Dấu Hiệu Về Sự Non Nớt Về Mặt Cảm Xúc

Không khó để nhận ra một người yếu ớt về mặt thể chất, thế nhưng, thật khó để xác định xem một người có thực sự trưởng thành về mặt cảm xúc hay không. Bởi đôi khi, bạn nhìn thấy một người trông có vẻ rất tự tin và mạnh mẽ, nhưng bên trong họ lại yếu ớt, và đôi khi bạn gặp những người hay mau nước mắt vì có chuyện buồn, nhưng té ra họ là người mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng.

Làm sao để nhận ra sự non nớt (chưa trưởng thành) về mặt cảm xúc thông qua đối thoại, cosmootj số dấu hiệu bạn có thể nhận biết và từ đó có thể theo dõi và nhờ đó bạn sẽ hỗ trợ được bạn bè của bạn.

Họ ít khi dành thời gian để suy nghĩ về chính bản thân họ

Một người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ để dành nhiều thời gian để có thể quan sát chính bản thân của mình. Họ sẽ cố gắng tạo ra khoảng thời gian mà ở đó họ không bị xao nhãng với những thứ khác để suy nghĩ xem họ là ai, và những gì họ đã trải qua. Những người trưởng thành về cảm xúc sẽ trung thực với bản thân, tự mình cảm nhận cảm xúc của chính mình cho dù những cảm xúc đó thực sự khác thường (thậm chí kẻ cả khi họ có những suy nghĩ đáng ghê tởm), nhưng họ sẽ chấp nhận rằng họ thực sự có cảm xúc như vậy, và tự họ phân tích xúc cảm để hiểu về chính họ hơn. Những người non nướt về mặt cảm xúc có cách hành xử ngược lại, họ tìm cách trốn tránh và thoái thác bằng cách tìm kiếm bạn bè và những trò tiêu khiển để khỏi phải suy nghĩ đến những vấn đề trong tâm tư họ theo lối “cái gì khó quá thì bỏ đi”.

Họ không có gì nhiều để kể về tuổi thơ 

Hiếm có người nào có tuổi thơ quá êm đẹp, ai cũng có những trúc trắc trong quá khứ của mình. Cho dù họ có cha mẹ yêu thương họ hết sức, đây đó vẫn có những điều không hay đã xảy ra trong quá khứ. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ thường phân tích và kể lại những điều xảy ra trong tuổi thơ có ảnh hưởng đến họ theo khía cạnh tốt lẫn xấu. Hiểu những tác nhân giúp mình hình thành nhân cách hiện tại sẽ giúp họ dễ dàng điều chỉnh bản thân hơn. Và hiểu được những câu chuyện tồi tệ trong quá khứ thực sự ảnh hưởng đến họ như thế nào cũng giúp cho họ tìm ra cách để hóa giải chúng.

Tôi đã viết nhiều bài về tuổi thơ ảnh hưởng như thế nào tới hiện tại, các bạn có thể tham khảo, một vài bài viết dưới đây:

  • Đúng là tuổi thơ ảnh hướng đến đời sống tâm lý lúc trưởng thành, nhưng nó không đơn giản như người ta nghĩ
  • Điều cha có thể làm cho con

Và vì tuổi thơ có giá trị như vậy với sự trưởng thành của chúng ta, nên chúng ta phải hiểu về chúng, và phải có ký ức về tuổi thơ của mình. Những ai không nhớ về tuổi thơ, có thể là vì họ muốn quên đi tuổi thơ đầy trúc trắc của họ, hoặc họ chưa từng lùng tìm quá khứ để hiểu bản thân họ ở thời điểm hiện tại. Và đó là cũng là dấu hiệu thể hiện họ chưa thực sự trưởng thành về mặt tâm lý (hoặc họ không muốn bạn hiểu về họ).

Họ chưa từng nghĩ đến nguồn cơn của những biến cố / thay đổi lớn xảy ra trong đời của họ 

Có những người kể về cuộc chia tay của mình với người yêu với vẻ đầy nuối tiếc, nhưng đến khi được hỏi “tại sao người ta lại chia tay bạn?”, họ trả lời “tớ không biết nữa, tớ đã từng nghĩ đến nhưng không có câu trả lời”. Khi bạn hỏi “điều gì khiến cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa?”, câu hỏi đó sẽ làm cho họ bối rối vì họ chưa từng nghĩ đến điều đó. Hoặc họ sẽ phải suy nghĩ rất lâu để chỉ trả lời được câu hỏi “Điều khiến bạn hối tiếc nhất ở tuổi thơ của bạn là gì?”.

Sự bối rối bởi những câu hỏi rất thường tình như trên thường không phải vì họ muốn che giấu bản thân, mà chính là họ đang không hiểu chính bản thân mình. Và như vậy, họ có thể chưa hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm lý.

Họ luôn thể hiện rằng “mọi thứ đều ổn cả, không sao đâu”

Nếu một người thường xuyên thể hiện rằng mọi thứ đều tốt, đều ổn cả, có thể rằng họ chưa hẳn đã ở trong tình trạng tốt đẹp như vậy. Một số người chưa trưởng thành về mặt tâm lý, luôn cố gắng thể hiện trước mọi người một bộ mặt không nhiều cảm xúc, luôn cố gắng thể hiện rằng mọi thứ đều ổn và trong tầm kiểm soát, nhưng trên thực tế, họ đang không có đủ dũng khí để đối diện với hiện trạng của bản thân, với những khó khăn đang mắc phải.

Một người thể hiện rằng mọi thứ quanh họ đều ổn (về gia đình, cha mẹ, tình yêu, đời sống tình dục, tham vọng, sự đủ đầy) thì thường không hẳn là như vậy. Trên thực tế, họ sợ phải đối phó với cảm giác giận dữ, tuyệt vọng, mất mát, hỗn loạn… Nhưng nếu không trực diện đối mặt với khó khăn, thì mọi vấn đề vẫn còn nằm ở đó.

Trưởng thành về tâm lý là dám đối diện với cảm xúc thật của chính mình.

Họ luôn cố gắng dập tắt khi người đối diện nói về những dấu hiệu bất ổn về cảm xúc của họ

Khi bạn trò chuyện với một người và bạn chia sẻ rằng “em cảm thấy anh đang có gì không ổn, có phải anh đang lo lắng về công việc không?” và bạn nhận được câu trả lời là “không có chuyện đó đâu em, lo lắng là điều chỉ có trong quá khứ thôi. Đến lần khác bạn lại cảm thấy họ có vẻ đang stressed, bạn lại hỏi họ, và họ lại lảng tránh ngay, “anh làm gì stressed, anh đang rất ổn”. Hoặc khi bạn cố gắng giúp họ hiểu rằng họ đang trở nên khác thường “anh dạo này hơi hay cáu gắt, và tránh mặt mọi người, em nghĩ chắc anh đang gặp chuyện gì đó”, và thế là họ sẽ trả lời ngay theo kiểu “anh đang cần tập trung vào công việc”, trong thực tế, nguyên nhân không phải là như vậy. Nếu một người trưởng thành về tâm lý, không muốn người khác nhòm ngó vấn đề của mình, họ có thể trả lời như trên, nhưng cũng có thể họ chưa thực sự trưởng thành và luôn cố gắng giải thích mọi vấn đề theo một cách đơn giản. Tâm lý con người chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản, chỉ có điều, họ muốn ngăn chặn mọi câu hỏi của người đối diện, chỉ bởi khi đối diện với một vấn đề tâm lý, họ sẽ phải đối diện với cảm giác tổn thương, và thế là họ cứ phải luôn tránh đối diện với nó mà thôi.

Cuộc sống luôn không dễ dàng, và mỗi người đều có những khó khăn riêng về mặt tâm lý, nhưng nếu chúng ta không đối diện với những vấn đề của mình, chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành về mặt tâm lý. Và khi chúng ta không đủ trưởng thành, những vấn đề về tâm lý cứ thế lớn dần lên theo năm tháng, cho đến một ngày, chúng không có đủ khả năng để kiểm soát chúng nữa, và chúng ta sẽ bị không chế hoàn toàn bởi tiềm thức của mình nhưng chúng ta lại không hiểu và không thể thay đổi được theo hướng tốt hơn.

Sài Gòn, ngày 14 tháng 03 năm 2020

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading…

Từ khóa » Sự Non Nớt Là Gì