Cách Giao Tiếp Lịch Sự Bằng Tiếng Anh - VnExpress

Cô giáo Moon Nguyen, hiện nghiên cứu ngôn ngữ học tại trường Grand Valley State University, Mỹ chia sẻ về cách ứng xử trong giao tiếp ở quốc gia này.

Về phương diện cư xử, mình học được nhiều điều từ người Mỹ. Mặc dù đôi khi hơi xã giao thái quá, nhưng nhìn chung họ tạo cảm giác chuyên nghiệp và lịch sự cho người đối diện.

Ngày đầu đến Mỹ, ngồi trên thư viện hắt hơi (sneeze), bạn gái người Mỹ tóc vàng ngồi đối diện nhìn mình nói "bless you", mình cười ngại ngùng chẳng nói gì. Sau này, trong cuộc sống, cứ thấy khi nào có người hắt hơi là mình luôn nghe người Mỹ nói "bless you". Có điều khác là, người vừa hắt hơi sẽ đáp lại là "thank you" chứ không cười trừ giống mình. 

Ảnh: Ella Hoy

Ảnh: Ella Hoy

Con trai đi học ở trường về cũng “dạy” mình những bài học thú vị. Mỗi lần ăn no và ợ (burp), bạn ấy đều nói “excuse me”. Mình cũng không để ý lắm, cho tới một lần mình “burp” và không nói gì, con trai liền nhắc: "Mommy, you haven’t said excuse me”. 

Một trường hợp khác liên quan tới “excuse me” là việc giữ khoảng cách. Người Mỹ rất không thích ai đó tiến đến quá sát họ, thông thường khoảng cách chấp nhận được là trong phạm vi khuỷu tay. Người Mỹ có câu "Give me some elbow room", có nghĩa là hãy đứng cách tôi một khuỷu tay. Do đó, nếu đi siêu thị và hết chỗ, phải đứng quá sát vào ai đó, thường người ta cũng sẽ nói "excuse me".

Trẻ con Mỹ học cách giữ cửa từ nhỏ. Suzie nhà mình đi học, đến lúc xếp hàng lên lớp, bao giờ cô giáo cũng phân công một bạn giữ cửa cho các bạn khác đi vào lớp. Từ ấy, Suzie về nhà cũng hăng hái đi trước, mở cửa và giữ cửa cho người đi sau. Khi được cảm ơn, Suzie sẽ trả lời: “You’re welcome”.

Có lần, một người bạn Mỹ rủ đến nhà chơi hoặc đi ăn uống, mình nói "I'd love to but I can't go", nhưng quên béng mất phải thêm "thank you". Trường hợp như vậy, hoặc khi được mời món gì đó trong một bữa tiệc mà không ăn được, bạn nhớ kèm câu "thank you" sau khi từ chối nhé.

Cuối cùng, trong văn hóa Việt, bố mẹ ra lệnh cho con thường chỉ nói "làm cái này" hay "không được làm cái kia". Ví dụ, mình bảo con trai: "Go brush your teeth" or "Get in the car". Tự so với người Mỹ, mình thấy có sự khác biệt. Khi yêu cầu con làm gì đó, các mẹ Mỹ mình gặp luôn đệm thêm chữ "please". Ví dụ, "Lower your voice, please" hoặc "Please do not put it into your mouth". Cho nên, khi nói tiếng Anh, bạn hãy luôn ghi nhớ từ “please” này để thể hiện phép lịch sự, không chỉ với người lớn tuổi hơn. 

Ví dụ, đến chơi nhà bạn, chủ nhà hỏi "Would you like some orange juice?", nếu bạn chỉ gật đầu bảo "Yes" mà quên mất "Yes, please" thì dễ bị coi là bất lịch sự. Đi siêu thị, người ta hỏi: “Do you want the receipt in the bag?”, mình nên trả lời “Yes, please” hoặc, “Yes, thank you”.

Moon Nguyen

Từ khóa » Chữ Lịch Sử Trong Tiếng Anh