Không Thể Quay Lưng Với Di Sản Hán – Nôm - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
PGS TS Đoàn Lê Giang (Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh): Lời tạm kết cho cuộc tranh luận dạy chữ Hán trong trường phổ thông
Khi phát biểu trong Hội thảo ở Viện Hán Nôm (27/8/2016) tôi có nói: 6 năm trước tôi đã từng có tham luận đề nghị dạy chữ Hán trong nhà trường để giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, tuy nhiên nếu nói trong tình hình bây giờ thì rất khó, vì tâm lý chung của người dân.
Một vài ý tưởng ấy đã được Vietnamnet tường thuật và đưa lên mạng. Sợ mọi người không hiểu hết ý nên tôi phải đưa nguyên văn bài tham luận của tôi trình bày trong Hội thảo "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế" (2010), bài viết có tên "Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường - một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam".
Sau đó 2 bài viết ấy lan truyền rất mạnh trên các mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều, gay gắt. Tôi xin nói rõ suy nghĩ của tôi ở đây với mong muốn những người ngoài chuyên môn cũng hiểu được.
1- Trước hết cần phải nói rõ: Chữ Hán là gì? Có phải tiếng Hán, tiếng Trung không?
Chữ Hán là chữ được sinh ra từ nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, vào nước ta từ đời Hán (đầu CN), được các thế hệ cha ông ta Việt hóa nó, đọc bằng âm Hán Việt (tương tự như Hàn Quốc có âm Hán Hàn, Nhật Bản có âm Hán Hòa (Onyomi).
Chữ Hán đã tạo nên 60-70% vốn từ vựng tiếng Việt. Ví dụ câu “Hà Nội hoàn thành chỉnh trang đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc”, thì có lẽ 100% là từ gốc Hán các thời khác nhau. Lưu ý trong chữ Hán cũng có khá nhiều từ có nguồn gốc Việt cổ. Có người nói với tôi nên dùng chữ Nho cho khỏi lầm. Dùng cũng được, nhưng nó không chuẩn, vì chữ ấy không chỉ dùng trong các văn bản Nho, mà cả Phật, Đạo hay những loại văn hóa khác.
Có người nói nên dùng chữ Hán Nôm. Tôi thì không dùng vì trên đời không có chữ đó, mà chỉ có chữ Hán và chữ Nôm. Vậy chữ Hán là nói tắt của chữ Hán cổ đọc theo âm Việt. Cách nói này rất phổ biến, và được giới nghiên cứu mặc nhiên thừa nhận. Chữ Hán không phải là tiếng Hán, càng không phải Trung văn.
2- Chúng ta nên học chữ Hán vì 2 lý do chính:
- Muốn hiểu sâu được tiếng Việt thì chúng ta cần biết gốc gác nó ra sao, tra cứu nó thế nào. Từ Minh Tâm, nghĩa là sáng lòng, vì chữ Minh là sáng. Nhưng trong từ U Minh, Minh trong trường hợp này lại là Tối. U Minh là mờ mịt. Làm thế nào cho học sinh không hỏi thầy cô mà cũng biết được.
Có hai cách: Thứ nhất là học âm Hán - Việt, tự tra từ điển tiếng Việt. Đa số những người giỏi tiếng Việt hiện nay đều hình thành bằng con đường ấy. Thứ hai là học chữ Hán để có ấn tượng là chữ Hán rất nhiều từ đồng âm, nhiều nghĩa khác nhau. Sau đó biết cách tra từ điển. Từ điển chữ Hán có nhiều loại, rất phức tạp, phải học để có một chút vốn liếng mới tra được. Bằng cách này người ta có thể tự tra cứu, tự học tiếng Việt suốt đời.
- Học chữ Hán để cho chúng ta hiểu được văn hóa Việt Nam, chúng ta cảm thấy gắn bó với ông cha. Vì từ trước khi bỏ chữ Hán hoàn toàn vào đầu thế kỷ XX, toàn bộ di sản văn hóa Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (một thứ chữ được hình thành từ chữ Hán). Chúng ta học chữ Hán để chúng ta hiểu sâu tiếng Việt, từ đó có thể hiểu được vốn văn hóa Việt Nam. Văn hóa cổ dù có được dịch ra tiếng Việt, như các công trình của Lê Quý Đôn chẳng hạn, nếu không có vốn chữ Hán nhất định, đọc vẫn rất khó hiểu. Đọc “Truyện Kiều”, nếu có biết chữ Hán, chữ Nôm thì mới hiểu thấu đáo cái hay của nó.
Chúng ta nếu có biết chút ít chữ Hán thì đến các di tích văn hóa (đình chùa miếu mạo), nhìn một tập thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta không thấy xa lạ, không thấy mình là "những đứa con thất cước của giống nòi" (chữ của Hoài Thanh). Sâu xa hơn, chúng ta là người Việt Nam, trong văn hóa chúng ta có một phần văn hóa Đông Á. Đạo đức của chúng ta hình thành từ văn hóa bản địa và văn hóa Đông Á (Nho, Đạo thuộc về văn hóa Hán, Phật thì gốc Ấn Độ).
Những điều ấy được các bậc hiền triết phương Đông nói rất hay và từ rất sớm, các sách vỡ lòng chữ Hán ngày xưa vừa dạy chữ, vừa dạy người thông qua các sách đó rất thú vị và dễ nhớ. Vậy chúng ta có nên học một chút tinh hoa từ đó qua sách chữ Hán nhập môn không?
“Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn tại đền Bát Đế, Bắc Ninh. |
3- Nếu học để trở thành học giả uyên thâm dịch được sách vở cổ thì rất khó, nhưng học để biết một số chữ, để biết tra từ điển Hán Việt, từ đó có thể tự học tiếng Việt suốt đời thì rất dễ. Vì người học chỉ học có 2 kỹ năng: đọc, viết, mà không phải học kỹ năng nghe, nói. Trong thực tế học sinh chuyên văn Phổ thông năng khiếu hàng năm đều có học mấy chục tiết chữ Hán, các em học rất thú vị và tiến bộ rõ rệt khi sử dụng từ Hán Việt và học văn học cổ điển Việt Nam.
4- Các khoa ngữ văn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế đều có Hán - Nôm, học viên cao học Hán - Nôm, các sinh viên Văn học cũng được học hơn 100 tiết chữ Hán cơ sở và nâng cao. Đây chính là nguồn giáo viên dạy nhập môn chữ Hán. Ở bậc THPT thì học sinh chuyên ban KHXH có thể tự chọn học sách chữ Hán cơ sở trong môn Ngữ văn. Nếu học sinh có hứng thú thì có thể học tiếp lên chuyên ngành ở đại học. Có thể hình dung môn chữ Hán như môn tiếng Latin ở các trường tinh hoa ở Mỹ và châu Âu.
Trên mạng đa số không phân biệt được chữ Hán với tiếng Hán, tiếng Trung. Không phân biệt được từ Hán Việt, ngành Hán - Nôm, hay "từ" với "chữ" Hán... Thế nhưng ai cũng có ý kiến: đọc rồi cũng nói, không đọc cũng nói, biết cũng nói, không biết cũng nói, biết dở dở ương ương cũng nói.
Người ta chỉ nghe cái tít thôi, có người còn rút tít xuyên tạc: "Học tiếng Hán để cứu sự sụp đổ của Tiếng Việt" rồi vu cho tôi chủ trương quay lại dùng chữ Hán chữ Nôm thay cho chữ quốc ngữ Latin (!). Thế rồi cứ hè nhau, đọc nhau rồi chửi, lại nhân đó mà trút mọi bực dọc xã hội, chửi hết những người có bằng cấp tiến sĩ, giáo sư... hệt như những người chưa hề đến trường bao giờ.
Tất nhiên có nhiều người hiểu biết, phân tích, trình bày một cách có lý lẽ, người thì nhiệt liệt đồng tình, người thì đồng tình có mức độ, người thì nêu ra những khó khăn hay điều kiện để chủ trương ấy thành khả thi v.v...
TS Hà Thanh Vân (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) : Muốn thoát ràng buộc trước hết phải tìm hiểu sợi dây
Có rất nhiều ý kiến ủng hộ PGS-TS. Đoàn Lê Giang, song cũng có không ít người không đồng tình, thậm chí có những lời lẽ không đẹp, xúc phạm. Tôi cho rằng mọi hành vi tấn công vào cá nhân là xấu xa. Khoa học dung chứa những ý kiến phản biện hợp tình, hợp lẽ, chứ không chấp nhận những đòn tấn công vào nhân phẩm cá nhân.
Về phần mình, tôi ủng hộ việc cần có một số giờ chữ Hán trong nhà trường phổ thông, từ cấp 3 trở lên. Vì sao phải học chữ Hán? Bởi vì 70% từ ngữ Hán Việt chiếm đa số trong ngôn ngữ nước ta. Bởi vì cả kho tàng lịch sử, văn học, văn hóa suốt thời kỳ trung đại của Việt Nam là được sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm. Học để hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông mình. Đơn giản nhất, hàng ngày chúng ta đến chùa chiền cúng bái, nhưng thử hỏi, có mấy ai đọc được những biển, bảng ở chùa?
Tất nhiên có người sẽ nói, đó là công việc của những nhà khoa học, chuyên sâu, dân thường chẳng cần, bằng chứng là cả trăm năm nay, chúng ta làm mọi việc bằng chữ quốc ngữ mà đâu có sao. Nhưng các bạn có tự hỏi là ít nhất, muốn giữ gìn vẻ đẹp, sự chính xác của tiếng Việt, phải hiểu từ Hán Việt? Tôi tin là hầu hết mọi người đều tưởng chữ lò vi ba là từ tiếng Anh, tiếng Pháp. Xin thưa đó là từ Hán Việt. Hay trên báo chí, người ta hay dùng từ vấn nạn để chỉ những tệ nạn xấu xa, trong khi vấn nạn chỉ có nghĩa là “câu hỏi vặn”. Hàng ngày, trên báo chí và trong các bài văn của sinh viên, học sinh vẫn đầy rẫy những từ sai.
Việc học chữ Hán không chỉ là để chúng ta viết tiếng Việt cho đúng hơn, mà còn để hiểu lịch sử, văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc. Còn nếu bảo học chữ Hán là lệ thuộc Trung Quốc thì chỉ là cách nói ngụy biện. Ít nhất, nếu đọc được tiếng Hán, chúng ta sẽ biết Trung Quốc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân họ về đường lưỡi bò như thế nào, sẽ am hiểu chính sách “cua đồng” (hướng mọi người đến những vấn đề không thực tế như ngôn tình, tiên hiệp, tránh bàn luận đến thực tế chính trị) của Trung Quốc.
Tôi ủng hộ PGS-TS Đoàn Lê Giang.
TS Châu Minh Hùng (Trường Đại học Quy Nhơn): Có phải học chữ Hán là thành “Hán nô”?
Tôi không chấp những người mang thói quen hàm hồ quy chụp "Hán nô" khi tấn công những ai nói về việc học chữ Hán. Nhưng chung quy cũng bởi tại mặc cảm ngàn năm Bắc thuộc, cho nên người Việt không tránh khỏi sự đề kháng một cách vô thức!
Trước hết, cần giải định kiến chữ Hán là sở hữu của người Trung Quốc. Thực chất, chữ Hán là một cách nói theo thói quen, còn có cách gọi khác là chữ Nho (?) một kiểu chữ tượng hình từng được sử dụng chung cho cả một khu vực rộng lớn gồm Trung Quốc, Hàn, Nhật, Việt Nam trước khi các quốc gia này có biên giới lãnh thổ rõ ràng.
Điều này cũng giống như bảng chữ cái Phoenicia là nền tảng cho nhiều bảng chữ cái khác được dùng chung ở châu Âu và Trung Đông, bao gồm cả bảng chữ cái Latin. Cũng như thế, bảng chữ cái Kirin là hệ thống kí tự làm cơ sở cho bảng chữ cái được sử dụng trong các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có các bộ phận của Đông Nam Âu và Bắc lục địa Âu Á, đặc biệt trong các nhóm người gốc Slav…
Kí tự (characters) là tài sản chung của cả một khu vực các cộng đồng chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Thực chất, trên thế giới dù có hàng trăm dân tộc khác nhau, nhưng chỉ có ba bốn nhóm kí tự tương ứng với các nền văn minh.
Nhiều dân tộc có ngôn ngữ nhưng không có hoặc không cần kí tự. Các nhà ngữ học lấy cái nôi văn minh của một khu vực mà đặt tên cho các nhóm kí tự và điều ấy không đồng nghĩa với sự sở hữu độc quyền của dân tộc được gắn cho tên gọi ấy. Không có chuyện chữ Hán là độc quyền của người Hán hay kí tự Slav là độc quyền của người Nga.
Từ đầu thế kỉ XX, người Việt bỏ chữ Hán để sử dụng kí tự Latin là một sự lựa chọn có tính lịch sử, do sự thích hợp và tiện dụng của lối chữ ghi âm, kể cả do tác động bởi sức mạnh ảnh hưởng của nền văn hóa, văn minh phương Tây. Không có chuyện các dân tộc sử dụng chung một loại kí tự là dân tộc này bị nô dịch dân tộc kia.
Kí tự khác với ngôn ngữ. Ngôn ngữ (language) bao gồm hệ thống kí hiệu biểu đạt bằng âm thanh của một cộng đồng bản ngữ như một khế ước trong trao đổi tình cảm, tư tưởng. Tiếng Việt mà chúng ta đang nói đến là ngôn ngữ tồn tại như một tài sản riêng của người Việt.
Các cộng đồng, dân tộc có thể sử dụng chung một loại kí tự nhưng ngôn ngữ vẫn khác biệt khó có thể đồng hóa. Vì mặc cảm, người ta hay dùng khái niệm Hán hóa cho ngàn năm Bắc thuộc, riêng cá nhân tôi vẫn gọi đó là quá trình Việt hóa dù áp lực của cả ngàn năm Bắc thuộc.
Mặc dù cha ông ta vay mượn hết Hán rồi cải biến Hán thành Nôm, cuối cùng là kí tự Latin, tiếng Việt với âm điệu, kể cả tình cảm, tư tưởng luôn hoàn toàn khác biệt với các dân tộc khác. Kí tự không làm thay đổi ngôn ngữ.
Đành rằng, giới nho học phong kiến một thời có sử dụng nguyên chữ, nguyên cấu trúc và thể loại của người Hán để giao tiếp trên mặt văn bản, nhưng nếu có chuyên môn phân tích về âm và nghĩa, sẽ thấy các cụ ta đã Việt hóa rất rõ ràng bằng chính sức mạnh của tinh thần Việt.
Không có quá trình Việt hóa ấy, tiếng Việt đã không tồn tại, người Việt không ăn nói như người Hán thì cũng ăn nói như người Tây.
Không có quá trình Việt hóa ấy, văn chương Việt Nam cũng không có vị thế nào cho những áng văn chương thấm đẫm tinh thần, ý chí dân tộc.
Cha ông ta đã dùng chữ Hán cả ngàn năm, cũng như chúng ta hôm nay dùng kí tự Latin đã hơn trăm năm, ắt không đồng nghĩa với nô dịch Hán hay nô dịch Tây!
Có nô dịch chăng là ở những người ngu dốt. Ngu dốt thì ắt bị nô dịch. Muốn thoát khỏi sự nô dịch chỉ có thể là nỗ lực nâng cao dân trí. Dân trí mới mang lại dân chủ, tự do thực sự!
Học chỉ để phát triển thôi ư? Triết lí giáo dục hiện đại là học không chỉ để phát triển vật chất một cách thực dụng mà còn tiếp thu những giá trị tinh thần của nhân loại: Học để hiểu biết, để làm người, để cống hiến… Theo tôi, sự phát triển bền vững nào cũng cần có nền tảng, không thể cắt đứt hoàn toàn với mạch nguồn văn hóa dân tộc. Quan niệm của tôi, chữ Hán là một tri thức gắn liền với văn hóa ngàn năm của cha ông. Không có tri thức nào phục vụ cho mục đích trên là không cần thiết.
TS Lê Thị Thanh Tâm (Giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): Khi “Tử ngữ” là văn hóa bề sâu
Ừ, thì khỏi học chữ Hán. Có ai chết đâu.
Thầy tôi, GS. Nguyễn Văn Hạnh kể trong giờ giảng văn đại học: Ngày xưa, thanh niên Việt Nam ở độ tuổi 18 - 20 đã sôi sục tranh luận Phan Bội Châu đúng hay Phan Chu Trinh đúng.
Hai vĩ nhân không đồng tình với nhau về con đường cứu nước mà trân quý nhau đến chết. Họ không cùng chí hướng nhưng cùng tâm huyết. Thanh niên sôi sục tranh luận cũng vì vận nước, và vì đủ tâm trí, đủ văn hóa để hiểu lời của hai tiên sinh. Những người thanh niên đó đã tranh luận vì yêu nước, họ có đủ tình cảm và trí tuệ để quan tâm đến chủ đề gan ruột đó. Cứu nước là chuyện lớn, lớn lắm, mà không thấy họ “chửi” nhau. Họ không vùi dập nhau như hậu duệ đang bàn về chữ Hán.
Nếu các bên tranh luận đều đủ nội lực và tâm lượng thì sẽ không bao giờ có quang cảnh một cuộc “đấu tố” thảm hại như mấy ngày vừa qua.
Ừ, thì khỏi học chữ Hán. Có ai chết đâu. Sao mà nhiều người tức tối cuồng nộ đến thế.
Nhưng rồi sẽ có phóng viên viết giới thiệu về “kỳ thư bằng đồng” của người Việt ở Hà Tĩnh mà chụp ảnh ngược chữ Hán.
Nhưng rồi sẽ có tiến sĩ viết gần một chục lần chữ “phồn thực” thành “phồn thức” mà vẫn “năn nỉ” hội đồng cho qua.
Tôi có lúc ngạc nhiên sao ở Nhật, người ta chào cả… xe. Tôi ở gần một tiệm rửa xe ôtô. Sau khi xe được rửa xong, người lái xe chào người rửa xe, rồi cho xe chạy ra đường. Người rửa xe sau khi giúp khách hàng lui xe và tham gia giao thông thì trở về tiệm, đứng nhìn theo xe rồi chào hai cái, một cái 90 độ, một cái 45 độ.
Không chào cái xe thì cũng đâu có ai chết. Đúng rồi. Nhưng đó chính là cái mà Fukuzawa đã nói từ ngày “khởi nghiệp” khai minh, rằng nước Nhật chỉ có người dân mà không có “quốc dân”. “Quốc dân”, đó là sự đồng lòng vươn lên với khát vọng mãnh liệt về văn hóa và “chung làm một” trong những suy tư chân chính về nền văn hóa, về vóc dáng và sức mạnh tự tôn. Đó là sự lễ độ của một xã hội đã trưởng thành và không ngừng cúi thấp xuống để học hỏi.
Đừng nghĩ học thuyết Kaizen (liên tục cải tiến) của người Nhật chỉ áp dụng trong quản lí tài chính, kinh doanh, mà nó còn được sống trong nền giáo dục Nhật. Hãy học từng chút, hãy chia nhỏ những vấn đề khó, hãy tiến bộ từng giây phút – đó là mấu chốt quan trọng. Cho nên, ý tưởng “học làm chi cái thứ tử ngữ” hẳn sẽ được lòng đại bộ phận giới trẻ đang không có nhu cầu gì quá sâu sắc về chữ nghĩa; nhưng sẽ rất khó rèn luyện cái thói quen “chia nhỏ vấn đề khó”, giải quyết từng chút một, cẩn trọng với chân lý, cúi đầu học hỏi – thứ mà người Việt Nam sẽ mãi thiếu.
"Tử ngữ" mà liên hệ thiết thân đến nguồn gốc tiếng Việt và ẩn tàng kho báu nhân cách, trí tuệ của giống nòi thì đó là thứ tử ngữ cần được sống, sống không phải như một sinh ngữ, mà như văn hóa bề sâu. Loạn tranh luận là do chưa có "quốc dân”.
Từ khóa » Cách Viết Chữ Khôi Trong Tiếng Hán
-
Tra Từ: Khôi - Từ điển Hán Nôm
-
Tra Từ: Khôi - Từ điển Hán Nôm
-
Cách Viết, Từ Ghép Của Hán Tự KHÔI 魁 Trang 81-Từ Điển Anh Nhật ...
-
Ngày Ngày Viết Chữ - Khôi - Khôi Phục - Facebook
-
Khôi Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Số
-
Khôi Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Chữ “khôi” Trong Họ Tên Phan Khôi, Chữ Hán Phải Viết Thế Nào Cho ...
-
Khám Phá ý Nghĩa Tên Khôi Mà Ba Mẹ Nên Biết Trước Khi đặt Cho Con
-
Dịch Tên Sang Tiếng Trung - SHZ
-
TỔNG QUAN VỀ CÁC VĂN TỰ THEO LOẠI HÌNH CHỮ HÁN
-
Mộ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Lý - Wiktionary Tiếng Việt
-
Cảm Nghĩ Về Chữ Hán Của Một Du Sinh - BBC News Tiếng Việt