ý Nghĩa Hình Thái | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC
Có thể bạn quan tâm
LÊ Đình Tư (Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009)
1. Cấu tạo hình thái của từ và ý nghĩa ngữ pháp
Như chúng ta đã biết, từ không chỉ có ý nghĩa từ vựng mà còn có cả ý nghĩa ngữ pháp. Khác với ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp không phải là ý nghĩa riêng cho từng từ mà bao trùm lên một loạt từ (hoặc câu), bởi vì ý nghĩa ngữ pháp chính là một cách thức phân loại các sự vật, hiện tượng hay khái niệm vì những mục đích riêng của ngôn ngữ: kết hợp các từ với nhau thành các đơn vị thông báo. Do đó, ý nghĩa ngữ pháp là loại ý nghĩa liên quan trước hết đến nội bộ hệ thống ngôn ngữ. Chẳng hạn, ý nghĩa: ‘gà là một danh từ’ tuy có liên quan đến hiện thực khách quan theo một cách thức nào đấy (ví dụ: vì nó là sự vật nên mới có thể là danh từ), song cái ý nghĩa ‘danh từ’ của từ ‘gà’ lại phục vụ trước hết cho việc kết hợp nó với những từ khác. Chẳng hạn, vì ‘gà’ là danh từ nên nó có thể là chủ ngữ hay vị ngữ danh từ trong câu, nhưng không thể đảm đương chức năng của vị ngữ động từ, ví dụ:
Gà là một loại gia cầm. Đó là một con gà.
Việc xác định ý nghĩa ngữ pháp của từ trong các ngôn ngữ có thể không giống nhau. Trong các thứ tiếng không biến hình, như tiếng Việt chẳng hạn, việc xác định ý nghĩa ngữ pháp thường phải dựa vào những đơn vị lớn hơn từ, tức là dựa vào khả năng kết hợp của từ với những từ khác. Ví dụ, từ ‘bàn’ trong tiếng Việt có thể là danh từ nếu nó nằm trong kết cấu ‘cái bàn’, song cũng có thể là động từ, nếu nó nằm trong ‘sẽ bàn’. Trong khi đó thì ở các ngôn ngữ biến hình, việc xác định ý nghĩa ngữ pháp của từ có vẻ dễ dàng hơn nhiều, vì người ta chỉ cần căn cứ vào cấu tạo của bản thân một từ nào đó mà thôi. Ví dụ: Trong tiếng Nga, xét một từ như ‘kraxivưi’ (đẹp) chẳng hạn, ta có thể khẳng định ngay rằng nó là một tính từ giống đực và là tính từ ở số ít… Sở dĩ ta có thể làm được điều đó là vì trong cấu tạo của từ này, có một dấu hiệu hình thức biểu thị những ý nghĩa ngữ pháp của từ: đó chính là biến tố [-ưi].
Những từ có chứa đựng dấu hiệu hình thức biểu thị các loại ý nghĩa ngữ pháp như vậy gọi là từ có cấu tạo hình thái. Đương nhiên, không phải tất cả các từ trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có cấu tạo hình thái. Chẳng hạn, các từ trong tiếng Việt không có cấu tạo hình thái, nhưng phần lớn các từ của các thứ tiếng biến hình, như Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, đều có cấu tạo hình thái. Tuy nhiên, hệ thống cấu tạo hình thái của các từ trong các ngôn ngữ biến hình cũng không giống nhau. Có những ngôn ngữ hệ thống cấu tạo hình thái của từ rất phong phú (ví dụ như các ngôn ngữ Xlavơ), nhưng cũng có những ngôn ngữ, trong đó hệ thống cấu tạo hình thái lại khá nghèo nàn. Ví dụ như trong tiếng Anh, với một dạng thức từ như ‘love’, chúng ta khó có thể nói ngay là nó có ý nghĩa ngữ pháp gì, vì dạng thức này có thể là động từ, danh từ, hoặc tính từ, tuỳ thuộc vào sự kết hợp của nó với các từ khác. Tuy nhiên, dạng thức ‘loved’ của nó lại có thể cho ta biết ngay đây là thời quá khứ của động từ, hoặc đây là một tính động từ.
Như vậy, ngoài việc phân tích cấu tạo của từ để tìm hiểu các phương thức tạo từ mới trong các ngôn ngữ, ta còn có thể phân tích cấu tạo từ để tìm ra các dấu hiệu hình thức biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp. Việc phân tích từ như vậy gọi là phân tích cấu tạo hình thái của từ. Nhờ kết quả phân tích cấu tạo hình thái của từ, ta có thể biết được trong một ngôn ngữ cụ thể, các loại ý nghĩa ngữ pháp được thể hịên như thế nào. Thông thường, để nhận biết các dấu hiệu hình thức biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp của từ, người ta có thể đối lập các từ với nhau hoặc đối lập các dạng thức khác nhau của cùng một từ. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, đối lập các từ ‘ozero’ (cái hồ) với ‘reka’ (sông), ta nhận biết được [-o] là dấu hiệu hình thức biểu thị “giống trung” của từ ‘ozero’, còn [-a] là dấu hiệu hình thức biểu thị giống cái của từ ‘reka’; song đối lập dạng thức ‘reka’ với dạng thức ‘reki’ (các dạng thức khác nhau của cùng một từ), ta nhận biết được [-a] là dấu hiệu hình thức biểu thị số ít, còn [-i] là dấu hiệu hình thức biểu thị số nhiều của từ ‘reka’. Những dấu hiệu hình thức dùng để biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp gọi là ‘hình vị ngữ pháp’.
2. Các loại ý nghĩa ngữ pháp
Cũng giống như ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp là một phạm trù ý nghĩa, trong đó bao gồm một số thành phần ý nghĩa cụ thể hơn. Tuy nhiên, khác với trường hợp ý nghĩa từ vựng, vốn là phạm trù ý nghĩa bao gồm các thành phần ý nghĩa bộ phận giống nhau trong các ngôn ngữ (ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa ngữ dụng), trong phạm trù ý nghĩa ngữ pháp, số lượng các thành phần ý nghĩa bộ phận có thể rất khác nhau giữa các ngôn ngữ: có ngôn ngữ, hệ thống ý nghĩa ngữ pháp của từ rất nghèo nàn, như tiếng Việt chẳng hạn, nhưng có những ngôn ngữ, hệ thống ý nghĩa ngữ pháp lại rất phong phú, ví dụ như tiếng Nga. Số lượng ý nghĩa ngữ pháp nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngôn ngữ hoặc từng loại hình ngôn ngữ.
Kết quả phân tích cấu tạo hình thái của các từ và/hoặc khả năng kết hợp của các từ trong một ngôn ngữ sẽ cho ta biết tổng số ý nghĩa ngữ pháp của ngôn ngữ đó.
Tổng hợp tất cả các loại ý nghĩa ngữ pháp trong các ngôn ngữ cho phép ta phân biệt những loại ý nghĩa ngữ pháp sau đây:
2.1 Ý nghĩa từ pháp hay ý nghĩa hình thái
Đó là ý nghĩa được phản ánh qua kiểu cấu tạo hình thái của từ và hệ biến đổi hình thái (gọi tắt là hệ biến thái) của nó, nếu có. Chẳng hạn, từ ‘reader’ (độc giả) trong tiếng Anh chỉ cho ta biết những thông tin ngữ pháp sau:
– Nó là một danh từ, – Nó là một danh từ số ít,
Song, một danh từ tiếng Nga còn có thể cho ta biết về hệ biến đổi hình thái của nó. Ví dụ: Từ ‘xtudentka’ (nữ sinh viên) với vĩ tố [-a] cho ta biết các ý nghĩa ngữ pháp sau:
– Nó là một danh từ giống cái, – Nó là một danh từ số ít, – Nó là một danh từ ở nguyên cách (chủ cách),
và danh từ này sẽ biến đổi theo hệ biến đổi hình thái đặc trưng cho những danh từ giống cái có vĩ tố [-a] (ví dụ, ở sở hữu cách số ít: [-i]; ở tặng cách số ít:[-e]; ở đối cách số ít: [-u], v.v…).
2.2 Ý nghĩa chức năng hay ý nghĩa quan hệ
Đó là ý nghĩa phản ánh chức năng ngữ pháp mà từ đảm nhiệm trong cụm từ hay câu. Như vậy, đây là loại ý nghĩa mà từ có được khi nó nằm trong mối quan hệ với những từ khác trên dòng lời nói. Ví dụ: Dạng thức ‘kniga’ (quyển sách) của tiếng Nga cho ta biết rằng danh từ này đang đảm đương chức năng chủ ngữ trong câu, còn dạng ‘knigu’ thì cho biết nó đang đảm đương chức năng bổ ngữ trực tiếp của động từ, tức là đối tượng trực tiếp của hành động hay hoạt động. Trong các ngôn ngữ không biến hình, ý nghĩa chức năng chỉ có thể được nhận biết trên cơ sở vị trí của từ; chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ ‘sinh viên’ đảm đương chức năng chủ ngữ, nếu nó nằm trong kết hợp từ: « Sinh viên đang học bài. », song nó sẽ là định ngữ, nếu nằm trong câu: « Đây là bàn học của sinh viên. ». Loại ý nghĩa này có liên quan đến tính chất từ loại của từ.
2.3 Ý nghĩa từ loại
Đó là ý nghĩa vừa phản ánh cách thức chia cắt hiện thực khách quan bên ngoài ngôn ngữ vừa phản ánh khả năng đảm đương các chức năng ngữ pháp của từ trong nội bộ hệ thống ngôn ngữ. Như vậy, có thể thấy rằng nghĩa này liên quan chặt chẽ với ý nghĩa chức năng đó nói ở trên. Chẳng hạn, ý nghĩa ‘hành động’ hoặc ý nghĩa ‘tính chất’ của các từ cho chúng ta biết chúng có khả năng đảm đương những chức năng ngữ pháp nào. Trong nhiều ngôn ngữ, nếu một từ có ý nghĩa ‘phẩm chất’ (và do đó là một tính từ) thì nó không thể kết hợp với một động từ trong chức năng trạng ngữ hoặc bổ ngữ (ví dụ, trong tiếng Nga: không thể nói “govorit’ khorosi” vì ‘govorit’’ là động từ và ‘khorosi’ là một tính từ) mà chỉ có thể kết hợp với các danh từ trong chức năng định ngữ hoặc vị ngữ mà thôi. Tuy nhiên, điều đó sẽ không đúng với thực tiễn tiếng Việt, vì trong ngôn ngữ này, các tính từ có thể kết hợp với động từ trong chức năng trạng ngữ. Ví dụ, so sánh:
Con công xòe rộng cái đuôi. Khúc sông chỗ này rất rộng.
Ý nghĩa từ loại của từ có thể được biểu thị bằng các hình vị ngữ pháp (ví dụ: [-er] trong tiếng Pháp hay [-at’] trong tiếng Nga biểu thị ý nghĩa ‘động từ’), nhưng cũng có thể không được thể hiện qua hình thức của từ, và do đó chỉ có thể nhận biết được ý nghĩa này của từ bằng cách phân tích những đơn vị lớn hơn từ, như trong tiếng Việt chẳng hạn.
(còn nữa)
_______________________________________________________
Từ khóa » Ví Dụ Về Biến Thể Hình Thái Học
-
BIẾN THỂ HÌNH THÁI HỌC By Hạnh Lương - Prezi
-
Bài Giảng Dẫn Luận Ngôn Ngữ: Chương 4.2 - ĐH Thương Mại
-
Hình Thái Học (Ngôn Ngữ Học) Những Gì Nó Phục Vụ, Phân Loại Và Ví Dụ
-
Biến Thể (từ Và Phần Word) - Ngôn Ngữ - EFERRIT.COM
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Hình Thái Học Tiếng Anh - EFERRIT.COM
-
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ_CHƯƠNG II: TỪ VỰNG - Tài Liệu Text
-
MÔN DẪN LUẬN NGÔN NGỮ- NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ - Webtretho
-
Ngôn Ngữ Học - Hình Thái Học - Páginas De Delphi
-
Phân Tích Hình Thái Học Của Danh Từ: Một Ví Dụ Nổi Bật
-
Hình Thái Học | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC
-
Phái Sinh Hình Thái (ngôn Ngữ Học) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Hình Thái Học Tiếng Anh
-
Dẫn Luận Ngôn Ngữ Chương 3, 4 Flashcards | Quizlet
-
Hình Thái Học (ngôn Ngữ Học) - Morphology (linguistics) - Wikipedia