ĐIỂN TÍCH TRONG NGỤC TRUNG NHẬT KÝ NGUYỄN THẾ NỮU - TRẦN HỮU DINH Xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam Ngục trung nhật ký là cuốn nhật ký bằng thơ chữ Hán của nhà thơ Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc cầm tù ở Quảng Tây từ 29-8-1942 đến 10-9-1943. Thơ trong nhật ký phần lớn là thơ tứ tuyệt ngắn gọn, viết bằng bạch thoại, trong sáng giản dị, dễ hiểu. Nhà thơ rất hạn chế sử dụng điển cố, điển tích nhưng khi đã sử dụng thì rất sâu sắc. Phần lớn điển tích được dùng đều đã biến thành thành ngữ được dùng phổ biến trong ngôn ngữ Trung Quốc, nhưng cũng có một số điển tích, ý nghĩa khá thâm thúy, văn vẻ, có nguồn gốc sâu xa, ít người biết rõ xuất xứ. Để hiểu sâu sắc, thấu đáo Ngục trung nhật ký, thiết tưởng ta cũng nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc và ý nghĩa của các điển tích này. Trong Ngục trung nhật ký có hai loại điển tích, một loại tích truyện và một loại tích chữ, xin liệt kê chú giải theo thứ tự vần a, b, c của chữ đầu điển tích để mọi người cùng tham khảo. 1- Ấu nhi học dã tráng nhi hành (幼而學也壯而行), trong bài thơ số 122 Tặng Tiểu hầu, có nghĩa là: Bé thì học để lớn mà làm. Theo câu: Ấu nhi học, tráng nhi hành trong sách Tam tự kinh, một cuốn sách giáo khoa vỡ lòng cho trẻ em Trung Quốc và Việt Nam xưa. Sách có 373 câu (kể cả hai câu mở đầu bốn chữ) cộng vào là 1121 chữ. Được soạn hết sức công phu, nêu khái quát những kiến thức con người cần hiểu để khả dĩ có một khái niệm vững chắc về cuộc sống, về đạo đời, về lịch sử Trung Quốc… Bác lấy câu này để khuyên cháu Hải, chứng tỏ cháu Hải còn là một cháu bé đang học vỡ lòng, chứ chưa phải là một thanh niên như có người dự đoán. 2- Bách triết bất hồi (百折不回), trong bài thơ số 120 Độc Tưởng công huấn từ, có nghĩa là: Trăm cản không lùi. Thành ngữ chỉ ý chí kiên cường, dẫu gặp bao nhiêu trở ngại cũng không lùi bước. Thành ngữ này lấy tích từ bài văn bia Thái úy huyền kiều của Thái Ung đời Hán: “Cao minh trác dị, vi chúng kiệt hùng, kỳ tính tật hoa thượng phác, hữu bách triết nhi bất não” (Cao sáng khác thường, anh hùng hào kiệt hơn đời, tính ông tài hoa mà mộc mạc, gặp trăm ngàn cản trở cũng không lay chuyển). Thành ngữ “Bách chiết bất não” cũng được viết thành “Bách chiết bất hồi” (trăm ngàn cản trở cũng không lùi bước). Duyệt Vi thảo đường bút ký của Kỷ Quân đời Thanh có câu: “Thử sinh quật cường, khả vị chí cực, nhiên quỷ cánh tị chi. Cái chấp ảo chi khí, bách chiết bất hồi, diệc túc dĩ thắng chi dã” (quật cường đời này đã đến tột bực, nên quỷ phải tránh đi. Với khí thế quật cường đó, trăm nghìn cản trở không lùi, cũng đủ để thắng vậy). Để hiểu rõ nghĩa thực của thành ngữ này, trước hết phải hiểu đúng nghĩa chữ chiết. Trong Từ hải có 13 nghĩa giải thích chữ chiết, nghĩa thứ nhất là gãy (Tân Hoa tự điển bổ sung thêm nghĩa bẻ gãy), nghĩa thứ tư là: tỏa chiết. Tra Từ điển Trung - Việt thì “Tỏa” là áp chế, ngăn cản, “Chiết” là làm cho khuất phục, cũng có nghĩa là bẻ gãy), tỏa chiết là chèn ép, ngăn trở. Như vậy chiết ở đây là những khó khăn cản trở hòng bắt khuất phục. Hiểu theo nghĩa này ta sẽ hiểu đúng nghĩa thành ngữ Bách chiến bất hồi. Một số dịch giả chỉ hiểu chữ chiết theo nghĩa là bẻ gãy nên lúng túng trong dịch thuật vì không sao hiểu đúng nghĩa của thành ngữ. 3- Bình thủy tương phùng (萍水相逢), trong bài thơ số 91 Quách tiên sinh, có nghĩa là: Bèo nước gặp nhau, thành ngữ chỉ những người xa lạ gặp nhau nơi đất khách. Nguồn gốc thành ngữ này lấy ý của Vương Bột viết trong bài thơ Đằng Vương cát tự: “Bình thủy tương phùng, tận thị tha hương chi khách” (Bèo nước gặp nhau, toàn là những khách lạ trên đất khách). 4- Cánh thướng nhất tầng lâu (更上一層樓), trong bài thơ số 14 Nạn hữu suy địch, có nghĩa là: Lên tiếp một tầng lầu. Câu thơ trong bài Lương Châu từ của Vương Hoán đời Đường, ý nói muốn nhìn xa được nghìn dặm phải lên cao nữa, hãy lên tiếp một tầng lầu. Bác dùng câu này để chỉ bạn người bạn tù mong ngóng chồng cũng đang lên tiếp một tầng lầu để nhìn được xa hơn, trông ngóng cho rõ hơn. 5- Cao tài tật túc tiên đắc chi (高才疾足先得之), trong bài thơ số 17 Học dịch kỳ, có nghĩa là: Có tài cao và nhanh chân sẽ được thắng trước. Câu thơ này viết theo câu trong truyện Khoái Thông sách Hán Thư: “Tần thất kỳ lộc, thiên hạ trục chi, cao tài tật túc giả tiên đắc” (Nhà Tần để xổng mất con hươu, thiên hạ đuổi bắt, ai có tài cao và nhanh chân sẽ bắt được trước). Ở đây ý chỉ trong cuộc chơi cờ ai có tài và nhanh nhẹn sẽ được thắng trước. 6- Cô thần nghiệt tử (孤臣孽子), trong bài thơ số 120 Độc Tưởng Công huấn từ. Theo Trần Đắc Thọ, câu này lấy ở chương Tận tâm thượng sách Mạnh Tử: “Nhân chi hữu đức, tuệ thuật trí giả, hằng tồn hồ sấn tật. Độc cô thần nghiệt tử kỳ thao tâm dã nguy, kỳ lữ hoạn dã thâm, cố đạt” (những người có đức, và sáng suốt thường được nung đúc ở trong cảnh đau đớn và hoạn nạn. Riêng hạng bề tôi không có phe cánh thế lực và con cái của vợ thứ nàng hầu khéo léo giữ gìn tâm ý trong cơn nguy khốn, phải biết phòng ngừa hoạn nạn một cách sâu xa, cho nên họ thành đạt ở đời). Đoạn đã dẫn có hai vế, vế trên nói về những người tài đức, vế dưới nói về những người số phận hẩm hiu, thua thiệt. Tác giả khiêm tốn nhận mình ở trong số những người gặp cảnh ngộ không may trong vế thứ hai, như khi nghiên cứu ta không thể không liên hệ tới vế thứ nhất. Cái ý sâu sắc của câu thơ là ở chỗ đó. Cho nên có bản đã dịch: Phận tôi con bơ vơ, nhà tan nước mất, cái nghĩa phải như vậy. Không biết đã chính xác, hợp với dụng ý của tác giả chưa? Trong bài thơ của mình, tác giả chỉ mượn lời Mạnh Tử để ám chỉ cảnh ngộ của mình, mà không hề có ý nhận mình là “Cô thần nghiệt tử”. Chúng tôi cho rằng ý kiến của Trần Đắc Thọ là thỏa đáng nên xin được trích dẫn ra đây để mọi người tham khảo. 7- Cốc tân (谷新), trong bài thơ 68, Ức hữu, có nghĩa là: Lúa mới. Sách Độc sử quản kiếm có câu: “Nhị nguyệt mại tân ti, ngũ nguyệt thiểu tân cốc” (Tháng hai bán tơ mới, tháng năm xuất lúa mới). 8- Cửu tuyền (九泉), trong bài thơ số 61 Nhất cá đổ phạm “ngạnh” liễu. Cửu tuyền cũng như cửu nguyên là chín suối. Cửu nguyên vốn là tên một địa phương ở tỉnh Sơn Tây Trung Quốc, xưa là nơi chôn cất các quan đại phu nhà Tấn thời Xuân Thu. Đời sau dùng chữ cửu nguyên hay cửu tuyền chỉ nơi chôn người chết. Còn có điển tích “hoàng tuyền” tức “suối vàng”, cũng chỉ dưới đất, cõi âm của người chết ở. Theo sách Sơ học ký, trong bài thơ Thất ai của Nguyễn Vũ đời Tấn thời Tam quốc có câu: “Minh minh cửu tuyền thất, mạn mạn trường dạ đài” (Mờ mờ nơi chín suối, mênh mang cảnh đêm dài). 9- Chiến căng căng (戰兢兢), trong bài thơ số 58 Nam Ninh mục. Rút gọn cụm từ chiến chiến căng căng, lấy từ bài Tiểu mân trong phần Nhã của Kinh Thi, có nghĩa là: Run sợ dè chừng, nhưng trong bài thơ này của Bác không có ý gì là run sợ dè chừng, mà là đói run lên đến sợ. Người Việt Nam khi bị một nỗi gì dày vò đến khốn khổ, dễ sợ thường dùng chữ run, như không rét mà run, rét run, sợ run, đói run. 10- Di Tề bất thực Chu gia túc (夷齊不食周家粟), trong bài thơ số 62 Hựu nhất cá, có nghĩa là: Bá Di và Thúc Tề không ăn thóc nhà Chu. Bá Di và Thúc Tề, là hai con trai vua nước Cô Trúc, một chư hầu của nhà Thương. Khi vua Vũ Vương nhà Chu cất quân đánh vua Trụ nhà Ân, hai ông can ngăn không được. Vua Vũ Vương đánh đổ vua Trụ, lập ra nhà Thương, thiên hạ đều về quy thuận, riêng hai ông cảm thấy xỉ nhục, bỏ vào ẩn trong núi Thú Dương, không chịu ăn lương thực nhà Chu, hái rau quyết rau vi mà ăn, và đã chết đói ở núi Thú Dương. Không ăn thóc nhà Chu sau này trở thành thành ngữ chỉ việc kiên quyết phản đối một hành động hay chủ trương nào đó. Ở đây Bác cũng dùng điển tích này theo ý đó, để nói việc một số tù nhân kiên quyết phản đối chế độ ăn uống tồi tệ của nhà tù Quốc dân đảng ở Quảng Tây, cự tuyệt việc ăn cháo và chết đói trong tù. 11- Đồng chu cộng tế (同舟共濟) trong bài thơ số 69 Thế nạn hữu mẫn tả báo cáo, có nghĩa là: Cùng đi một chuyến đò. Thành ngữ ý chỉ cùng cảnh ngộ hoạn nạn. Thiên Cửu địa sách Tôn Tử viết: “Phù Ngô nhân dữ Việt nhân tương ố dã, đương kỳ đồng chu nhi tế, ngộ phong, kỳ tương cứu dã, nhược tả hữu thủ” (Người Ngô và người Việt tuy ghét nhau, nhưng khi cùng đi một chuyến đò, gặp gió, họ sẽ giúp đỡ nhau như thể chân tay). Ở đây Bác ví những người tù tuy cùng cảnh ngộ khác nhau nhưng khi đã vào tù là cùng chung hoạn nạn, trở thành bạn phải giúp đỡ nhau. 12- Gia tân (嘉賓) trong bài thơ số 5 Thế lộ nan, có nghĩa là Khách quý. Lấy chữ trong Kinh Thi. Ngày xưa các nhà quyền quý thế lực Trung Quốc có lối chiêu tập người giỏi trong thiên hạ về làm khách để phục vụ nhà mình, gọi là “gia tân” (khách quý), khách ăn trong nhà có lúc đông đến hàng ba ngàn người. Bác dùng tích này với ý nghĩa châm biếm: Bác tuy bị bắt vào tù nhưng không phải là tù phạm tội làm hại chủ nhà, mà là khách quý còn có thể giúp ích cho chủ nhà. Trên thực tế, đúng vậy, Bác là đại biểu của nhân dân Việt Nam, cùng trong Mặt trận chống xâm lược quốc tế, sang Trung Quốc để bàn việc hợp tác chống Nhật. Việc đáng trách đáng giận ở đây là họ đã bắt oan Bác, biến khách thành tù, đối xử với bạn như với kẻ thù. 13- Quân vi tọa thượng khách ngã vi giai hạ tù (君為坐上客我為階下囚) trong bài thơ số 35 Các báo: Hoan nghênh Uy Ky đại hội, có nghĩa là: anh là khách trên ghế, tôi là tù dưới thềm. Đây chỉ là một hình ảnh ẩn dụ. Bác mượn câu của Lã Bố nói với Lưu Bị khi Bố bị Tào Tháo bắt trói đem xử dưới thềm trong khi Bị ngồi trên ghế khách xem xử: “Quân vi tọa thượng khách, Bố vi giai hạ tù” (Ông làm khách trên sảnh, Bố làm tù dưới thềm) để nói cảnh ngộ khác nhau giữa Wendell Willkie là đại biểu Mỹ đang làm khách trên nhà khách và Bác là đại biểu Việt Nam lại đang ngồi tù dưới nhà giam… 14- Hàn địch đởm (寒敵胆) trong bài 121 Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm phó tư lệnh, có nghĩa là Kẻ địch ớn lạnh sợ hãi trong lòng. Sách Dật Chu thư sử ký giải: “Hình thủy ư thân, viễn giả hàn tâm” (Trừng phạt người thân, người xa ớn lòng). Chữ hàn ở đây là động từ, gây ớn lạnh, làm sợ hãi. Hàn địch đởm là làm lạnh mật kẻ thù, làm kẻ thù sợ hãi, Việt Nam gọi là làm kẻ thù lạnh gáy, vỡ mật, mất mật, tức làm cho kẻ thù sợ hãi tột độ. 15- Hàn lâm (寒林) trong bài thơ số 12 Vãn. Nghĩa của chữ hàn rất rộng vì được phát triển theo hướng liên tưởng. Chữ hàn lúc đầu là cái lông chim cứng và dài. Người xưa dùng lông chim làm bút nên hàn lại có nghĩa là bút lông. Bút dùng để viết, nên công việc văn thư được gọi là văn hàn. Công việc văn chương cũng được gọi là hàn lâm. Hàn lâm là rừng bút, rừng văn. Đời Hán Dương Hùng lập Hàn lâm như văn xã. Đời Đường lập Viện Hàn lâm lo việc giấy má, soạn thảo chiếu sắc, và trước tác trong triều đình. Ngày nay Viện hàn lâm ở các nước là các cơ quan nghiên cứu khoa học, nghệ thuật. 16- Hy sinh (犧牲) trong bài thơ số 2 Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu. Hy là súc vật có màu lông thuần nhất mà người xưa dùng để tế thần. Sinh là súc vật nguyên vẹn thể xác được người xưa dùng để tế thần. Hy sinh nghĩa cũ là các súc vật, thường là trâu, dê, lợn có tuyền màu lông và nguyên vẹn, người xưa dùng để tế thần “vì việc chung mà quyên sinh mạng và của cải”. 17- Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên, (困難是你玉成天) trong bài thơ số 71 Văn thung mễ thanh, có nghĩa là: Khó khăn chính là lúc luyện ngọc anh thành. Lấy tích trong thiên Càn Xưng sách Chính Mông của Trương Tải đời Tống. Trương Tải quê hương nghèo khổ, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng đã ngoan cường vượt khó học tập thành tài, thành triết gia nổi tiếng. Ông đã viết vào sách phương châm phấn đấu của ông: “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nữ (nhữ) ư thành dã” (điều kiện khách quan đói khó hèn kém khiến người lo buồn, thực ra nó có thể giúp người mài dũa ý chí để đi đến thành công). Đó là kinh nghiệm quý báu của Trương Tải trong sự học, đã trở thành phương châm tốt để lại cho đời. Người sau dùng câu: “Gian nan khốn khổ, ngọc nhữ ư thành” để khuyến khích người đời khắc phục hoàn cảnh khó khăn cố gắng phấn đấu để đạt đến thành công. 18- Lãnh nhiệt (冷熱) trong bài thơ số 35 Các báo: Hoan nghênh Uy Ky đại hội, có nghĩa là: Nóng lạnh, chỉ việc đối đãi bên nồng nàn, bên lạnh nhạt, chênh lệch khác nhau. Dùng như thành ngữ lãnh noãn (lạnh ấm) lấy từ Cổ kim tiểu thuyết: “Nhân diện trục cao đê, Thế tình trước lãnh noãn” (Tình đời hay lạnh ấm, với người thấp hay cao). Câu thành ngữ nói lên tình đời nồng nàn hay lạnh nhạt, với người được đối xử có địa vị thấp hay cao trong hoàn cảnh xấu hay tốt. Nhật xét này của Bác rất đúng với những người trong Chính phủ Trung Hoa dân quốc, cơ hội hữu khuynh hai mặt, tuy bị áp lực mà phải chống Nhật, nhưng vẫn đi ngược với quyền lợi nhân dân, nên một mặt ve vẽ bợ đỡ o bế bọn Đồng minh Mỹ Anh nhưng một mặt nghi ngờ lạnh nhạt bạc đãi với bạn bè, cả với Bác, một người bạn chí cốt thủy chung son sắt. 19- Nại nhược hà (奈若何) trong bài thơ số 20 Vọng nguyệt, có nghĩa là: Không biết làm thế nào được, không biết làm sao được, không có cách nào làm gì được. Dựa theo thành ngữ của Trung Quốc Vô khả nại hà xuất xứ từ Liệt truyện Phạm Thư trong Sử ký: Khi Phạm Thư lên làm Thừa tướng nước Tần, Vương Kê là người có công tiến cử, đã nói với Phạm Thư: Có ba việc không thể biết (bất khả tri) là bao giờ thì nhà vua băng hà, ông từ trần và tôi chết, và ba việc không sao làm gì được sau khi đã chết (bất khả nại hà) là mối giận của vua đối với bề tôi, mối giận của các quan đối với ông cũng như đối với tôi. Người sau dùng thành ngữ “bất khả nại hà” để chỉ những việc con người dù muốn cũng không sao làm được. 20- Ngâm thi (吟詩), trong bài thơ số 1 Khai quyển, nghĩa thường hiểu là: Đọc thơ với giọng dài, du dương trầm bổng. Theo Từ hải, Sở Khổng Dĩnh còn giải nghĩa ngâm thi như ngâm vịnh, ngâm nga, vừa có nghĩa là làm thơ và ngâm thơ. 21- Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt, Nội thương Việt địa cựu sơn hà. (外感華天新冷熱內傷越地舊山河) trong bài thơ 103 Bệnh trọng, có nghĩa là: Ngoài cảm trời Hoa nóng lạnh mới, trong thương đất Việt nước non xưa. Câu thơ này Bác lẩy theo câu thơ của Hoàng Phan Thái trong bài Trương Lương tố đa bệnh:“Ngoại cảm Hán gia tân vũ lộ, Nội thương Hàn quốc cựu sơn hà” (Ngoài cảm Hán gia mưa móc mới, Trong thương Hàn quốc nước non xưa). 22- Ngoạn thủy du sơn (玩水游山) trong bài thơ số 52 Giải trào, dùng theo thành ngữ “Du sơn ngoạn thủy” có nghĩa là: Chơi núi chơi sông, chỉ việc đi xem cảnh đẹp núi sông. Truyện Văn Yển thiền sư trong Cảnh Đức Truyền đăng lục của Thích Đạo Nguyên đời Tống ghi: “Vấn: Như hà thị học nhân tự kỷ? Sư viết: Du sơn ngoạn thủy khứ” (Hỏi: Làm thế nào để tự đi học người? Sư đáp: Đi chơi núi chơi sông). Bị cưỡng bức giải đi qua bao núi bao sông, Bác xem là một cuộc tự do đi chơi núi chơi sông thư giãn tinh thần mà cũng là một cuộc đi học tập để mở mang kiến thức về địa lý, nhân tình, thế sự. Những điều ghi chép trong cuốn thơ nhật ký đã chứng minh quan niệm đó. 23- Nho nhã nhân (儒雅人), trong bài thơ số 126 Trần khoa viên lai thám, có nghĩa là: Con người có văn hóa. Ngày xưa chữ Nho chỉ người đọc sách có trình độ. Theo sách Pháp ngôn:“Thông thiên địa nhân viết nho” (Nho là người hiểu rõ thiên văn, địa lý, nhân sự). Ngày nay nho là nhà học giả có đủ kiến thức, và quan trọng hơn là biết sử dụng vốn kiến thức trong công tác và giao tiếp mà ta gọi chung là có văn hóa. Nho nhã nhân, là người nho nhã, là người có văn hóa, đủ kiến thức để làm việc và giao tiếp, thường có vẻ mặt đẹp đẽ, ăn mặc chỉnh tề đứng đắn, dáng dấp dịu dàng, đoan trang, phong độ ung dung, khiêm nhường, lịch sự, văn minh, có sức hấp dẫn, cảm hóa mạnh. 24- Phong ba bình địa khởi (風波平地起) trong bài thơ số 5 Thế lộ nan, có nghĩa là: Đất bằng nổi sóng gió, ví tai họa bất ngờ. Điển tích lấy từ chùm thơ Trúc chi từ trong tập thơ Lưu Mộng Đắc văn tập của Lưu Vũ Tích. Năm Trinh Nguyên 21 đời Đường (805), phong trào cách tân của Vương Thúc Chi thất bại, Lưu Vũ Tích bị liên can phải giáng chức mấy lần, rất đau khổ. Trên đường đi nhậm chức Thứ sử Quỳ Châu, đã làm 17 bài Trúc chi từ, bài thứ 7 có đoạn: “Cù Đường tào tào thập nhị than, Thử trung đạo lọ cổ lai nan. Trừng hận nhân tâm bất như thử, Đẳng nhàn bình địa khởi ba lan”. (Cù Đường cuồn cuộn mười hai bến, Từ trước đường này vốn khó đi, Giận mãi lòng người không giống nước, Đất bằng nổi sóng khó lường thay). Thơ Đỗ Tuân Hạc cũng có câu: “Chỉ phạ Mã Đương sơn hạ thủy, Bất tri bình địa khởi phong ba” (Chỉ sợ núi Mã Đương tuôn nước, Nào hay sóng gió nổi đất bằng). Thơ Tô Triệt cũng có câu: “Kỷ ngôn thế tình ác, Bình địa phong ba khởi” (Thường bảo tình đời ác, Sóng gió dậy đất bằng). Người sau dùng thành ngữ Đất bằng nổi sóng để chỉ tai họa bất trắc vì lòng người hiểm sâu. 25- Phù vân (浮雲), trong bài thơ số 3 Nhập Tĩnh Tây huyện ngục, có nghĩa là: Mây nổi. Mây nổi là hình ảnh nghệ thuật ví cuộc đời. Thơ Vu Vũ Lăng đời Đường có câu: “Phù vân như phù thế” (Đời nổi như mây nổi). Sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: “Bất nghĩa nhi phú thả quý ư ngã như phù vân” (Sự giàu có và cao sang có được bằng thủ đoạn không chính đáng, ta xem như mây nổi). 26- Quan Vũ (關羽) trong bài thơ 132 Tức cảnh Quan Vũ (?-220), tự Vân Trường, người huyện Giải, Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, cuối đời Đông Hán, là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi. Năm 200 Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, anh em thất tán, Quan Vũ có nhiệm vụ bảo vệ gia quyến Lưu Bị. Bị quân Tào Tháo vây hãm, bức hàng, vì phải bảo vệ gia quyến Lưu Bị, Quan Vũ không giám liều đánh, miễn cưỡng phải hàng nhưng giao giá chỉ hàng với điều kiện Hán không hàng Tào, khi biết tin Lưu Bị ở đâu phải được cho đi theo ngay. Tào Tháo đã xảo quyệt dùng thủ đoạn nhốt Quan Vũ chung một phòng với hai người vợ của Lưu Bị hòng khiến Quan Vũ loạn luân với hai chị dâu, hay ít ra cũng mắc tiếng mờ ám, Quan Vũ cầm đuốc soi sáng suốt đêm bảo vệ hai chị và tỏ tấm lòng trong sáng của mình. Mặc dầu Tào Tháo dùng đủ cách mua chuộc, Quan Vũ khi biết tin Lưu Bị đang ở trong quân Viên Thiệu, đã đưa gia đình Lưu Bị đi ngay, qua sáu cửa quan chém bảy tướng cản đường, nổi tiếng trung dũng. Đã cùng Lưu Bị, Trương Phi, Khổng Minh dựng nên nước Thục Hán, xác lập thế chân vạc thời Tam quốc. Ông được cử giữ Kinh Châu, vì chủ quan để Đông Ngô cướp mất, bị bắt và bị giết. Từ sau đời Tống, bọn phong kiến Trung Quốc thần bí hóa sự tích của ông, tôn ông làm Quan Công, Quan Đế. Trong lòng nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, Quan Vũ luôn luôn là biểu tượng của tấm lòng trong sáng, trung dũng kiên cường. 27- Tâm hợp ý đầu (心合意投), trong bài thơ số 64 Dạ bán văn khóc phụ, có nghĩa là: Rất hợp nhau, vừa lòng nhau, điều gì trong lòng hai người cũng nghĩ giống nhau. Viết theo thành ngữ Tình đầu ý hợp có gốc từ sách Kiêm Thoa ký của Sử Bàn đời Thanh: “Thính tha tiếu ngữ như bách họa, Tưởng thị tình đầu ý hợp” (Nghe giọng nói cười trăm điệu khớp, tưởng thực tình đầu ý hợp), nói về tình cảm đôi lứa yêu nhau rất bằng lòng nhau về mọi mặt. 28- Tân như quế dã mễ như châu (薪如桂也米如珠), trong bài thơ số 32 Điền Đông, có nghĩa là: Củi đắt như quế, gạo đắt như ngọc châu chỉ giá sinh hoạt đắt đỏ những năm mất mùa đói kém. Cụm từ “Tân quế mễ châu” lấy từ Chiến Quốc sách: “Sở quốc chi thực quý ư ngọc, tân quý ư quế” (Ở nước Sở, gạo đắt như ngọc trai, củi đắt như quế). Phú Tô Thức có câu: “Xích tân như quế mễ như châu” (Thước củi như quế, gạo như châu). 29- Tuyết trung tống thán (雪中送炭), trong bài thơ 91 Quách tiên sinh, có nghĩa là: Cho than ngày tuyết rơi. Thành ngữ chỉ việc giúp đỡ người lúc khó khăn. Ngày tuyết rơi là ngày rét, phải có than sưởi ấm. Cho than người nghèo sưởi ấm là một hành động cứu trợ từ thiện rất đáng khâm phục biểu dương, nhưng tiếc rằng cử chỉ nghĩa hiệp đó xưa nay không nhiều. Thành ngữ này có nguồn gốc từ chuyện vua Tống Thái Tông năm Thuần Hóa thứ tư (993) thấy tuyết rơi trời rét, sai quan đem gạo và than đến cho người già và nghèo khó. Nhà thơ Phạm Thành Đại có bài thơ có câu: “Bất thị tuyết trung ưng tống thán?” (Phải chăng ngày tuyết phải cho than). Truyện Nhi nữ anh hùng có câu: “Thế tình như chỉ, chỉ hữu “cẩm thượng thiêm hoa”, thùy khẩn “tuyết trung tống thán”?” (Tình đời như giấy, chỉ có “thêm hoa trên gấm”. Ai chịu “Cho than ngày tuyết”) Bác cũng biết người đời hờ hững với nhau, ít ai chịu giúp đỡ nhau khi khó khăn. Thế nhưng vẫn có người như ông Quách đã ân cần giúp đỡ Bác trong khi hoạn nạn, Bác đã trân trọng ghi lại việc này để nhớ ơn người hào hiệp. 30- Thảm đạm kinh doanh (慘淡經營) trong bài thơ 83 Trúc lộ phu. Thảm đạm là suy ngẫm. Thơ Đỗ Phủ: “Dũng dược thường nhân tình, Thảm đạm khổ sĩ chí” (Huyênh hoang, dạ người thường, Suy ngẫm, chí sĩ lớn). Dũng diệu là múa may, nhảy nhót, cũng có thể hiểu là huyênh hoang hay khuếch khoác. Thảm đạm là suy ngẫm sâu xa kỹ càng. Thảm đạm kinh doanh là: Làm công việc vất vả, cực nhọc nhưng tự nguyện có suy ngẫm kỹ càng. Thơ Đỗ Phủ trong bài Đan thanh dẫn: “Triệu vị tướng quân phất quyến tố, ý tương thảm đạm kinh doanh trung” (Biết lúc tướng quân dăng tấm lụa. Là đang suy ngẫm kỹ càng sao). Ý nói trước khi vẽ đã suy ngẫm kỹ càng. Thảm đạm kinh doanh trở thành thành ngữ dùng để chỉ việc suy ngẫm sâu xa kỹ càng khi làm việc. Ở đây chỉ phu làm đường mải miết âm thầm làm đường là đã qua suy ngẫm kỹ càng, tự nguyện phục vụ lợi ích chung người đời không cần ai biết, và thực tế cũng chẳng được mấy ai biết mà cảm ơn. 31- Thành hỏa trì ngư (城火池魚) trong bài thơ số 116 Dương Đào bệnh trọng, có nghĩa là: Lửa thành ao cá. Trong Bách gia thi có câu: Thành môn thất hỏa, họa cập trì ngư (Cửa thành lửa cháy, vạ tới cá ao), Cửa thành bị cháy người ta múc nước ao tưới lửa cứu thành, nước ao khô hết, cá ao bị chết. Sách Quảng văn còn có chuyện kể, ngày xưa có người tên Trì Ngư, nhân thành cháy mà bị chết thiêu theo. Thành ngữ ta có câu: Cháy thành vạ lây cũng ở tích này mà ra, người sau dùng thành ngữ Lửa thành cá ao để chỉ việc bị vạ lây. Ở đây phải chăng Bác có ý nói vì Dương Đào giúp Bác mà cùng phải vạ lây. 32- Thiên binh vạn mã (千兵萬馬) trong bài thơ số 17 Học dịch kỳ, có nghĩa là: Nghìn quân muôn ngựa, quân lính và ngựa rất đông, tức lực lượng chiến đấu rất hùng hậu. Đây làm một thành ngữ lấy từ trong ca dao cũ của Trung Quốc. Truyện Trần Khánh trong Nam sử có ghi: Vùng Lạc Trung có câu ca dao: “Danh quân đại tướng mạc tự lao, Thiên binh vạn mã tị bạch bào”(Quân tinh tướng mạnh đừng lo lắng, Muôn ngựa nghìn quân tránh áo trắng), Khi bày trận Trần Khánh bố trí những người đứng dưới cờ chỉ huy mặc áo trắng, nên quân Trần Khánh đi tới đâu, quân địch trông thấy đội quân áo trắng liền kinh sợ tránh xa. 33- Thú Dương sơn (首陽山) trong bài thơ số 62 Hựu nhất cá có nghĩa là: Núi Thú Dương, cũng gọi là núi Lôi Dương, ở miền nam huyện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây, tương truyền là nơi Bá Di,Thúc Tề ở ẩn để phản đối vua Vũ Vương nhà Chu diệt vua Trụ nhà Ân, đã không chịu ăn thóc nhà Chu, chỉ hái ăn rau quyết rau vi mà chết đói. 34- Thủy đông lưu (水東流) trong bài thơ số 35 Các báo; Hoan nghênh Uy - Ky đại hội, có nghĩa là: Nước chảy về đông. Cụm từ này lấy từ câu thơ của Lý Dục đời Đường: “Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu” (Dòng sông xuân chảy hướng về đông). Ở Trung Quốc địa thế nghiêng về đông, biển lại nằm về phía đông, các dòng sông chảy ra biển đều theo hướng đông, nên nước chảy về đông là hình ảnh biểu thị quy luật khách quan, lẽ đương nhiên. 35- Tri âm (知音), trong bài thơ số 70 Lại sang, có nghĩa là: Người bạn hiểu thấu được lòng nhau. Lấy tích từ sách Lã thị Xuân thu. Bá Nha và Tử Kỳ là bạn. Bá Nha có tài đánh đàn để giãi bày gửi gắm nỗi lòng. Tử Kỳ có tài nghe đàn mà biết được nỗi lòng của bạn. Khi Bá Nha đánh đàn mà gửi chí lên núi Thái Sơn, Tử Kỳ liền nói: “Thiện tai hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái sơn”. (Đàn đánh hay lắm, tiếng vút cao như núi Thái sơn). Khi Bá Nha đánh đàn mà thả lòng theo dòng nước, Tử Kỳ liền nói: “Thiện tai hồ cổ cầm, đãng đãng hồ nhược lưu thủy” (Đàn đánh hay lắm, tiếng cuồn cuộn như nước chảy). Bá Nha nói với Tử Kỳ rằng: “Anh thật hiểu được tiếng đàn một cách kỳ diệu, anh nói về tiếng đàn tôi đánh đúng như điều lòng tôi gửi gắm, những tiếng lòng tôi đều lọt hết vào tai anh. Anh đúng là người bạn tri âm trên đời hiếm có”. Người sau dùng các thành ngữ “”Bá Nha đánh đàn, “Cao sơn lưu thủy”, “Tri âm” để ví những người bạn hiểu thấu lòng nhau. Ở đây Bác nói về những người tù rất hiểu cảnh ngộ của nhau, như trong cảnh khổ bị ghẻ lở, cùng bị ngứa ngáy khổ sở, cùng gãi, cùng được chút vui đỡ ngứa, cho nên cũng có thể xem là những bạn tri âm của nhau. Thật là một lối ví von ẩn dụ hợp cảnh hợp tình, rất thực tế tuy pha chút hài hước nhưng cũng rất thi vị, biến cảnh gãi ghẻ thành cảnh nên thơ. 36- Trương Phi (張飛), trong bài thơ 132 Tức cảnh.Trương Phi (? - 221) người cuối đời Đông Hán, em kết nghĩa vườn đào của Lưu Bị và Quan Vũ, cùng hai anh và quân sư Khổng Minh lập nên nước Thục Hán xác lập thế chân vạc của thời Tam Quốc, cùng Quan Vũ được người đời khen là người địch được vạn người, trong khi chuẩn bị cùng Lưu Bị đánh Đông Ngô trả thù cho Quan Vũ, bị tùy tướng ám sát. 37- Vô dạng (無恙), trong bài thơ số 4 Thế lộ nan, có nghĩa là: Không việc gì. Sách Ứng Thiệu phong tục thông nghĩa giải thích: Dạng là loài sâu độc đốt hại người, rất nguy hiểm cho những người xưa ngủ trên bãi cỏ ngoài trời, nên để an ủi nhau, họ nói với nhau là vô dạng, tức không có bộ dạng, không việc gì. Sách Lễ ký yêu cầu: “Khách tự ngoại lai, nghi vấn kỳ an phủ vô dạng” (khách từ xa đến nên hỏi việc yên lành của khách có vô dạngkhông, tức có yên lành không?). Về sau từ vô dạng còn có thêm ý mới là mạnh khỏe không đau yếu, vui vẻ không buồn lo, tóm lại cùng chung một ý mong cho nhau tốt đẹp không có chuyện gì không vui. 38- Xan phong dục vũ (餐風浴雨), trong bài thơ số 83 Trúc lộ phu, có nghĩa là: Ăn gió tắm mưa, thành ngữ Việt Nam gọi là dãi gió dầm mưa, nói nỗi vất vả làm việc ngoài trời. Lấy tích từ sách Trang Tử: “Vũ trị thủy, mộc thậm vũ, trất trật phong”(Vua Vũ trị thủy, tắm mưa lớn, gọi gió mạnh). 39- Xích bích thốn âm (尺璧寸陰), trong bài thơ số 119 Tích quang âm, có nghĩa là: Tấc bóng thước ngọc, thành ngữ chỉ sự quý báu của thời gian, thước ngọc không bằng tấc bóng. Người xưa đo thời gian bằng cách đo bóng của chiếc cọc, tấc bóng tượng trưng khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian. Thành ngữ này lấy tích từ sách Hoài Nam Tử: Cố thánh nhân bất phí xích chi bích, nhi trọng thốn chi âm, thời nan đắc nhi dị thất dã (Nên bậc thánh nhân không phí thước ngọc mà xem trọng tấc bóng, vì thời gian khó được mà dễ mất vậy). Thành ngữ Việt Nam có câu: “Tấc bóng nghìn vàng” cũng là lấy từ tích này. 40- Xuất cung (出恭) trong bài thơ số 115 Hạn chế. Cung là một từ dùng theo ý cổ mà hiện nay trong các từ điển không có chữ giải nghĩa từ này trừ từ ghép xuất cung, cho nên có phần khó hiểu. Sách Lương Đồng thư trực ngữ bổ chính ghi: “Kim nhân vị như xí viết xuất cung, thù bất khả giải” (Người nay nói như chữ xí là xuất cung (đi vệ sinh), thật không thể giải thích). Sách Lưu An biệt truyện ghi: “An tức thượng thiên, tọa khởi bất cung, tiên bá chủ giả, tấu An bất kính, trích thủ đô xí tam niên, hoặc bản thử” (Khi An lên trời, ngồi không được cung kính, ông tiên chủ trì, tâu trời là An bất kính, trời phạt đầy giữ hố xí ba năm, có lẽ xuất xứ nghĩa này của chữ cung có lẽ là từ đây). Xuất cung có nghĩa là: Đi tiêu, đi đại tiện. Tài liệu tra cứu tham khảo chính 1.Khang Hi tự điển. Nxb. Thư điếm Thượng Hải, 1994. 2.Từ nguyên. Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh,1991. 3.Từ hải. Từ thư Thượng Hải, Thượng Hải, 1992. 4.Cổ Hán ngữ tự điển. Nxb. Ba Thục Thư xã, 1998 5.Hiện đại Hán ngữ từ điển. Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992. 6.Tân Hoa tự điển. Thương vụ ấn thư quán, 1998. 7.Hán ngữ thành ngữ từ điển, Nxb. Giáo dục Thượng Hải, 1994. 8.Tục ngữ điển. Hồ Phác An, Nxb. Trung Châu cổ tịch. 9.Trung Hoa điển cố. Viên Lập Ngôn chủ biên, Nxb. Văn liên, Trung Quốc, 1999. 10.Văn học điển cố thuyết minh. Nguyễn Duy Nhường biên dịch. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000. 11.Từ điển điển cố Trung Hoa. Lưu Lực Sinh. Do Nguyễn Văn Thiệu, Đào Duy Đạt biên dịch, Nxb.Văn hóa - Thông tin, 2002. 12.Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh. Nxb. KHXH, H.1992. 13.Hán Việt tự điển. Thiều Chửu. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1990. 14.Từ điển tiếng Việt. Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội, 1992. 15.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. Nguyễn Lân, Nxb.Văn hóa, 1990. 16.Từ điển Truyện Kiều. Đào Duy Anh Nxb. KHXH, H.1974. 17.Tầm nguyên tự điển. Bửu Kế. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993. 18.Điển tích văn học. Mai Thụ, Đỗ Đức Hiểu, Nxb. Giáo dục, 1996. 19.Từ điển văn liệu. Long Điền Nguyễn Văn Minh. Nxb. Hà Nội, 1999./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.16 - 25) |