Các Loại Thuốc Băng Niêm Mạc Dạ Dày điều Trị Viêm Loét Dạ Dày

1. Thuốc băng niêm mạc dạ dày là gì, có tác dụng như thế nào trong điều trị viêm loét dạ dày?

Cơ chế gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là do mất cân bằng giữa 2 nhóm yếu tố gây bệnh và yếu tố bảo vệ. Trong đó yếu tố gây bệnh bao gồm acid HCl và pepsin dịch vị, vi khuẩn HP (helicobacter pylori), thuốc chống viêm (steroid và không steroid), rượu và thuốc lá. Yếu tố bảo vệ bao gồm chất nhày mucin, bicarbonat, mạng lưới mao mạch của niêm mạc dạ dày cùng sự toàn vẹn lớp tế bào biểu mô dạ dày.

Cơ chế gây viêm loét dạ dày

Cơ chế gây viêm loét dạ dày

Dựa vào cơ chế này, nguyên tắc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng được đặt ra đó là:

  • Làm giảm acid, pepsin ở dịch vị bằng các thuốc ức chế bài tiết acid hoặc thuốc trung hòa acid.
  • Tăng cường các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng các thuốc tạo màng che phủ, băng bó ổ loét. Hay kích thích sự tái sinh của tế bào niêm mạc dạ dày, kích thích bài tiết chất nhầy và prostaglandin.
  • Diệt trừ HP bằng các thuốc kháng sinh hoặc một số thuốc khác.
  • Điều trị hỗ trợ, nâng cao sức khỏe người bệnh.

Thuốc băng niêm mạc dạ dày với cơ chế tạo lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày, băng bó ổ loét. Từ đó giúp hạn chế sự tấn công của tác nhân gây viêm loét cũng như tạo cơ hội cho dạ dày được phục hồi vết thương qua thời gian. Bên cạnh đó, thuốc bọc niêm mạc dạ dày còn có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn HP gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày.

2. Các thuốc băng niêm mạc dạ dày được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày

2.1. Sucrafat

Sucralfat - một loại thuốc bọc niêm mạc dạ dày được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày

Sucralfat – một loại thuốc bọc niêm mạc dạ dày được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày

Tên biệt dược: Sucralfate.

Tác dụng: Đây là một loại muối nhôm của sulfat disacarid. Loại này được sử dụng phổ biến vì kết hợp với protein của dịch nhầy một cách chắc chắn, không bị mật phá hủy. Chúng có những tác dụng sau trong điều trị viêm loét dạ dày:

  • Ngăn ngừa hiện tượng tái hấp thu H+
  • Hấp thu pepsin và dịch mật
  • Tăng bài tiết dịch nhày và bicarbonat
  • Tăng tổng hợp prostaglandin nội sinh
  • Tăng tưới máu niêm mạc dạ dày, giúp hồi phục lớp biểu mô bề mặt

Chỉ định:

  • Bệnh loét dạ dày tá tràng
  • Viêm dạ dày mạn tính
  • Loét dạ dày lành tính
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Phòng tái phát loét tá tràng, phòng loét do stress.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với thuốc.
  • Thận trọng ở phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Thận trọng với bệnh nhân suy gan suy thận nặng. Do nguy cơ tăng nồng độ nhôm trong máu, nhất là khi dùng dài ngày. Trường hợp suy thận nặng thì nên tránh dùng.

Liều dùng và cách dùng:

  • Sucralfate 1g x 4 lần/ngày.
  • Sucralfat không nên dùng cùng thức ăn. Nên uống vào lúc đói.

Tác dụng không mong muốn: táo bón, rối loạn tiêu hóa. Hiếm gặp hơn là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ hay phản ứng dị ứng (ngứa, phát ban đỏ…).

2.2. Bismuth subcitrat

Nhóm thuốc muối bismuth gồm các tinh thể muối sẽ gắn chặt với các albumin của dịch rỉ viêm và các glycoprotein. Thuốc này liên kết với pepsin và muối mật phủ lên vùng niêm mạc bị viêm. Chúng tạo thành một màng bọc có tác dụng củng cố hàng rào bảo vệ niêm mạc.

Tác dụng trong điều trị viêm loét dạ dày:

  • Giúp tăng tiết dịch nhày và bicarbonat, ức chế hoạt tính của pepsin.
  • Bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét làm thành hàng rào bảo vệ ổ loét chống lại sự tấn công của acid và pepsin.
  • Diệt vi khuẩn helicobacter pylori.

Tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn, đen miệng, đen lưỡi, đi ngoài đen phân (không phải do xuất huyết tiêu hóa)

Liều lượng và cách dùng:

  • Bismuth subcitrat viên 120 mg. Uống mỗi lần 1 viên x 4 lần/ngày trước ăn 30 phút.
  • Hoặc uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 viên.

2.3. Prostaglandin

Thuốc này hiện nay ít dùng. Gồm có 2 loại phổ biến là prostaglandin E1 và E2. Chúng ít được áp dụng trong chữa trị viêm loét dạ dày như các loại thuốc khác. Mà thường được dùng để phòng ngừa căn bệnh này.

Tên biệt dược: Misoprostol, cytotec

Tác dụng:

  • Giảm bài tiết dịch vị
  • Tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonat
  • Tăng dòng máu tới niêm mạc dạ dày

Chỉ định:

  • Dự phòng loét dạ dày tá tràng do thuốc chống viêm không steroid
  • Dự phòng ở những người bệnh có nguy cơ cao gặp biến chứng loét dạ dày

Chống chỉ định:

Tiền sử dị ứng với prostaglandin và phụ nữ có thai vì tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non.

Liều lượng và cách dùng:

Misoprostol (cytotec) 400 mcg – 800 mcg/ngày. Uống vào bữa ăn và uống liều cuối cùng trong ngày vào lúc đi ngủ.

Tác dụng không mong muốn:

  • Rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu hoặc ỉa chảy
  • Nhức đầu, hạ huyết áp
  • Kích thích tử cung, chảy máu âm đạo bất thường, sảy thai.

Ngoài các thuốc điều trị viêm loét dạ dày như thuốc bọc niêm mạc dạ dày nêu trên, người bệnh viêm loét dạ dày cần tránh dùng các thuốc gây tổn thương cho dạ dày. Như corticoid, thuốc chống viêm không steroid đặc biệt là aspirin.

Hạn chế ăn gia vị chua cay và các chất kích thích (cà phê, rượu, thuốc lá). Thêm vào đó, nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế thức khuya và tránh tối đa các yếu tố gây stress. Vì chúng sẽ thúc đẩy bệnh viêm loét dạ dày tiến triển nặng hơn.

Xem tiếp: Điều trị viêm loét dạ dày: Thuốc kháng acid và thuốc làm giảm tiết acid

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Thuốc Rịt Là Gì