Chủ nghĩa yêu nước là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là hành trang của Người khi đi tìm đường cứu nước. Người viết: "Lúc đầu, chính do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin". Người đã tìm thấy trong cương lĩnh về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin sự phù hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành trong quá trình lập nước, trong đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang, xác lập có ý thức về sự thống nhất, bản sắc nổi bật và riêng biệt của cộng đồng đó bằng mối liên kết lâu dài về lịch sử văn hóa. Ngay từ thuở ban đầu, người Việt Nam với tư cách là một nhóm đã thể hiện tình cảm chung trong một quá trình dần dần nhận thức sơ đẳng về số phận chung và đặc điểm nổi bật về bộ tộc và văn hóa. Qua một nghìn năm bị phong kiến Phương Bắc đô hộ, Người Việt Nam gắn bó bằng di sản dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa chung, đa sát cánh bên nhau, quyết tâm giữ gìn bản sắc của mình, luôn luôn lấy sự đoàn kết và sức mạnh dân tộc để vượt qua thời kỳ khó khăn. Đến khi giành được độc lập, ý thức dân tộc của người Việt đã phát triển thành nhận thức và khái niệm hiện đại bắt rễ sâu trong quần chúng nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước là sự biểu hiện của tự ý thức dân tộc dưới dạng hệ thống quan điểm tư tưởng lý luận và hệ giá trị của dân tộc. Đó là ý thức hệ dân tộc hoặc chủ nghĩa dân tộc - yêu nước. Ý thức hệ đó bắt đầu từ lòng tự hào về “Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời". Chủ nghĩa dân tộc - yêu nước Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc chân chính chứ không phải là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại như một số nơi trên thế giới. Nhuần nhuyễn tư duy biện chứng "Phân tích cụ thể trong tình hình cụ thể”, Hồ Chí Minh đã đi đến những phát hiện cực kỳ quan trọng, đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Dân tộc và ý thức dân tộc ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung có trước khi chủ nghĩa tư bản xâm lược thuộc địa trong khi giai cấp công nhân chưa hình thành, "chủ nghĩa dân tộc đã hiện đại hoá khi chuyển từ giới thượng lưu này sang giai thượng lưu khác", vì vậy chủ nghĩa dân tộc - yêu nước là nền tảng tư tưởng của các phong trào yêu nước, chống chủ nghĩa thực dân. "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước". Chính việc khai thác thuộc địa đã tạo ra giai cấp công nhân, do đó lợi ích của giai cấp công nhân, phù hợp với lợi ích dân tộc, chỉ có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp công nhân, cho nên lợi ích của giai cấp công nhân phụ thuộc vào lợi ích dân tộc. Đảng Cộng sản, người lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp phải là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là của giai cấp công nhân vừa là của toàn dân tộc. Cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong việc sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong công cuộc lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân tộc, với quyết tâm sắt đá "thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập tự do". Hồ Chí Minh đã gắn kết độc lập dân tộc về mặt chính trị với độc lập kinh tế. Người viết: "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Tuy nhiên độc lập về kinh tế không có nghĩa và đóng cửa, khép kín. Từ góc nhìn đó, Người đưa ra những chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế. "Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá; hai là để điều hòa với kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình". Như vậy tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh là không những gắn hội nhập kinh tế với phát triển kinh tế nước ta, mà còn gắn với bảo vệ hòa bình và an ninh quốc gia. Đó cũng là một nội dung quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh, là bộ phận cấu thành quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong công cuộc đổi mới không tách rời khỏi việc phát huy chủ nghĩa yêu nước đó. Nói về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng phát biểu: “Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại. Tình yêu nước thương nòi của Người sâu sắc bao la, không lấy gì so sánh được. Bác Hồ đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước, của dân”. |