Xử Lý Nợ Xấu: Cần Sự Minh Bạch

Xử lý nợ xấu: cần sự minh bạch

Xử lý nợ xấu là việc quan trọng khi cơ cấu lại ngân hàng. Sự minh bạch trong xử lý sẽ làm giảm thiệt hại đối với Nhà nước, cổ đông, các nhà đầu tư và người gửi tiền, cả trước mắt và lâu dài, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm đối với đội ngũ quản lý nghiệp vụ, quản trị ngân hàng.

Ngày 17/12/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tổng kết hoạt động năm 2011 và công bố dự nợ xấu ở mức 3,4% tổng dư nợ, quy ra khoảng 85.000 tỉ đồng (tính tròn). Cơ cấu nợ xấu gồm: nợ dưới tiêu chuẩn 30%, nợ nghi ngờ 20%; nợ có khả năng mất 50%. Số liệu và cơ cấu nợ thực tế có thế còn phải tiếp tục xác định lại, nhưng việc xử lý triệt để nợ xấu cần nhiều giải pháp, có thời gian và cần có tiền.

Các quy định xử lý nợ xấu

Các nguồn tiền cơ bản để xử lý nợ xấu là (1) nguồn tiền thu từ con nợ trong đó có phát mại tài sản bảo đảm; (2) nguồn tiền đã trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng; (3) nguồn tiền chủ sở hữu ngân hàng tăng vốn, trong đó ngân hàng có sở hữu nhà nước thì Nhà nước phải chi tiền ra, để xử lý nợ xấu. Khi nợ đã trở thành xấu, nguồn tiền để xử lý là rất khó khăn, sử dụng nguồn nào để xử lý nợ cũng rất cần sự minh bạch.

Dự phòng rủi ro (DPRR) là khoản tiền được tính theo dư nợ gốc, trích và hạch toán vào chi phí để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của ngân hàng không thực hiện nghĩa vụ nợ cho ngân hàng. Ngân hàng sử dụng nguồn tiền này để bù đắp tổn thất đối với các khoản nợ. Theo các quy định hiện hành, tỷ lệ trích DPRR cụ thể đối với nợ xấu gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất lần lượt là 20%, 50% và 100%. Tuy nhiên, số tiền dự phòng rủi ro luôn rất nhỏ so với số nợ xấu phải đòi (nợ gốc, chưa kể lãi) và phụ thuộc phần lớn vào ý muốn của mỗi ngân hàng.

Cụ thể, theo quy định:

Số DPRR phải trích = giá trị khoản nợ - [giá trị tài sản bảo đảm x tỷ lệ tối đa được áp dụng] x tỷ lệ trích dự phòng rủi ro.

Nói số tiền trích dự phòng rủi ro phụ thuộc phần lớn vào ý muốn của mỗi ngân hàng vì số nợ ngân hàng cho vay có tài sản bảo đảm thường ở mức 75% tổng dư nợ cho vay, nên ngân hàng thương mại chỉ cần thay đổi tỷ lệ tối đa được áp dụng là có thể thay đổi mức trích và độ lớn của dự phòng rủi ro.

Ví dụ: có khoản nợ xấu có khả năng mất là 50 tỷ đồng, phải trích dự phòng rủi ro tỷ lệ 100%, tài sản bảo đảm là bất động sản trị giá 80 tỷ đồng và ngân hàng đưa ra tỷ lệ áp dụng để xác định giá trị tài sản bảo đảm khi trích dự phòng rủi ro là 30%. Như vậy, số tiền trích DPRR sẽ là {50 –[80x30%]}x100% = 26 tỷ đồng.

Giả sử ngân hàng đưa ra tỷ lệ áp dụng tối đa 50%, thay vì 30% như trên, thì số tiền trích DPRR sẽ là {50-[80x50%]}x100% = 10 tỉ. Như vậy, khoản nợ xấu 50 tỉ đồng rất khó để thu hết nợ do chỉ có thể được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là 26 tỉ hoặc 10 tỉ đồng. Ngoài ra, nguồn tiền thu từ phát mại cần có thời gian dài, mặc dù quy định chỉ tính tối đa hai năm. Các khoản nợ xấu đều có tình trạng như vậy nhưng ở quy mô khác nhau.

Nguồn tiền đã trích lập dự phòng rủi ro chỉ được sử dụng trong trường hợp: (1) khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; cá nhân bị chết hoặc mất tích; (2) các khoản nợ đã phân loại vào nợ xấu thuộc nhóm “có khả năng mất”. Riêng các khoản nợ được khoanh chờ chính phủ xử lý, ngân hàng được dùng dự phòng (nếu có) để xử lý rủi ro tín dụng.

Nguyên tắc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ là: dự phòng rủi ro của khoản nợ nào dùng xử lý khoản nợ đó, phát mại tài sản bảo đảm để thu nợ. Sau khi đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ, ngân hàng tiếp tục theo dõi thu nợ ở tài khoản “ngoại bảng”. Sau năm năm kể từ ngày xử lý rủi ro tín dụng, nếu chưa thu hết nợ, ngân hàng được xuất toán khỏi sổ sách. Đối với ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ được xuất toán khi có đủ hồ sơ tài liệu chứng minh đã dùng mọi biện pháp thu nợ nhưng không có kết quả và phải được Bộ Tài chính và NHNN chấp thuận.

Thực trạng nợ xấu: những ngổn ngang

Hiện nay, nguồn dự phòng rủi ro rất thấp so với số nợ xấu phải thu hồi.Thực tế, tại một số ngân hàng thương mại lớn, số tiền trích lập dự phòng rủi ro hàng năm thường chỉ bằng khoảng 30% số dư nợ xấu và từ năm 2009 trở lại đây, mỗi năm phải dùng dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu trên dưới 1.000 tỉ đồng. Dư nợ đã xử lý rủi ro chưa thu được tồn đọng tại sổ sách “ngoại bảng” thường xuyên trên dưới 10.000 tỉ đồng. Để xử lý dứt điểm nợ ngoại bảng rất khó khăn do tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này có giá trị bằng một nửa số nợ, chưa xử lý được nên chưa thể xuất toán. Riêng việc xử lý tài sản đang cần một cơ chế và đơn vị thực hiện bài bản hơn.

Năm 1997, NHNN cùng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên bộ số 03/1997 về xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại quốc doanh. Trong quá trình thực hiện các cơ quan quản lý đã xem xét, giãn và khoanh nợ gần 1.400 tỉ đồng, xóa nợ trên 700 tỉ đồng (nguồn: Tạp chí Ngân hàng số 23 tháng 12-2011). Giai đoạn 2001-2005, ngân sách Nhà nước đã chi ra 19.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu, làm sạch bảng cân đổi kế toán cho nhiều ngân hàng (nguồn: số liệu tại hội thảo tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại ngày 30-11-2011). Đây là những tổn thất không nhỏ.

Nghị định số 166/1999 ngày 19-11-1999 của Chính phủ về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng quy định: “Khi bị tổn thất về tài sản, tổ chức tín dụng phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm, nếu tài sản bị tổn thất do lỗi của tập thể và cá nhân thì tập thể và cá nhân gây ra phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Nợ xấu không thu được là tổn thất không nhỏ về tài sản, có nguyên nhân khách quan và chủ quan ( của ngân hàng và khách hàng). Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu trong nhiều trường hợp không làm minh bạch, không xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc dẫn đến nợ xấu và không có biện pháp xử lý kiên quyết.

Thực tế đòi hỏi xử lý nợ xấu ngân hàng cần minh bạch để giảm thiểu thiệt hại kinh tế đối với Nhà nước, cổ đông, các nhà đầu tư và người gửi tiền đồng thời nâng cao chất lượng quản trị của các ngân hàng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 2 - 2012 ngày 5/1/2012

Từ khóa » Sử Dụng Dự Phòng để Xử Lý Rủi Ro Tín Dụng