Cây Xuyên Khung: Tính Vị, Qui Kinh Và Tác Dụng Dược Lý

Cây xuyên khung

Cây xuyên khung

Đặt lịch

Cây xuyên khung là dược liệu quý có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thảo dược này có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh do huyết ứ, đầu đau do phong, ngực sườn đầy tức,…

quy trình trồng cây xuyên khung
Cây xuyên khung còn có tên là Hương thảo, thuộc họ Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae)

1. Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Hương thảo, Hồ cùng, Qúy cùng, Cửu nguyên xuẩn, Xà ty thảo, Đỗ khung, Sơn cúc cùng, Khung cùng,…

Tên khoa học: Ligusticum wallichii Franch

Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Xuyên khung là cây thân thảo, sống dai. Thân cây mọc thẳng, ruột rỗng, ngoài mặt thân cây có các đường gân dọc. Lá xuyên khung mọc so le, kép 2 – 3 lần. Lá chét có cuống dài, phiến lá rách sâu, cuống lá dài khoảng 9 – 17cm. Dùng tay vò lá xuyên khung có mùi thơm đặc trưng.

Hoa mọc thành tán kém, nhỏ, màu trắng, cuống ngắn khoảng 1cm. Quả hình trứng.

Phân bố:

Cây xuyên khung có nguồn gốc ở Trung Quốc. Hiện nay, dược liệu này đã được di thực ở nhiều nơi.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

+Bộ phận dùng: Rễ củ của cây xuyên khung được thu hái làm dược liệu. Củ được thu hái phải có kích thước lớn, vỏ ngoài có màu đen, bên trong màu vàng trắng, mùi thơm, cầm chắc tay.

trồng cây xuyên khung
Rễ củ của cây xuyên khung được thu hái làm dược liệu

+Thu hái: Thu hái ở cây trồng được ít nhất 2 năm.

+Bào chế:

  • Rửa sạch, đem ủ từ 2 – 3 ngày đêm cho đến khi củ mềm. Sau đó đem đi thái lát mỏng từ 1 – 2mm, phơi nắng hoặc sấy nhẹ. Hoặc sau khi thái mỏng có thể sao xuyên khung cho thơm (theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
  • Đem xuyên khung ngâm nước khoảng 1 giờ. Tiếp tục ủ kín trong 12 giờ đến khi củ mềm, tiến hành thái lát dày khoảng 1mm và phơi khô. Hoặc dùng xuyên khung thái từng lát mỏng và ngâm với rượu (dùng 8 lít rượu cho 640g xuyên khung), sao với lửa nóng cho đến khi xuyên khung hơi đen. Lấy ra để nguội và dùng dần (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Ngâm xuyên khung với nước, sau đó đem ủ cho mềm. Thái phiến, phơi cho khô, có thể dùng sống hoặc ngâm rượu (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

+Bảo quản: Nơi râm mát, khô ráo.

4. Thành phần hóa học

Xuyên khung có chứa nhiều thành phần hóa học: Ancaloid, saponin, Chuanxiongzine, Perlolyrine, Indole, Tetramethylpyrazine, 1-5-Hydroxymethyl-2-Furyl-9H-pyrido, Wallichilide, 3-Butylidene-7-Hydroxyphthalide , 3-Butylidenephthalide, Ligustilide, 4-Hydroxy-3-Methoxy styrene, Protocatechuic acid, 1-Hydroxy-1-3-Methoxy-4-hydroxyphenyl ethane, Butylphthalide, Hydroxybenzoic acid,…

5. Tác dụng dược lý

+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Dùng nước sắc xuyên khung ở liều 25 – 50g/ kg cho chuột lớn nhận thấy có khả năng trấn tĩnh hệ thần kinh trung ương, kéo dài thời gian ngủ. Sử dụng tinh dầu từ xuyên khung ở liều thấp nhận thấy có khả năng ức chế hoạt động của đại não, tác động hưng phấn lên trung khu vận mạch, hô hấp, phản xạ, huyết áp tăng cao. Nếu dùng liều cao, đại não bị tê liệt, huyết áp giảm, khu phản xạ tủy sống có thể bị ức chế, giảm hô hấp và vận động. Ở liều dùng quá cao có thể gây tê liệt và chết.
  • Tác dụng đối với tuần hoàn: Tinh dầu từ xuyên khung có tác dụng làm giãn mạch máu ngoại vi, cải thiện thiếu oxy ở tim, làm tê liệt tim, tăng lưu lượng máu ở mạch vành,… Dùng ở liều cao có thể khiến huyết áp hạ xuống (theo Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
  • Tác dụng đối với tim mạch: Dùng nước sắc xuyên khung cho súc vật thí nghiệm có tác dụng ra mồ hôi nhẹ. Tuy nhiên khi tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp lại làm giảm huyết áp (theo Chinese Herbal Medicine).
  • Tác dụng đối với huyết áp: Chất Ancaloid có trong nước sắc xuyên khung đem chích cho súc vật được gây mê nhận thấy có tác dụng hạ áp kéo dài (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng đối với mạch máu não: Xuyên khung làm tăng lưu lượng máu tuần hoàn đến não. Do đó có tác dụng phòng ngừa thiếu máu não, chứng đau nửa đầu, giảm phù não, trị chứng tai điếc (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng đối với tim mạch: Thực nghiệm trên ếch hoặc cóc cho thấy dùng nước xuyên khung ở nồng độ thấp có tác dụng hưng phấn, giảm nhịp tim, tăng co bóp tim. Nếu dùng ở nồng độ cao, nhận thấy tác dụng ngược lại: tim ngừng đập, giãn và ức chế tim (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng đối với tiểu cầu: Xuyên khung ức chế ngưng tập tiểu cầu và có khả năng chống đông máu (theo Trung Dược học).
  • Tác dụng đối với cơ trơn: Dùng nước sắc xuyên khung cho thỏ có thai nhận thấy có tác dụng điều hòa niêm mạc tử cung. Nếu dùng ở liều cao có thể ngưng tác dụng co tử cung hoàn toàn.
  • Tác dụng an thần: Dùng nước sắc xuyên khung thụt rửa bao tử chuột nhận thấy tác dụng gây ngủ, giảm hoạt động tự phát (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng kháng khuẩn: Xuyên khung có thể ức chế nhiều vi khuẩn gây bệnh như Salmonella thương hàn, phẩy khuẩn tả, Shigella sonnei, Pseudomonas aeruginosa,…
  • Tác dụng kháng sinh: Xuyên khung có tác dụng kháng sinh với một số vi trùng như thổ tả, lỵ, sonner, vi trùng thương hàn, vi trùng sinh mủ,…

+Theo y học cổ truyền:

  • Bổ huyết (theo Y Học Khải Nguyên).
  • Chỉ tả lỵ, khai uất, nhuận táo, khai uất (theo Cương Mục).
  • Khai uất, táo thấp, chỉ thống, hành khí, khứ phong, hoạt huyết (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Khu phong, hoạt huyết, hành khí, chỉ thống (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Ôn trung nội hàn (theo Biệt lục).
  • Bổ Can huyết, bổ phong hư, sấu Can khí, nhuận Can táo (theo Thang Dịch Bản Thảo).
  • Phá trưng kết, tiêu huyết ứ, súc huyết, điều hòa mạch (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, khứ phong (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

6. Tính vị

Vị cay, tính ấm (theo Bản Kinh).

Vị hơi ngọt, cay, khí ấm (theo Bản Thảo Chính).

Vị cay, đắng (theo Đường Bản Thảo).

Vị cay, tính ấm (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

7. Qui kinh

Qui vào kinh Can, Đởm (theo Trung Dược Học).

Qui vào kinh Tỳ, Can, Tam tiêu (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

Qui vào kinh thủ Quyết âm Tâm bào, túc Thiếu dương Đởm, túc Quyết âm Can, thủ Thiếu dương Tiểu trường (theo Thang Dịch Bản Thảo).

Qui vào kinh Tâm bào, Can, Đởm (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

8. Cách dùng, liều dùng

Có thể dùng sắc nước uống, làm viên hoàn. Dùng đơn lẻ hoặc dùng phối hợp với các thảo dược khác. Liều dùng mỗi ngày từ 4 – 8g.

Tham khảo thêm: Tác dụng dược lý của tri mẫu và các bài thuốc chữa bệnh hay

9. Bài thuốc

Các ứng dụng lâm sàng của dược liệu xuyên khung:

giá xuyên khung
Bài thuốc từ cây xuyên khung có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, trị đau đầu do phong,…
  • Bài thuốc trị bụng đau ở phụ nữ có thai: Dùng xuyên khung, cam thảo, a giao mỗi thứ 80g, đương quy, ngải diệp mỗi thứ 120g, thược dược 160g, can địa hoàng 240g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị băng trung, hạ huyết: Dùng xuyên khung, thục địa, đỗ trọng, ngũ vị tử, hoàng kỳ, tục đoạn, bạch giao, sơn thù, nhân sâm, toan táo nhân sắc uống.
  • Bài thuốc trị đau các khớp: Dùng bạc hà, xuyên khung mỗi thứ 6g, khương hoạt 8g, tế tân 4g, phòng phong, bạch chỉ, kinh giới mỗi thứ 12g, cam thảo 4g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị đầu đau, khí quyết: Dùng thiên thai ô lược, xuyên khung mỗi thứ bằng lượng nhau, đem đi tán bột. Mỗi lần dùng 8g uống với nước trà.
  • Bài thuốc trị đầu phong, hóa đờm: Dùng xuyên khung thái nhỏ, đem sấy khô và tán bột, luyện mật làm hoàn. Ngày dùng từ 4 – 6g uống với nước trà.
  • Bài thuốc trị mắt hoa, đầu váng, ngực không thông, phong nhiệt bốc lên: Dùng hòe tử, xuyên khung mỗi thứ 40g đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12g với nước trà.
  • Bài thuốc trị ngực đau: Dùng xuyên khung 1 củ lớn đem đi tán bột, sấy với rượu và uống.
  • Bài thuốc trị răng miệng hôi: Ngậm nước sắc từ cây xuyên khung.
  • Bài thuốc trị thai chế trong bụng, máu dơ, cấm khẩu: Dùng xuyên khung 160g với đương quy 240g đem tán bột. Mỗi lần dùng 8g, ngày dùng từ 2 – 3 lần.
  • Bài thuốc trị sản hậu huyết vận: Dùng xuyên khung 20g, đương quy 40g, kinh giới huệ sao đen 8g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị sản hậu bị té ngã: Dùng xuyên khung 12g, đương quy 32g, đào nhân (bỏ vỏ và đầu nhọn) 14 hạt, chích thảo, hắc khương mỗi thứ 2g dùng rượu và đồng tiện sắc uống.
  • Bài thuốc trị bụng đau khi hành kinh: Dùng xuyên khung, đào nhân, bạch thược, hồng hao, đương quy sắc uống.
  • Bài thuốc trị phá thương phong: Dùng đương quy, thược dược, cam thảo, kinh giới, bạch chỉ, địa hoàng, bạch truật với xuyên khung sắc uống. Nếu bệnh vào mùa đông, nên thêm quế chi vào.
  • Bài thuốc trị đau thần kinh: Dùng xuyên khung 30g, đan sâm, sài hồ, bạch chỉ, thuyền thoái, đương quy, bạch thược, hoàng cầm, toàn yết, địa long mỗi thứ 8g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị kinh nguyệt không đều, sinh khó: Dùng xuyên khung 8g, đương quy 12g đem sắc với rượu và nước ở tỉ lệ ngang nhau.
  • Bài thuốc trị động thai: Dùng xuyên khung tán bột uống với rượu.
  • Bài thuốc trị tửu tích, ói mửa: Dùng tam lăng, xuyên khung mỗi thứ 40g đem tán bột. Mỗi lần dùng 8g với nước sắc thông bạch.
  • Bài thuốc trị khí hư: Dùng xuyên khung tán bột, mỗi lần uống 8g.
  • Bài thuốc trị phong nhiệt đầu đau: Dùng trà diệp 8g, xuyên khung 4g đem sắc uống khi còn nóng.
  • Bài thuốc trị đau nửa đầu do phong: Dùng xuyên khung tán bột, ngâm rượu uống.
  • Bài thuốc trị chóng mặt, đau giữa đầu, sợ gió, mồ hôi nhiều: Dùng thiên ma 160g, xuyên khung 640g đem tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi ngày uống 8 – 12g với nước trà.
  • Bài thuốc trị thái dương đau, mắt sưng đỏ ở trẻ nhỏ: Dùng bạc hà, xuyên khung, phác tiêu mỗi thứ 8g đem tán bột. Lấy một ít bột thổi vào lỗ mũi trẻ.
  • Bài thuốc trị các chứng ung nhọt sưng đau: Dùng xuyên khung tán bột, trộn với dầu mè và khinh phấn bôi vào chỗ ung nhọt.
  • Bài thuốc trị ngực sườn đầy tức: Dùng thương truật, lục khúc, xuyên khung, hương phụ, sơn chi tử (sao vàng) lượng bằng nhau, đem đi tán bột mịn rồi trộn với hồ làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 8 – 10g với nước ấm.
  • Bài thuốc trị sản hậu ngực và bụng đau: Dùng xuyên khung, mộc hương, đào nhân, quế tâm, đương quy mỗi thứ 40g đem tán bột. Mỗi lần dùng 4g với rượu nóng.
  • Bài thuốc trị kinh bế, khó sinh: Dùng xuyên khung, sung úy tử, bạch thược, đương quy, ích mẫu thảo sắc uống.
  • Bài thuốc chữa liệt nửa người do tai biến mạch máu não: Dùng xuyên khung, sinh địa, đào nhân, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, đương quy, bạch thược, hồng hoa, sài hồ, ngưu tất sắc uống.

10. Lưu ý

Kiêng kỵ khi dùng xuyên khung:

  • Bệnh thượng thực hạ hư, nôn mửa, ho, mồ hôi trộm, miệng khô, phát khát, âm hư hỏa vượng, phiền táo, không nên dùng (theo Bản Thảo Kinh Sơ).
  • Tỳ hư, hỏa uất, bụng đầy, ăn ít (theo Đắc Phối Bản Thảo).
  • Thượng thực hạ hư mà khí hư, âm hư hỏa vượng, không dùng (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Đờm suyễn, khí thăng, không dùng (theo Bản Thảo Tùng Tân).
  • Uống nước sắc xuyên khung lâu ngày làm mất chân khí (theo Phẫu Hối Tinh Nghĩa).

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng bài thuốc từ cây xuyên khung, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tính hiệu quả của bài thuốc và một số điều cần lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Cỏ Lá Tre Có Những Công Dụng Chữa Bệnh Gì? Cách Sử Dụng
  • Cây thuốc dấu: Công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng 

Từ khóa » Cây Xuyên Khung Có Tác Dụng Gì