Để Phế Phẩm Nông Nghiệp Phát Huy Giá Trị Kinh Tế

Rơm, rạ, trấu, mùn bã mía… là phế phẩm nông nghiệp. Từ lâu, các phế phẩm này được nhà nông ở ĐBSCL xem là sản phẩm thừa, thường đốt bỏ hoặc vứt bừa bãi ra sông rạch hay khu dân cư. Cách làm này vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Thời gian gần đây, nhiều loại phế phẩm nông nghiệp không còn bỏ đi mà được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường...

Gặp khó với phế phẩm nông nghiệp

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước. Hằng năm, ngoài nông sản chính thu được, trong quá trình sản xuất và chế biến cũng thải ra một lượng phế phẩm nông nghiệp rất lớn. Hiện nay, ngành chức năng vẫn chưa thể thống kê chính xác được số liệu phế phẩm nông nghiệp thải ra. Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà chuyên môn, tổng số lượng có thể tương đương hoặc nhiều hơn so với số lượng nông sản chính mà nhà nông thu được; ước mỗi năm khoảng trên 50 triệu tấn. Đây thật sự là nguồn nguyên liệu rất phong phú, dồi dào mà từ lâu chưa được người sản xuất thật sự quan tâm.

Sử dụng rơm rạ phục vụ sản xuất nấm rơm ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: Văn Cộng

Từ lâu, đốt đồng là hình ảnh hết sức quen thuộc của bao thế hệ nông dân. Thế nhưng, việc đốt đồng ngày càng bộc lộ rõ nhiều tác động không tốt cho tài nguyên đất, nguồn nước, sức khỏe cộng đồng dân cư và cả môi trường khí hậu toàn cầu. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, đốt rơm rạ là cách làm không hiệu quả. Bởi đốt rơm, phần dinh dưỡng trả lại cho đất sẽ không còn bao nhiêu. Chẳng những vậy, cách xử lý này sẽ làm cho đất trồng bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn. Mặt khác, nếu bỏ ngoài đồng hoặc trên kinh rạch sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thêm trầm trọng.

Kỹ sư Võ Quốc Trung, Trưởng Phòng Kỹ Thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đốt rơm rạ sẽ làm ô nhiễm môi trường, tăng khí CO, CO2, làm tăng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, rơm rạ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí thì khí CH4 cũng phát thải ra nhiều hơn, tức là độc chất hữu cơ phóng thích ra nhiều hơn và nó sẽ làm cho môi trường đất, môi trường nước trở nên ô nhiễm…

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại Học Cần Thơ, chia sẻ: Nếu bà con sản xuất ra 1ha được 7 tấn lúa, thì bà con có 7 tấn rơm rạ. Trong 7 tấn rơm rạ này tôi tính ra lượng dinh dưỡng chứa trong rơm rạ nếu như chúng ta sử dụng nó để làm phân hữu cơ trả lại cho đồng ruộng, thì dinh dưỡng chứa trong đó tương đương 2 bao Urê, cộng 1 bao lân, cộng 4 bao Kali. Vậy 7 tấn rơm rạ chúng ta có 7 bao phân mình thường gọi là NPK. Như vậy, một héc-ta lúa sau khi thu hoạch nếu rơm rạ bị đốt đi là nhà nông đã lãng phí khoảng 350kg phân NPK.

Với sản lượng trên 25 triệu tấn lúa mỗi năm, sau khi xay xát, vùng châu thổ Cửu Long sẽ thải ra trên 1,5 triệu tấn trấu. Trước đây, trấu được xem là chất thải gây rất nhiều khó khăn cho các nhà máy chế biến lúa gạo. Do giá trấu thấp nên phế phẩm này thường được các doanh nghiệp đốt bỏ hoặc đổ ra sông rạch, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng.

Ở ĐBSCL, diện tích trồng mía gần 65.000ha. Với sản lượng hằng năm khoảng 5,2 triệu tấn mía nguyên liệu, mỗi năm, các nhà máy chế biến cũng thải ra hàng triệu tấn mùn, bã mía. Từ lâu việc xử lý chất thải này cũng là vấn đề nan giải cho các doanh nghiệp...

Tìm giải pháp

Việc đưa máy cuốn rơm vào hoạt động được xem là một bước tiến mới trong cơ giới hóa thu gom rơm. Nhiều nông dân cho biết, trung bình 1ha lúa sau thu hoạch sẽ thu được từ 150-160 cuộn rơm; mỗi cuộn có giá khoảng 28.000 đồng mà hiện nay vẫn không đủ bán.

Những năm gần đây, nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp mà đàn trâu, bò ở các địa phương như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang không ngừng tăng nhanh; theo ước tính với tổng đàn khoảng 1 triệu con. Sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho vật nuôi không chỉ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cỏ do diện tích chăn thả bị thu hẹp, mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Mặt khác nông dân đã biết tận dụng rơm rạ để trồng nấm, nhiều nhất là nấm rơm. Ông Phan Bá Nghi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: 2 năm trở lại đây, khi có nguồn rơm nguyên liệu ổn định và nhu cầu nấm sạch trên thị trường ngày càng tăng cao, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn liếng, công sức để xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Với phương pháp cải tiến, nấm sạch được trồng trong nhà kín và ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến từ khâu ủ, cấy meo, chăm sóc cho đến thu hoạch. Nhờ đó mà năng suất, chất lượng sản phẩm nấm không ngừng tăng cao, đáp ứng được nhu cầu khó tính của khách hàng gần xa. Bình quân mỗi năm, cơ sở trồng nấm của ông Nghi sử dụng gần 500 tấn rơm nguyên liệu để sản xuất trên 100 tấn nấm sạch thương phẩm, mang lại lợi nhuận hàng tỉ đồng. Đó là chưa kể đến hàng trăm tấn phân hữu cơ được tận dụng từ bã rơm sau khi thu hoạch nấm.

Về phụ phẩm trấu, ông Đoàn Thái Trung Phó Giám đốc Công ty XNK Lương thực - Thực phẩm Miền Tây, cho biết: Trước đây chưa có công nghệ sản xuất củi trấu thì những khó khăn như kho chứa mình phải xây cho rộng, phải đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ nữa, vì đó là những chất dễ cháy.

Trước những khó khăn đó, một số doanh nghiệp kinh doanh - chế biến lương thực đã đầu tư công nghệ xử lý trấu thành củi trấu. Giải pháp sản xuất củi trấu nén đã góp phần giúp cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về mặt bằng kho chứa và tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các cơ sở xay xát cũng có thể sử dụng củi trấu làm nhiên liệu đốt cho lò sấy lúa nhằm tiết kiệm chi phí, hoặc bán cho các đơn vị sản xuất khác có nhu cầu sử dụng chất đốt này, vừa tăng thêm lợi nhuận vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.

Ông Huỳnh Chí Cường, Phó Giám đốc Công ty Ân Thịnh Điền, cho biết: Tập đoàn Lộc Trời cũng đã định hướng được chiến lược hữu cơ sinh học trong tương lai. Kết hợp với nhà máy mía đường sử dụng nguồn bã bùn mía này sản xuất phân hữu cơ và đặc biệt là sản phẩm phân hữu cơ khoáng. Ưu điểm thứ nhất là để giải quyết được ô nhiễm môi trường từ nước thải, đến các mùi hôi phát ra từ bã bùn mía này. Thứ hai, sử dụng bã bùn mía làm phân hữu cơ cung cấp lại cho bà con sử dụng theo hướng canh tác nông nghiệp bền vững.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện nay nguồn than bùn; nguyên liệu chính để sản xuất phân bón hữu cơ đang ngày càng suy giảm, thì việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, mùn bã mía để sản xuất phân hữu cơ sẽ giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng, giảm phát khí thải nhà kính và đặc biệt phù với canh tác nông nghiệp trong điều kiện tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn/năm, trong khi đó công suất của các nhà máy sản xuất phân hữu cơ rất thấp, chưa đến 1 triệu tấn mỗi năm. Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp được coi là hướng đi quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch hiện nay. Xử lý phế thải trong nông nghiệp vẫn là vấn đề quan tâm của các ngành chức năng và cần có nhiều nghiên cứu tiếp tục. Thế nhưng hiện nay, việc sử dụng các chất thải này một cách hợp lý được xem giải pháp hữu hiệu, không chỉ tạo thêm nhiều sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần tăng thêm chuỗi giá trị của nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

HUY HIẾU

Từ khóa » Các Phế Phụ Phẩm Nông Nghiệp Là Gì