Xuyên Khung: Lợi ích Bất Ngờ Có Thể Bạn Chưa Biết
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Tổng quan về cây Xuyên khung
- Đôi nét về dược liệu Xuyên khung
- Lợi ích của Xuyên khung đối với sức khỏe
- Cách sử dụng Xuyên khung và những điều cần lưu ý
- Một số bài thuốc dân gian thường gặp sử dụng Xuyên khung
Từ lâu, y học cổ truyền luôn chiếm vị trí quan trọng trong nền y học thế giới. Đặc biệt, việc sử dụng thảo dược để trị liệu, ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn bởi những lợi ích đạt được. Trong đó có xuyên khung, vị thuốc quen thuộc được sử dụng rộng rãi với tác dụng hoạt huyết, hành khí, khu phong, thông kinh lạc… Sau đây, mời quý độc giả cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai khám phá những lợi ích bất ngờ và cách sử dụng Xuyên khung hiệu quả nhé.
Tổng quan về cây Xuyên khung
Thông tin chung về Xuyên khung
Xuyên khung (Ligusticum wallichii Franch) có nhiều tên gọi khác nhau như dược cần, tây khung, khung cùng, giả mạc gia, xà ty thảo… thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).1
Một số tài liệu phân tích tên gọi của chúng: “Xuyên” là tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), “khung” là cao, “cùng” là chỗ cuối cùng. Do đó, vị thuốc có xu hướng chuyên trị các chứng thuộc phần trên cơ thể1.
Đặc điểm sinh trưởng
Hiện nay, xuyên khung di thực khắp thế giới, có thể bắt gặp ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Tại Việt Nam, cây phổ biến ở khu vực khí hậu mát mẻ như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu…
Đây là loài cây của vùng ôn đới ấm, khả năng thích nghi cao. Đặc biệt, loài sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới.
Nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng là 13 – 16 độ C, phát triển mạnh trong mùa xuân – hè, đến mùa thu bắt đầu có hoa quả.
Loài cây này thích ứng đặc biệt với đất mùn tơi xốp, thoát nước tốt, đất có độ pH từ 6 – 7.
Nhân giống thường từ đốt của gốc thân khi đã thu hoạch củ.
Thời gian thu hoạch thường vào mùa thu – đông, thân rễ (củ) hái lúc mấu của thân phình to ra. Sau đó đem rửa sạch, loại bỏ đất cát, tạp chất và rễ con, sấy nhẹ đến khi khô.2
Mô tả cây Xuyên khung
Xuyên khung là thực vật thân thảo lớn, sống lâu năm, có thân thẳng, bên trong rỗng ruột. Bề mặt ngoài thân có các đường gân dọc song song. Rễ phình lên thành củ, mùi thơm đặc trưng do có hàm lượng tinh dầu cao.1 2
Cây có lá xanh, xẻ lông chim 2 – 3 lần, mọc so le nhau, kèm cuống dài và bẹ to. Phiến lá gồm 2 mặt nhẵn, trong đó mặt trên bóng hơn. Các thùy mọc đối hình mác, gốc tròn, hoặc men theo cuống, đầu nhọn. Thùy lớn lại chia thành những thùy nhỏ, nông và khía răng không đều.2
Hoa của cây nhỏ, màu trắng, tụ thành từng cụm, rồi tạo thành tán kép; tổng bao gồm những lá bắc nguyên hoặc chia 3 thùy hẹp.2
Quả bế có dạng hình trứng.2
Đôi nét về dược liệu Xuyên khung
Bào chế
Bộ phận làm thuốc là phần thân rễ (Radix Ligustici Wallichii). Lựa chọn phần củ to, chắc, nặng, có vỏ ngoài đen vàng, khi thái ra bên trong màu vàng trắng.1
Có nhiều cách thức bào chế khác nhau như:1
- Ngâm củ xuyên khung với nước trong 1 giờ, rồi vớt ra, ủ kín mềm trong 12 giờ. Sau đó thái phiến mỏng, đem phơi khô (Trung dược đại từ điển).
- Xuyên khung ngâm rượu. Sau khi thái lát mỏng rồi đem vị thuốc ngâm với rượu (tỷ lệ 640 g dược liệu: 8 lít rượu) rồi sao đến khi nguyên liệu hơi chuyển màu đen, để nguội dùng dần (Trung dược đại từ điển).
- Theo kinh nghiệm Việt Nam, sau khi rửa sạch củ thì ủ 2-3 ngày cho mềm. Tiếp theo, thái lát mỏng 1-2 mm, rồi làm khô bằng cách phơi nắng hoặc sấy lửa nhỏ ở nhiệt độ 40-50 độ C. Lúc dùng thì sao qua cho thơm hoặc tẩm rượu để qua đêm rồi mới sao.
Mô tả dược liệu Xuyên khung
Củ có kích thước khoảng bằng nắm tay, đường kính khoảng 3-6 cm. Vỏ ngoài nhăn, màu nâu vàng, có bướu hình khối bất định và các vết tích nhỏ của rễ. Bên trong, chất dược liệu cứng, màu trắng xám hoặc trắng vàng, có vằn tròn và chấm điểm nhỏ vàng. Xuyên khung có mùi thơm đặc trưng, nồng, vị cay đắng, tê lưỡi.1
Bảo quản: Đựng thùng kín, nơi khô ráo, thoáng mát, sau thời gian phải sấy diêm sinh để tránh mốc mọt.3
Thành phần
Xuyên khung là vị thuốc có nhiều hoạt chất giá trị, đa dạng như: Alkaloid dễ bay hơi, acid ferulic, saponin, tinh dầu (1-2%), butylphthalide, ligustilide, wallichilide, caffeic acid, tetramethylpyrazine, acid sedanonic, chrysophanol, vitamin A, retinol… Cùng nhiều hợp chất thực vật khác.1 4
Lợi ích của Xuyên khung đối với sức khỏe
Kháng khuẩn và chống lại sự sinh trưởng của nấm
Nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh xuyên khung có các hợp chất hoạt động như “kẻ thù” đối với vi khuẩn. Trong đó, vị thuốc này có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh như Pseudomonas aeruginosa, Shigella sonnei, Salmonella typhi và Vibrio cholera.4
Hơn thế, bước đầu thực nghiệm ghi nhận thảo dược này có tiềm năng chữa bệnh nhiễm trùng do nấm. Thông qua sử dụng chúng dưới dạng bôi, uống mà phá vỡ thành tế bào, ức chế nấm sinh trưởng.4
Hỗ trợ hệ tuần hoàn
Não
Ligusticum wallichii được xác nhận là có khả năng cải thiện lưu lượng và vận tốc máu não. Điều này giúp giảm sức cản động mạch ngoại vi, ức chế hình thành huyết khối… Từ đó hạn chế nguy cơ thiếu máu cục bộ, đột quỵ…4
Tim
Thử nghiệm lâm sàng cao xuyên khung trong điều trị bệnh động mạch vành cho thấy chúng có khả năng ức chế sự kết tập tiểu cầu và tổng hợp thromboxan. Ngoài ra, chiết xuất từ thảo dược này còn cải thiện phân suất tống máu thất trái, hạn chế tình trạng thiếu oxy và ức chế sự biểu hiện của IL-1β trong cơ tim.2 5
Xem thêm: Các loại dược liệu chữa bệnh mạch vành hiệu quả
Mạch máu ngoại vi và huyết áp
Tinh dầu của xuyên khung có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn mạch máu gây giãn mạch, thậm chí một số dữ liệu bước đầu còn ghi nhận khả năng hạ huyết áp ở động vật. Điều này mở ra hứa hẹn trong tương lai về điều trị cao huyết áp ở người.1
Bên cạnh đó, trong thử nghiệm trên máu người chứng minh rễ xuyên khung có tác dụng chống đông máu, ức chế giai đoạn đông máu nội sinh, ngoại sinh và tạo fibrin.2
An thần
Theo Thụ Thượng Sư Thọ (1933), Xuyên khung có khả năng trấn tĩnh hệ thần kinh trung ương ở chuột. Ngoài ra, các thí nghiệm cũng ghi nhận vị thuốc làm tăng công dụng của thuốc an thần Natri Barbital, đối kháng với cafein – chất làm hưng phấn thần kinh.1
Theo Y học cổ truyền
Tính vị: Vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, quy kinh Can, Đởm, Tâm bào.
Công dụng: Hành khí, hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, giảm đau, trừ phong…
Chủ trị: Nhức đầu, hoa mắt, phong thấp, đau mỏi cơ thể, kinh nguyệt không đều, cảm mạo,…2
Xem thêm: Hương nhu trắng: Cây thuốc rất hứa hẹn xung quanh ta
Cách sử dụng Xuyên khung và những điều cần lưu ý
Liều dùng
Tùy theo mục đích và chỉ định của thầy thuốc mà liều dùng xuyên khung được điều chỉnh linh hoạt. Thông thường liều trung bình từ 6-12g, dưới dạng thuốc sắc, bột, viên hoàn, rượu thuốc…2
Lưu ý
Không dùng xuyên khung đối với các đối tượng như:
- Phụ nữ có thai và cho con bú, đang trong thời kỳ nôn mửa,…4
- Âm hư hỏa vượng, đổ mồ hôi trộm, họng khô, miệng khát, phát sốt,… (Trung dược đại từ điển).1
- Tỳ hư, ăn kém, hỏa uất (Đắc Phối Bản Thảo).1
- Mẫn cảm với xuyên khung hoặc bất kỳ hoạt chất nào có trong dược liệu.
Tương tác
- Theo Bản thảo kinh tập chú, Xuyên khung hợp với Bạch chỉ vì khả năng dẫn thuốc.1
- Kiêng kỵ khi phối hợp: Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng kết hợp với một số vị thuốc như Hoàng liên, Hoạt thạch, Tiêu thạch, Lê lô…1
Một số bài thuốc dân gian thường gặp sử dụng Xuyên khung
Trị nhức mỏi cơ thể, đau xương khớp
Bài Xuyên khung trà điều tán: Xuyên khung 6g, Bạc hà 6g, Tế tân 4g, Khương hoạt 8g, Bạch chỉ, 12g, Kinh giới 12g, Phòng phong 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống 01 thang/ngày, chia 2 lần.1
Hoạt huyết, điều kinh
Bài Đào hồng từ vật (Y tông kim giám): Xuyên khung 6-12g, Hồng hoa 4-12g, Đào nhân 8-12g, Đương quy 12g, Xích thược 8-12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.1
Phục hồi sau tai biến mạch máu não
Bài Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác): Xuyên khung 6g, Đương quy 12g, Sinh địa 12g, Xích thược 15g, Đào nhân 16g, Hồng hoa 12g, Chỉ xác 8g, Sài hồ 8g, Cát cánh 6g, Ngưu tất 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống 01 thang/ngày, chia 2 lần.1
Trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Bài thuốc bao gồm: Xuyên khung 8g, Thục địa, Ngưu tất, Đảng sâm, Bạch truật mỗi vị 12g, Độc hoạt, Khương hoạt, Tần giao, Bạch chỉ, Bạch thược, Đương quy, Phục linh, Hoàng cầm mỗi vị 8g, Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.2
Trị đau dây thần kinh hông do lạnh
Bài thuốc bao gồm: Xuyên khung, Độc hoạt, Đan sâm, Uy linh tiên, Ngưu tất, Tang ký sinh mỗi vị 12g, Phòng phong, Quế chi, Chỉ xác, Tế tân, Trần bì mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.2
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm những thông tin bổ ích về vị thuốc Xuyên khung. Quả thực, đây là thảo dược quý giá và được ứng dụng phổ biến trong y học dân tộc với nhiều công dụng được chứng minh bằng khoa học và kinh nghiệm của nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy hết các giá trị này, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng nhé.
Từ khóa » Cây Xuyên Khung Có Tác Dụng Gì
-
Cây Xuyên Khung Có Tác Dụng Gì? - Vinmec
-
Xuyên Khung Là Gì Và Tác Dụng Của Vị Thuốc Xuyên Khung - Hello Bacsi
-
Vị Thuốc Xuyên Khung Và Các Tác Dụng Chữa Bệnh Kì Diệu
-
Cây Xuyên Khung: Tính Vị, Qui Kinh Và Tác Dụng Dược Lý
-
Xuyên Khung - Tác Dụng Và Các Bài Thuốc Quý Từ Dược Liệu
-
Vị Thuốc Xuyên Khung | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Xuyên Khung - Những Tác Dụng Chữa Bệnh Thần Kỳ Không Thể Bỏ Qua
-
Xuyên Khung Trị đau đầu, đau Nhức Xương Khớp
-
Xuyên Khung, Tác Dụng Chữa Bệnh Của Xuyên Khung
-
Xuyên Khung - Mediplantex
-
Xuyên Khung Và 26 Tác Dụng Tuyệt Vời Trong Chữa Bệnh
-
Xuyên Khung Trị Bệnh Gì? Tác Dụng Của Dược Liệu Xuyên Khung. Mua ...
-
[Xuyên Khung] 13+ Công Dụng Chữa Bệnh Và Cách Sử Dụng
-
Cây Thuốc Xuyên Khung - Dược Liệu Vàng Trong Làng Đông Y