Cách Làm đàn Nhị độc đáo Từ Thân Tre Khô
Có thể bạn quan tâm
Điện Biên TV - Âm nhạc truyền thống luôn mang cho chúng ta những cảm nhận khác biệt về một miền đất, vùng người. Nhạc cụ truyền thống chính là phương tiện tạo ra âm thanh diễn đạt cảm xúc! Đàn nhị là một trong những loại nhạc cụ truyền thống phổ biến ở nhiều vùng miền, nhiều dân tộc trên cả nước ta. Loại đàn cung vĩ hai dây có thể độc tấu, song tấu hay hòa tấu, mang lại những cảm nhận thú vị cho người nghe. Đàn Nhị còn có nhiều tên gọi khác theo vùng miền là Đàn Líu, Đàn Cò hay Cò Ke. Đây là loại nhạc cụ thuộc bộ dây, bởi có cấu tạo đặc trưng gồm 2 dây nên được gọi là Đàn Nhị. Loại đàn này có mặt ở Việt Nam tới nay, khoảng trên 10 thế kỷ và được sử dụng phổ biến ở nhiều vùng miền, nhiều dân tộc. Người Kinh miền xuôi sử dụng đàn nhị trong nhiều loại hình hát, nhạc cổ truyền nổi tiếng như: Hát xẩm, hát chèo ở miền Bắc; nhã nhạc cung đình Huế ở miền Trung; đàn ca tài tử ở miền Nam.
Nhiều dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam cũng sử dụng rộng rãi loại nhạc cụ này, trong đó có dân tộc Thái Tây Bắc. Người dân tộc Thái Tây Bắc có thể chế tác đàn nhị từ những vật liệu quen thuộc có xung quanh vườn, đồi.
Nghệ nhân Lò Văn Keo ở bản Cha Lọ, xã Ảng Tở, là tay nhị điêu luyện ở khu vực đồng bào Thái huyện Mường Ảng |
Nghệ nhân Lò Văn Keo ở bản Cha Lọ, xã Ảng Tở, là tay nhị điêu luyện ở khu vực đồng bào Thái huyện Mường Ảng. Với ông, cây đàn nhị giống như người bạn tâm tình, giúp ông quên đi mọi vất vả trong cuộc sống. Những lúc ngồi một mình, ông thường kéo nhị, tiếng nhị réo rắt thể hiện lời ca cảm động trong bài ca Tản Chụ Xiết Xương. Nghệ nhân Lò Văn Keo từng nhận được nhiều giải thưởng về biểu diễn đàn nhị, trong các hội diễn văn nghệ dân gian của huyện và của tỉnh. Với nghệ nhân Lò Văn Keo thì cây đàn nhị là một loại nhạc cụ đa năng, có thể sử dụng biểu diễn trong nhiều dịp khác nhau. Đàn nhị là nhạc cụ phổ biến ở nhiều nơi. Cách làm đàn nhị ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc có thể có một vài nét khác biệt. Nhưng cấu tạo chính của đàn đều gồm 6 bộ phận đó là: Bầu đàn, cần đàn, trục dây, dây đàn, chốt nhị và cung vĩ. Thường thì bầu đàn và cần đàn đều làm bằng gỗ; dây đàn làm bằng dây cước, hoặc dây kim loại; dây vĩ làm bằng lông đuôi ngựa. Tuy nhiên, nghệ nhân Lò Văn Keo lại có cách làm ra một cây đàn nhị rất độc đáo. Vật liệu chủ yếu để làm đàn là những ống tre khô. Cây tre rất gần gũi và rất dễ tìm kiếm. Để làm một cây đàn nhị đơn giản, chúng ta có thể sử dụng những ống tre già được khai thác vào mùa khô, khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Tre chặt về phơi cho khô, sau đó cắt lấy các ống tre để làm bầu đàn. Bầu nhằm khuếch đại & cộng hưởng âm thanh của đàn, nên nếu làm bằng gỗ thì phải khoét rỗng bên trong, nhưng nếu làm bằng ống tre sẽ bỏ qua được khâu khoét bầu.
Bầu nhị có một đầu để rỗng, đầu kia thường bịt da rắn, da cóc hoặc da kì đà. Nhưng nghệ nhân Lò Văn Keo xử lí khâu này bằng cách: Chẻ một ống tre khác, gọt bỏ phần cật bên ngoài, để lại phần ruột mỏng bên trong, cán cho phẳng, ướm, cắt vừa vặn và gắn vào bầu nhị thay cho da rắn hoặc da cóc. Trên ống bầu nhị khoét lỗ để cắm cần đàn.
Cây đàn nhị là một loại nhạc cụ đa năng, có thể sử dụng biểu diễn trong nhiều dịp khác nhau |
Để làm cần đàn, có thể dùng một thanh tre hay thanh gỗ bất kì, đẽo nhỏ, gọt nhẵn và uốn cong phía đầu cần cho mềm mại. Các bộ phận nhỏ nhưng quan trọng gắn trên bầu đàn và thân đàn như: Ngựa đàn, trục nhị, khuyết nhị đều được làm bằng tre. Cần nhị sẽ được cắm xuyên qua ống bầu nhị; 2 trục nhị được gắn xuyên qua cần nhị và nằm cùng hướng với ống nhị.
Trục này có thể vặn, làm dây căng hay chùng, cho ra âm thanh cao, thấp theo ý muốn. Ngựa đàn được gắn lên mặt của bầu đàn. Sau khi lắp xong các bộ phận chính của thân đàn, nghệ nhân dùng 2 dây cước buộc nối từ trục nhị xuống ngựa đàn. Phía trên gần trục nhị, chốt nhị là hai mảnh tre nhỏ có tác dụng tạo khoảng cách vừa phải giữa cần và dây đàn.
Cung vĩ là bộ phận tách rời với thân đàn. Đó là một thanh tre được vót nhỏ, uốn cong như hình cánh cung. Phần dây vĩ làm bằng lông đuôi ngựa, có tác dụng cọ xát với dây đàn tạo ra âm thanh. Dây vĩ trước khi được cố định vào cung vĩ, cần bôi nhựa thông hoặc nhựa trám nhằm tạo độ ma sát, là chất xúc tác tạo ra âm thanh cho đàn nhị. Không có chất xúc tác này, đàn nhị sẽ không phát ra âm thanh như chúng ta vẫn thấy.
Cung vĩ hoàn thành được cố định, luồn vào giữa 2 dây đàn. Như vậy, qua bàn tay của nghệ nhân, một cây đàn nhị đã được hoàn thiện từ vật liệu tre là chủ yếu. Để hoàn thiện một cây đàn nhị bằng gỗ có thể mất 3-4 ngày, nhưng làm bằng tre chỉ mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Âm thanh của cây đàn nhị làm từ ống tre cũng rất mềm mại, luyến láy, do tài chơi đàn của nghệ nhân.
Tiếng đàn mềm mại, ngọt ngào, âm vang to, nhỏ ra sao, đều do những ngón nghề, thủ pháp - kỹ năng & kinh nghiệm của người chơi nhạc tạo nên. Qua ngón nghề của nghệ nhân, đàn nhị có thể diễn tả cảm xúc vui, buồn của con người; khi thì trữ tình, sâu lắng, khi lại dạt dào sôi nổi & sống động. Đồng bào Thái thường sử dụng đàn nhị trong hát giao duyên; hòa âm đệm cho múa. Các nghệ nhân Thái còn dùng đàn nhị để độc tấu những bài ca mà họ yêu thích.
Người chơi đàn nhị thường dùng tay phải để kéo đẩy cung vĩ; tay trái giữ cần đàn và bấm dây đàn một cách nhanh nhẹn, linh hoạt, sao cho thể hiện được các nốt nhạc khoan - nhặt, âm trầm - bổng và độ rung ngân. Nghệ nhân cũng dùng tay trái vuốt dây đàn từ dưới lên trên, hay từ trên xuống dưới, để tạo ra âm thanh mềm mại, uyển chuyển giống với giọng nói, giọng hát. Phải tập luyện, học hỏi rất nhiều, người chơi đàn mới biết được nhiều ngón nghề, giúp họ thể hiện được bản nhạc, bài ca một cách sinh động và có cảm xúc nhất.
Người chơi đàn mới biết được nhiều ngón nghề, giúp họ thể hiện được bản nhạc, bài ca một cách sinh động và có cảm xúc nhất. |
Mỗi loại nhạc cụ tạo nên những âm thanh khác biệt. Cây đàn nhị chứa đựng tiếng nói & mang điệu hát riêng của nó. Lời của đàn khi tâm tình thủ thỉ; khi ngân vang trong trẻo, êm đềm - thay lời ca hạnh phúc lứa đôi; lúc trầm lắng, nỉ non - van than tình ngang trái! Bởi vậy đàn nhị có sức quyến rũ rất riêng. Với cây đàn nhị độc đáo được làm từ thân cây tre quen thuộc, nghệ nhân Lò Văn Keo đang góp phần làm cho các bài ca dân gian dân tộc Thái ngày càng lan tỏa, được gìn giữ, phát triển và lưu truyền một cách sáng tạo./.
Minh Giang – Anh Tuấn/Dienbientv.vn
Từ khóa » Cây đàn Ca Sáo Nhị Là Gì
-
Đàn Ca Sáo Nhị - Sấu Chua Blog
-
Đàn, Ca, Sáo, Nhị, Có Bao Giờ đi Tách... - Sáo Trúc Bùi Gia | Facebook
-
Những điều Bạn Nên Biết Về Cây đàn Nhị
-
Đàn Nhị – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giới Thiệu Về đàn Nhị - Nhạc Cụ Dân Tộc Việt Nam
-
Nhạc Cụ Cổ Truyền VN – Đàn Nhị/Cò | Đọt Chuối Non
-
Các Loại Nhạc Cụ Dân Tộc Việt Nam
-
[18+] HOW TO EAT A PUSSY LIKE A CHAMP - Nghệ Thuật đàn Ca ...
-
Tục Ngữ Về "đàn Nhị" - Ca Dao Mẹ
-
Vai Trò Cây đờn Cò Trong Cổ Nhạc — Tiếng Việt - Radio Free Asia
-
Giới Thiệu 10 Nhạc Cụ đặc Trưng Cho Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam
-
Người Giữ Gìn Và Bảo Tồn Nhạc Cụ Dân Tộc. - Điện Biên TV
-
''Thức Giấc'' Tiếng Tơ Cho Cây đàn Dân Tộc - Nhịp Sống Hà Nội