Xem Tướng Bò Bằng... Tay - Tiền Phong

Xem tướng bò bằng... tay ảnh 1
Ông Trần Văn Khổng đang xem bò. Ảnh: Tùng Huyên

Dọc theo con lộ Ô Tà Ban về hướng núi Cấm, chẳng mấy khó khăn tìm nhà người mù lái bò nổi tiếng này, ở ấp biên giới Xuân Phú, xã Xuân Tô (Tịnh Biên, An Giang). Ông Khổng mù từ năm 11 tuổi vì một lần đi đào giun làm mồi câu cá, đào phải trái M79.

Sống trong bóng tối, Khổng chịu khó và đã làm được nhiều việc, tự đi làm mướn nuôi thân. Khổng gặp người con gái Nguyễn Thị Lê cũng chịu thương chịu khó, hai người xây dựng gia đình riêng.

Lúc mới lấy vợ, gia đình ông nghèo lắm, chỉ mượn được rẻo đất che cái chòi che mưa nắng. Rồi đi cày thuê. Chắt chiu mãi, vay mượn thêm, ông Khổng đi mua một con bò để chủ động trong việc cày thuê.

Bò mua về, dắt ra ruộng cày mới được một lát bò đã thở rống lên, biết mua phải bò xấu đành phải bán lỗ.

Mù lại nghèo, một lần lỗ là khó khăn kéo dài nên nhớ mãi và ông muốn học hỏi cách xem tướng bò với những người lái bò kinh nghiệm. Các lái bò thấy ông mù thì không giấu nghề, lại thấy hiền lành càng muốn giúp đỡ, nhiệt tình chỉ cho ông cách xem bò thịt, bò kéo, tốt xấu.

Chẳng hạn, Lắc đầu, lắc đuôi/ Lắc thêm bốn dụm chủ nuôi làm giàu; Xoáy cà ràng ông táo/mua về có gạo ăn liền.

Nên mua bò lông to, sát, thưa rờ vào nhám tay, còn bò lông mềm, dày thì dở. Rờ vào mặt bò thấy trán hóp, mắt nhỏ, mũi thẳng là bò tốt, trán ngang, má hóp là bò xấu.

Mắt bò tròn lộ như ốc bươu là không trung với chủ. Không mua những con bò có xoáy từ mô đuôi trở ra sau đít gọi là “xoáy cô chô” bị xui hay bò đuôi lỏ, khúc đuôi sau cùng không có lông là bò xấu.

Học được ít bí quyết, ông Khổng bàn với vợ để ông đi theo mấy người lái bò tập mua bán bò. Thời gian đầu, người mù như ông làm nghề lái bò đã gây ra không ít tiếng cười hài hước lẫn chế giễu.

Ông Khổng vẫn kiên trì bám theo những ông lái bò giỏi, từ tâm. Ông nghĩ, người sáng mắt nhìn một lần, ông bị mù thì học nhiều lần, trời không ghét bỏ ai có chí.

Ông Khổng bị mù nhưng có đôi tay nhạy bén với sự vật và đôi tai rất thính trong việc chọn bò, cho dù bò có nhiều loại, con hung dữ, con hiền lành, con kéo cày siêng năng, con lười biếng.

Từ đó, ông mua bò để cày ruộng, tránh mua những con có xoáy ngang mi mắt, cày chưa được mấy đường đã thở phì phò. Riêng mua bò thịt phải lựa bò đùi thòng, mông đít bự, phi lê nở nhiều ký.

Bò mập chưa hẳn có nhiều thịt vì còn có mỡ, có con gầy nhưng thịt nhiều. Chọn bò thịt không đúng, mua về vỗ béo cả tháng trời vẫn không lên ký.

Các nơi mua bán bò nổi tiếng như Ba Chúc, ông Khổng chỉ đưa tay vuốt đuôi bò, vỗ vào mông bò là đoán được con bò nặng bao nhiêu ký. Bò ông mua về, các chủ lò mổ mua lại mau lẹ.

Từ lúc có tiền lời, ông chuyển qua mua bò kéo cày, mua bò vỗ béo. Thấm thoắt, mấy chục năm trong nghề lái bò trôi qua, ông chưa bị ai than phiền hay oán trách về bò xấu, bò dỏm.

Tiếng lành đồn xa, từ lúc nào, nhiều nông dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, mỗi lần lên vùng biên giới Tịnh Biên mua bò, đều tìm nhờ ông lái bò mù để mua được những con bò vừa ý, không sợ hố giá.

Hiện nay, cứ đôi ba ngày ông lại đến chợ bò Ba Chúc mua bán một chuyến hoặc giới thiệu bò ăn tiền đầu “lấy công làm lời”. Theo ông, cứ một cặp bò lớn ông giới thiệu, người mua giá 20 triệu, ông được hưởng 200 ngàn. Giá 10 triệu hưởng 100 ngàn.

Mua bán lâu ngày, ông còn suy nghĩ về những con bò thích nghi với vùng đất khi đem về. Đất ruộng đất lầy phải chọn loại bò xương chậu to giỏi lội nước, lội sình. Ở vùng núi khan nước lại đường đá, cần bò móng dày, còn bò móng mỏng đi đường cát giỏi.

Ông Nguyễn Văn Nai, một lái bò ở Xuân Tô thổ lộ: “Tịnh Biên có trên 100 lái bò, ai cũng phải thừa nhận ông Khổng là lái bò giỏi, hình như trời sinh ra ông để làm… lái bò”.

Hai vợ chồng ông chí thú làm ăn, hết vụ mùa làm lúa, mua bò, bán bò, nuôi bò vỗ béo, còn mua bò đực tốt về phủ giống.

Hiện gia tài của ông có bảy con bò lớn, hai công đất và cầm cố thêm 10 công ruộng. “Cuộc sống cũng đã dễ thở”, ông Khổng vui vẻ nói.

Tùng Huyên

Từ khóa » Bò Xoáy Tam Tinh