Núi Ngự Bình – Wikipedia Tiếng Việt

"Ngự Bình" đổi hướng tới đây. Đối với các định nghĩa khác, xem Ngự Bình (định hướng).
Núi Ngự Bình

Núi Ngự Bình (chữ Hán: 御屏), gọi ngắn gọn là núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn); là một hòn núi đất cao 103 m ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn Hến và Cồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam) 4 km về phía Nam [1].

Giới thiệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Núi Ngự có dạng hình thang, đỉnh bằng phẳng [2], hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn [3].

Bởi núi có hình dạng như thế, nên khi chúa Nguyễn Phúc Trăn (ở ngôi: 1687-1691) dời thủ phủ Đàng Trong từ làng Kim Long (thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) về làng Phú Xuân (chỗ của Kinh thành Huế ngày nay) vào năm 1687, đã dùng núi ấy làm án (chắn ngang) trước thủ phủ. Về sau, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi: 1738-1765) xây dựng đô thành Phú Xuân (hoàn tất năm 1739), và vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế (1805) cũng đặt núi Bằng làm án [4].

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết:

Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông [5].

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Tổng tài Cao Xuân Dục cũng viết về núi này như sau:

Núi Ngự Bình, tục gọi là núi Bằng...vuông chằn chặn như bức bình phong, là bức án trọng yếu bậc nhất phía trước Kinh thành...Núi này là một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô. (Trong) tập thơ ngự chế của vua Thiệu Trị, có (bài) tên: "Bình lĩnh đăng cao" (Núi Ngự lên cao)[6]

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì từ thời Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người đều phải trồng ở Ngự Bình một cây thông, cho nên trải các đời vua, Ngự Bình trở thành một rừng thông vi vu[4]. Bởi vẻ đẹp ấy, nên núi được nhiều người đến viếng và làm thơ đề vịnh, trong số đó có vua Minh Mạng[7] và vua Thiệu Trị [8].

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình hòa quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế, và đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế từ rất lâu. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của "sông Hương-núi Ngự" [9].

Có nhiều thơ ca nói đến cặp danh thắng này, trong số ấy có câu:

Núi Ngự không cây, chim ngủ đất.

Sông Hương vắng khách, đĩ kêu trời.

Đi đâu cũng nhớ quê mình, Nhớ sông Hương gió mát, nhớ non Bình trăng treo [10].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo Nguyễn Dược-Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, tr. 182). Có nguồn ghi núi Ngự cao 105 m.
  2. ^ Mặt trước núi Ngự trông rất cân phân, nhưng ở phía sau thì hình dáng trông lệch lạc không đều, nên có câu: Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong...
  3. ^ Theo website Du lịch Huế [1] Lưu trữ 2012-04-11 tại Wayback Machine. Có nguồn ghi là Tả Phù SơnHữu Bật Sơn.
  4. ^ a b Nguyễn Đắc Xuân, Hướng dẫn thăm Kinh thành Huế. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1993, tr. 26.
  5. ^ Dẫn lại theo Lê Văn Hảo, "Huế giữa chúng ta", Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1984, tr. 19.
  6. ^ Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên (Nhà xuất bản Văn học, 2003, tr. 65).
  7. ^ Thi sĩ Quách Tấn kể: Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhân tiết Trùng Dương, nhà vua đã "đăng lâm tận đỉnh", đồng thời cho mở yến tiệc đãi các quan tùy tùng, và soạn thơ ngự chế làm kỷ niệm (Bước lãng du, tr. 22). Cũng theo tác giả này, cuối năm 1788, vua Quang Trung làm lễ xuất quân ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh xâm lược tại núi Ngự Bình. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, thì vị vua này đã làm lễ ở núi Bân chứ không phải ở núi ấy.
  8. ^ Chưa tra được năm vua Thiệu Trị đến viếng núi Ngự, chỉ biết khi đến đây nhà vua có làm bài thơ "Bình lĩnh đăng cao" (Núi Ngự lên cao), và liệt núi vào cảnh đẹp thứ 12. Theo Quách Tấn, bài thơ này được vua Thiệu Trị cho khắc vào bia dựng nơi chân núi ấy (Bước lãng du, Nhà xuất bản Trẻ, 1996, tr. 22).
  9. ^ Xem: [2] Lưu trữ 2012-04-11 tại Wayback Machine.
  10. ^ Theo Lê Văn Hảo, sách đã dẫn, tr. 19.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Núi Ngự Bình Lưu trữ 2013-03-30 tại Wayback Machine
  • x
  • t
  • s
Thần kinh nhị thập cảnh
Lầu Minh Viễn • Vườn Thiệu Phương • Hồ Tịnh Tâm • Vườn Thư Quang • Ngự viên • Hậu hồ • Cung Trường Ninh • Vườn Thường Mậu • Chùa Thánh Duyên • Cửa Thuận An • Sông Hương • Núi Ngự Bình • Linh Hựu quán • Chùa Thiên Mụ • Ngã ba Tuần  • Phá Hà Trung • Chùa Giác Hoàng • Quốc Tử Giám • Rừng Đông Lâm • Suối Dương Hòa

Từ khóa » Ngự J