Đau Thắt Ngực Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách điều Trị • Hello Bacsi

Tìm hiểu chung

Đau thắt ngực (co thắt tim) là gì?

Đau thắt ngực là tình trạng đau ngực do giảm lượng máu đến tim. Đau thắt ngực là một triệu chứng của bệnh động mạch vành. Động mạch vành bị thu hẹp vì tắc nghẽn hoặc co thắt khiến lượng máu để nuôi tim không đủ, dẫn đến tình trạng tim bị thiếu oxy để bơm máu.

Cơn đau thắt ngực thường được mô tả là bị ép, đè, nặng hơn, tức hoặc đau ở ngực. Một số người có các triệu chứng đau thắt ngực cho biết cảm giác đau thắt ngực giống như có một bàn tay bóp vào ngực hoặc một vật nặng đè lên ngực của họ. Đau thắt ngực có thể là một cơn đau mới cần được bác sĩ kiểm tra, hoặc cơn đau tái phát sẽ biến mất khi điều trị.

Cơn đau thắt ngực có thể là dấu hiệu của một căn bệnh về tim nghiêm trọng nào đó cần được thăm khám và điều trị ngay lập tức.

Triệu chứng

Những triệu chứng và dấu hiệu của đau thắt ngực là gì?

triệu chứng đau thắt ngực

Đau và có cảm giác khó chịu là những triệu chứng ban đầu của bệnh đau thắt ngực. Cơn đau có thể bắt đầu ở ngực và thỉnh thoảng lan đến lưng, cổ, vai trái và cả xuống cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái). Đôi lúc người bệnh có thể có các triệu chứng như ợ nóng hoặc khó tiêu.

Cơn đau có thể kèm theo các triệu chứng đổ mồ hôi, buồn nôn, ngất xỉu, kiệt sức, choáng váng và khó thở.

Ngoài ra, triệu chứng của bệnh còn tùy thuộc vào loại đau thắt ngực mà bạn mắc phải. Có 3 loại đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng như sau:

Đau thắt ngực ổn định

  • Xảy ra khi người bệnh vận động quá sức dẫn đến tim đập nhanh hơn bình thường
  • Cơn đau thường có thể cảm nhận trước được và diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút)
  • Cảm giác ợ nóng hoặc khó tiêu
  • Cơn đau ngực có thể lan tỏa đến tay, lưng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Đau thắt ngực không ổn định

  • Cơn đau thường xuất hiện lúc nửa đêm khi bạn đang ngủ hoặc khi bạn đang nghỉ ngơi
  • Cơn đau thường đến một cách đột ngột
  • Thường cơn đau sẽ kéo dài đến 30 phút hoặc lâu hơn
  • Theo thời gian, nếu không được chữa trị, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Đau thắt ngực mao mạch (Đau thắt ngực vi mạch)

  • Cơn đau thường trầm trọng và kéo dài hơn các cơn đau thắt ngực khác
  • Thường kèm theo những triệu chứng thở gấp, khó ngủ, mệt mỏi
  • Cơn đau thường xuyên xảy ra trong các hoạt động thường ngày và khi bạn cảm thấy căng thẳng.

Đau thắt ngực ở phụ nữ

Các triệu chứng đau thắt ngực ở phụ nữ có thể khác với các triệu chứng đau thắt ngực thông thường. Những khác biệt này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm cách điều trị. Ví dụ, đau ngực là một triệu chứng phổ biến ở phụ nữ bị đau thắt ngực, nhưng nó có thể không phải là triệu chứng duy nhất hoặc triệu chứng phổ biến nhất ở phụ nữ. Phụ nữ cũng có thể có các triệu chứng khác như:

  • Khó chịu ở cổ, hàm, răng hoặc lưng
  • buồn nôn
  • Khó thở
  • Đau nhói thay vì tức ngực
  • Đau dạ dày (bụng)

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu cơn đau ngực của bạn kéo dài và không dứt ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi và dùng thuốc điều trị đau thắt ngực, nó có thể là dấu hiệu của chứng nhồi máu cơ tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Nếu khó chịu ở ngực là một triệu chứng mới đối với bạn, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây ra cơn đau ngực và có cách điều trị thích hợp. Nếu bạn đã được chẩn đoán là bị đau thắt ngực ổn định và nó trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra đau tht ngc là gì?

chẩn đoán đau thắt ngực

Nguyên nhân đau thắt ngực là do lưu lượng máu đến cơ tim giảm, mà máu lại mang oxy cần thiết cho các hoạt động của tim. Khi cơ tim không được cung cấp đủ oxy, nó sẽ gây ra hiện tượng thiếu máu cục bộ.

Cơn đau thắt ngực là bệnh gì? Đau thắt ngực là một dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn về tim, chẳng hạn như:

  • Bệnh động mạch vành (CAD): CAD là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng đau thắt ngực ở nam giới và phụ nữ. Nó xảy ra khi các chất cặn được gọi là mảng tích tụ trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Các động mạch thu hẹp hoặc cứng lại (xơ vữa động mạch), làm giảm lưu lượng máu đến tim. Sự thiếu hụt lưu lượng máu này dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh vi mạch vành (MVD): Phụ nữ có nhiều khả năng bị đau thắt ngực do MVD hơn nam giới. Tình trạng này làm hỏng thành và niêm mạc của các mạch máu nhỏ phân nhánh từ động mạch vành. Nó làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây co thắt mạch vành.
  • Co thắt mạch vành: Trong cơn co thắt mạch vành, các động mạch vành liên tục co thắt (thắt chặt) và sau đó mở ra. Những cơn co thắt này tạm thời hạn chế lưu lượng máu đến tim. Bạn có thể bị co thắt mạch vành mà không bị bệnh mạch vành. Co thắt có thể ảnh hưởng đến các động mạch vành lớn hoặc nhỏ.

Ngoài ra, các vấn đề về tim như suy tim, bệnh cơ tim phì đại, bệnh van tim, nhịp tim bất thường hoặc thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh đau thắt ngực.

Những ai thường mắc phải đau thắt ngực?

Bất kỳ ai cũng có thể bị đau do nhiều nguyên nhân. Những người đã hoặc đang gặp phải vấn đề về tim mạch thường sẽ bị đau thắt ngực hơn. Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nhiều nguy cơ mắc chứng đau thắt tim hơn những thanh thiếu niên.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc đau thắt ngực?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Tuổi lớn hơn. Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người trẻ tuổi.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Nếu một thành viên trong gia đình bị bệnh động mạch vành hoặc bị nhồi máu cơ tim, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị đau thắt ngực hơn.
  • Hút thuốc: Việc hút và tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài sẽ phá hủy các động mạch của cơ thể, trong đó có những động mạch dẫn đến tim, khiến các mảng bám cholesterol tích tụ và làm tắc nghẽn dòng chảy của máu.
  • Bệnh tiểu đường: Cơ thể của người bị tiểu đường không thể tự sản sinh ra đủ insulin – một hormone do tuyến tụy tiết ra – giúp cơ thể chuyển hóa glucose thành năng lượng. Ngoài ra, tiểu đường còn làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành, dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, đồng thời làm tăng khả năng xơ vữa động mạch và tăng nồng độ cholesterol máu.
  • Cao huyết áp: Theo thời gian, huyết áp cao làm tổn thương các động mạch bằng cách tăng tốc độ cứng của động mạch.
  • Cholesterol cao: Cholesterol là một phần chính của chất lắng đọng có thể thu hẹp các động mạch trên khắp cơ thể, bao gồm cả những động mạch cung cấp cho tim của bạn. Mức độ cao của cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), còn được gọi là cholesterol “xấu”, làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và đau tim.
  • Các tình trạng sức khỏe khác. Bệnh thận mãn tính, bệnh động mạch ngoại biên, hội chứng chuyển hóa hoặc tiền sử đột quỵ làm tăng nguy cơ đau thắt ngực.
  • Lười vận động. Một lối sống không vận động góp phần làm tăng cholesterol, huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và béo phì.
  • Béo phì. Béo phì có liên quan đến mức cholesterol trong máu cao, huyết áp cao và bệnh tiểu đường, tất cả đều làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và bệnh tim. Nếu bạn thừa cân, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu cho cơ thể.
  • Căng thẳng. Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và đau tim. Quá nhiều căng thẳng, cũng như tức giận, cũng có thể làm tăng huyết áp. Sự gia tăng của các hormone được tạo ra trong quá trình căng thẳng có thể thu hẹp các động mạch và làm trầm trọng thêm tình trạng đau thắt ngực.
  • Thuốc men. Các loại thuốc thắt chặt mạch máu, chẳng hạn như một số loại thuốc trị đau nửa đầu, có thể gây ra cơn đau thắt ngực Prinzmetal.
  • Lạm dụng thuốc. Cocaine và các chất kích thích khác có thể gây co thắt mạch máu và gây ra cơn đau thắt ngực.
  • Nhiệt độ lạnh. Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh có thể gây ra cơn đau thắt ngực.

Biến chứng

Đau thắt ngực có nguy hiểm không?

Cơn đau thắt ngực xảy ra có thể khiến một số hoạt động, chẳng hạn như đi bộ, trở nên khó chịu. Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim.

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo của cơn đau tim bao gồm:

  • Áp lực, đầy hoặc đau thắt ở giữa ngực kéo dài hơn một vài phút
  • Đau lan ra ngoài ngực đến vai, cánh tay, lưng hoặc thậm chí đến răng và hàm
  • Ngất xỉu
  • Cảm giác diệt vong sắp xảy ra
  • Tăng các cơn đau ngực
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Tiếp tục đau ở vùng bụng trên
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán đau thắt ngực (thắt tim)?

dụng cụ đo huyết áp và quả tim

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh cho bạn bằng cách kiểm tra những triệu chứng và làm một vài xét nghiệm có liên quan như điện tâm đồ ECG, chụp X-quang ngực, siêu âm tim, xét nghiệm máu, chụp động mạch vành, chụp MRI tim, chụp CT tim hoặc kiểm tra bằng nghiệm pháp gắng sức.

Nếu những bài kiểm tra đầu tiên cho thấy dấu hiệu của tim bị tắc nghẽn thì bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật thông tim (kiểm tra lưu lượng máu chảy qua tim bằng cách đặt một thiết bị từ động mạch luồn đến tim).

Những phương pháp nào dùng để điều trị đau thắt ngực (thắt tim)?

Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện lưu lượng máu nuôi tim và cải thiện khả năng hoạt động của tim. Phương pháp trị liệu đầu tiên là bạn hãy tạm gác công việc lại một bên và dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.

Thuốc men

Đau thắt ngực có thể được điều trị bằng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc aspirin làm giảm đông máu hoặc tiến hành dẫn xuất nitrate như nitroglycerin nhằm mở rộng tạm thời các mạch máu bị hẹp để cải thiện dòng chảy của máu qua tim.

Một số các thuốc khác như thuốc ức chế beta có tác dụng làm chậm nhịp tim một cách ổn định và thư giãn cơ tim. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị những bệnh như tăng huyết áp, loạn nhịp, tiểu đường hoặc nồng độ cholesterol cao trong máu cũng được dùng trị đau thắt ngực.

Phẫu thuật

Nếu thuốc không có tác dụng, bạn cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Thông thường, phương thức giảm đau thắt ngực là nong (đưa một ống thông nhỏ có bóng ở đầu được vào mạch vành và bơm lên để nong rộng chỗ bị hẹp hay bị tắc) và đặt stent mạch vành (là một cấu trúc lưới bằng thép không rỉ hình ống nhỏ, nó được đặt trong động mạch để giữ cho mạch máu mở thông và cho phép dòng máu chảy qua). Một phương án khác cho các trường hợp bị tắc nghẽn mạch máu trầm trọng là thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG).

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp ngăn ngừa cơn đau thắt ngực (thắt tim)?

Ăn nhiều rau quả để phòng ngừa bệnh tim

Vì bệnh tim là nguyên nhân của hầu hết các cơn đau thắt tim nên bạn có thể giảm hoặc ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực bằng cách giảm các nguy cơ mắc bệnh tim.

Việc có một thói quen sống tốt hằng ngày là bước quan trọng nhất đầu tiên mà bạn cần thực hiện:

  • Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, hạn chế các chất béo, ăn nhiều ngũ cốc, rau củ quả nhiều chất xơ
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để có một chế độ tập thể dục hiệu quả nhất
  • Nếu bạn đang thừa cân, hãy hỏi bác sĩ về các biện pháp giảm cân tốt cho sức khỏe
  • Dùng thuốc trị đau thắt ngực theo đúng liều và sự chỉ định của bác sĩ
  • Chữa các bệnh gây nguy cơ đau thắt ngực như tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao
  • Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý để tránh tim làm việc quá sức.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Ngự J