Giải Oan Cho Lễ Hội Ná Nhèm - Tiền Phong

Ban tổ chức mong muốn, thông qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, công bố rộng rãi để giới truyền thông, các nhà quản lý và người dân địa phương hiểu và nắm rõ về nội dung cũng như các giá trị nhân văn đặc biệt, riêng có của lễ hội.

Tham gia Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Ná Nhèm” có 27 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín. Nội dung tập trung vào những chứng minh khoa học về sự tồn tại của lễ hội Ná Nhèm từng thất truyền nửa thế kỷ trước, bao gồm nhiều nghi lễ độc đáo trong đó có màn rước tàng thinh mặt nguyệt. Hội thảo bàn biện pháp để Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức tốt hơn trong thời gian tới. Hướng phát triển trong hành trình xây dựng thương hiệu điểm đến cho du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh - dòng họ kết hợp với du lịch sinh thái trong tương lai.

Lùm xùm từ “lễ rước của quí”

Lễ hội Ná Nhèm được nghiên cứu phục dựng lần đầu tiên vào ngày 15 tháng giêng năm 2012, vào những năm tiếp theo thu hút đông dần du khách địa phương nhưng đến rằm tháng giêng 2016 vừa qua bỗng nổi tiếng trên truyền thông nhờ chùm bài viết kèm ảnh mãn nhãn về lễ rước sinh thực khí với những tít bài giật gân như “lễ hội rước của quí khủng nhất VN”. Ăn theo chùm ảnh, có nhà nghiên cứu không dự lễ hội nhưng cũng tán hùa, kết tội tàng thinh của Ná Nhèm là dung tục, lai căng. Theo Ths Bàn Tuấn Năng, nhà nghiên cứu, phục dựng lễ hội Ná Nhèm suốt 5 năm qua thì một số phóng viên chỉ tập trung duy nhất vào màn rước bắt mắt, chụp hình lia lịa mà sau đó không hề chú ý tới các nội dung nhân văn của lễ hội.

Theo nghiên cứu của Ths Bàn Tuấn Năng, Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) không chỉ là lễ hội dân gian thông thường mà còn là lễ hội đặc biệt của hai dòng họ vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh. Sử cũ ghi có ngày sau khi triều Mạc thất thủ, Lê Trịnh giết đến 2.000 người họ Mạc trong một ngày. Do đó, mong muốn đức Vua che chở, ban phúc, để dòng tộc lớn mạnh là mong muốn, khát khao cháy bỏng của các thân phận đang buộc phải ẩn mình kia. Họ Hoàng và họ Bế đã vượt qua các ràng buộc của Nho giáo để vác sinh thực khí nam nữ đi cung tiến cho đức Vua của chính mình. Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh, để lại sớm rèn đao, luyện gươm củng cố sức mạnh từ dòng họ, làng bản cho đến quốc gia.

Năm trước Ná Nhèm thu hút 2 vạn du khách, năm 2017 tới, ban tổ chức dự tính lượng khách sẽ đông khoảng gấp năm lần.

Bàn về tính xác thực của tàng thinh ở lễ hội Ná Nhèm 2016, PGS.TS, chuyên gia lễ hội Bùi Quang Thắng ủng hộ quan điểm bảo tồn mới, đó là bảo tồn - phát triển “tàng thinh trong lẽ hội Ná Nhèm của 100 năm trước và cái tàng thinh của ngày hôm nay có thể khác nhau (về kích cỡ, màu sắc), nhưng trong tâm thức của người dân sở tại, trong nghi lễ của họ thì cái tàng thinh nào cũng đều xác thực cả. 

Tính xác thực này chủ yếu nằm ở sự thừa nhận của chủ thể văn hóa, ở trong tâm trí, tình cảm, xúc cảm chủ quan của họ chứ không phải là một cái gì đó khách quan, có thể đo đạc được. Nói một cách tóm tắt: Khi mọi người dân ở cộng đồng này thừa nhận cái tạo hình kia là cái “tàng thinh” cả họ, và họ thực hành nghi lễ với cái tàng thinh đó, thì điều đó là bất khả xâm phạm, và nó là có tính xác thực. Khi hiểu biết của con người vượt ra khỏi quy mô quốc gia, thì giao lưu và tiếp biến văn hóa là một quá trình tất yếu.

Sức hút tiềm ẩn của Ná Nhèm

Vừa nghiên cứu vừa tiếp tục hoàn thiện các tích trò phần lễ cũng như phần hội qua từng năm, nhà tổ chức hứa hẹn mỗi năm sẽ có sự cải tiến với các màn diễn, đặc biệt sẽ sáng tạo thẩm mỹ hơn với tạo hình của tàng thinh.

Tàng thinh - mặt nguyệt là thứ đồ lễ, dùng để cung tiến cho đức Vua chứ không phải trò chơi, trò đùa trong quan niệm phồn thực thông thường. Kết thúc lễ hội, người ta sẽ phải hóa để Vua nhận. Vì thế, sẽ không có mẫu thống nhất cho các kỳ lễ hội. Năm Đinh Dậu này, BTC sẽ rút kinh nghiệm, chế tác cầu kỳ hơn, to đẹp hơn, thay đổi màu sơn để người xem đỡ liên tưởng đến sự lai căng nào đó. Vì đây là đồ tiến Vua, nên sau khi chế tác xong, đồ lễ này phải được ông Mo cúng nhập đình cho đức Vua vào chiều ngày 14 âm lịch (lễ Mộc dục). Nếu không gieo quẻ được, BTC sẽ phải chế tác mẫu khác, chờ sự đồng thuận của cả hai phía, cộng đồng sở tại và niềm tin tâm linh thì mới tiến hành việc rước và cung tiến được.

Theo ông Nguyễn Công Trung, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở:  “Cho cái gì không quan trọng bằng cách cho. Rước cái gì không bằng cách rước. Tàng thinh ở lễ hội này là đồ cúng tiến, cần được tạo hình trang trọng và cách rước cũng phải đầy trân trọng thì sẽ có hiệu ứng xứng tầm”.

PGS.TS Bùi Quang Thắng đề xuất với BTC chế tác ra một loạt tàng thinh làm đồ lưu niệm với các hình thù, kích cỡ, chất liệu khác nhau (gỗ, composite, kem que, nhựa…) và với các chức năng khác nhau như vòng đeo cổ, đeo tay, dây treo chìa khóa, đồ bày trang trí… Đây không chỉ là câu chuyện kinh tế (có lãi) mà còn là chuyện marketing quảng bá cho lễ hội. Những vật lưu niệm là cái tàng thinh đi đến đâu, ở đó người ta sẽ biết đến lễ hội Ná Nhèm ở Lạng Sơn.

Thông qua hội thảo, BTC mong muốn được dư luận quan tâm đến các giá trị đặc sắc, riêng có của lễ hội Ná Nhèm. Giá trị nhân văn nằm ngay ở những điểm đặc biệt của lễ hội như: Tục hóa trang bôi nhọ mặt (giấu mặt, đổi họ), mượn việc tập luyện lễ hội để rèn luyện binh đao, bảo vệ vững chắc làng bản, dòng họ; Tục rước nước ẩn dưới mong muốn quốc gia vững mạnh; Tục cung tiến lễ vật (cây thiên tuế, tàng thinh - mặt nguyệt, cây lúa, cây bong, cây ngô, cây khoai, kén tằm…) cho đức Vua (Mạc Thái Tổ) với mong ước đức Vua ban phúc lành, giúp cho mùa màng tốt tươi, cháu con khỏe mạnh, dòng họ lớn mạnh.

Không chỉ sở hữu lễ hội độc đáo, Ná Nhèm còn quyến rũ du khách bằng nhiều đặc sản địa phương như hồi quả, gừng núi, lá thuốc… và ẩm thực thơm ngon như bánh tày, bánh tẻ, lạp xưởng truyền thống, rượu ngô…

An Ngọc

Từ khóa » Nhèm Có Nghĩa Gì