Chêm Tiếng Anh Trong Giao Tiếp Có Làm Mất đi Sự Trong Sáng Của ...

Những ngày gần đây, sự việc hot girl Chi Pu liên tục nói chuyện "nửa Tây nửa ta" trong livestream dù mới sang Mỹ chưa được bao lâu khiến nhiều người tranh luận về vấn đề pha tạp ngôn ngữ trong giao tiếp thường ngày của giới trẻ.

Chêm tiếng Anh trong giao tiếp có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? - 1

Pha tạp ngôn ngữ có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt?

Sử dụng ngoại ngữ với môi trường phù hợp

Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa, giảng viên phụ trách bộ môn kỹ năng mềm tại Đại học FPT Hà Nội cho rằng cần nhìn nhận vấn đề này dưới hai góc độ: "Đầu tiên, với nhóm các bạn trẻ chêm xen tiếng Anh trong cuộc hội thoại nhằm mục đích học ngoại ngữ, bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này. Bên cạnh đó, tồn tại một số bạn pha tiếng Anh vào lời ăn tiếng nói hàng ngày để thể hiện cái tôi của mình, điều này có thể sẽ khiến người nghe không hài lòng".

"Trong công việc và đời sống, cá nhân tôi cảm thấy thoải mái với những bạn dùng tiếng Anh trong giao tiếp tiếng Việt. Ở vụ việc của Chi Pu, với tư cách là một người của công chúng, những lời nói hay hành động của nữ ca sĩ đều có thể ảnh hưởng đến giới trẻ. Việc người nổi tiếng sử dụng ngôn ngữ chưa phù hợp sẽ tác động tiêu cực đến người xem, đồng thời làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.", Ths. Khuất Thị Hoa phân tích.

Theo bà Hoa, để có thể nói chuyện đúng mực cần cẩn trọng lựa chọn từ ngữ sao cho hợp ngữ cảnh. Cơ hội cọ xát xã hội trong nhiều bối cảnh khác nhau và trải nghiệm văn hóa đa dạng cũng là những yếu tố cần thiết trong giao tiếp.

"Đòi hỏi sự khéo léo tuyệt đối trong việc sử dụng ngôn ngữ ở các bạn trẻ là chưa phù hợp. Đánh giá cao sự thuần thục trong hành văn đa ngôn ngữ là điều tốt, tuy nhiên các bạn trẻ cần thêm thời gian", bà chia sẻ.

Chêm tiếng Anh trong giao tiếp có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? - 2
Cá nhân Ths. Khuất Thị Hoa cảm thấy thoải mái với những bạn dùng tiếng Anh trong giao tiếp tiếng Việt.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Nguyên trưởng khoa Văn hóa, Giảng viên cao cấp Học viện báo chí và Tuyên truyền từng thừa nhận, việc các bạn trẻ nói tiếng Việt chêm từ tiếng Anh là việc khá phổ biến, tuy nhiên phải phân rõ thành hai trường hợp.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, trong các hội thảo khoa học, nhiều giáo sư cũng sử dụng thêm tiếng nước ngoài bởi có những thuật ngữ tiếng Anh khó có thể dùng tiếng Việt để giải thích. Trong trường hợp này, việc sử dụng tiếng Anh sẽ giúp tăng thêm hiểu biết nhất định. Ngoài ra, trong giao tiếp hàng ngày nếu dùng ngoại ngữ để thể hiện thì đó lại là điều không nên.

"Ngoài đời, nói chuyện nửa Việt nửa Tây có thể làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Ta cần phải phân rõ làm hai môi trường. Trong sinh hoạt khoa học các giáo sư đôi lúc cũng vẫn dùng các từ tiếng Anh bởi khi dịch sang tiếng Việt sẽ khó để phản ánh hết nội dung. Ngay cả các tạp chí khoa học cũng dùng từ tiếng Anh kèm theo chú giải. Tuy nhiên, việc một số bạn trẻ chêm xen tiếng Anh khi nói chuyện với mục đích học đòi là không nên. Có thể khi học ngoại ngữ, đây là một cách để luyện tập. Cá nhân tôi không thêm tiếng Anh vào câu nói hàng ngày vì có thể người nghe sẽ khó chịu. Còn khi giảng dạy, có những thuật ngữ, khái niệm mình vẫn phải nói và giải thích cho sinh viên hiểu", PGS. TS Phạm Ngọc Trung nói.

Ngô Thanh Thủy Ngân - cựu học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Bắc Ninh nói lên suy nghĩ của bản thân về thực trạng này: "Trong thời kỳ hội nhập, việc mọi người sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp là chuyện hết sức bình thường. Hiện nay, đứa trẻ 6 tuổi đã được học tiếng Anh rồi nên sẽ ít xảy ra tình huống người nghe không hiểu nội dung cuộc trò chuyện bằng ngôn ngữ này. Tuy nhiên, việc pha tiếng Anh vào một đoạn hội thoại bằng tiếng Việt lại mang một ý nghĩa khác".

Chêm tiếng Anh trong giao tiếp có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? - 3
Thủy Ngân cho rằng, dù có cố ý hay không thì nói chuyện "nửa Tây nửa ta" sẽ làm mất đi nét đẹp của tiếng Việt

Thủy Ngân cho rằng, dù có cố ý hay không thì nói chuyện "nửa Tây nửa ta" sẽ làm mất đi nét đẹp của tiếng Việt. "Việc này thật sự không nên. Bản thân mỗi người cần nâng cao vốn ngoại ngữ của mình để trở thành công dân toàn cầu, chứ không phải để làm màu, khoe khoang và thay thế tiếng nói của dân tộc. Dùng ngoại ngữ đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh sẽ khiến bản thân trở nên tinh tế và chuyên nghiệp hơn", cô bạn đưa ra quan điểm.

Nhiều bạn sống ở nước ngoài vẫn giữ tên tiếng Việt

Theo Nguyễn Quang Anh, du học sinh tại Đức, việc nói chêm tiếng Anh thường gặp ở những người đã ở nước ngoài rất lâu. Bạn nghĩ rằng, "Đây không phải khoe trình độ học thức mà chỉ đơn giản làm cuộc trò chuyện dễ hiểu hơn thôi. Cá nhân mình cũng có lần lỡ nói một vài từ tiếng Anh trong khi nói chuyện với mọi người, sau đó thì mình đã nói lại ngay bằng tiếng Việt".

Quang Anh chia sẻ, sự trong sáng của tiếng Việt sẽ được bảo tồn bởi những người trẻ thực sự yêu tiếng mẹ đẻ và muốn mang tiếng Việt đến với quốc tế. "Mình biết nhiều bạn Việt Nam học tập và sinh sống ở nước ngoài lâu dài nhưng không lấy tên tiếng Anh, đơn giản vì các bạn ấy muốn giữ nét đẹp trong tên khai sinh của mình", anh bạn cho biết.

Chêm tiếng Anh trong giao tiếp có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? - 4

Quang Anh cho rằng sự trong sáng của tiếng Việt sẽ được bảo tồn bởi những người trẻ thực sự yêu tiếng mẹ đẻ.

Là một sinh viên năm hai, khoa Ngôn ngữ Nhật, chuyên ngành Tiếng Nhật Thương mại - Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nguyễn Thị Thanh Lan cho biết, giới trẻ có xu hướng chêm xen tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày do thích ngữ điệu của ngôn ngữ ấy.

Thanh Lan giải thích, "Ví dụ như "Thank you bro", "OK man" mang sắc thái biểu cảm hơn hẳn với "Cảm ơn bạn" hay "Được thôi". Với các từ như "fan", "hashtag", "trending" ..., đây đều là những thuật ngữ thông dụng và đôi khi dùng chúng trong hội thoại sẽ dễ hình dung hơn diễn tả bằng tiếng Việt".

Thanh Lan cho rằng không nên pha tạp tiếng Anh trong giao tiếp: "Tốt nhất là cố gắng giỏi cả hai ngôn ngữ để không phải dùng quá nhiều tiếng Anh khi nói chuyện bằng tiếng Việt. Trường hợp của nữ ca sĩ Chi Pu trên livestream gần đây là cố tình chêm xen nhiều từ tiếng Anh, bên cạnh đó còn phát âm sai, diễn đạt chưa đúng khiến người nghe khó chịu".

Chêm tiếng Anh trong giao tiếp có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? - 5

Với Thanh Lan, tốt nhất là cố gắng giỏi cả hai ngôn ngữ để không phải dùng quá nhiều tiếng Anh khi nói chuyện bằng tiếng Việt.

TS. Vũ Việt Nga - giảng viên ngành Truyền thông Đa phương tiện - Đại học FPT Hà Nội cho biết: "Tôi luôn nghĩ rằng, việc biết thêm một ngoại ngữ sẽ giúp ta thêm hiểu và yêu tiếng mẹ đẻ. Bản thân tôi là một người học chuyên tiếng Nga từ nhỏ, lớn lên sang Liên Xô cũ du học, khi về nước lại sử dụng tiếng Anh. Càng trưởng thành, tôi càng cảm nhận được sự giàu đẹp của tiếng Việt mà khó ngôn ngữ nào có được".

TS. Vũ Việt Nga khuyên bạn trẻ cần nắm vững các ngôn ngữ đã học và tìm hiểu về văn hóa nước bạn, sử dụng những kiến thức ấy như công cụ để làm việc, từ đó thêm yêu Đất Nước và tiếng Việt của mình.

Từ khóa » Bố Trí Xen Kẽ Tiếng Anh Là Gì