Có Thể Ai đó đang Muốn Cầu Cứu Nhưng Bạn Không Biết - Kenh14
Có thể bạn quan tâm
"Khi tôi thực sự đau đớn muôn phần, đau đến mức không thể không rên rỉ, mọi người lại nghĩ rằng tôi làm quá mọi chuyện, chẳng việc gì cũng rên rỉ, ỉ ôi."
- Thất Lạc Cõi Người
Đầu tháng trước, một blogger đã lựa chọn giã từ cuộc đời vào đúng sinh nhật 25 tuổi của mình; 1 tháng trước nữa, một nam sinh để lại di thư và nhảy lầu tự tử trước áp lực học hành quá lớn...
Tự tử đã trở thành từ khóa có tần suất xuất hiện rất cao trong các hot search trên MXH. Mỗi khi một thảm kịch xảy ra, chiều hướng của dư luận gần như giống nhau. Đầu tiên là sốc và thở dài, sau đó là tiếc nuối và xót xa, cuối cùng là dần dần quên đi. Dẫu vậy, các vụ tự tử vẫn tái diễn.
Chúng ta vẫn hiếm khi nói về, hoặc đơn giản là tránh nói về những suy tư mà những người đã mất mang đến cho chúng ta. Sự suy tư ở đây không phải là câu nói trót lưỡi đầu môi "Hãy trân trọng sinh mạng của mình" mà là việc ngẫm nghĩ về cuộc đời, về chuyện ngay cả trong thế giới hiện đại, giáo dục về sinh mạng dường như cũng chưa thực sự được để tâm. Đó chỉ là câu chuyện tức nước vỡ bờ.
01
Chiều 06/05/2020, tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), một bé gái 9 tuổi đang làm bài tập một mình ở nhà. Thời hạn trả bài sắp tới nhưng em vẫn còn rất nhiều bài chưa làm xong. Trong lúc tuyệt vọng, em nhắn tin "cầu cứu" mẹ mình - người đang đi làm ở ngoài: "Con mới làm được 1 trang, làm mãi không hết bài thì phải làm sao hả mẹ?".
Mẹ cô bé không để ý đến tin nhắn nhỏ nhặt này. Người mẹ dặn em đừng than phiền nữa và tranh thủ làm cho xong bài đi.
Nửa tiếng sau nữa, bài tập về nhà của cô bé vẫn còn dang dở. Vì vậy, trên mặt sau của cuốn vở, em đã viết một vài ký tự nguệch ngoạc: "Tại sao mình làm gì cũng không tốt?".
Sau đó, cô bé mới 9 tuổi ấy nhảy xuống từ tầng 15 của chung cư gia đình em đang ở.
Tháng 5 cùng năm, một nữ sinh viên 26 tuổi - tốt nghiệp đại học danh tiếng với tương lai sáng rỡ bất ngờ tự tử tại nhà. Người nhà cho biết thời gian chuẩn bị luận văn chính là thủ phạm khiến cô suy sụp tinh thần. Động lực tự tử của nữ sinh này vẫn chưa được xác định, nhưng dù sự thật có là gì đi chăng nữa thì cuộc sống của cô gái ấy cũng đã kết thúc vào thời điểm cô chọn buông xuôi.
Từ những tin nhắn còn lưu lại trong điện thoại của nữ sinh, người ta phát hiện ngoài áp lực luận văn, cô gái còn có rất nhiều nỗi muộn phiền không tên. Bản thân cô dường như luôn vô định với tương lai của chính mình và cô không hề hạnh phúc như nhiều người vẫn lầm tưởng.
...
Cách đây ít lâu, báo chí cũng từng đưa tin về vụ việc một tài xế công nghệ 30 tuổi thất nghiệp một thời gian dài do dịch bệnh. Cùng đường, anh hỏi người phụ trách công ty xem có thể giảm tiền thuê nhà 1 tháng giúp mình được không. Bị từ chối, anh gieo mình từ tầng 9 của tòa nhà và tử vong tại chỗ. Tại hiện trường xảy ra vụ việc, có 4-5 người đồng nghiệp cùng công ty đang ở trong phòng nhưng không ai cố gắng tóm lấy anh ta.
...
Chúng ta, dưới tư cách là những người chứng kiến, có thể sẽ thấy khá khó hiểu trước động cơ tự sát của nhiều người. Nhưng chuyện đã thực sự xảy ra.
Lỗ Tấn nói rất đúng, niềm vui và nỗi buồn của con người không có mối liên hệ với nhau. Đôi khi, cọng rơm chẳng đáng gì trong mắt bạn lại có thể là thủ phạm làm gãy lưng một con lạc đà.
Dữ liệu thực sự về tự tử có lẽ đáng sợ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 800.000 người chọn tự tử. Và trung bình, cứ 40 giây lại có một người nào đó lại đang cố gắng tự lấy đi mạng sống của chính họ. 40 giây ấy, chỉ tương đương với khoảng thời gian từ lúc bạn click vào bài viết và đọc đến câu này.
02Theo nghiên cứu, 46% những người tự tử có liên quan đến vấn đề tâm thần. Một trong những căn bệnh họ thường mắc phải nhất là trầm cảm. Phần đông người tự tử không phải do suy nghĩ bốc đồng mà do những thay đổi tình cảm dồn nén trong lòng bấy lâu nay. Trên thực tế, họ đã nghĩ về điều này trong một thời gian dài, thậm chí có cả công tác chuẩn bị cho việc ra đi. Và khoảnh khắc họ tự kết thúc cuộc sống chỉ là một cú kích hoạt.
Con số 46% này trên thực tế cũng mang đến một góc nhìn mới. Bởi suy cho cùng, trầm cảm không phải là vấn đề ngày một ngày hai. Nói cách khác, gần một nửa số vụ tự tử có thể được dự đoán và ngăn chặn.
Nam ca sĩ Hoa Thần Vũ từng viết riêng một ca khúc dành những người mắc bệnh trầm cảm mang tên I Really Want to Love This World. Ca từ và giai điệu của ca khúc đã truyền nguồn cảm hứng tích cực và khiến những ai từng nghĩ đến việc từ giã cõi đời cảm thấy vô cùng đồng cảm.
Sau đó, một người bạn của nam ca sĩ cũng đã chia sẻ câu chuyện đằng sau bài hát như thế này: "Chắc hẳn có nhiều người đã từng có trải nghiệm tương tự trong lòng. Một số người có thể coi cái chết như một liều thuốc giải độc cho nỗi đau. Một số khác thì giống như Hoa Hoa, không những không từ ban công nhảy xuống, ngược lại còn dần trở nên lạc quan.
Kinh nghiệm của Hoa Hoa chỉ cho chúng ta một sự thật đơn giản: Đối với những người có khuynh hướng trầm cảm, sự ấm áp, quan tâm gần gũi của mọi người xung quanh hoàn toàn có sức mạnh giết chết ý nghĩ tự tử".
Có một sự thật là độ tuổi mắc bệnh trầm cảm đang giảm dần theo từng năm, trong khi tỷ lệ mắc bệnh lại gia tăng đáng kể. Có thể nói chúng ta đang trải qua một kỷ nguyên mà bệnh trầm cảm tính theo đầu người.
Biết được điều này có thể mang lại cho chúng ta những gì? Đó chính là sự suy tư và rút kinh nghiệm. MXH nói chung có bộ nhớ rất ngắn. Sau khi trầm cảm kéo theo những vụ tự tử thường xuyên, tất cả những gì chúng ta nhận thấy là sự quan tâm và tranh luận trong thời gian vài ngày trời. Trong khi đó, "dấu hiệu xấu" thực sự xuất hiện xung quanh chúng ta và chúng ta lại cư xử như tất cả đều là người ngoài cuộc, để mặc "dấu hiệu" đó chập chờn rồi biến mất.
"Con nhà người ta làm được, sao con không làm được?"
"Ai mà chẳng có chuyện để nghĩ, đừng yếu đuối thế có được không?"
"Có thế thôi mà cũng làm quá lên!"
"Mấy người nói muốn tự tử chỉ nói thế thôi chứ có ai dám làm thật đâu..."
Một cuộc khảo sát dành cho những người từng cố gắng tự tử cho thấy: Hầu hết những người có ý định tiêu cực này đều từng bày tỏ hoặc ám chỉ với người thân, bạn bè về suy nghĩ của mình nhưng phần lớn thời gian, họ không nhận được sự để tâm đúng nghĩa.
Vô số trường hợp thực tế đã xảy ra đang cố gắng cảnh tỉnh chúng ta rằng: Một trái tim ấm áp có thể trở thành tấm phao cứu rỗi một tâm hồn. Trong khi sự thờ ơ và chế giễu lại tương đương với việc đưa dao cho người đang muốn ra đi.
Trên thực tế, sự thờ ơ cho thấy một vấn đề sâu sắc hơn, đó chính là đứng trước cánh cửa sinh tử, không ai có thể nói trước được điều gì. Đặc biệt, bối cảnh văn hóa hiện tại vẫn chưa có chỗ để thảo luận về "cái chết", còn "tự tử" cũng là 2 chữ trong danh sách cấm kỵ.
03
Con người và thực vật đều giống nhau. Quan niệm sống giống như nước và đất, nó là gốc rễ và là lẽ tất yếu trong suốt cuộc đời của mỗi người. Trên thực tế, đối với những người bình thường, cái nhìn đầu tiên về cuộc sống mà chúng ta thiết lập không nhất thiết phải là chủ nghĩa anh hùng cao cả trong sách rằng mình phải là anh hùng, phải đứng trên người này người kia, phải coi thường sống chết.
Nhận thức đầu tiên nên là trân trọng cuộc sống, sống nghiêm túc và có cái nhìn tốt về thế giới. Nếu bạn vẫn có thể vững vàng thực hiện tín điều này khi đối mặt với nhiều khó khăn, bạn đã trở thành anh hùng của chính mình.
Không ai là hòn đảo cô đơn giữa cuộc đời. Nếu bạn vẫn thỉnh thoảng bi quan và cảm thấy cuộc sống mất đi ý nghĩa, tại sao bạn không dừng lại và suy nghĩ, ý nghĩa cuộc sống của bạn rốt cuộc là gì? Có phải là sự bận rộn ngược xuôi, là vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử mà ai cũng phải trải qua?
Chưa chắc đâu.
Bạn không thích giao tiếp nhưng thích làm bạn với tụi chó mèo, bạn có thể trở thành một bác sĩ thú y xuất sắc.
Bạn thi trượt mọi kỳ thi nhưng chiếc bánh bạn nướng là ngon nhất, và bạn có siêu năng lực để làm ra những món ăn khiến ai cũng tấm tắc khen.
Bạn chọn cách không sinh con nhưng bạn thích ngắm nhìn từng cái cây lớn lên, từng đám mây trôi và rồi bạn trở thành một nghệ sĩ.
Trong quá trình khám phá, bạn sẽ ngạc nhiên thú vị khi khám phá ra những gì bạn giỏi và những gì bạn thích, từ đó cảm nhận và trải nghiệm thế giới hóa ra ý nghĩa hơn bạn tưởng. Nếu bạn không thể suy ngẫm, cũng không thể tiêu hóa những cảm xúc tồi tệ đó, bạn cũng có thể nói với những người quan tâm đến bạn.
Nếu một người bạn tìm đến bạn và kể về những rắc rối người đó đang gặp phải, so với việc động viên người ấy hãy mạnh mẽ, một câu "Vẫn có tôi ở đây" có lẽ sẽ hiệu quả hơn.
Bạn chưa bao giờ chỉ có một mình. Ở một nơi nào đó mà chính bạn có lẽ cũng không biết, luôn có người chờ đợi và sẵn sàng cùng bạn giải quyết vấn đề.
Bạn muốn sống như nào, bạn phải từ từ tự khám phá. Tiền đề là bạn phải luôn nhớ: không có gì quan trọng hơn sinh mạng, cuộc sống này đáng sống hơn nó vốn thế, hãy bình yên mà sống nhé.
Từ khóa » Cọng Rơm Cuối Làm Gãy Lưng Con Lạc đà
-
"The Final Straw" Nghĩa Là Gì? - Learn Lingo
-
Cọng Rơm Cuối Làm Gãy Lưng Con Lạc Đà | Vòng Tròn Bất Tận
-
Chuyện Của Tôi - [ CỌNG RƠM ĐÈ CHẾT LẠC ĐÀ ] #c1 Lấy Từ...
-
Câu Thành Ngữ “The Straw That Broke The Camel's Back“ Có Nghĩa Là ...
-
Thành Ngữ Tiếng Anh Thông Dụng: The Last Straw (VOA)
-
THE LAST STRAW | WILLINGO
-
Chương 450: Cọng Rơm Cuối Cùng Làm Gãy Lưng Lạc Đà
-
Last Straw Thành Ngữ, Tục Ngữ, Slang Phrases - Idioms Proverbs
-
Cụm Từ The Last Straw Nghĩa Là Gì? - TopLoigiai
-
“Cọng Rơm Cuối Cùng đè Chết Con Lạc đà” - Ahimsa House
-
"The Straw That Breaks The Donkey's Back" Nghĩa Là Gì? - Journey In Life