Giới Thiệu Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - Tạp chí Sông Hương

Tiểu sử nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, sinh ngày 18.4. 1949. Quê gốc : huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Lâm Thị Mỹ Dạ từng làm phóng viên, biên tập viên văn học, Ủy viên BCH Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam khóa V.

Tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

 Các tác phẩm chính đã xuất bản : Trái tim nỗi nhớ (thơ, in chung với Ý Nhi – 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ – 1983), Danh ca của đất (truyện thiếu nhi – 1984), Nơi con và dòng suối (truyện thiếu nhi – 1987), Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi – 1987), Hai tuổi em đầy tay (thơ – 1989). 

Lâm Thị Mỹ Dạ đã được nhận : Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1973 (bài Khoảng trời hố bom).

Văn và thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có giọng hồn nhiên, nhân hậu, vui tươi. Có lẽ vì  thế mà các nhân vật trong các truyện viết cho thiếu nhi thường là những em bé ở lứa tuổi non tươi, hay nghịch ngợm và rất hồn nhiên. Dường như Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra là để làm thơ. Nói là hồn nhiên, nhưng khi cần, thơ của bà cũng nồng nàn bằng cái vẻ rất nữ tính, thể hiện niềm khát khao được vươn tới cái đẹp nhân ái, bao dung. Bà được dư luận chú ý đến khi được nhận Giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ 1973 với bài thơ đặc sắc: Khoảng trời hố bom. Từ cái “khoảng trời” qua một “hố bom”, nhà thơ kể về sự hy sinh cao cả của một cô gái thanh niên xung phong mở đường ra mặt trận. Nơi cô gái hy sinh, nay còn lại một hố bom nước mưa đọng trong hố bom đã thành một khoảng trời xanh con gái. Tác giả viết  “Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong, Đã hóa thành những làn mây trắng ? Và ban ngày khoảng trời ngập nắng, Đi qua khoảng trời em. Vầng dương thao thức, Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực, Soi cho tôi”. Niềm thành kính, sự bao dung nhân hậu vừa là an ủi, vừa là biểu dương chiến tích anh hùng của cả một thế hệ thanh niên xung phong trong lửa đạn, đã làm ấm lòng bao bạn đọc hôm qua, hôm nay. Nếu có nói đến nỗi đau, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng cố làm nổi bật sự tái sinh thay vì xoáy sâu vào rạn vỡ, đắng đót trong đời. Đọc thơ, ta bắt gặp một tiếng nói dịu dàng và thấm thía.

Đọc thêm Giới thiệu nhà thơ, danh tướng Phạm Ngũ Lão

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Bài viết liên quan:

  1. Giới thiệu nhà văn Ngô Thị Kim Cúc
  2. Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Sĩ Cố
  3. Giới thiệu nhà thơ Vương Trọng
  4. Giới thiệu nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Từ khóa » Bài Thơ Của Lâm Thị Mỹ Dạ