Xây Dựng Chiến Lược CSR Từ Góc Nhìn Thực Tế - Tạp Chí Kinh Tế Sài ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) không còn là một thuật ngữ mới đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Thực hiện tốt CSR như một chiến lược kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh mà còn giúp giải quyết những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững và các vấn đề xã hội.

Áp dụng các khía cạnh CSR

Một nghiên cứu đã chỉ ra có tới 37 định nghĩa khác nhau về CSR và đó là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải tập trung vào một định nghĩa được sử dụng rộng rãi và thực tiễn nhất. Các doanh nghiệp tại Việt Nam thường áp dụng mô hình kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của Giáo sư Archie B. Carroll, Đại học Georgia vào năm 1991. Theo đó, mô hình gợi ý rằng doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội ở bốn khía cạnh bao gồm: kinh tế, pháp lý, đạo đức và thiện nguyện.

Xây dựng chiến lược CSR theo khía cạnh nào hay áp dụng tất cả các khía cạnh còn phụ thuộc vào tình hình nội tại của doanh nghiệp. Trên thực tế, đối với hầu hết các doanh nghiệp, CSR không còn giới hạn ở khía cạnh hoạt động thiện nguyện mà các khía cạnh khác đã được đầu tư quan tâm. Chẳng hạn, một số tập đoàn lớn tập trung vào khía cạnh pháp lý và đạo đức như Heineken cam kết trung hòa carbon ở tất cả nhà máy bia trên thế giới vào năm 2030, và hoàn toàn tuần hoàn vào năm 2050; Coca-Cola với tầm nhìn “Một thế giới không rác thải” đã cam kết bảo vệ môi trường bằng việc thu thập và tái chế chai và lon Coca-Cola bán trên toàn cầu vào năm 2030.

Vượt qua rào cản từ bài học thành công

Hiểu về CSR là bước đầu tiên giúp doanh nghiệp có thể thực hiện chiến lược CSR phù hợp với thực tế doanh nghiệp. Tuy nhiên, chặng đường từ khi hiểu đến lúc thực hiện CSR gặp phải nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt cần có sự đầu tư nghiêm túc của doanh nghiệp. Vẫn có nhiều doanh nghiệp loay hoay với những bài toán “chúng tôi chưa có nhiều ngân sách thực hiện”, “thiếu nhân sự để thực hiện”, “chúng tôi đang tập trung chiến lược quan trọng khác”…

Năm 2002, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành nghiên cứu về việc áp dụng CSR trong ngành da giày và dệt may Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số rào cản và khó khăn như: Có sự khác biệt lớn trong nhận thức và hiểu biết về CSR trong và giữa các doanh nghiệp Việt Nam; thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR (đặc biệt là đối với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ); Sự thiếu minh bạch trong việc áp dụng CSR…

Nghiên cứu những bài học thành công về CSR không chỉ giúp doanh nghiệp nhận thức được thực tiễn việc áp dụng CSR mà còn phần nào sẽ giúp các doanh nghiệp tìm ra lời giải cho những rào cản, từ đó tự tin xây dựng thành công các chiến lược CSR như một phần không thể thiếu trong mục tiêu phát triển bền vững.

EZLand - chiến lược Công dân Doanh nghiệp

Với EZLand, chiến lược Công dân Doanh nghiệp như là phần nghĩa vụ tồn tại cần được thực hiện đồng thời với những quyền lợi mà EZLand được hưởng với tư cách một doanh nghiệp.

Giá trị EZLand hướng đến với tư cách là một doanh nghiệp đạo đức và tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội và cộng đồng. EZLand thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật tại Việt Nam và gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Dựa trên nền tảng đó, EZLand hợp tác và đóng góp nguồn lực cùng với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và chính quyền sở tại nhằm tạo ra các giá trị dài hạn cho cộng đồng dưới các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị.

Thực hiện chính sách Công dân Doanh nghiệp giúp EZLand thúc đẩy sự gắn bó và cam kết của nhân viên cũng như khách hàng, phát triển các dự án bền vững, thu hút đầu tư và tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp. Tất cả những điều này đều tạo nên giá trị cho sự phát triển doanh nghiệp của EZLand.

EZLand đã chính thức thực hiện các hoạt động Công dân Doanh nghiệp từ năm 2019 như được Tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới công nhận danh hiệu EDGE Champion cho doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc phát triển công trình xanh phân khúc giá tầm trung, tham gia đánh giá GRESB - Thang điểm đánh giá bất động sản bền vững toàn cầu, được trao tặng danh hiệu Brain-child cho chiến dịch gây quỹ Hồi sinh nhịp thở trong thời kỳ Covid, tham gia UNPRI - mạng lưới về đầu tư có trách nhiệm được hỗ trợ bởi Liên Hợp Quốc, xây dựng mái ấm tại Lâm Đồng và trường học tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

KMS Technology - Đóng góp đúng thế mạnh chuyên môn

Đóng góp đúng thế mạnh chuyên môn công ty và lan toả tinh thần đó cho đội ngũ nhân viên là định hướng KMS đang thực hiện xuyên suốt các hoạt động cộng đồng. KMS cam kết dành 1% lợi nhuận từ sản phẩm và dịch vụ, cùng 1% thời gian làm việc của nhân viên cho xã hội, tập trung vào những dự án CSR có tác động lâu dài và bền vững, có thể đo lường hiệu quả và được theo dõi để mở rộng trong tương lai.

KMS thành lập đơn vị KMS Gives, là đầu mối thực hiện và giám sát các hoạt động cộng đồng xã hội của công ty, và là cầu nối để nhân viên chủ động đề xuất những ý tưởng họ mong muốn đem lại cho cộng đồng. KMS Gives đóng vai trò định hướng, là điểm trung gian cung cấp thông tin và hỗ trợ từ phía công ty đến các cá nhân, phòng ban trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội của họ. Các hoạt động có đa dạng về mục đích nhưng vẫn xuất phát từ một định hướng chung, triết lý chung của công ty. Từ đó, các dự án, chương trình CSR vẫn mang dấu ấn riêng của KMS. Nhờ vào phương pháp này mà KMS có thể quản lý và triển khai rất nhiều dự án CSR mà không cần phải có một bộ máy cồng kềnh hay những quy định quá khắt khe.

Với EZLand cũng như KMS Technology , việc hợp tác nguồn lực giữa các bên và với các thành phần khác nhau trong xã hội là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chiến lược CSR. Trong đó phải kể đến các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và tổ chức xã hội như LIN Center, Saigon Children Charity, Passerelles numériques, CHANGE…

Từ khóa » Chiến Lược Csr