Tìm Hiểu Khái Quát Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam – Từ Thời đại Hùng ...

      Trên thế giới có lẽ không có một nước nào lại phải tiến hành chống các cuộc ngoại xâm nhiều như Việt Nam. Từ thế kỷ III Trước Công nguyên cho đến nay, Việt Nam đã buộc phải thực hiện hơn 20 cuộc chiến tranh giữ nước lớn và khoảng hơn 100 cuộc khởi nghĩa giành độc lập. Và chính điều này cũng lý giải tại sao chủ nghĩa yêu nước lại là mạch ngầm xuyên suốt lịch sử Việt Nam.

Ở thời đại Hùng Vương, chủ nghĩa yêu nước được thể hiện qua các thần thoại, truyền thuyết, cổ tích như truyện Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tuy thể hiện qua truyền thuyết, thần thoại nhưng chủ nghĩa yêu nước giai đoạn này rất đẹp, nó thể hiện ước mơ của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ non sông gấm vóc, cứu nước, thương nòi. Đây là thời kỳ yêu nước mà không biết mình yêu nước, họ yêu nước một cách tự nhiên mang tính chất vô vi, không cầu danh lợi. Điều này thể hiện rõ ở việc dẹp xong giặc ngoại xâm, Thánh Gióng trở về cõi hư vô.

Chủ nghĩa yêu nước thời Bắc thuộc thể hiện qua các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ. Tuy không thành công, hoặc thành công nhưng không giữ được lâu dài, nhưng những cuộc khởi nghĩa càng ngày càng nhiều, càng về sau mật độ càng lớn đã nói lên rằng đây là đất nước có chủ và nhân dân ta quyết không chịu khuất phục trước sự đô hộ của phương Bắc. Với lôgíc đanh thép, không sớm thì muộn, nhân dân ta nhất định giành được độc lập, bọn xâm lược nhất định phải cuốn xéo về nước. Nó thể hiện trong các cuộc thắng Tống, bình Nguyên, xưng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, Đại Việt, hình thành hệ tư tưởng mới phù hợp với thời đại, ý thức tự hào dân tộc ngày càng phát triển, lấy ý dân, lòng dân làm cơ sở cho đường lối trị nước, thể hiện ở tư tưởng độc lập, nhân văn, khí tiết khảng khái của vua quan thời kỳ này. .

Chủ nghĩa yêu nước thời Lê - Nguyễn là bước tiến mới của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khi Nguyễn Trãi xác định “nước” (Quốc) bằng lãnh thổ, văn hoá, phong hoá, lịch sử. Nó thể hiện ở đường lối nhân, nghĩa, trung, hiếu ở Nguyễn Trãi, ở đạo làm người mang nhiều yếu tố tích cực của ông. Tuy nhiên, chủ nghĩa yêu nước giai đoạn đầu thời Lê - Nguyễn chịu ảnh hưởng sắc thái của Nho giáo tích cực đang lên. Càng về sau điều này càng mất dần và nó lại rơi vào bi quan, yếm thế, tiêu cực, ảnh hưởng của Nho giáo đang trên đà suy tàn.

Nếu chủ nghĩa yêu nước giai đoạn đầu thể hiện bằng huyền thoại, truyền thuyết mang tính chất anh hùng ca mộc mạc; giai đoạn hai thể hiện sức sống quật khởi của dân tộc chống lại sự đồng hoá của kẻ thù; giai đoạn ba phản ánh những chiến công hào hùng của dân tộc gắn liền với độc lập tự chủ của đất nước; thì chủ nghĩa yêu nước giai đoạn bốn đạt đến đỉnh cao ở tư tưởng của Nguyễn Trãi. Nhìn chung, cả bốn giai đoạn trên tạo nên cái gọi là chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Điều này đã chi phối có tính chất quyết định đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam giai đoạn này và nó thể hiện ở mấy khuynh hướng sau:

- Khuynh hướng yêu nước của các nhà Nho, khuynh hướng yêu nước theo quan điểm truyền thống hay phong trào Cần vương. Đại diện cho khuynh hướng này có Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), Vũ Phạm Khải (1807 - 1872) và Phan Đình Phùng (1847 - 1895).

- Khuynh hướng yêu nước bằng cải cách, canh tân, đổi mới đất nước. Tiêu biểu cho các nhà cải cách này là Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), Phạm Phú Thứ (1820 - 1883) và đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871).

- Khuynh hướng dân chủ tư sản của Phan Chu Trinh (1872 - 1926). Ngay thời trẻ ông đã xác định: làm trai trót gánh giang sơn, dám ngại xa xôi bỏ giữa đàng. Nhưng ông nhìn giang sơn gấm vóc rất mờ mịt, muốn xoay trời chuyển đất, nhưng chỉ có một mình cô quạnh đơn lẻ, không biết làm gì, đi đâu, về đâu. Trong đêm tối mờ mịt đó vào những năm đầu của thế kỷ XX, những tư tưởng khai sáng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, những tư tưởng của Rousseau, Montesquieu đã tác động mạnh như những tia sáng le lói đến với Phan Chu Trinh.

- Khuynh hướng yêu nước của Phan Bội Châu (1867-1940).

Chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu thể hiện ở lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan. Ông là người yêu nước thương dân rất mực, tự xác định trách nhiệm là hy sinh quên mình cho độc lập, tự do của đất nước.

Chủ nghĩa yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tuy là chủ nghĩa yêu nước của thời quá độ nhưng sự biểu hiện lại vô cùng phong phú. Tất cả các giai đoạn của chủ nghĩa yêu nước đều phản ánh sự trăn trở của xã hội lúc đó để tìm ra con đường giải phóng đất nước, cứu dân tộc ta thoát khỏi cảnh nô lệ. Nhưng đối thủ, kẻ địch lúc này hoàn toàn khác với kẻ địch trong các giai đoạn trước, bởi vậy, mặc dù có những nét đột phá mới, song tất cả các xu hướng đó đều không dẫn đến thành công. Mặc dù thất bại trước nhiệm vụ của lịch sử nhưng chủ nghĩa yêu nước giai đoạn này đã đặt cơ sở, tiền đề quan trọng cho một chủ nghĩa yêu nước mới về chất, kết tinh toàn bộ tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời - chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Qua phân tích chủ nghĩa yêu nước giai đoạn này cũng nói lên rằng chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam là một dòng chảy liên tục, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử. Nó là bề sâu, mạch ngầm, lôgíc bên trong sự phát triển của dân tộc mà tất cả những cái bề nổi bên ngoài đều phải đi qua lăng kính này. Qua đó ta thấy sự xuất hiện chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là lôgíc tất yếu của lịch sử, đáp ứng đòi hỏi, đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam khi đó.

 Theo Hồ Chí Minh, đã là người Việt Nam, đã là con Lạc cháu Hồng ít hay nhiều ai cũng có lòng yêu nước. Có thể có người ở lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó mà họ vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn, chứ nhìn chung không ai lại không có lòng yêu nước. Đây là cái nhìn mang tính chất nhân đạo, bao dung, cao cả và gần gũi với triết học phương Đông cho rằng trong mỗi con người đều có bản thể vũ trụ, đồng thời đó cũng là quan điểm triết học uyên thâm, sâu sắc. Không phải người nào cũng có cái nhìn như vậy và không phải ai cũng nhìn ra điều đó. Quan điểm “ai cũng có lòng yêu nước” đã vượt xa quan điểm của những nhà tư tưởng phương Đông và Việt Nam trước kia.

Theo Hồ Chí Minh, dân ta không chỉ có lòng yêu nước mà còn có lòng yêu nước nồng nàn, đó là một truyền thống quý báu của ta. Người viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước[1]. Như vậy, ở Hồ Chí Minh, lòng yêu nước cũng chính là tinh thần yêu nước. Trong triết học phạm trù tinh thần lại hầu như trùng với phạm trù ý thức gồm hai yếu tố cơ bản chủ yếu là tri thức và tình cảm. Như vậy, vượt lên trên các nhà tư tưởng trước kia, lòng yêu nước, tinh thần yêu nước còn bao gồm trong đó cả tri thức chứ không chỉ có tình cảm đơn thuần.

Truyền thống này đã được lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Pháp chứng minh. Yêu nước không chỉ là cầm súng đứng ở tiền tuyến trực diện tiêu diệt quân thù, mà còn thể hiện ở những công việc cụ thể vô cùng phong phú, đa dạng diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, ở mọi lứa tuổi, nhưng đều nhằm một mục đích giúp cho kháng chiến mau chóng đến thắng lợi. Trong thư gửi cho các chiến sĩ trẻ quyết tử quân Thủ đô, Bác cho rằng tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc - một phần của tinh thần yêu nước - là bất diệt. Do đó, tinh thần yêu nước, lòng yêu nước của đồng bào ta cũng là bất diệt. Theo Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước - những của quý mà chúng ta cần phải nâng niu, quý trọng - có khi rõ ràng, dễ thấy, nhưng cũng có khi ẩn dấu kín đáo rất khó nhận ra. Người viết: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến[2].

Đây là một vấn đề triết học lý thú. Lý thú ở chỗ trong mỗi con người đều có một thứ của quý, đó là chủ nghĩa yêu nước, là lòng ái quốc. Nó cũng giống như Phật tính trong mỗi con người. Nhưng nếu Phật tính mờ hay tỏ phụ thuộc vào mức độ của tham, sân, si, nó tương đối trừu tượng; thì lòng ái quốc, theo Hồ Chí Minh, cũng có thể vì lợi nhỏ mà nhất thời quên lãng nhưng nó cũng tương đối cụ thể. Tinh thần yêu nước ở Hồ Chí Minh khác hẳn với tinh thần “vị quốc” hẹp hòi của bọn đế quốc phản động.

Như vậy, quan niệm về yêu nước ở Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới về chất so với quan niệm truyền thống. Lòng ái quốc này là cái vốn quý giá trong mỗi con người, trong suốt cuộc đời, là giá trị bền vững và trường tồn cùng với con người và dân tộc Việt Nam./.

                                                                                   Lê Thị Thảo

                                                        GV. Khoa LL Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 171.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 172.

Từ khóa » Khái Niệm Chủ Nghĩa Yêu Nước Là Gì