Chính Sách Từ Wikipedia - VnExpress

Tháng 7/2018, chúng tôi thực hiện một tuyến bài dài về Hà Nội 10 năm sau mở rộng. Cuộc sáp nhập để mở rộng Hà Nội sau 10 năm tạo ra rất nhiều hệ quả của những dự tính bất thành. Chúng tôi gặp rất nhiều nhân vật: nông dân Hà Tây cũ đi khiếu kiện đất đai; các công dân sống khổ vì quy hoạch treo và những con đường chậm tiến độ; có cả những người phất lên nhờ sự chậm chạp của những quy hoạch. Và trong cuộc sáp nhập ảnh hưởng đến cuộc đời hàng triệu con người đó, có một nhân vật đặc biệt, Wikipedia.

Trong 3 dòng cuối của báo cáo giải trình trước Quốc hội của chính phủ tháng 5/2008 về mở rộng Hà Nội, Wikipedia được viện ra là nguồn tham khảo. Trong báo cáo này, mật độ dân số của các thủ đô lớn  như Paris, London, Berlin và Bắc Kinh được sử dụng để chứng minh rằng Hà Nội "khi được mở rộng không phải thành phố quá lớn". Số liệu được lấy từ Wikipedia. Tên trang web này được phụ chú hai lần ở dưới cùng văn bản.

Sở dĩ tôi nhớ lại chi tiết đó hôm nay, vì thời điểm này 19 năm về trước chính là lúc Wikipedia được thông báo thành lập. Nó thay đổi cách thế giới tiếp cận với tri thức.

Chiều ngày 17/1/2001 (giờ Mỹ), đồng sáng lập Wikipedia, ông Larry Sanger viết đi một email kêu gọi với nội dung ngắn gọn: "Hãy đến và thêm vào đây một bài viết nhỏ. Mất chỉ năm hoặc mười phút thôi".

Với hầu hết người dùng Internet, không cần giải thích nhiều về Wikipedia và cách trang này hoạt động. Ngắn gọn, đó là một "bách khoa toàn thư mở", với các khái niệm được đóng góp bởi cộng đồng dùng mạng.

Chỉ trong vòng hai thập niên sau lời kêu gọi ngắn đó, Wikipedia đã có 40 triệu bài viết ở 31 ngôn ngữ. Wikipedia giúp nhân loại rất nhiều. Từ tóm tắt về các triều đại phong kiến Việt Nam, giới thiệu sơ lược về các vùng đất khắp thế giới cho đến lịch thi đấu và đội hình của World Cup, wikipedia.org là địa chỉ mà mọi kẻ lạc lối trên Internet tìm đến để định hình thông tin. Hôm nay, chưa biết dùng Wikipedia coi như bạn chưa học trọn vẹn cách sử dụng Internet.

Nhưng có một vấn đề lớn của Wikipedia: nó không phải là nguồn trích dẫn khoa học. Tự Wikipedia tuyên bố rằng họ "không phải là nguồn đáng tin cậy cho các nghiên cứu và bài viết học thuật". Đúng là giới nghiên cứu có thể dùng Wikipedia, nhưng trang này cho rằng chỉ nên để "có cảm quan về khái niệm" thôi. Ban quản trị Wikipedia nhấn mạnh, bôi đậm rằng "việc viện dẫn Wikipedia trong các nghiên cứu là không thể chấp nhận được".

Vì Wikipedia là từ điển mở, nên bất kỳ ai cũng có thể chỉnh sửa các khái niệm ở bất kỳ thời điểm nào. Các thông tin được viết lên Wikipedia có thể sai, hoặc mang tính phá hoại. Tất nhiên cộng đồng rất tích cực trong việc tìm và sửa thông tin sai, nhưng nó có thể bị bỏ qua nhiều ngày, tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Và theo nguyên tắc vận hành của Wikipedia, thì thông tin trên trang này cũng phải lấy nguồn từ một nơi khác – họ không chịu trách nhiệm cho nguồn gốc thông tin.

Nói chung, không thể trích dẫn Wikipedia cho các nghiên cứu được. Đấy chỉ là chỗ để tham khảo. Có lẽ bạn cũng đã biết: xài Wikipedia để làm bài tập, viết luận văn, viết báo cáo hay là... viết báo (điều mà tôi có thể khẳng định là không hiếm) vẫn đang diễn ra như một phần tất yếu của đời người dùng mạng. Nhưng dùng để làm chính sách là một cấp độ rực rỡ mới trong sự tồn tại của Wikipedia.

Quay trở lại báo cáo của chính phủ năm 2008. "Nhân vật" Wikipedia có thể không đóng vai trò quá quan trọng trong cuộc sáp nhập Hà Nội. Tại từng địa phương của Hà Nội, từng dự án, chúng tôi nhìn thấy những tác nhân khác nhau. Một con đường huyết mạch không thể giải tỏa mặt bằng. Những dự án thay đổi mục đích sử dụng. Một chuỗi chữ ký cấp phép vội vàng ở vùng ven – những dự án không bao giờ thành hiện thực.

Nhưng sau tất cả, sự xuất hiện của Wikipedia trong báo cáo giải trình của chính phủ, dường như phản ánh một thái độ ban hành chính sách. Một thái độ khiến cho toàn bộ chính sách trở nên đáng ngờ.

Chính phủ không thiếu cơ quan nghiên cứu. Tổng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Và dù chưa đủ, cũng vẫn có các nhà khoa học giỏi, được đào tạo tại nước ngoài (ít nhất là thế hệ đào tạo tại Liên Xô) đang làm công tác tư vấn trong hệ thống công quyền.

Không thể quy kết rằng các nhà khoa học không làm việc chỉ vì sự xuất hiện của Wikipedia trong báo cáo của chính phủ. Nhưng có thể nói rằng sự thiếu chặt chẽ trong xây dựng chính sách là một đặc trưng phổ biến tại Việt Nam. Cái phụ chú tháng 5/2008 đó chỉ là một biểu hiện nổi bật. Nói cách khác, có một phong cách làm chính sách không dựa trên bằng chứng. Và khi bằng chứng là thứ yếu, thì Wikipedia xuất hiện đã là điều xa xỉ.

Hiện tượng "chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất" không mới. Chính Bộ Tư pháp vẫn liên tục phải thu hồi các văn bản quy phạm pháp luật nhưng sai luật. Đó chỉ là những gì chúng ta phát hiện được.

Có khả năng rất lớn nhiều chính sách đã đi vào đời sống mà không hề là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học. Tóm tắt là ra đời sau một thái độ cẩu thả. Ít nhất là tôi có thể tìm thấy một quyết định đang còn hiệu lực của Bộ Nội Vụ, Bộ Y tế và UBND thành phố Cần Thơ sử dụng Wikipedia như nguồn tài liệu chứng minh.

Tôi khẳng định rằng bạn sẽ khiến bạn bè quốc tế của mình kinh ngạc và trầm trồ nếu kể rằng mình đến từ một quốc gia sử dụng thông tin từ Wikipedia để ban hành chính sách.

Tôi đã đắn đo khi viết bài này: trong không khí xuân về, mai đào nở thắm, cớ sao không đăng điều gì đó nhẹ nhàng hơn. Nhưng vì đây là dịp kỷ niệm thành lập Wikipedia, và bởi vì cái website đó quan trọng với cuộc đời chúng ta đến thế, nên tôi nghĩ cộng đồng cần dành thời gian kỷ niệm một cách đủ long trọng. Wikipedia làm nên sự đặc biệt của nền quản trị nước ta.

Hy vọng rằng mỗi lần vào Wikipedia, bạn sẽ nhớ lời dặn của chính các nhà sáng lập trang này, rằng đừng dùng nó cho mục đích nghiên cứu học thuật. Và hy vọng rằng mỗi lần tiếp cận với một văn bản pháp luật mới, chúng ta – bao gồm cả các nhà soạn thảo – tự đặt câu hỏi: nó đã được xây dựng đủ khoa học hay chưa, có chút "thái độ Wikipedia" nào ở đây không?

Đức Hoàng

Từ khóa » Cách Tóm Tắt Thông Tin Trên Wikipedia