Để Nông Nghiệp Xanh Không Là Thách Thức đối Với HTX

Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường không chỉ hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mà còn giúp tạo nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, cần có cơ chế, định hướng rõ ràng trong phát triển nông nghiệp xanh để làm "bàn đạp" cho HTX thực hiện trong thực tiễn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường khẳng định, sản xuất xanh, sạch có vai trò vô cùng quan trong trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu… Đây cũng đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Đa lợi ích

Đặc biệt, sản xuất xanh đang được xác định là có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Nếu chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thì không những gia tăng giá trị sản xuất mà còn tận dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ở quy mô cấp độ khác nhau được triển khai ở nhiều địa phương. Nhiều phương pháp sản xuất khoa học, những phụ phẩm nông nghiệp đã được tái chế mang lại giá trị gia tăng cho bà con nông dân, HTX.

Chẳng hạn như HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Hà Nội) đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín trên diện tích 1,15ha. Do trồng rau mầm nên quá trình sản xuất, HTX không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Quy trình sơ chế bảo quản và tiêu thụ nông sản cũng được đầu tư nên hạn chế tối đa phụ phẩm thừa gây ô nhiễm môi trường. Hiện, 100% sản phẩm của HTX được dán mã QR và mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả.

''

Không ít HTX đang áp dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường.

Hay như HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (Hà Nội) đang tập trung trồng lúa hữu cơ, bưởi và rau an toàn. Đối với lúa, HTX sử dụng 100% phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tạo sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Sản phẩm lúa hữu cơ được doanh nghiệp thu mua tại đầu ruộng, giá trị kinh tế so với sản xuất thông thường tăng 15 – 20%.

Đối với rau và bưởi, HTX ưu tiên sử dụng phân bón cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, không sử dụng phân – thuốc hóa học nhằm giúp tăng tính bền vững cho vườn cây, làm đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng. Nhờ đó, tỷ lệ đậu quả cao hơn, sản phẩm bưởi bảo quản được lâu hơn, chất lượng tốt hơn. Còn rau màu đều có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Từ mô hình sản xuất của HTX Nam Phương Tiến và Thanh Hà cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn trên các diện tích tập trung luôn cho hiệu quả kinh tế và lợi ích về môi trường. Đây cũng điều kiện cần thiết để các HTX mở rộng đầu ra cho nông sản

Cần thêm hành lang pháp lý

Tuy đạt được không ít kết quả khả quan nhưng phát triển nông nghiệp sạch, xanh tại Việt Nam còn nhiều thách thức như: Nhận thức của người dân về bản chất của nông nghiệp xanh để tạo ra một đồng thuận chung trong toàn xã hội vẫn còn có những hạn chế.

Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc HTX Tiên Châu Phố Hiến (Hưng Yên), cho biết HTX đang sản xuất nhãn VietGAP và chuyển đổi một phần sang sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, khẳng định lòng tin với khách hàng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một số hộ dân liên kết vẫn chưa có ý thức kiên định trong áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng thuốc chưa đúng theo quy trình. Điều này nếu không được kiểm soát thì sẽ kéo dài thời gian đạt chứng nhận hữu cơ của HTX.

Ngoài ý thức của người dân và các thành viên trong sản xuất, hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp xanh cụ thể. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng thì việc sản xuất nông nghiệp xanh sẽ là trở thành thách thức lớn vì HTX, người dân không biết bám vào hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để thực hiện. Chính vì vậy mà các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn vẫn có quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, thủy lợi…) phục vụ sản xuất chưa đồng bộ. Các HTX, tổ hợp tác cũng khó xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản.

Trước vai trò của nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính.

Để đưa Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn vào thực tiễn cuộc sống, bên cạnh những hành động thực tiễn của một số HTX, người dân, các chuyên gia cho rằng rất cần các giải pháp từ hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách phù hợp. Có như vậy, quá trình thực hiện sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân, HTX mới hiệu quả, dễ nhân rộng.

Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) đề xuất, các ban ngành cần sớm xây dựng, triển khai các sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, HTX với người tiêu dùng; đồng thời, có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng tin tưởng và thay đổi nhận thức trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Có như vậy, các HTX mới có thêm động lực phát triển, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng xanh, sạch.

Tùng Lâm

Từ khóa » Giải Pháp Phát Triển Nông Nghiệp Xanh