Gỡ Khó để Phát Triển Nông Nghiệp Xanh - Vnbusiness
Có thể bạn quan tâm
Phát biểu tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Chinh phục thị trường xuất khẩu
Có thể thấy, định hướng của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn khi Việt Nam đang là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều này khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các HTX và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi phương thức sản xuất truyền thống thì mất nhiều công sức nhưng không cho hiệu quả kinh tế cao lại gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thời kỳ hội nhập đã từng bước giúp người nông dân, HTX nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ khoa học và áp dụng vào hoạt động sản xuất. Những mô hình kinh tế nông nghiệp mới đã thu hút nhiều người tham gia khởi nghiệp và lập nên các trang trại hướng đến thực hành nông nghiệp an toàn, bền vững và tạo ra các sản phẩm bản địa, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La) hiện có 200 ha thanh long được trồng tập trung theo hướng thân thiện với môi trường. Ngoài tiêu thụ trong nước, HTX còn xuất khẩu sang Nga. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, cho biết để có được sản phẩm xuất ngoại, yêu cầu trước tiên là phải áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất, chế biến theo đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước trên thế giới.
“Tiêu chuẩn của Nga rất khắt khe. Chẳng hạn, khi phân tích trái thanh long có 760 chất, chỉ cần 1 chất dương tính thì coi như không đạt yêu cầu. Bù lại, nếu bảo đảm chất lượng thì giá 1 trái thanh long khi xuất khẩu sang Nga gần bằng 1 tạ thanh long bán trong nước”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.
Theo các chuyên gia, việc các HTX đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, chú trọng sản xuất xanh là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển vì họ luôn đề cao sức khỏe người tiêu dùng và tính bền vững của môi trường.
Thanh long ruột đỏ của HTX Ngọc Hoàng xuất khẩu sang Nga thành công nhờ bảo đảm sản xuất theo quy trình sạch, thân thiện môi trường. |
Bà Nguyễn Thu Hường, đại diện thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, sản phẩm Việt muốn xuất vào thị trường Australia buộc phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận an toàn sinh học; phải được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi; phải đảm bảo không có côn trùng trong cả bao bì đóng gói...
Hay theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, muốn xuất khẩu nông sản sang Mỹ, điều quan trọng nhất đối là các HTX cần hoàn thiện chuỗi liên kết bền vững, hướng tới nông nghiệp sinh thái bền vững. Bởi đối với các nước phát triển như Mỹ, sự hiểu biết của họ về nông nghiệp sinh thái nói chung cùng các quy trình thực hành sản xuất các sản phẩm xanh, an toàn và bổ dưỡng là rất sâu. Nếu các HTX không nắm bắt và vượt qua được những quy định này thì rất khó chinh phục thị trường và được người tiêu dùng của các nước ưa thích.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất bền vững, HTX bưởi da xanh Bến Tre (Bến Tre) đã xây dựng nên thương hiệu “Cô gái bưởi hồng” và chuẩn bị xuất sang Mỹ. Để làm được điều này, HTX đã làm tốt sứ mệnh kết nối những nông dân làm nông nghiệp sạch, ít tác động đến môi trường tự nhiên.
Theo ban giám đốc HTX, sản xuất hữu cơ cơ bản đã có quy trình, cái khó chính là làm thay đổi thói quen canh tác và làm nông nghiệp của người nông dân. Để sản xuất hữu cơ, người nông dân phải thực sự kiên trì và có trách nhiệm với sản phẩm của mình thì mới thu được lợi nhuận.
Gập ghềnh sản xuất xanh
Ngoài thách thức về biến đổi khí hậu, Việt Nam còn đang đối mặt với những thách thức nội tại như giảm năng suất trong ngành, áp lực gia tăng sản lượng, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Trong khi những năm gần đây, nhiều giải pháp về nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhìn chung đã được các HTX quan tâm và từng bước áp dụng, tuy nhiên sự hiểu biết và tính hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.
Chẳng hạn như trong quá trình canh tác theo hướng hữu cơ, HTX chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng. Đặc biệt, ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại, điều này khiến không ít HTX bị giảm năng suất và gặp khó khăn trong cân bằng sinh thái.
Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh, hiện nguồn phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học chủ yếu là nhập khẩu nên gia tăng chi phí cho HTX. Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Đi kèm với đó là chưa có tổ chức nào được cấp phép là tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, ngay cả hệ thống sản xuất PGS mặc dù được IFOAM công nhận nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận chính thức để người dân, HTX áp dụng.
Sản xuất theo hướng xanh, sạch cần rất nhiều vốn và thời gian mới cho trái ngọt. |
“Đây chính là những lực cản đối với những HTX có mong muốn và mục tiêu sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Bởi chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã rất cao, chi phí làm hồ sơ chứng nhận sản phẩm nông sản hữu cơ cũng cao vì phải thuê bên thứ ba từ nước ngoài khiến nhiều nông hộ, HTX không kham nổi”, ông Vinh băn khoăn.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) cũng cho rằng Nhà nước đã ủng hộ các nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ bằng rất nhiều cơ chế chính sách. Tuy nhiên, vẫn có những chính sách còn mang tính hình thức và chưa mang lại giá trị thực tế trong việc hỗ trợ người sản xuất giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Do vậy, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh thì Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn, cụ thể hơn. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần xác định rõ, nông nghiệp sinh thái phải được xem là một lựa chọn tiên quyết nhằm thay đổi cho nền nông nghiệp thâm canh hóa học hiện nay.
Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên để giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch, Nhà nước cần phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Văn Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết việc xây dựng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nông dân, HTX nắm vững quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ công tác xuất khẩu trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm với đối tác.
Quan trọng hơn, các tiêu chuẩn của Việt Nam phải xây dựng trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu thỏa thuận và được các nước công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của nhiều thị trường. Có như vậy mới mở rộng được đầu ra cho nông sản sạch, tránh tình trạng nông sản được chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam nhưng lại không được Nhật Bản, Hàn Quốc… công nhận, từ đó tiếp tục gây khó khăn cho các HTX.
Tùng Lâm
Từ khóa » Giải Pháp Phát Triển Nông Nghiệp Xanh
-
Phát Triển Nông Nghiệp Xanh ở Việt Nam Và Những Vấn đề đặt Ra ...
-
Giải Pháp Phát Triển Nông Nghiệp Xanh Bền Vững
-
Xây Dựng Nền Nông Nghiệp Xanh: Hướng đi đúng Của Việt Nam!
-
Thúc đẩy Phát Triển Nền Nông Nghiệp Xanh - Sạch - An Toàn - Bền Vững
-
Nông Nghiệp Xanh - Trách Nhiệm - Hànộimới
-
Hướng Tới Nền Nông Nghiệp Xanh, Bền Vững: Cần Chiến Lược ...
-
Giải Pháp Phát Triển Kinh Tế Xanh Trong Nông Nghiệp Việt Nam
-
Giải Pháp Nào Cho Nông Nghiệp Xanh? - Báo Tuyên Quang
-
Vì Nền “nông Nghiệp Xanh” - Báo Thanh Hóa
-
Việt Nam Hướng Tới Sản Xuất Nông Nghiệp Xanh, Tiết Kiệm Chi Phí
-
Để Nông Nghiệp Xanh Không Là Thách Thức đối Với HTX
-
Hướng Tới Một Nền Nông Nghiệp Xanh, Bền Vững
-
Nông Nghiệp Xanh Và Tiêu Dùng Xanh - Báo Thanh Hóa
-
Chuyển Từ Tư Duy Sản Xuất Nông Nghiệp Sang Tư Duy Kinh Tế Nông ...