CÁC LOẠI NHÀ TRẺ/ TRƯỜNG MẪU GIÁO Ở NHẬT - AFamilyinJP

Khi tìm hiểu về hệ thống nhà trẻ/ trường mẫu giáo ở Nhật chắc chắn các bố mẹ sẽ có chút bối rối vì có quá nhiều kiểu trường với nhiều loại tên gọi khác nhau. Vậy để giúp các bố mẹ có thêm những thông tin cơ bản để hiểu về cách phân loại, đặc điểm của các loại nhà trẻ ở Nhật mình xin chia sẻ bài viết này. Bài viết được tổng hợp và dịch từ các trang thông tin bằng tiếng Nhật và từ kinh nghiệm bản thân.

I. Nhà trẻ đạt tiêu chuẩn (認可保育所) – Gọi tắt là trường 認可 (にんか).
  • Đây là những nhà trẻ đạt được các tiêu chuẩn cơ bản do nhà nước đề ra, và được Thống đốc các tỉnh ký quyết định Công nhận. Các tiêu chuẩn cơ bản như: Diện tích (施設の広さ), Số lượng giáo viên (保育士の職員数), Cơ sở vật chất bếp ăn (給食設備), Quản lý phòng chống thiên tai (防災管理), Quản lý vệ sinh (衛生管理) .v.v.
  • Về thủ tục để xin vào Trường認可 là phải đăng ký thông qua Cơ quan hành chính địa phương (市・区役所).
  • Về tương quan học phí thì Trường 認可rẻ hơn so với Trường 認可外, nên là số lượng đăng ký cũng sẽ nhiều hơn, và đôi khi bạn phải chờ đợi khá lâu để được nhận.
  • Số lượng học sinh ở Trường 認可thường từ 60-300 bé, tuy nhiên đa số các trường có lượng học sinh khoảng trên dưới 100 bé.
  • Về độ tuổi các lớp thì có những trường nhận từ lớp 0 tuổi, có những trường nhận từ lớp 1 tuổi, tùy theo quy định của từng trường.

Trong các Trường 認可 thì được chia làm 3  nhóm chính:

  1. Nhà trẻ Công – 公立保育園(こうりつほいくえん)

Đây là những nhà trẻ do chính quyền địa phương (市区町村) vận hành. Giáo viên của nhà trẻ cũng là viên chức (公務員こうむいん).

  1. Nhà trẻ Tư – 私立保育園(しりつほいくえん)

Là nhà trẻ được vận hành bởi các trường học tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ NPO, các tổ chức phúc lợi xã hội..v.v. So với trường Công thì các trường Tư bị ít các ràng buộc trong vận hành hơn, nên các trường thường có thêm nhiều các hoạt động phong phú như các giờ học tiếng anh, các hoạt động gần gũi với thiên nhiên.v.v.

  1. Nhà trẻ Công lập tư thục – 公設民営保育園(こうせつみんえいほいくえん)

Là nhà trẻ mà có trang thiết bị thuộc về nhà nước hoặc chính quyền địa phương nhưng do tư nhân vận hành. Mặc dù cơ sở vật chất thuộc về chính quyền, nhưng giáo viên thì không phải là viên chức. Chính sách và cách vận hành của nhà trẻ này cũng gần giống với nhà trẻ Công, không có nhiều khác biệt.

Như vậy Trường 認可KHÔNG có nghĩa là trường Công, mà kể cả các trường Tư, trường Công lập tư thục nhưng đạt tiêu chuẩn thì vẫn gọi là Trường 認可.

 

II. Nhà trẻ ngoài tiêu chuẩn (認可外保育園―にんかがいほいくえん)- Gọi tắt là Trường 認可外.

Mặc dù là những trường chưa đạt được các tiêu chuẩn cơ bản của nhà nước đề ra, tuy nhiên Trường 認可外lại có thêm nhiều các dịch vụ chăm sóc bổ sung khác. Ví dụ như: dịch vụ ベビーホテル(baby hotel- đây là dịch vụ trông trẻ vào khung giờ buổi đêm hoặc trông trẻ 24 tiếng), hoặc điểm trông giữ trẻ ngay tại nơi làm việc/ trong bệnh viện (企業内・病院内保育所) …

Nhiều người khi nghe đến “Nhà trẻ ngoài tiêu chuẩn” sẽ nghĩ là Trường không tốt, không đủ tiêu chuẩn nhưng thực tế lại không phải như vậy. Chỉ là những trường này thiếu 1 tiêu chuẩn gì đó mà nhà nước đề ra (ví dụ diện tích không đủ rộng) thì cũng sẽ trở thành trường 認可外.

Tuy nhiên những trường này lại có nhiều ưu điểm so với trường 認可. Ví dụ như: các bố mẹ có thể gửi con mà không cần có lý do, có thể gửi các khung giờ theo nguyện vọng, có thể gửi vào buổi tối và thậm chí là ngày nghỉ…

Tất nhiên học phí ở Trường 認可外cũng sẽ cao hơn ở trường 認可. Trường hợp bố mẹ không đủ điều kiện để gửi con ở trường 認可 thì có thể gửi tạm ở trường 認可外 trong thời gian chờ xét duyệt hồ sơ trường 認可 (gửi bé ở trường 認可外sẽ được cộng thêm điểm trong hồ sơ).

Ví dụ về Trường 認可外:

  1. 企業内保育所 Điểm giữ trẻ tại nơi làm việc

Đây là kiểu Nhà trẻ được tổ chức ngay trong tòa nhà hoặc gần tòa nhà công ty, đối tượng sử dụng là nhân viên công ty. Khi mà ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm thì kiểu nhà trẻ này cũng tăng lên. Ưu điểm của nhà trẻ kiểu này là trông giữ trẻ vào những khung giờ phù hợp với giờ làm việc của bố/mẹ, đồng thời bố/ mẹ cũng có thể đón trẻ ngay lập tức trong những trường hợp khẩn cấp.

Những điểm hạn chế:

  • Vì nó được bố trí ngay trong tòa nhà làm việc của các công ty, nên việc trẻ em phải di chuyển từ nhà đến công ty với bố mẹ sẽ khiến trẻ mệt mỏi – đặc biệt nếu phải di chuyển bằng tàu vào giờ cao điểm.
  • Không gian nhà trẻ cũng hạn chế, không có sân vườn cho trẻ vui chơi dẫn đến nguy cơ trẻ không được vận động đủ. Chính vì những điều này mà đôi khi nhân viên của công ty cũng từ chối không sử dụng nhà trẻ tại nơi làm việc.
  1. 病院内保育所Điểm giữ trẻ tại bệnh viện

Hiện nay một số bệnh viện cũng bắt đầu tổ chức điểm giữ trẻ ngay tại bệnh viện để hướng tới đối tượng sử dụng là các y bác sỹ phải làm việc/ trực theo ca 24/7. Điều này đã góp phần tạo ra môi trường làm việc thoải mái hơn cho phụ nữ vừa phải chăm con vừa phải đi làm.

 

III. Nhà trẻ được chứng nhận – 認証保育園 (にんしょうほいくえん)- Gọi tắt là Trường 認証.

Loại nhà trẻ này là quy định riêng của Tokyo. Ở những một thành phố lớn như thủ đô Tokyo thì việc có được các không gian rộng rãi là rất hiếm, vì vậy hầu hết các nhà trẻ cũng không thể thỏa mãn điều kiện cơ bản về diện tích do nhà nước định ra đối với các Trường 認可. Để giải quyết vấn đề này thì Tokyo đưa ra những yêu cầu riêng, và những trường mẫu giáo đạt yêu cầu này sẽ trở thành Trường 認証.

Rất nhiều Công ty/ Tập đoàn tư nhân đầu tư vào loại hình Trường認証, và họ có nhiều chính sách để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các bậc phụ huynh.

Ví dụ như có nhiều trường nhận giữ trẻ đến 10/11h đêm, hoặc có những trường nằm ngay trong Ga tàu điện để phụ huynh tiện đưa đón con. Nhiều trường có những dịch vụ hỗ trợ hết sức cho các bà mẹ đi làm (働くお母さん).

Học phí của Trường 認証 có cao hơn so với trường 認可, tuy nhiên bạn có thể nộp hồ sơ xin học trực tiếp với trường. Ngoài ra, cũng có nhiều quận ở Tokyo có hỗ trợ học phí cho Trường 認証.

 

IV. Trường mẫu giáo (幼稚園―ようちえん)

Trường 幼稚園là kiểu “Trường học” (学校), giống như Trường Cấp 1,2,3 vậy. Trường mẫu giáo thiên về việc dạy học (教育), hơn là việc trông trẻ (保育) như ở nhà trẻ.

Tuy nhiên nó không phải là kiểu giáo dục bắt buộc như Trường Cấp 1,2,3 mà là tự do lựa chọn của mỗi gia đình. Trẻ từ đủ 3  tuổi đến đủ 6 tuổi (trước khi vào Cấp 1) đều được đăng ký học.

Nội dung chăm sóc trẻ ở trường mẫu giáo sẽ tuân theo bản “Nguyên tắc giáo dục mẫu giáo” (幼稚園教育要領) do Bộ Giáo dục (文部科学省- もんぶかがくしょう) quy định.

Điểm khác nhau giữa Trường mẫu giáo 幼稚園và Nhà trẻ 保育園:

 

TÓM TẮT:

Nói tóm tắt lại thì Hệ thống nhà trẻ ở Nhật được chia làm 2 loại chính là: 認可保育所 (にんかほいくしょーNhà trẻ được công nhận/ Nhà trẻ đạt tiêu chuẩn)認可外保育所 (にんかがいほいくしょーNhà trẻ ngoài công nhận/ Nhà trẻ chưa đạt tiêu chuẩn).

Các bố mẹ nên đăng ký Trường 認可cho con trước (Đăng ký thông qua cơ quan hành chính địa phương) vì các trường này học phí cũng rẻ hơn và chất lượng đảm bảo. Nếu quá khó để vào trường 認可 thì bố mẹ có thể chọn trường 認可外cho con – những trường này học phí đắt hơn, nhiều trường chất lượng cũng rất tốt và đảm bảo đăng ký là sẽ được đi học ngay.

Khi bé đủ 3 tuổi thì bố mẹ cũng có thể cân nhắc gửi bé đi Trường mẫu giáo 幼稚園.

Trên đây là những thông tin cơ bản để giúp các bố mẹ hiểu hơn về hệ thống Nhà trẻ và Trường mẫu giáo ở Nhật. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn trong việc lựa chọn trường và đăng ký học cho con.

  • Để có thêm nhiều thông tin về quá trình sinh con và nuôi con ở Nhật, bạn có thể xem thêm các bài viết trong chuyên mục Mẹ và Bé ở đây nhé.
  • Hoặc ghé thăm trang Facebook viết về “Hành trình sinh con và nuôi con ở Nhật” của mình ở đây.

Cảm ơn các bạn!

Share this:

  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Opens in new window)
  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Opens in new window)

Bài viết liên quan

Tags:con đi học ở Nhật, nhà trẻ ở Nhật

Từ khóa » Trông Trẻ Tiếng Nhật Là Gì