh nha. Những chiếc xoong lại trống rỗng. Bất chấp giới nghiêm và đàn áp, một phong trào cacerolazo chống Pinochet đã diễn ra, chủ yếu là ở các khu vực dân nghèo của các thành phố lớn và lan rộng đến nhiều địa hạt của xã hội. Tiếng chuông nhà thờ của một xứ đạo đông dân nghèo, tiếng còi của một nhà máy hay một tiếng còi xe đã đủ để phát động sự náo loạn của dân chúng, rồi lan toả ra các đường phố và đến cả những khu vực của dân trung lưu. Những tiếng hô phản đối vang lên, chướng ngại vật được dựng lên, khởi đầu cho một phong trào xã hội mạnh mẽ chống lại chế độ độc tài, đưa đến những cuộc biểu tình rầm rộ năm 1983, rồi cuộc trưng cầu dân ý (Chiến dịch nói “Không”) năm 1988 và cuối cùng là sự chuyển tiếp sang nền dân chủ năm 1989.

Ngày 4/8 năm nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Confech (một phong trào tập hợp các liên đoàn sinh viên đại học của Chile), tiếng xoong nồi lai vang lên trong cuộc cacerolazo vì một nền giáo dục công bằng (có lẽ bạn đã thấy đâu đó lời tường thuật về cuộc đấu tranh này chăng?). Thực ra thì ngay từ tháng 5, số người tham gia là 50.000 và gần đây con số đã lên đến 120.000. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất tại Chile từ khi nền dân chủ được phục hồi. Đại diện của phong trào này là Camila Vallejo (Đại học Chile) và Giorgio Jackson (Đại học Công giáo Chile) tiếp tục huy động người tham gia cho những cuộc biểu tình hằng tuần trên khắp Chile. Phần lớn các trường đại học và trung học đều bãi khóa. Ngay Đại học Công giáo vẫn được xếp vào loại bảo thủ, cũng đóng một vai trò bất ngờ trong phong trào này của sinh viên. Mỗi tuần một lần vào đúng 21 giờ thì bản giao hưởng xoong nồi (la sinfonia del cacerolazo) bắt đầu khắp các khu phố của thủ đô Santigo de Chile. Cha mẹ, ông bà, thiếu niên và thiếu nhi xuất hiện trên ban công và gõ xoong nồi để góp phần biểu lộ sự phẫn nộ.

Tất nhiên là Piđera, tay tổng thống tỉ phú theo đường lối tự do kinh tế kiểu mới đâu có dễ dàng thỏa mãn yêu cầu của sinh viên. Khẩu hiệu của sinh viên là: “5 ađos estudiando, 15 pagando.” (5 năm học đại học, 15 (năm) trả nợ). Y trả lời: “Nada es gratis en esta vida.” (Không có cái gì miễn phí trong cuộc đời này cả).

Cacerolazo của sinh viên Chile còn tiếp diễn.

A.C

Từ khóa » Giải Nghĩa Từ Xoong Nồi