Bảng Chữ Cái Tiếng Việt Và Những Lưu ý

Trước khi học một ngoại ngữ, bạn đều phải học bảng chữ cái. Đối với những người nước ngoài học tiếng Việt cũng như vậy.

Chữ viết là hệ thống các ký hiệu để ghi lại ngôn ngữ dạng văn bản, là sự miêu tả lại ngôn ngữ thông qua các ký hiệu hoặc biểu tượng. Chữ viết trong mỗi ngôn ngữ được cấu thành từ bảng chữ cái đặc trưng của ngôn ngữ đó. Đối với mỗi người học ngoại ngữ thì việc làm quen với bảng chữ cái sử dụng cho ngôn ngữ đó là việc đầu tiên hết sức quan trọng. Tiếng Việt cũng vậy, nhưng thực tế là nhiều người nước ngoài có thể nói tiếng Việt nhưng không biết gọi tên các con chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt. Khi cần sử dụng, họ lấy cách phát âm bảng chữ cái tiếng Anh để thay thế.

Do đó, nhất thiết phải giới thiệu bảng chữ cái tiếng Việt cho người học trong những buổi học đầu tiên. Nhưng lưu ý: người học không cần quá nặng nề về việc nhớ “tên” của các chữ cái, điều đó sẽ gây áp lực, đặc biệt đối với những học viên khó khăn trong việc tiếp thu hoặc những học viên không cùng sử dụng bảng chữ cái Latinh. Và cũng lưu ý đối với giáo viên là phải thống nhất một cách đọc bảng chữ cái, tốt nhất là đọc theo âm khi ghép vần (a, bờ, cờ thay vì a, bê, xê…)

Bảng chữ cái truyền thống

Bảng chữ cái Tiếng Việt có 29 chữ cái (đây là con số không quá nhiều để nhớ đối với mỗi học viên trong bài đầu tiên tiếp cận tiếng Việt), mỗi chữ cái đều có hai hình thức viết hoặc in lớn và nhỏ. Kiểu viết hoặc in lớn gọi là “chữ hoa”, “chữ in hoa”, “chữ viết hoa”. Kiểu viết hoặc in nhỏ gọi là “chữ thường”, “chữ in thường”, “chữ viết thường”, được sắp xếp theo thứ tự như sau:

Chữ (viết hoa & viết thường) Tên chữ Đọc theo âm
A a a a
Ă ă á á
 â
B b bờ
C c cờ
D d dờ
Đ đ đê đờ
E e e e
Ê ê ê ê
G g giê gờ
H h hát hờ
I i i i
K k ca cờ
L l e-lờ lờ
M m em mờ/e-mờ mờ
N n en nờ/e-nờ nờ
O o o o
Ô ô ô ô
Ơ ơ ơ ơ
P p pờ
Q q cu/quy quờ
R r e-rờ rờ
S s ét-xì sờ
T t tờ
U u u u
Ư ư ư ư
V v vờ
X x ích xì xờ
Y y i dài i

Trong đó, cách phát âm thứ nhất dùng để gọi các con chữ, cách phát âm thứ hai dùng để đánh vần các từ, ví dụ: ba = bờ a ba; ca = cờ a ca, tôi = tờ ôi tôi. Lưu ý không sử dụng cách phát âm theo tên gọi trong trường hợp này, ví dụ: ba = bê a ba, ca = xê a ca, tôi = tê ôi tôi…

Bảng chữ cái mở rộng

Ngoài các chữ cái truyền thống này, gần đây, ở Việt Nam có một số người đề nghị thêm bốn chữ mới, đó là: f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt.Tuy nhiên, vấn đề này còn đang được tranh luận. Bốn chữ cái “f”, “j”, “w” và “z” không có trong bảng chữ cái tiếng Việt nhưng trong sách báo có thể bắt gặp chúng trong các từ ngữ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác, ví dụ: Show biz,… Trong tiếng Việt bốn chữ cái này có tên gọi như sau:

  • f: ép,ép-phờ. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là “effe” /ɛf/.
  • j: gi. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là “ji” /ʒi/.
  • w: vê kép, vê đúp. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là “double vé” /dubləve/.
  • z: dét. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là “zède” /zɛd/

Một số lưu ý với Bảng chữ cái

Về nguyên âm

Trong bảng chữ cái tiếng Việt có 11 nguyên âm đơn: a, ă, â, e, ê, i/y, o, ô, ơ, u, ư (Một số người tính thêm nguyên âm dài nữa là oo (xoong, coong) cho tiếng Việt có tới 12 nguyên âm đơn) và 3 nguyên âm đôi với nhiều cách viết: ia – yê – iê, ua – uô, ưa – ươ. Các nguyên âm này khác nhau ở hai điểm chính: Vị trí của lưỡi và độ mở của miệng. Một số đặc điểm cần lưu ý về các nguyên âm này  như sau:

  • Hai nguyên âm a và ă, trên căn bản từ độ mở của miệng lẫn vị trí của lưỡi, đều giống nhau. Chúng chỉ khác nhau ở một điểm duy nhất: a dài trong khi ă thì ngắn.
  • Hai nguyên âm ơ và â cũng tương tự: Ơ dài và â thì ngắn.
  • Trong các nguyên âm, cần đặc biệt chú ý đến các nguyên âm có dấu (ư, ơ, ô, â, ă). Một phần, chúng không có trong tiếng Anh; phần khác, chúng khó nhớ.
  • Thể hiện trong chữ viết, một nguyên âm đơn chỉ xuất hiện một mình trong âm tiết chứ không lặp lại ở vị trí gần nhau, ví dụ như trong tiếng Anh: look, see, zoo,… Trừ một số ngoại lệ rất ít ỏi, chủ yếu vay mượn (quần soóc/soọc, cái soong/xoong) hay tượng thanh (kính coong, boong). Các ngoại lệ này chỉ xảy ra với nguyên âm /o/ và một ít, cực ít, nguyên âm /ô/ mà thôi.
  • Cũng trên chữ viết, âm ă và âm â không đứng một mình.
  • Khi dạy học sinh cách phát âm, giáo viên có thể dạy theo độ mở của miệng và theo vị trí của lưỡi; hoặc có thể bằng cách liên hệ đến cách phát âm trong tiếng Anh. Cách so sánh này sẽ giúp học viên dễ mường tượng được vị trí của lưỡi trong việc phát âm – điều mà họ không thể nhìn thấy qua việc quan sát thầy cô giáo trong lớp.

Về phụ âm

 Xem thêm các video tương tự tại đây.

Từ bảng chữ cái, tiếng Việt có phần lớn các phụ âm được ghi bằng một chữ cái duy nhất: b, t, v, s, x, r… Có 9 phụ âm được ghi bằng hai chữ cái ghép lại:

  • Ph (phở, phim, phấp phới)
  • Th (thướt tha, thê thảm)
  • Tr (tre, trúc, trước, trên)
  • Gi (gia giáo, giảng giải )
  • Ch (cha, chú, che chở)
  • Nh (nhỏ nhắn, nhẹ nhàng)
  • Ng (ngây ngất, ngan ngát)
  • Kh (không khí, khập khiễng)
  • Gh (ghế, ghi, ghé, ghẹ)

Có một phụ âm được ghi bằng ba chữ cái: Ngh (nghề nghiệp)

Và trong tiếng Việt có ba phụ âm được ghi bằng nhiều chữ cái khác nhau:

  • /k/ được ghi bằng:
    • K khi đứng trước i/y, iê, ê, e (kí/ký, kiêng, kệ, kẻ);
    • Q khi đứng trước bán nguyên âm u: qua, quốc;
    • C khi đứng trước các nguyên âm còn lại: cá, cơm, cóc, cốc,…
  • /g/ được ghi bằng:
    • Gh khi đứng trước các nguyên âm i, iê, ê, e (ghi, ghiền, ghê, ghẻ);
    • G khi đứng trước các nguyên âm còn lại
  • /ng/ được ghi bằng:
    • Ngh khi đứng trước các nguyên âm i, iê, ê, e (nghi, nghiêng, nghệ, nghe);
    • Ng khi đứng trước các nguyên âm còn lại.

Tham gia ngay khóa tự học Tiếng Việt online của 123Vietnamese.

Kết luận

Học bảng chữ cái tiếng Việt sẽ đơn giản hơn đối với các học viên sử dụng tiếng Anh bởi cùng sử dụng chữ cái Latinh. Đối với các học viên sử dụng chữ tượng hình như các học viên đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan,… thì ban đầu thường rất khó khăn trong kỹ năng viết, do đó cần thiết phải có vở luyện viết cho học viên viết lại để làm quen với cách viết chữ cái Latinh.

Trên đây là kiến thức cơ bản về bảng chữ cái trong tiếng Việt và những lưu ý mà mỗi học viên khi học tiếng Việt cần ghi nhớ. Người nước ngoài học bảng chữ cái tiếng Việt khi nhớ hết các chữ trong bảng chữ cái, các nguyên âm, phụ âm và nguyên tắc ghép vần sẽ giúp học viên nhanh chóng làm chủ hệ thống chữ viết tiếng Việt, giảm khả năng mắc những lỗi sai chính tả khi viết tiếng Việt, đồng thời là cơ sở cho học viên học đến các kiến thức nâng cao giai đoạn sau.

Nguồn tham khảo:

    1. Nguyễn Hưng Quốc (2014) Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (Methods of Teaching Vietnamese as a Second Language), NXB NgườiViệtBook 2014.
    2. Th.s Trần Hồng Liễu – Giảng viên khoa Viết văn – Báo chí, bài: Tiếng Việt cho người nước ngoài, hướng tiếp cận trong những bài học đầu tiên, http://huc.edu.vn
    3. https://www.wikipedia.org/

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Từ khóa » En Nờ Và E Lờ