Trật Khớp Gối - Hello Bacsi

Đầu gối là một khớp phức tạp nằm giữa xương đùi và xương cẳng chân. Ba xương gặp nhau tại khớp gối gồm có:

  • Xương đùi
  • Xương bánh chè
  • Xương chày

Ngoài ra, tại đây còn có nhiều dây chằng và gân để khớp gối có thể cử động bình thường.

Khớp gối có thể bị trật khi vị trí của các xương không đúng với cấu tạo giải phẫu sinh lý bình thường do nhiều nguyên nhân.

Tìm hiểu chung

Trật khớp gối là gì?

Trật khớp gối là một chấn thương không phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng. Khi đó, xương đùi và xương chày (ở ống chân) bị lệch khỏi vị trí thông thường, không còn gặp nhau tại khớp gối. Đây là một trường hợp khẩn cấp cần được xử lý ngay, gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân.

Tình trạng trật khớp gối khác với trật khớp xương bánh chè – chỉ có xương bánh chè bị trật ra khỏi vị trí ban đầu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng trật khớp gối

Triệu chứng phổ biến nhất khi trật khớp gối là sưng và biến dạng khớp gối (có thể nhìn thấy rõ). Cẳng chân thường trông như bị rút ngắn lại và lệch khỏi vị trí đúng của nó, bất kỳ chuyển động nào ở khớp đều khiến bạn cảm thấy vô cùng đau đớn.

Khoảng 50% trường hợp trật khớp gối được định vị lại trước khi đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, việc đó có thể làm tổn thương nặng thêm và tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng, bao gồm:

  • Chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh mác (peroneal nerve) chạy dọc phía ngoài của bắp chân
  • Vỡ hoặc tắc nghẽn động mạch và tĩnh mạch khoeo nằm phía sau đầu gối
  • Hình thành và phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu

Nếu tắc nghẽn mạch máu không được điều trị trong hơn 8 giờ, khả năng phải cắt chi là 86% so với 11% nếu được điều trị trong khoảng thời gian trên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân trật khớp gối là gì?

Trật khớp gối thường là do chấn thương bởi tiếp xúc mạnh như tai nạn giao thông, ngã từ độ cao đáng kể và chấn thương thể thao.

Không nên nhầm lẫn trật khớp gối với sai khớp gối nhẹ – một tình trạng nhẹ hơn với đầu gối “đưa ra” ngoài do dây chằng bị tổn thương. Trật khớp gối nghiêm trọng hơn rất nhiều, các xương bị lệch cần phải được đặt lại đúng vị trí. Trong khi ở trường hợp sai khớp gối nhẹ, các xương có khả năng tự “trượt” về đúng vị trí ban đầu.

Trật khớp gối cũng có khi xảy ra khi bạn xoay, vặn người bất thường. Thực tế, có khoảng 40% trường hợp này không liên quan đến chấn thương có tiếp xúc mạnh.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán trật khớp gối?

Khi trật khớp gối xảy ra, khớp thường được sơ cứu để đưa khớp về lại vị trí trước khi đưa đến phòng cấp cứu. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra cẩn thận các mô xung quanh, dây thần kinh và mạch máu.

Do tính chất nghiêm trọng của chấn thương này, dây chằng xung quanh thường cũng sẽ chịu tổn thương. Hầu hết trường hợp, cả dây chằng chéo trước (ACL) và dây chằng chéo sau (PCL) đều bị rách hoặc đứt. Ngoài ra, các dây chằng khớp gối, sụn và sụn chêm (lớp nằm giữa sụn và xương) cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) được dùng để đánh giá tình trạng và vị trí các xương bị lệch. Kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) thường dùng khi muốn quan sát kỹ các tổn thương ở dây chằng, sụn và gân trước khi phẫu thuật.

Để đánh giá tình trạng tắc nghẽn mạch máu, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT với chất cản quang i-ốt được tiêm vào tĩnh mạch để có được bản đồ lưu lượng máu. Siêu âm Doppler cũng giúp đánh giá lưu lượng máu động mạch.

Khoảng 25–33% trường hợp trật khớp gối có tổn thương thần kinh. Bác sĩ sẽ có những đánh giá ban đầu thông qua kiểm tra các cảm giác bất thường (tê, đau) hoặc giảm chuyển động của chân.

Những phương pháp điều trị trật khớp gối

Trong giai đoạn đầu điều trị, điều được ưu tiên là giảm thiểu những thiệt hại gây ra cho mạch máu hoặc dây thần kinh. Khi các vấn đề này đã điều trị ổn định, bác sĩ sẽ chuyển sang theo dõi các tổn thương mô cấu trúc.

Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân sẽ cần phải trải qua phẫu thuật để chỉnh sửa các chấn thương dây chằng, rách sụn chêm và tổn thương sụn. Các tổn thương ở động mạch cần được sửa chữa trực tiếp và loại bỏ cục máu đông.

Phẫu thuật có thể là phẫu thuật mở (sử dụng dao mổ và tạo ra vết mổ lớn) hoặc phẫu thuật nội soi tại khớp.

Nếu có những tổn thương thần kinh, việc điều trị cần có thêm bác sĩ phẫu thuật thần kinh tham gia. Thực tế, phẫu thuật trật khớp gối có khi được thực hiện nhiều lần để khôi phục lại cấu trúc khớp như bình thường.

Biến chứng sau phẫu thuật khớp gối bao gồm cứng khớp mạn tính, mất ổn định và đau dây thần kinh. Dị tật khớp hay nhiễm trùng cũng có khi xảy ra.

Tuân thủ tập luyện vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là rất cần thiết trong quá trình khôi phục chức năng khớp gối như bình thường.

Triển vọng sau khi trật khớp gối

Triển vọng cho bệnh nhân trật khớp gối phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như:

  • Hoàn cảnh xảy ra chấn thương
  • Mức độ tổn thương ở khớp
  • Có tổn thương mạch máu hay dây thần kinh hay không
  • Phương pháp điều trị
  • Mức độ tuân thủ điều trị

Việc nhanh chóng nhận biết và điều trị đầu gối bị trật khớp rất quan trọng. Ngoài tổn thương mạch máu và thần kinh, các biến chứng khác có thể bao gồm hội chứng chèn ép khoang và huyết khối tĩnh mạch sâu.

Nếu tổn thương mạch máu được phát hiện và xử lý kịp thời, khả năng điều trị và phục hồi chấn thương sẽ tích cực. Ngược lại, nếu không phát hiện sớm, việc cắt chi có thể xảy ra.

Trường hợp có tổn thương thần kinh, các chức năng vận động có thể bị ảnh hưởng và không thể phục hồi hoàn toàn.

Quá trình phục hồi chức năng khi trật khớp gối có thể mất từ 9–12 tháng. Một số người đã hoàn thành xong chương trình điều trị phục hồi chức năng vẫn có khi cảm thấy đau, cứng hoặc rối loạn chức năng ở khớp từng bị chấn thương.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Chẩn đoán Trật Khớp Gối