Xây Dựng Nền Nông Nghiệp Xanh: Hướng đi đúng Của Việt Nam!

Việc xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp là một yêu cầu cấp bách của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: TTXVN

Những kết quả bước đầu

Ngay từ năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3119, ngày 16/12/2011 phê duyệt Đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, 300.000 tấn lúa phát thải 800.000 tấn khí CO2, nhưng nếu canh tác xen kẽ giảm thải 40%. Tuy nhiên, do bà con nông dân không nhìn thấy phát thải nhà kính, nên không hiểu. Để có cơ sở khoa học xây dựng Đề án, các nhà khoa học đã có nghiên cứu “Ước lượng tiềm năng giảm khí nhà kính trong ngành nông nghiệp Việt Nam”.

Nghiên cứu này đã nêu ra tiềm năng giảm khí nhà kính trong giai đoạn 2015-2030. Theo đó sẽ giảm 85,5 triệu tấn CO2 vào năm 2015; 90,8 triệu tấn CO2 vào năm 2020; 93,4 triệu tấn năm 2025 và 96,5 triệu tấn vào năm 2030.

Đây là những định hướng quan trọng hướng tới nền nông nghiệp phát thải thấp và đạt mục tiêu tăng trưởng xanh trong những giai đoạn tới.

Thực tế, mô hình sản xuất nông nghiệp xanh hay nông nghiệp sinh thái, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng GAP… được nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung triển khai mạnh mẽ hơn kể từ khi có quyết định nói trên nhằm tạo ra nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và giảm tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Qua khảo sát, đánh giá của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tại các địa phương trong cả nước đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình kinh tế xanh trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, như làng sinh thái được Viện Kinh tế sinh thái nghiên cứu và thử nghiệm tại 3 loại vùng sinh thái đặc thù kém bền vững.

Từ vùng đồng bằng ngập úng, vùng cát hoang hóa ven biển cho đến phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Trong những mô hình đó, canh tác cà phê bền vững là một dạng của hệ thống nông-lâm kết hợp được áp dụng nhiều ở Tây Nguyên. Người trồng cà phê thường trồng đan xen cây cà phê với sầu riêng, tiêu, điều hoặc muồng đen làm bóng mát, trồng thêm lạc dại để che phủ đất, bảo vệ tầng đất mặt, giúp chống xói mòn và rửa trôi trên vùng đất dốc giúp cây cà phê phát triển tốt hơn… Đặc biệt, Dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính 1 phải 6 giảm-1P6G” dựa vào cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long mang lại hiệu quả thiết thực.

Với kỹ thuật "1 phải" là phải sử dụng giống xác nhận; "6 giảm" là giảm phân bón thừa, giảm lượng hạt giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm khí nhà kính.

Qua thí điểm 11 vụ tại 2 hợp tác xã ở tỉnh An Giang và Kiên Giang, đã tiết kiệm được 50% lượng giống, từ 30-40% phân bón hóa học, 30% lượng thuốc trừ sâu, 20% công lao động, trong khi năng suất lúa tăng 10% và lợi nhuận cũng tăng 10%. Còn theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì hiện nay đang xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh.

Cụ thể, đối với cây lúa đã áp dụng các mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”. Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản, áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn.

Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Những tồn tại và giải pháp khắc phục

Tuy nhiên, khi triển khai và nhân rộng đã nảy sinh những bất cập. Cụ thể từ các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đã yêu cầu cần phải có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, như trên cây lúa, cây ăn trái thời gian qua một số mô hình đạt chuẩn GAP, nhưng không có đầu ra ổn định nên nông dân quay lại làm theo cách sản xuất truyền thống, tức là chủ yếu phát triển về số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí sản xuất quá cao, chất lượng sản phẩm còn kém, giá trị thấp nên hiệu quả thấp.

Do sản xuất theo thói quen kinh nghiệm, truyền thống, không theo chuỗi giá trị, nên không kiểm soát được chất lượng, cũng như không truy xuất được.

Để phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp từ các mô hình xanh, theo nhiều nhà nghiên cứu cần áp dụng nhiều giải pháp từ truyền thống, có những chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường… tương ứng. Nhất là việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần được hỗ trợ nguồn vốn. Phương thức cho vay, thu nợ phải phù hợp với đặc điểm của từng mô hình sản xuất.

Về khoa học và công nghệ, các giải pháp nên tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân thông qua mạng lưới khuyến nông. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sản xuất tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Đi đôi với việc nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Nông dân và Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam trong khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh và nhân rộng các điển hình, cũng như thúc đẩy việc liên kết nông dân -doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ các sản phẩm.

Một vấn đề khác cần lưu ý đó là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. FAO-ILO, 2009 đã chỉ ra rằng: “Nông nghiệp tập quán là nguyên nhân của hàng triệu trường hợp ngộ độc thuốc phòng trừ dịch hại và hậu quả có trên 40 ngàn người chết mỗi năm”.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dịch hại được xem là một trong những yếu tố gây trở ngại lớn trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu. Vì vậy, hàng năm bà con nông dân sử dụng một lượng khá lớn thuốc bảo vệ thực vật.

Điều đáng quan ngại đó là việc lạm dùng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ mùa màng sẽ gây ra nguy hại rất lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Vì thế, cần lưu ý tới các biện pháp phòng trừ tổng hợp rất thân thiện với môi trường đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là điều cần phải quan tâm thực hiện. Theo đó, cần có cơ chế đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cần xây dựng được mối liên kết giữa người nông dân với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, các công ty, doanh nghiệp để triển khai, trình diễn, thử nghiệm đưa vào sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong nông nghiệp.

Nhà nước cần thực hiện đặt hàng nghiên cứu, tổ chức chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu theo công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý thông qua các chương trình, đề án nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; các chương trình hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, bản thân người nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật./.

Từ khóa » Giải Pháp Phát Triển Nông Nghiệp Xanh