Áp Dụng Phương Pháp S.M.A.R.T. Trong Cải Thiện Việc Học Tiếng Anh

Việc học tiếng Anh như một chuyến hành trình đường dài – cần một đích đến cụ thể và lộ trình đường đi rõ ràng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu người học bắt đầu việc học tiếng Anh của mình mà không có một mục tiêu cụ thể và rõ ràng cũng tương tự như ngồi trên một chuyến xe chạy mãi mà không rõ điểm dừng chân. Đích đến và lộ trình càng rõ ràng, người học sẽ đến đích – mục tiêu cần khi bắt đầu học tiếng Anh – càng nhanh chóng hơn. Vậy nên, việc lên kế hoạch, định ra các mục tiêu thông minh ban đầu khi học tiếng Anh là vô cùng quan trọng, vì một phần lớn người học tiếng Anh gặp khó khăn trong quá trình “nâng cấp” vốn ngoại ngữ của họ, đơn giản vì họ không có mục tiêu trong học tập hoặc những mục tiêu họ đặt ra không cân nhắc giữa thực tế và khả năng của họ. Một trong những phương pháp đặt mục tiêu “thông minh” mà bất cứ người học ngoại ngữ nói chung, và tiếng Anh nói riêng, nên tìm hiểu và áp dụng chính là phương pháp S.M.A.R.T. Bài viết sau đây sẽ giúp người học nắm rõ phương pháp đặt mục tiêu S.M.A.R.T cũng như hướng dẫn cách lên kế hoạch “thông minh” để giúp quá trình học tiếng Anh nhanh chóng và đạt hiệu quả cao hơn.

Phương pháp S.M.A.R.T là gì?

Phương pháp S.M.A.R.T là từ viết tắt từ chữ đầu của các chữ sau: S- Specific, M- Measurable, A- Achievable, R- Realistic, T – Time related.

Specific

phuong-phap-s-m-a-r-t-specificSpecific

Specific (cụ thể) nghĩa là các mục tiêu của người học đặt ra cần phải cụ thể. Người học thường mắc các lỗi đặt mục tiêu như: “Tôi muốn nói trôi chảy tiếng Anh như người bản xứ” – đây là một mục tiêu quá bao quát và khó xác định được cụ thể lượng từ vựng và kiến thức cần có để nói trôi chảy như người bản xứ. Thay vào đó, người học nên đặt ra mục tiêu có trường từ vựng rõ ràng hơn như thế này: “Tôi muốn diễn đạt chảy các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày”.

Khi đặt mục tiêu, người học cần tự hỏi đích đến sau cùng của việc nói tiếng Anh trôi chảy là gì, bằng các câu hỏi như: Học tiếng Anh phục vụ cho việc gì? Bản thân người học muốn nói về vấn đề, chủ đề gì?

Ví dụ :

Tôi muốn học tiếng Anh vì tôi muốn :

  • Sinh sống và làm việc ở các nước sử dụng tiếng Anh.

  • Đọc sách, xem phim ảnh bằng tiếng Anh

  • Giao tiếp được với đồng nghiêp và đối tác khi đi làm

  • Đỗ đại học

Sau khi có các mục tiêu cụ thể, bạn sẽ bắt đầu lên kế hoạch thực hiện dựa vào thời gian cho phép và kết quả mong muốn.

Giả sử mục tiêu của bạn chính là học tiếng Anh cho chuyến đi du lịch Mỹ vào tháng sau. Để chuyến đi thành công, bạn cần vốn tiếng Anh vừa đủ để giao tiếp; nếu mục tiêu của bạn là để giao tiếp khi đi du lịch, trong trường hợp này mục tiêu vẫn chưa đủ cụ thể để có thể thực hiện trong thời gian cho phép.

Thay vào đó, bạn cần lên kế hoạch rõ ràng các nơi sẽ tham quan và các việc sẽ làm ở Mỹ, như : check in khách sạn, tham quan bảo tàng, mua quà lưu niệm hay gọi đồ ăn ở nhà hàng; sau đó, việc bạn sẽ làm chính là học các câu tiếng Anh có thể sử dụng tại các điểm dừng chân trong chuyến đi của bạn như “Tôi muốn gọi món này, tôi có thể chụp hình tại nơi này được không, hay khách sạn của anh có phục vụ đồ ăn sáng không?”; bên cạnh đó, bạn cũng chỉ cần học tên gọi của các địa điểm và món ăn quen thuộc tại Mỹ – nơi du lịch của bạn.

Nếu như mục tiêu ban đầu của bạn là “giao tiếp khi đi du lịch”, bạn sẽ tốn kha khá thời gian không cần thiết để học văn phạm cũng như các từ vựng, mẫu câu không cần thiết hoặc không liên quan tới chuyến đi của bạn vì lượng kiến thức cần học là tương đối lớn.

Có thể thấy được, mục tiêu sau cùng càng rõ ràng, việc học sẽ trở nên hiệu quả về mặt thời gian hơn rất nhiều.

Tìm hiểu thêm: Cách áp dụng phương pháp Pomodoro để tăng khả năng tập trung

Measurable

phuong-phap-s-m-a-r-t-measurementMeasurement

Measurable (có thể đo lường được) – người học cần có một thước đo sự tiến bộ hoặc 1 danh sách các tiêu chí cần đạt được trong 1 khoảng thời gian nhất định để theo dõi được quá trình cũng như kết quả học tập của chính mình.

Người học thường đặt những mục tiêu như : “Tôi sẽ học 10 từ mới mỗi tuần” hoặc “ Tôi sẽ dành ra 30 phút mỗi ngày để học tiếng Anh.” Mặc dù những mục tiêu này rất đơn giản để thực hiện và dễ hiểu, nó lại không mang lại hiểu quả sau cùng cao, vì trong trường hợp này, việc học từ vựng sẽ không hữu dụng nếu người học không biết cách ứng dụng nó để truyền đạt một ý tưởng hoàn chỉnh, hay khoảng thời gian học 30’ mỗi ngày không quan trọng bằng việc học nội dung gì trong khoảng thời gian ấy.

Thay vào đó, người học nên đặt những mục tiêu có các tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ hay tiến độ của bản thân như: “Để nói tiếng Anh trôi chảy, tôi sẽ bắt đầu bằng việc học bảng ngữ âm IPA – mỗi tuần tôi sẽ tự kiểm tra bằng cách viết phiên âm và ghi âm phát âm của mình và nhờ sự chỉnh sửa của Google để chỉ ra các lỗi sai.”

Người học có thể viết ra 1 danh sách các nội dung cần học và đánh dấu tick (√) vào mỗi việc hoàn thành trên danh sách. Khi đặt các mục tiêu “measurable”, người học nên lấy kết quả sau cùng là động lực cố gắng.

Achievable

Achievable

Achievable (có thể đạt được) – Mỗi một mục tiêu đưa ra đều phải đảm bảo rằng các mục tiêu ấy đều nằm trong tầm khả năng của người học.

Các mục tiêu nên được chia nhỏ ra trong 1 khoảng thời gian hợp lý, người học nên lập danh sách từng bước nhỏ cần thực hiện để đi đến đích đến cuối cùng. Bởi vì mỗi khi hoàn thành một việc nhỏ trong danh sách, người học sẽ cảm thấy có động lực và mỗi lúc một gần hơn tới mục tiêu của mình.

Giả sử một bạn học sinh đang ôn tập cho kì thi tiếng Anh cuối học kì, bạn có thể lên danh sách cụ thể và có thể hoàn thành như sau: Ngày đầu tiên ôn tập Unit 1 – sáng làm bài tập ngữ pháp, chiều ôn từ vựng và tối làm bài tập đọc; tương tự với các ngày còn lại trong thời gian ôn tập. Như vậy, bạn học sinh có thể vừa theo dõi nội dung nào đã và chưa ôn tập để đảm bảo việc ôn thi diễn ra đúng tiến độ, vừa tự tạo động lực đạt điểm cao trong kì thi mỗi khi hoàn thành ôn tập 1 unit.

Realistic

phuong-phap-s-m-a-r-t-realisticRealistic

Realistic (thực tế) – Mỗi một mục tiêu, dù lý tưởng đến đâu, đều phải cân nhắc các yếu tố như tình hình thực tế , tính cách và năng lực của mỗi người.

Việc người học nản lòng trong quá trình học tập một ngôn ngữ mới là chuyện không thể tránh khỏi, vậy nên các mục tiêu không nên được lý tưởng hóa mà nên cân bằng giữa đích đến cuối cùng, thời gian thực hiện và khả năng thành công của bản thân. Không có mục tiêu nào là đúng hay sai, điều quan trong là các mục tiêu cần phải thực tế và trong tầm với của người đặt ra.

Ví dụ : Nếu người học chỉ mới bắt đầu học tiếng Anh được 1 tháng, mỗi ngày dành 2 tiếng cho việc học, mục tiêu trong 1 tháng tiếp theo có thể giao tiếp trôi chảy với một người bản xử trong bối cảnh cuộc sống hàng ngày là một mục tiêu hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế; người học cần cân nhắc các yếu tố cụ thể như thời gian đang dành cho việc học tiếng Anh, môi trường đang sinh sống và làm việc cũng như khả năng tiếp thu nhanh hay chậm để đưa ra một mục tiêu phù hợp với người học hơn.

Giả sử trong trường hợp này, người học đang dành mỗi ngày 2 tiếng cho việc học tiếng Anh, trong môi trường sinh sống và làm việc hoàn toàn bằng tiếng Việt, tuy nhiên khả năng nắm bắt và ghi nhớ tương đối tốt thì người học có thể đặt ra mục tiêu như sau : trong 1 tháng tiếp theo có thể giao tiếp với vốn từ vựng hạn chế, nhưng lưu loát trong bối cảnh nhà hàng-khách sạn, rạp phim, khu mua sắm và chào hỏi hàng ngày.

Bên cạnh đó, mục tiêu của một người không nhất thiết phải cố định xuyên suốt 1 thời gian dài; Với mỗi một mục tiêu hoàn thành, người học luôn có thể đặt ra một hướng tiếp cận hoàn toàn khác cho mục tiêu tiếp theo.

Time – Ralated

Time-related (yếu tố thời gian) – việc đặt mục tiêu với giới hạn thời gian cuối cùng (deadline) sẽ giúp người học thúc đẩy bản thân nhiều hơn, tối đa hóa thời gian và tăng hiệu quả việc học hơn.

Người học có thể đặt các mục tiêu như “ Trong vòng 1 tuần, tôi phải nhớ và sử dụng thành thạo các câu giao tiếp sử dụng trong bối cảnh nhà hàng-khách sạn” hoặc “ Trong hôm nay, tôi phải hoàn thành ôn tập Unit 1”.

Lên kế hoạch cho việc học tiếng Anh của bạn

Hãy nhìn vào một số gợi ý áp dụng phương pháp đặt mục tiêu S.M.A.R.T để lên kế hoạch cho việc học tiếng Anh.

Ví dụ 1: Giả sử một bạn học sinh nói rằng “Tôi muốn thi tốt phần Part 2 trong bài thi IELTS Speaking”

Dựa vào phương pháp S.M.A.R.T, khi lên kế hoạch cho việc học, bạn cần phải cụ thể hơn với mục tiêu của mình bằng cách đặt các câu hỏi như: Part 2 có những nhóm chủ đề lớn nào cần ôn tập? Có các tiêu chí nào cần nắm rõ để làm tốt Part 2 trong bài thi Speaking?

Sau đó, mục tiêu cần phải có khả năng đánh giá, nhận xét được. Khi đó, mục tiêu của bạn học sinh đã chuyển đổi thành: “Tôi muốn có lượng từ vựng đủ để nói về chủ đề Con Người trong vòng 2 phút.”

Tiếp đó, bạn học sinh cần tự hỏi liệu mục tiêu này có khả thi với bạn không? Bạn phải cân nhắc kĩ lưỡng kiến thức sẵn có của mình của như độ quen thuộc của mình với các chủ đề được hỏi trong bài thi. Bên cạnh đó, bạn phải nhìn nhận một cách thẳng thắn vào thực tế liệu bản thân bạn có sẵn sàng cam kết với mục tiêu mình đặt ra không và bạn có duy trì đủ hứng thú hay có đủ động lực để hoàn thành mục tiêu hay không mà có sự điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp. Mục tiêu hiện nay đã cụ thể và thực tế hơn: “Tôi muốn học 20-30 từ vựng miêu tả ngoại hình và tính cách của Con Người để ứng dụng trong Part 2.”

Cuối cùng, bạn học sinh cần đưa ra thời gian hạn định cho việc học từ vựng của mình : “Trong vòng 1 tuần, tôi muốn học 20-30 từ vựng miêu tả ngoại hình và tính cách của Con Người để ứng dụng trong Part 2.”

Để việc hoàn thành mục tiêu được nhanh và hiệu quả hơn, người học có thể tạo thêm các mục tiêu nhỏ hơn đi kèm, như là “Mỗi ngày tôi sẽ dành 2 tiếng ôn lại các từ vựng đã học ngày hôm trước và luyện tập đặt câu với các từ vựng ấy.”

Ví dụ 2: Để cải thiện phát âm, người học không nên đặt mục tiêu “Tôi muốn nói tiếng anh tự nhiên hơn.” vì mong ước, mục tiêu này rất mơ hồ khi khái niệm “tự nhiên” được cấu thành bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Phương pháp đặt mục tiêu S.M.A.R.T sẽ giúp mục tiêu đó dễ tiếp cận hơn bằng cách cụ thể hóa mục tiêu “phát âm như người bản xứ”. Để cụ thể hơn mục tiêu này, người đọc nên đổi mục tiêu thành “Tôi muốn cải thiện ngữ điệu và trọng âm trong câu khi sử dụng tiếng Anh để nghe tự nhiên hơn.” Việc học phát âm đã được cụ thể hóa thành việc cải thiện ngữ điệu, dấu nhấn khi nói.

Tiếp theo đó, để trực tiếp đánh giá thành quả, người học sẽ thêm quy cách đánh giá vào như “Tôi muốn cải thiện ngữ điệu và trọng âm trong câu khi sử dụng tiếng Anh, sau đó luyện tập cho đến khi thấy miệng cảm thấy thoải mái và não ghi nhớ được các nhấn âm”. Sau đó, người học, lại một lần nữa, tương tự như ví dụ trên, cân nhắc khả năng cá nhân có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra hay không và đặt lên bàn cân các yếu tố tác động bên ngoài để điều chỉnh nếu có.

Cuối cùng chính là động thời tạo động lực và áp lực cho người học bằng cách đặt ra một thời gian hạn định cho mục tiêu của mình “Trong vòng 1 tháng, tôi muốn cải thiện ngữ điệu và dấu nhấn trong câu khi sử dụng tiếng Anh, sau đó luyện tập cho đến khi thấy miệng cảm thấy thoải mái và não ghi nhớ được các nhấn âm.”

Tổng kết

Việc có một mục tiêu sẽ giúp người học cải thiện việc học tiếng Anh nhanh và hiệu quả hơn và phương pháp S.M.A.R.T chính là một trong những phương pháp đặt mục tiêu khoa học và dễ ứng dụng nhất cho bất kì người học nào. Người học có thể có cùng lúc nhiều mục tiêu lớn, nhỏ và đồng thời có thể đo lường sự tiến bộ của mình bằng cách hoàn thành từng mục tiêu nhỏ ở từng thời điểm. Học tiếng Anh là một quá trình lâu dài, việc có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp người học có động lực hơn và cảm thấy việc học tiếng Anh tuy không dễ dàng nhưng có thể đạt được đích đến mình mong muốn.

Bùi Hoàng Phương Uyên

Từ khóa » Ví Dụ Thiết Lập Mục Tiêu Smart Trong Học Tập