Đáng Sợ Nhất Là… Tham Nhũng Chính Sách - Công An Nhân Dân

hỏ nhắn nhưng sắc sảo, quyết liệt và riết róng, đó là "gương mặt" điển hình của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ nhiều năm qua, kể cả khi bà còn làm việc trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lẫn sau này, khi bà thường xuyên lên tiếng trong những vấn đề kinh tế nóng bỏng của xã hội. Dù biết trước và biết rõ điều đó nhưng gần 3 tiếng ngồi trò chuyện tại nhà riêng của bà, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ vì không nghĩ một người phụ nữ đã bước qua tuổi 70 mà một mặt vẫn giữ được "phong độ" như hàng chục năm về trước, một mặt vẫn không ngừng cập nhật những cái mới mẻ của đời sống hôm nay, để kiên quyết không biến mình thành một kẻ lạc thời.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bây giờ nhớ lại câu chuyện của hơn 20 năm về trước, bà có thể chia sẻ cái khoảnh khắc chính thức được mời làm việc trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng không ạ?

- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tổ chức lại tổ tư vấn vốn có của mình (được thành lập từ năm 1993), thu gọn từ gần 60 người xuống còn 21 người. Có người ra, có người vào và tôi là người mới tham gia vào. Năm đó lại là năm ráo riết xem lại để sửa Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty. Lúc đó, tôi đang là Tổng Thư ký của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trên cương vị đó, tôi lên tiếng nhiều về luật này cũng như các vấn đề về phát triển khu vực tư nhân, có lẽ từ đấy mà Thủ tướng mời tôi vào.

- Bà vẫn còn làm việc đến thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Khi thủ tướng Phan Văn Khải nhận nhiệm vụ năm 1997, Thủ tướng yêu cầu tôi tiếp tục tham gia tổ tư vấn (năm 1998, tổ được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) và sau này, đến năm 2003, khi tôi chính thức nghỉ hưu ở VCCI thì Thủ tướng đề nghị tôi về làm chuyên trách. Ở Ban Nghiên cứu, số thành viên chuyên trách phần lớn đã về hưu, còn một số thành viên đang công tác thì làm kiêm nhiệm, ngoài ra có một số cộng tác viên. Tiêu chuẩn chung nhất là phải có tư duy và ý tưởng đổi mới. Đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thì một trong những quyết định đầu tiên là giải tán Ban Nghiên cứu này.

- Vì sao ạ?

- Tôi nhớ hồi đó, khi một đại biểu Quốc hội hỏi về sử dụng trí thức thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời đại ý rằng: xung quanh Thủ tướng là anh em văn phòng, những người giúp việc trực tiếp, tất cả đều có bằng cấp cao, là trí thức cả. Chắc ông nghĩ thế nên không cần tổ tư vấn riêng. Phải rất lâu sau, ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lập ban tư vấn mới.

- Tôi có đọc trên báo rằng, cơ chế hoạt động của Ban Nghiên cứu là "5 không"?

- "5 không" là cơ chế cho phép chúng tôi làm việc rất độc lập, rất mở, không bị trói buộc về tư duy, kể cả với Thủ tướng. Một là không chức vụ, biên chế. Hai là không lương (mọi người có thu nhập từ công việc chính hoặc lương hưu của mình; sau này mới có một chút tiền hỗ trợ, 500.000 đồng/tháng, rồi được nâng lên thành 1 triệu đồng/tháng). Ba là, không có trên có dưới trong Ban, nghĩa là có người làm Trưởng, Phó ban, nhưng chỉ là trưởng/phó về mặt hành chính thôi còn về chuyên môn thì tất cả đều bình đẳng như nhau. Cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải đều luôn yêu cầu phải ghi đầy đủ các ý kiến, các tranh luận khác nhau trong tổ, tuyệt đối tránh tình trạng một chiều. Bốn là, không có hạn chế, không có vùng cấm trong việc đưa ý kiến cho Thủ tướng. Và năm là, mình tự chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, chứ không nhân danh cơ quan nào cả. Như thế để không bị ràng buộc với cơ quan, không phải e ngại ông sếp ở cơ quan mình cắc cớ: tại sao lại nói thế này, thế kia.

Từ khóa » Nối Từ Róng