Từ Chủ Nghĩa Yêu Nước Truyền Thống đến Chủ Nghĩa Yêu Nước Hồ ...
Có thể bạn quan tâm
Yêu nước là tư tưởng, tình cảm phổ quát của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Song, do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của sự ra đời nên quá trình hình thành, phát triển và nội dung của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam không giống các nước khác.
Nét đặc thù của điều kiện ra đời thể hiện trước hết là với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, khí hậu …, Việt Nam là một nước có điều kiện tự nhiên nhiệt đới gió mùa phong phú, đa dạng, vừa chứa đựng tiềm năng to lớn, vừa đặt ra không ít thử thách đối với con người. Công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội trong đặc điểm thiên nhiên ấy đã tạo nên sự gắn bó cộng đồng, sự gắn bó quê hương, cơ sở của tình yêu đất nước và từ đó tạo ra sự gắn bó chung sống và hoà đồng giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người trong tính cộng đồng cao của truyền thống Việt Nam. Thứ hai, sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam đã có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hoá, ý thức, trong đó có tinh thần yêu nước. Việt Nam trong thời cổ đại không có thời kỳ phát triển của chế độ nô lệ. Chế độ phong kiến Việt Nam không có thời kỳ tồn tại của chế độ lãnh địa với quan hệ lãnh chúa - nông nô, không trải qua thời kỳ phân quyền cát cứ. Từ thế kỷ XV - XIX, tư tưởng Nho giáo có nhiều ảnh hưởng đối với đời sống văn hoá, tinh thần của Việt Nam. Trong thời kỳ thống trị của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc tư sản có một số ảnh hưởng nhất định, nhưng không giữ vai trò chi phối và thay thế cho chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Thứ ba, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam khác với các quốc gia và dân tộc khác ở hai khía cạnh là dân tộc ta phải chống ngoại xâm nhiều lần và nhiều đế quốc lớn. Từ kháng chiến chống Tần thế kỷ III TCN đến chống Mỹ cứu nước, trong 22 thế kỷ, thời gian kháng chiến giữ nước, đấu tranh chống đô hộ ngoại bang là 12 thế kỷ. Dân tộc ta phải đương đầu với nhiều đế chế mạnh ở phương Đông và các cường quốc đế quốc chủ nghĩa trên thế giới. Đặc điểm này đã tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử, đến sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước, đến truyền thống đoàn kết của dân tộc. Thứ tư, Nhà nước Việt Nam ra đời trên cơ sở phân hoá xã hội, giai cấp và do yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm và thiên tai. Quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước gắn liền với quá trình thống nhất quốc gia. Dân tộc Việt Nam hình thành, phát triển diễn ra trên cơ sở liên kết cộng đồng Nhà (gia đình) - Làng (Công xã nông thôn) - Nước (quốc gia dân tộc) trong những điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và kết cấu kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sự thống nhất quốc gia, thống nhất dân tộc sớm đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết và cố kết cộng đồng mang tính dân tộc. Thứ năm, nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất trong tính đa dạng. Tinh thần, ý thức yêu nước là một bộ phận tạo thành văn hoá Việt Nam, vừa kết tinh những giá trị tiêu biểu, vừa chi phối sự phát triển văn hoá của dân tộc.
Nội dung của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam rất phong phú, được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau: Trước hết là tình yêu quê hương, xứ sở, làng xóm. Trong quan niệm cổ truyền: đất nước = đất + nước là hai yếu tố cơ bản của nền nông nghiệp lúa nước lấy Nhà (gia đình) làm đơn vị kinh tế, lấy làng, xóm làm cộng đồng cơ sở. Nước gắn liền với Nhà và Làng xóm: việc nước, việc làng, việc nhà. Thứ hai, sự gắn bó, cố kết cộng đồng hướng về dân, lấy dân làm gốc. Nước được coi là tập hợp của nhiều làng và vùng liên bang. Nước hay quốc gia dân tộc là một cộng đồng gắn bó với nhau trong lịch sử, trong cuộc sống, trong vận mệnh chung. Trong nước có nhiều tầng lớp, đẳng cấp xã hội khác nhau, thường được gọi là “tứ dân” gồm sĩ, nông, công, thương; trong đó đông nhất là “nông”, “dĩ nông vi bản”, “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Do đó, dân được ví như nước và nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền. Thứ ba, có lịch sử và văn hoá chung. ý niệm lịch sử và văn hoá chung có vai trò rất quan trọng trong nhận thức và tình cảm của chủ nghĩa yêu nước. Huyền thoại, truyền thuyết, truyện lịch sử, lễ hội dân gian... là những biểu hiện của sự thống nhất ấy. Nguyễn Trãi đã xác định sự tồn tại của Đại Việt là trên cơ sở văn hiến, bờ cõi, phong tục của Đại Việt. Nguyễn Huệ xác định mục tiêu cao nhất của đánh giặc giữ nước là để bảo vệ văn hoá, dân tộc, bảo vệ phong tục tập quán của nhân dân. Trong quan niệm về bảo vệ văn hoá dân tộc chủ yếu là bảo vệ bản lĩnh bản sắc dân tộc gắn liền với độc lập, chủ quyền quốc gia, không mang tính bảo thủ, cố chấp. Thứ tư, ý thức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Bước trưởng thành của tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở và nâng lên thành ý thức bảo vệ non sông đất nước, giang sơn, tổ quốc, sơn hà, xã tắc – nghĩa là ý niệm sâu sắc về lãnh thỗ quốc gia. Thế kỷ XV, Lê Thánh Tông đã ra lệnh: “Một thước núi, một tấc sông của ta không thể vứt bỏ... Ai dám đem một thước núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Khi có sự phân biệt Đàng Trong hay Đàng Ngoài, nhân dân hai miền không ai coi mỗi miền là quốc gia riêng. Lê Đản cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX viết rằng: “Ai chia, ai hợp không cần biết, Nam Bắc xưa nay vẫn một nhà”, Bùi Dương Lịch đầu thế kỷ XIX viết rằng: “Nam Bắc đều là đất nước đây, Núi sông chẳng vạch quốc gia này”. Thứ năm, ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. ý thức cao nhất của chủ nghĩa yêu nước là ý thức coi độc lập dân tộc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Mỗi lần Tổ quốc bị xâm lăng thì luôn luôn đặt lợi ích đất nước lên trên hết và sẵn sàng gạt bỏ mọi lợi ích riêng, chấp nhận mọi sự gian nan, thử thách, hy sinh vì độc lập dân tộc.
Bước sang thế kỷ XIX cho đến khi Pháp xâm lược, xã hội Việt Nam là một xã hội phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, trì trệ. Sau khi lật đổ được triều Tây Sơn, triều Nguyễn được dựng lên từ năm 1802 đã thi hành một chính sách đối nội, đối ngoại bảo thủ, phản động, tăng cường đàn áp, bóc lột bên trong và thực hiện bế quan toả cảng đối với bên ngoài; cự tuyệt mọi cải cách... nên không mở ra được khả năng cho Việt Nam tiếp xúc và bắt nhịp với sự phát triển của thế giới. Vì vậy, đã không phát huy được thế mạnh của dân tộc và đất nước; không tạo ra được tiềm lực vật chất, tinh thần đủ sức để bảo vệ Tổ quốc, chống âm mưu xâm lược của thực dân phương Tây. Để rơi vào cảnh mất nước, trách nhiệm ấy trước hết thuộc về vua chúa nhà Nguyễn.
Từ 1858 đến cuối thế kỷ XIX, phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp rầm rộ bùng lên, dâng cao và lan rộng trong cả nước. Các cuộc nổi dậy đều được thúc đẩy bởi tinh thần yêu nước nhiệt thành và chí căm thù giặc sục sôi, song trước sau đều bị thất bại vì chưa có một đường lối kháng chiến rõ ràng. Lãnh đạo của họ là các sĩ phu văn thân mang ý thức hệ phong kiến, còn nặng tư tưởng tôn quân, chưa thật tin vào thắng lợi cuối cùng. Điều đó cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trước nhiệm vụ lịch sử.
Bước sang đầu thế kỷ XX, sau khi tạm thời dập tắt được các cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta, thực dân Pháp bắt tay vào cuộc khai thác lần thứ nhất. Xã hội Việt Nam bắt đầu có sự chuyển biến và phân hoá, các tầng lớp tiểu tư sản và mầm mống của giai cấp tư sản bắt đầu xuất hiện. Giữa lúc ấy, các “tân thư” được chuyển vào Việt Nam. Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta chuyển sang xu hướng dân chủ tư sản với sự xuất hiện của các phong trào như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy tân, Việt Nam Quang Phục hội. Nhưng các phong trào ấy cũng lần lượt bị dập tắt vì phong trào đó chủ yếu vẫn do các sĩ phu phong kiến, cựu học truyền bá nên không tránh khỏi hạn chế và thất bại.
Như vậy, bước sang thế kỷ XIX, khi tình hình đất nước đã thay đổi, chủ nghĩa yêu nước truyền thống gắn với hệ tư tưởng phong kiến triều Nguyễn đã trở nên bất cập trước thời cuộc. Phong trào cứu nước của nhân dân Việt Nam muốn giành được thắng lợi phải theo một con đường mới.
Nguyễn Ái Quốc bước lên vũ đài chính trị vào lúc chủ nghĩa tư bản đã từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn tư bản độc quyền tức là chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc là một hiện tượng quốc tế, là một hệ thống thế giới, chúng vừa tranh giành, xâu xé thuộc địa, vừa vào hùa với nhau để nô dịch các dân tộc nhỏ yếu. Vì vậy, cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề dân tộc sang thế kỷ XX đã trở thành cuộc đấu tranh chung của các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân, gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản thế giới. Trong điều kiện lịch sử mới, mỗi thuộc địa là một mắt khâu của hệ thống đế quốc, do đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của mỗi nước sẽ thất bại nếu theo đường lối và phương pháp cũ, tự mình nổi dậy đấu tranh như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám; đấu tranh không thắng nổi thì đi cầu viện như Phan Bội Châu và nhiều người khác. Khi còn ở trong nước, Nguyễn ái Quốc tuy chưa nhận thức được đặc điểm mới của thời đại, nhưng từ thực tế của lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã thấy con đường của các bậc cha anh là không hợp lý, không đem lại kết quả, mà phải tìm con đường mới.
Trong mười năm đầu (1911 - 1920), Nguyễn Ái Quốc đã vượt ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân lên khoảng 30 nước, là một trong những nhà hoạt động chính trị đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết về thực tế các thuộc địa, các nước tư bản đế quốc chủ yếu trong thập niên đầu của thế kỷ XX. Trên cơ sở ấy Nguyễn Ái Quốc đã sơ bộ đi đến kết luận: chủ nghĩa tư bản, đế quốc ở đâu cũng tàn bạo, độc ác, bất công; người lao động ở đâu cũng bị áp bức, bóc lột và luôn có khát vọng đấu tranh giải phóng đòi quyền làm người; muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình. Đó là những kết luận quan trọng, sâu sắc, song phải đến khi tiếp cận với “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc mới nhận ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Luận cương của V.I.Lênin giúp Nguyễn Ái Quốc thấy được thực chất của cái gọi là tự do, bình đẳng, bác ái trong chủ nghĩa tư bản và thấy được thực chất của chế độ dân chủ tư sản. Luận cương giúp Nguyễn Ái Quốc tìm thấy “cái cần thiết cho chúng ta”. Luận cương giúp Nguyễn Ái Quốc thấy được học thuyết quan tâm tới giải phóng dân tộc thuộc địa để rồi đi đến giải phóng xã hội, giải phóng con người đó là học thuyết Mác - Lênin. Như vậy, có thể nói, Luận cương của V.I.Lênin là cơ sở lý luận tạo nên bước ngoặt căn bản trong sự hình thành tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh.
Khác với nhiều trí thức phương Tây đến với chủ nghĩa Mác - Lênin như đến với một học thuyết, nhằm giải quyết những vấn đề về tư tưởng hơn là hành động; Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam. Vận dụng quan điểm, lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin đã phân tích và lên án chủ nghĩa thực dân một cách có hệ thống, vạch rõ đó là chế độ nô lệ hiện đại, về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, là sự cướp bóc không giới hạn; đồng thời, Hồ Chí Minh nhận rõ sức sống mãnh liệt, nỗi thống khổ của các dân tộc bị áp bức, thấy rõ đó là nguồn gốc bùng nổ mạnh mẽ, ý chí cách mạng tự giải phóng với tất cả năng lực sáng tạo vô tận của con người. Nhờ vậy, từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã đề ra luận điểm cách mạng ở các nước thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng là: Con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản. Đồng thời, vận dụng quan điểm, lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã phân tích xã hội chỉ ra mâu thuẫn dân tộc với thực dân Pháp, dân tộc với tư sản, địa chủ, chỉ rõ vai trò sứ mệnh to lớn của giai cấp công nhân, của liên minh công - nông và của khối đoàn kết dân tộc.
Hoạt động thực tiễn và lý luận sôi động, phong phú của Nguyễn Ái Quốc là từ năm 1921 - 1930. Người hoạt động tích cực trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia Hội Liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo Le Paria nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thụôc địa. Từ năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Matcơva dự Hội nghị quốc tế nông dân, tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V và đại hội các đoàn thể quần chúng như: Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Cộng hội đỏ… Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên... Thông qua các hoạt động trên, Nguyễn Ái Quốc hiểu sâu sắc hơn vai trò của giai cấp công nhân, của liên minh công- nông, về tình đoàn kết quốc tế vô sản. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên một luận điểm sáng tạo là: Cách mạng giải phóng dân tộc phải chủ động và có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Ở Việt Nam, “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”.
Như vậy, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã phát triển về chất trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh - gọi là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh.
Việt Nam có một di sản quý báu là chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa yêu nước truyền thống vươn lên ngang tầm với thời đại trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa Mác- Lênin trong cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
________________________
(1) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.314.
(2) Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, T1, tr.466
Từ khóa » Khái Niệm Chủ Nghĩa Yêu Nước Là Gì
-
Chủ Nghĩa Yêu Nước – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hướng Dẫn Chi Tiết Chuyên đề "Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam"
-
Chủ Nghĩa Yêu Nước Là Gì? Định Nghĩa, Khái Niệm - LaGi.Wiki
-
Chủ Nghĩa Yêu Nước Là Gì?
-
CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC - ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM
-
Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam - Nền Tảng Tinh Thần, động Lực Phát Triển
-
Hồ Chí Minh Với Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam - Huyện Hải Hậu
-
Tìm Hiểu Khái Quát Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam – Từ Thời đại Hùng ...
-
Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam Từ Truyền Thống đến Hiện đại
-
Yêu Nước Là Gì? Biểu Hiện Của Lòng Yêu Nước? - Luật Hoàng Phi
-
[PDF] Phát Huy Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam Trong Thời Kỳ đẩy
-
Giáo Dục Tinh Thần Yêu Nước, ý Thức Dân Tộc Cho Tuổi Trẻ Việt Nam ...
-
Chủ Nghĩa Yêu Nước Việt Nam - Nền Tảng Tinh Thần, động Lực Phát ...
-
[PDF] PHẦN THỨ BA I. PHẨM CHẤT YÊU NƯỚC 1. QUAN NIỆM VỀ YÊU ...