Bắt Bị Can, Bị Cáo để Tạm Giam - Luật LawKey

Khái niệm bắt bị can, bị cáo là gì? Thẩm quyền, trình tự thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khái niệm bắt bị can, bị cáo là gì?

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã có quyết định khởi tố bị can hoặc người đã có quyết định của Tòa án đưa ra xét xử – bị cáo để tạm giam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đối tượng bị bắt để tạm giam là bị cam, bị cáo nên những người chưa bị khởi tố không phải là đối tượng để áp dụng biện pháp này.

Tuy nhiên, không phải tất cả bị can, bị cáo để có thể bị bắt để tạm giam mà chỉ những bị can, bị cáo thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) mới có thể bị bắt để tạm giam.

Thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam

Theo Khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về những người có thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam như sau:

Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm soát; Chánh án, Phó chánh án và Hội đồng xét xử. Người đứng đầu các Cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền bắt bị can để tạm giam.

Khi cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án (Chánh án, phó Chánh án) thực hiện thẩm quyền thì phải ra lệnh bắt còn Hội đồng xét xử phải ra quyết định bắt. Lệnh bắt của Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Trình tự thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam

Theo khoản 2 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam như sau

Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, quyết định, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và lập biên bản về việc bắt, giao lệnh cho người, quyết định cho người bị bắt. Việc thi hành các lệnh bắt nói chung và lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam nói riêng do cơ quan Công an thực hiện trong các giai đoạn tố tụng hình sự.

Nếu bắt người tại nơi cư trú hoặc nơi khác phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Người chứng kiến phải đảm bảo theo đúng quy định về người chứng kiến được quy định tại Điều 67 BLTTHS năm 2015. Nếu bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Người đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn phải đảm bảo đúng quy định về đại diện theo quy định của Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân hay chỉ cần là công chức, viên chức thuộc chính quyền xã, phường thị trấn. Thực tế, khi BLTTHS năm 2003 đang có hiệu lực, đại diện chính quyền xã khi thi hành lệnh bắt thường là Trưởng công an xã. Theo tác giả, đã nói đến đại diện thì phải đảm bảo quy định của pháp luật về đại diện theo Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân trong đó có thể là đại diện đương nhiên hoặc đại diện theo ủy quyền thường xuyên thì mới đúng.

Không được bắt người vào ban đêm nghĩa là không được bắt từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau trừ trường hợp phạm tội bắt quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

>>Xem thêm: Bắt người đang bị truy nã theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

Trên đây là bài viết về “Bắt bị can, bị cáo để tạm giam” LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey.

Từ khóa » Khái Niệm Bắt Bị Can Bị Cáo để Tạm Giam