Yên Tử Núi Thiêng Có Thơ đẹp - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

“Phong vực chí” chép: “Trên núi có các thắng cảnh như ngọn Tử Tiêu, am Ngọa Vân và Long Động. Chùa Hoa Yên ở trên đỉnh cao, cảnh trí trông bát ngát. Vua Nhân Tông nhà Trần, tức Trúc Lâm đệ nhất tổ, tu ở đó”. Như vậy là gần nghìn năm nay danh thắng này đã được mọi người chú ý.

Nhà phê bình văn chương Hoài Thanh đã ví: Cảnh đẹp chưa có thơ đề cũng như cô gái đẹp chưa có người yêu. Biết bao du khách đã tới đây, các tín đồ của đạo Phật và các tao nhân mặc khách. Biết bao bài thơ đã viết về Yên Tử.

Người đáng nhắc trước tiên khi nói về Yên Tử là Trần Nhân Tông. Biết gọi ngài như thế nào cho phù hợp, bởi ngài vừa là người Đời nhất, vừa là người Đạo nhất. Đời nhất, bởi Người là người chủ trì cuộc kháng Nguyên thành công hai lần lẫy lừng lịch sử. Đạo nhất, vì ngài sáng lập thiền phái Trúc Lâm – đạo Phật của Việt Nam. Trần Nhân Tông làm nhiều thơ trong đó có thơ thiền. Thật là kỳ lạ, khi chúng ta đặt hai câu thơ nổi tiếng của ông: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá – Non sông nghìn thủa vững âu vàng”bên cạnh bài ngũ ngôn tứ tuyệt “Xuân hiểu” (Buổi sớm mùa xuân) của ông:

Ngủ dậy ngỏ song mâyXuân về vẫn chưa haySong song đuôi bướm trắngPhấp phới sấn hoa bay

(Ngô Tất Tố dịch)

Thanh thoát, sâu lắng, tĩnh tâm đến vô cùng, phải chăng đó là đặc điểm của thơ thiền?

Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, sống lâu ở đây và có nhiều thơ về Yên Tử. Phong cảnh thiên nhiên Yên Tử đã vào thơ ông một cách tự nhiên. Trong bài “Yên Tử sơn am cư” (ở am núi Yên Tử) ông viết:

Ở sát trời xanh, nhà am lạnh lẽoCửa am mở ở tầng trên mây

Riêng về vị trí địa lý đã xa cách cõi trần, gần với thượng giới.Người thiền, thơ thiền nghiêng về thái cực tâm linh. Đây là một quan niệm sống đối nghịch hoàn toàn với chủ nghĩa thực dụng. Một đằng thanh cao, một bên phàm tục. Hạnh phúc thực sự của con người phải chăng là khoảng giữa của hai thái cực đó? Thoát tục, con người trở nên lớn lao hơn, thiên nhiên rộng lớn và hùng vĩ kia cũng chỉ là cảnh chơi của con người. Đây là tầm vóc của sư Huyền Quang trong bài “VịnhHoa Yên tự phú” (Bài phú vịnh chùa Hoa Yên):

Ta nay:

Ngồi đỉnh Vân Tiêu, cưỡi chơi cánhDaoCoi Đông sơn tựa hòn Kim lục\Xem Nam Hải tựa miệng con ngaoNức đài lan nghỉ hương đan quế, nghe Hằng Nga thốt khúc tiêu thiều...

Phải nói rằng, câu chuyện nàng Điểm Bích lên Yên Tử thử giới hạnh sư Huyền Quang đã tô điểm thêm vẻ đẹp hấp dẫn của thắng cảnh này. Bài kệ nàng nói là nghe thấy sư Huyền Quang đọc là của nàng sáng tác hay của ai khác hoặc dân gian thêu dệt vào cho câu chuyện có thêm ánh hào quang:

Vằng vặc giăng mai ánh nướcHiu hiu gió trúc khua sênhNgười hòa tươi tốt, cảnh hòa lạMâu Thích Ca nào thửa hữu tình( “Tam tổ thực lục” – Đinh Gia Khánh dịch)

Phải nhận rằng đây là một bài thơ tài. Đối chiếu với mức độ tu hành của Huyền Quang và phong cách của bài thơ có thể khẳng định rằng Huyền Quang không phải là tác giả của bài thơ này. Có thể là của Điểm Bích sáng tác, bởi vì, theo “Tam tổ thực lục”: “Điểm Bích tuổi mới lên chín, được tuyển vào cung làm cung nữ, thơ trường thiên ngũ ngôn cứ mở miệng là thành chương, lại đặc biệt giỏi thơ quốc ngữ. Vua nói: Đấy là nữ thần đồng!”. Bài thơ có tứ lạ. Hai câu đầu tả cảnh có thể xếp vào tuyệt bút, chỉ mười hai chữ dựng được bức tranh đẹp đúng là Yên Tử. Bảy trăm năm qua đi, bức tranh vẫn tươi tắn. Qua thơ có thể thấy người, một người trần ham sống, yêu đời, yêu thiên nhiên, đến với thiền chỉ là để vãng cảnh thôi.

Nguyễn Trãi là người đi nhiều. Đến nơi đâu ông cũng thường có thơ đề. Yên Tử nằm trong vùng Đông Bắc mà ông thống lĩnh. Chắc ông đã lên Yên Tử nhiều lần. Bài thơ “Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự” (Đề chùa Hoa Yên ở núi Yên Tử) cho thấy ông thuộc Yên Tử cũng như Côn Sơn. Phần lớn bài thơ là tả cảnh thiên nhiên hoành tráng kỳ thú lạ lùng:

Trên núi Yên Tử ở ngọn cao nhấtMới đầu canh năm, mặt trời đã đỏ rựcCảnh vũ trụ, mắt nhìn cùng tột tít ngoài biển xanhTiếng nói cườicon người ở trong làn mây biếcBao quanh cửa, giáo ngọc rậm nghìn mẫuTreo trên đá, dải châu rơi xuống lưng trời...

Độ cao hiếm có của Yên Tử so với các danh thắng khác được tác giả thể hiện trong hai hình ảnh khác biệt: “Mới đầu canh năm, mặt trời đã đỏ rực... Mắt nhìn tột cùng tít ngoài biển xanh”. Hai hình ảnh “giáo ngọc (trúc) rậm nghìn mẫu” và “dải châu (thác) rơi xuống lưng trời” cũng rất riêng Yên Tử. Trên phong cảnh thiên nhiên được vẽ rõ từng nét đó, hình ảnh vua Nhân Tông hiện lên ở hai câu kết như linh hồn của Yên Tử, cho ta thấy tài thơ của Nguyễn Trãi...

Thế rồi, xã hội xoay vần, tạo vật biến đổi. Khi Phật giáo không còn vai trò chủ đạo trong cuộc sống, Yên Tử trở nên lặng lẽ mấy thế kỷ như cuộc đời lặng lẽ của những người tu hành. Đến thời hiện đại, kỷ nguyên văn minh cho con người hướng về những giá trị văn hóa, Yên Tử lại nhộn nhịp sống dậy. Mỗi mùa xuân đến, người bốn phương lại hành hương về đây lễ Phật, cầu mong sự tốt lành và dungoạn danh thắng. Trong dòng người ấy có các thi sĩ. Giữa những ngày đánh Mỹ, nhà thơ Chế Lan Viên, người đang viết “Những bài thơ đánh giặc” đã về Yên Tử. Kỷ niệm không quên về Yên Tử đã được thể hiện trong hai bài thơ của ông. Chế Lan Viên là nhà thơ có những điều lạ lùng. Một trong những điều lạ lùng đó là thái độ của ông đối với đạo Phật. Một người trách nhiệm công dân rất cao, một người hoạt động xã hội nổi tiếng như Chế Lan Viên, những bài thơ đánh giặc của ông nhanh nhạy, mãnh liệt thời chống Mỹ, lại là người viết đến chục bài thơ về chùa, và khi chết, theo di chúc của ông, di hài ông cũng được đưa vào chùa. Nhưng thơ về chùa của ông không phải thơ thiền:

Lên đến Hoa Yên vắng bóng ngườiThông cao nghìn gốc tiếp mây trờiLòng ta không thể tham thiền đượcVừa thấy môi hoa đã nhớ đời(Vừa thấy môi hoa)

Khác nhiều người nói đến trúc, Chế Lan Viên nói đến thông. Lòng ham sống ở đây có phần lộ hơn bài thơ của Điểm Bích. Ở trong bài thơ khác bổ sung, ông cũng nhấn mạnh hình ảnh thông, nhưng tâm thế dễ gần với thiền hơn:

Giữa chiều náo nhiệt phố phườngVụt nhớ ngàn cao Yên TửVắng tanh vạn gốc tùng imThiếu bóng mình đi dưới đó(Chơi Yên Tử, nhớ Hoa Yên)

Dường như, mỗi thi nhân đến Yên Tử đều có thơ. Có người một lần đến mà có mười bài. Có người mười lần đến mới có một bài. Thơ Yên Tử khó mà kể hết...

Trương Triều, nhà thơ cổ điển Trung Quốc, thế kỷ XVIII, trong tập tản văn “U Mộng ảnh”, nói rất chí lý: “Trong thiên hạ không có sách thì thôi, có thì phải đọc; không có rượu thì thôi, có thì phải uống; không có núi đẹp thì thôi, có thì phải thưởng ngoạn”... Yên Tử là một danh thắng được nhiều người lựa chọn chăng, nên cứ đến hội mùa xuân hàng năm, con đường mòn từ chân lên đỉnh núi, dòng người không mấy khi đứt quãng...

Từ khóa » đăng Yên Tử Sơn Tự