Cảnh Giác: Trật Khớp Gối Có Thể Phải Cắt Chân

Chị L.T.L.A., 57 tuổi ở Bạc Liêu được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ lúc 23 giờ 23 phút ngày 4/5/2021 với tình trạng bệnh nhân đau và tê từ đầu gối xuống bàn chân trái. Khớp gối sưng, phù lớn, mạch mu chân khó bắt.

Người nhà bệnh nhân cho biết, cách nhập viện 7 giờ chị A. bị ngã, trật khớp gối trái được chuyển đến bệnh viện khám. Tại đây, các thầy thuốc nghi ngờ có tổn thương động mạch khoeo chân trái nên chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị. Chị A. đã từng trật khớp nhiều lần.

Chị A. sau khi được thầy thuốc phẫu thuật

Sau khi nhập viện, chị A. được kiểm tra, đánh giá tình trạng động mạch khoeo chân trái bằng khám lâm sàng và thực hiện cận lâm sàng.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính dựng hình mạch máu ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương động mạch khoeo chân trái gây tắc hoàn toàn.

BS.CK II Triệu Thanh Tùng, ThS.BS. Trương Nhật Tôn, BS. Trang Tiến Đạt - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và BS CKII Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật cấp cứu: bộc lộ động mạch khoeo chân trái.

Kiểm tra thấy tĩnh mạch và động mạch khoeo xơ dính chặt nhau, một đoạn động mạch khoeo bị dập và phình to, tụ máu bên trong gây tắc hoàn toàn.

Bóc tách gỡ dính động mạch, tĩnh mạch khoeo, cắt đoạn động mạch khoeo, tiến hành khâu nối, kiểm tra đoạn dưới sau nối tưới máu tốt, mạch mu chân trái bắt được.

Sau 1 giờ 30 phút phẫu thuật tỉ mỉ, động mạch khoeo chân trái bệnh nhân được tái thông.

Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, chân trái hồng ấm, mạch mu chân rõ, gối giảm sưng.

Theo BS.CK II Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình: Nguyên nhân chủ yếu sai khớp gối do tai nạn giao thông, ngã từ trên cao, chơi thể thao.

Sai khớp gối ít gặp, chiếm tỉ lệ < 1% trong các tổn thương chấn thương chỉnh hình. Nhưng có nhiều biến chứng tổn thương nặng nề trong đó tỉ lệ cao là tổn thương mạch máu vùng khoeo.

Có gần 50% sau chấn thương trật khớp gối tự nắn và dễ đưa tới 1 chẩn đoán sai (nghĩ chấn thương phần mềm thông thường và dễ bỏ sót tổn thương của mạch máu).

Tổn thương mạch máu chiếm tỉ lệ 40-50% trong trật khớp gối, gần 40% làm khớp gối lỏng lẻo và mất vững. Thông thường khớp gối được nắn sau lần trật đầu thì ít khi dễ trật lại tự nhiên sau các động tác sinh hoạt như ở khớp vai. Trong trật khớp gối, tổn thương thần kinh mác thường gặp, có tới 50% trường hợp phục hồi 1 phần.

Cấu trúc giải phẫu đặc biệt của động mạch khoeo: lý do động mạch khoeo dễ bị tổn thương là do đoạn trên động mạch khoeo chui qua vòng cơ khép, bị cố định chắc vào thân xương đùi.

Đoạn dưới động mạch khoeo chui vào vòng cơ dép, bị giữ chắc vào xương chày. Do đó, khi sai khớp gối dễ bị tổn thương động mạch khoeo gây hoại tử cẳng bàn chân nếu tổn thương không được phát hiện hoặc phát hiện muộn.

Có gần 90% bệnh nhân tắc nghẽn động mạch khoeo không được phẫu thuật lưu thông mạch máu sớm trước 8 giờ sau chấn thương sẽ phải cắt chân dưới gối hoặc trên gối.

Tổn thương động mạch khoeo là tổn thương nặng thường dễ bỏ sót nên sau khi nắn trật khớp phải kiểm tra tổn thương dây chằng, mạch máu và cần theo dõi vì vẫn có thể tắc mạch thứ phát.Khi bị trật khớp, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách:Không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật. Điều này có thể gây tổn thương khớp và cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh.Cố định khớp: Cố định ở tư thế mà khớp đang ở vị trí đó.Chườm lạnh lên vùng khớp bị thương để tránh và giảm sưng phù. Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay mật gấu vì có thể làm tình trạng xấu đi.Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển người bị trật khớp đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ kiểm tra và điều trịđể tránh biến chứng.

Từ khóa » Chẩn đoán Trật Khớp Gối