Thơ Tình Lâm Thị Mỹ Dạ - Báo Quảng Bình điện Tử
Có thể bạn quan tâm
(QBĐT) - Lâm Thị Mỹ Dạ làm thơ khi đang còn là học sinh cấp 3 và dành được giải thưởng danh giá của báo Văn nghệ thời chống Mỹ lúc còn rất trẻ. Tôi xếp bài Khoảng trời hố bom của chị nằm trong tốp đầu những bài thơ hay nhất của thời chống Mỹ bởi tính nhân văn tỏa sáng và sự mới mẻ về cấu tứ, hình ảnh của thi phẩm.
Nhắc đến Lâm Thị Mỹ Dạ của thời chiến tranh khốc liệt không thể không nhắc đến dấu mốc đó. Khoảng trời hố bom bây giờ đọc lại vẫn trầm vọng những khắc khoải đau thương, những vỗ về dịu lắng và những khát khao nồng hậu về bình yên cuộc sống. Đó chính là đỉnh trong những bài thơ viết về chiến tranh của chị, tôi tin nó sẽ còn tiếp tục đứng vững trong thử thách của thời gian.
Còn một mạch thơ khác của chị, có vẻ khiêm nhường và lặng lẽ hơn nhưng vẫn đậm chất Lâm Thị Mỹ Dạ: nồng nàn-thành thật-nữ tính; đó là thơ tình.
1. Thời con gái-Đứng ngóng đợi vầng mặt trời thức dậy...
Có thể nói thơ là phiên bản chính xác nhất của tâm hồn, tình cảm người cầm bút. Dù nhà thơ viết về mình hay về ai, thì tâm trạng của họ cũng khó giấu được; tất cả cứ hiện lộ ra trên từng con chữ, như ánh sáng và độ nóng được tỏa ra từ lửa, màu trắng và độ lạnh rung lên từ tuyết băng...Càng tài hoa thì
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Nguồn: Internet) |
sự phát tiết càng lung linh huyền kỳ, sức hấp dẫn cuốn hút của thơ càng mãnh liệt.
Trong sự bình thường bật lên cái mới mẻ đó là thơ, là vẻ đẹp của thi ca như quan niệm của Lâm Thị Mỹ Dạ. Nữ sĩ quan niệm rành rọt rằng: Với tôi-thơ là cái đẹp- mãi mãi như vậy. Vẻ đẹp, sức mạnh của tình yêu hiện diện trong thơ chị được khái quát trong biểu tượng “con chiến mã”: Phi ngang tàng qua vuốt sắc thời gian/Sẽ có ngày trong gió bão mịt mù/Con ngựa chết gục đầu vào cát bụi/Lòng kiêu hãnh vẫn mướt xanh như cỏ.
Sự chuyển dịch của đời người tuân thủ đúng quy luật sinh-lão-bệnh-tử, tình yêu cũng thế, dù được so sánh với “con chiến mã” cũng không thể đảo ngược được trật tự trẻ-già, song lòng kiêu hãnh của người đẹp vẫn còn mãi với thời gian.
Thực ra, đây là một mong mỏi, một khát vọng, một thứ vũ khí tinh thần giúp nàng không bị đánh gục trước sự thách đố của tình yêu. Trẻ đẹp là lợi thế của bất cứ cô gái nào, Dạ thời con gái cũng vậy, có nói quá đi một chút hay nhiều chút cũng chẳng sao, không cần phải xin lỗi ai cả; ai bị hút vào đôi mắt ấy, nụ cười ấy, quyến rũ ấy thì tự hiểu, tự tìm cách chấp nhận hoặc thoát ra. Thế thôi! Còn lòng kiêu hãnh vốn là đồn lũy, trường thành, phên dậu của nhan sắc phái đẹp, không có rồi sẽ có, có rồi sẽ tồn tại, không mất đi đâu cả. Cũng là may, kiểu nói có vẻ to tát như thế này không phải là chất chủ đạo trong thơ tình của chị.
Chị dịu dàng, hiền lành và trong trẻo. Trong trẻo, hiền lành và dịu dàng như tôi đã nghe, đã biết, đã cảm nhận từ thơ người chị đồng hương- Lâm Thị Mỹ Dạ.
Cuộc đời của chị Dạ nhiều éo le, chông chênh. Tài sắc đủ cả nhưng ít may mắn. Xong cấp 3 nhưng vì lý lịch bị vướng cái gì đó nên cô gái Lâm Thị Mỹ Dạ không được học cao thêm. Sau này, khi đã nổi tiếng với chùm thơ giải A báo Văn nghệ chị mới được đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Thế mà, chị vẫn nuôi được cái chất đằm thắm, dịu dàng, quyến rũ đầy tính nữ trong thơ tình. Người con gái của đời và người con gái của thơ là một, đồng nhất, trùng khít như người ta vẫn nói “văn là người”.
Mặc nhiên, bắt đầu từ tuổi dậy thì mà mỗi ngày là một quãng xôn xao khởi ngân từ ban mai. Nhìn bề ngoài thì đó là sự đổi thay về vóc dáng, còn nhiều mảnh mai lắm nhưng thân thể đã nhú nở mượt mà. Còn ở bên trong, mỗi sớm mai, người thiếu nữ đã nghe thấy những rung động mới lạ: Tuổi dậy thì ai mơ mộng nhớ nhung/Đứng ngóng đợi vầng mặt trời thức dậy/Để nhận lấy từ chân trời xa thẳm/Một tiếng yêu lặng lẽ nồng nàn/Mỗi sớm mọc lên rực rỡ một chứa chan (Mọc lên mỗi sớm).
Tâm hồn thiếu nữ lộng lẫy mà tinh khiết vô cùng. Cả một không gian tươi sáng bừng lên trước mặt, tuổi dậy thì đúng là món quà đẹp nhất của tạo hóa ban cho người phụ nữ. Tình yêu trai gái của tuổi thanh xuân thời ấy ít lắm những vẩn đục thực dụng, trong thơ chị thường là những khúc thức trong veo, thiên nhiên cũng vậy, con người cũng vậy, man mác trong veo. Như vầng trăng nối gần lại sự cách xa: Anh ở xa, em ở xa/Vầng trăng ở giữa đôi ta gợi hình/Đêm nhìn lên ánh trăng xinh/ Vầng trăng ấy-nơi chúng mình gặp nhau. Như là hương cau: Hoa cau nở bồi hồi/Hương ngập ngừng đâu đó/Tình em như hương cau/Phải anh là ngọn gió?.
Cách diễn đạt như vậy, có thể ai đó cho là “sến”, nhất là theo tư duy bây giờ. Nhưng tôi cho rằng đó là những câu thơ “đẹp thật” (để phân biệt với “đẹp giả”) về yêu, vừa cổ điển vừa hiện đại. Vầng trăng gợi hình là một phát hiện, ánh trăng xinh là sự khác thường, trước đó hình như chưa ai viết như thế.
Những bài thơ tình của Lâm Thị Mỹ Dạ viết trong chiến tranh chống Mỹ mang nét đẹp mộc mạc nhưng rất lãng mạn. Cái lãng mạn thuần khiết của tâm hồn là chủ đạo, còn những khao khát bản năng nếu có cũng thường rất thầm kín: Những ngày không anh/Áo thơm mùi nhớ/Những ngày không anh/Em mơ gặp gỡ (Những ngày không anh). Trong “những ngày không anh” đó, các cô gái hậu phương cố “quên” mình đi, để dành trọn tình cảm cho người mặt trận: Khung trời cửa sổ/Những ngày không anh/Trăng về xây tổ/Ngắm cũng không đành. Hình ảnh Trăng về xây tổ đẹp đến se lòng.
Và, sự tàn khốc dữ dội của chiến tranh dù không viết ra trực diện nhưng ở đằng sau hai câu thơ này là số phận của rất nhiều phụ nữ Việt Nam thời ấy: Tuổi trẻ chưa qua/Đã thành thiếu phụ (Những ngày không anh). Vẫn nồng nàn, vẫn đắm đuối, vẫn nữ tính khi viết về tình yêu nhưng theo dòng trôi thời gian những câu thơ tình của Lâm Thị Mỹ Dạ càng nhiều cân nhắc bồn chồn, nhiều ngẫm nghĩ sâu sắc hơn. Không còn ở tuổi vào đời để tung tăng phơi phới nhẹ nhàng nữa, chị bắt đầu thấy sợ. “Em tôi xinh đẹp”/Xin anh đừng khen/Tình yêu không ở/Trên gương mặt em (Em sợ).
Lòng kiêu hãnh không xanh mãi như cỏ thắm cho chị rồi, “con chiến mã” tình yêu sau khi bon bon muôn dặm đường xa đã đến lúc giảm nhịp, đó là sự thật và không ai trách cứ những câu thơ “hào hùng” xưa cũ cả. Có lá nào xanh mãi được chứ, chỉ có vôi là bạc muôn đời như nữ sĩ tài danh Hồ Xuân Hương từng thán cảm: Có phải duyên nhau thì thắm lại/Đừng xanh như lá bạc như vôi. (Mời trầu). Biết “sợ” để vượt lên và trụ vững, để mãi nồng nàn nhân hậu, đó là những gì chị có trong thơ tình yêu sau này.
2. Thời thiếu phụ-Giọng nói em chỉ còn những âm buồn
Nhìn tổng thể, thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ sau “thời con gái” mang rất nhiều nỗi cô đơn, nỗi buồn thiếu phụ. Màu hồng tình yêu có lẽ đã phai nhạt khá nhiều, chất lãng mạn bay bổng thời trẻ không còn mấy nữa mà thay vào đó là những đắng cay, ngậm ngùi, xót xa cùng với những chiêm nghiệm đúc kết. Cuộc đời và tình yêu không còn phẳng lặng êm dịu nữa mà sóng gió đã nổi lên cùng những xoáy lốc số phận.
Dĩ vãng đẹp đẽ lắm khi không chống cự nổi những cám dỗ hiện tại và song hành với những rạn nứt trong tổ ấm là tâm trạng chênh chao hụt hẫng giữa cô đơn lẻ loi. Giọng thơ vui tươi trong sáng của thời con gái đã nhường chỗ cho những âm buồn thời thiếu phụ. Chị không hề giấu diếm điều đó, đây là day dứt cũng là tự thú của người thiếu phụ tài sắc mà đa cảm đa đoan: Em đã thành người đàn bà khác/Bông hoa xanh nụ tầm xuân đã khác/Trách chi em, trách chi đời đen bạc/Khi chính mình lắm lúc tự vùi chôn... (Nụ tầm xuân đã khác). Nhà thơ viết cho ai đó cũng là viết về mình: Em đâu còn là em/Tiên nữ trong cây/Trinh nữ trong gai/Ánh cầu vồng bảy sắc/Tia nắng dịu dàng anh đuổi bắt (Nụ tầm xuân đã khác).
Không thể khác được nữa rồi, đến lúc phải nói thật, xót xa nói thật với người mình từng yêu: Từ lâu rồi/Em không còn là của anh/Em vùi chôn tuổi trẻ của mình/Trên tháng ngày khô cứng/Đôi khi giật mình/Xót một cơn mưa đã chết. (Nụ tầm xuân đã khác). Cơn mưa trở thành ẩn dụ cho cuộc đời người con gái, sự tươi mát bị vùi chôn trong tháng ngày khô cứng.
Bi kịch tình yêu hiển hiện ngay trong đời thường, mỗi ngày sống là một ngày chết, cái chết lặng lẽ, âm thầm buồn bã: Em chết trong nỗi buồn/Chết như từng giọt sương/Rơi không thành tiếng (Tặng nỗi buồn riêng). Sự cô đơn trở đi trở lại, chồng chất nhiều thêm trong tâm hồn người thiếu phụ, gia đình không giải tỏa được, bạn bè không giải tỏa được, lẻ loi trống vắng đến tận cùng, bí bách hoang mang lắm mới khẩn khoản: Xin cho một khắc/ Được hóa làm quỳnh/ Nở cùng đơn độc/ Để đời có đôi (Một quỳnh một ta). Số từ một được sử dụng với tần suất cao, giống một ám ảnh trong thơ chị. Trong bài Một quỳnh một ta có 30 câu (cả đầu đề) mà chị sử dụng từ một đến 10 lần.
Ở ví dụ khác, bài Một mình 15 câu mà có tới 11 từ một, điển hình chỉ một cặp lục bát 14 âm tiết mà đã có 3 lần nhà thơ dùng số từ này: Bây giờ chỉ một trái tim/Một mình tung hứng, một mình vết thương (Một mình). Vui buồn gì cũng thấm thía nỗi cô đơn cũng có nghĩa là nỗi cô đơn ấy đã phủ tràn cuộc sống. Đây nữa, những câu thơ trĩu nặng số từ một của chị: Thôi xin từ tạ một người/ Đã ca hát, đã khóc cười cùng ta/Thôi xin từ tạ một đời/Đã cay đắng, đã ngọt bùi, đã chia (Tạ từ); Một người yêu không có thật trong đời (Người tình hư ảo); Mịt mù trong khoảng bể dâu/Tuổi người một chấm biết đâu kiếm tìm (Tuổi anh); Sau xuân/Một bông đào nở/Cánh thắm tươi/Sự đơn độc thắm tươi... (Sau xuân); Ta một mình chạm ly với biển (Với biển)...
Chị đứng vững trong cuộc sống nhờ vào tấm lòng nhân hậu vốn có, gánh cả sự rủi ro của người thân, buồn đau nhưng không bi lụy, cô đơn nhưng không thoái thác, vất vả nhưng không trốn chạy, lặng im chấp nhận số phận. Và, thơ của chị càng sâu lắng, càng đằm thắm, rộng mở hơn tình yêu con người và tính nhân văn. Chị và thơ đã làm tròn nghĩa vụ cao đẹp của mình: Giữa tháng ngày trĩu nặng/Em đứng thẳng người/Cho anh tựa vào em (Cho anh tựa vào em). Dù rằng, cuộc đời thì vẫn thế, Chỉ có em đối mặt/ Với chính mình/ Đơn độc quãng đường xa và Giọng nói em chỉ còn những âm buồn (Anh đã nhìn thấy em).
Trong những tháng năm nhọc nhằn cô đơn đằng đẵng đó, tình yêu vẫn nuôi dưỡng thơ chị theo hướng cao cả bao dung để cho giai điệu của con tim không bị mục ruỗng tàn úa, trái lại vẫn sáng tỏa Nỗi im lặng của trăng non và lá xanh (Không đề). Nên nhớ, phía trước sự im lặng non-xanh ấy là sự giải bày thật minh bạch, thật thành tâm: Em yêu anh/Và có lúc/Tưởng chẳng còn yêu anh nữa/ Không nỗi nhớ/Không nỗi đau/Không sự khát thèm/Không cả niềm mộng mơ kỳ lạ/Nhưng có lúc/Mọi nỗi bỗng trào lên tất cả/Như bất ngờ núi lửa/Đột ngột sao băng/Rực rỡ chói lên mạnh mẽ... (Không đề).
Tôi nghĩ, thơ ấy đích thực là tiếng nói ân tình, trung thực của một trái tim sinh nở, trái tim mang dáng lưỡi cày, suốt đời cày lên đớn đau và hạnh phúc của người phụ nữ - nhà thơ nhân hậu tài hoa Lâm Thị Mỹ Dạ.
Nguyễn Hữu Quý
Từ khóa » Bài Thơ Của Lâm Thị Mỹ Dạ
-
Top 15 Bài Thơ Hay Của Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
-
Trang Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (65 Bài Thơ) - Thi Viện
-
Tuyển Tập 10 Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
-
Lâm Thị Mỹ Dạ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Bài Thơ Của Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - TKaraoke
-
Lâm Thị Mỹ Dạ Viết Bài Thơ Khoảng Trời Hố Bom
-
Lâm Thị Mỹ Dạ Và Những Bài Thơ đi Cùng Năm Tháng
-
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ❤️️ Tuyển Tập Những Bài Thơ Hay Nhất
-
“Thơ Tình Lâm Thị Mỹ Dạ”
-
Giới Thiệu Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
-
Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Tác Giả Lâm Thị Mỹ Dạ - Áo Kiểu đẹp
-
Nét Riêng Của Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - Tạp Chí Sông Hương
-
Đúng, đây Là Tác Phẩm Của Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - VnExpress