Lớp Học Chữ Hán Giữa đền Ghềnh - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Dưới những tán cây mát rượi, trong không gian thanh tịnh, cổ kính của đền Ghềnh, ngôi đền thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, người phụ nữ duy nhất của Việt Nam hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước, thuộc thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, có một lớp học đặc biệt đã ra đời gần 1 năm nay.
Cũng có bảng đen, phấn trắng, bàn ghế, thầy và trò như bao lớp học bình thường khác, chỉ có điều, cả thầy và trò ở đây đều đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn say mê, miệt mài dạy và học chữ thánh hiền với niềm khát khao lưu giữ nền văn hoá truyền thống dân tộc và cư xử với nhau nhân ái ngay từ trong lời ăn, tiếng nói.
Ông Phùng Văn Ban, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Như Quỳnh cho chúng tôi biết: Ban đầu, lớp học chỉ có những người trong làng theo học. Nhưng sau đó, tiếng lành đồn xa, những người ở làng khác, rồi từ nội thành Hà Nội, Hải Dương... cũng tìm về xin học.
Đến nay, lớp học đã có hơn 60 thành viên, người nhiều tuổi nhất là 84, người ít tuổi nhất cũng đã ngót nghét 40, trong đó có 4 người là nữ. Họ đến từ nhiều công việc khác nhau, nhưng họ gặp nhau ở một điểm chung, đó là đều say mê học chữ thánh hiền để hiểu thêm nền văn hóa dân tộc, cũng như trau dồi thêm cung cách ứng xử văn hóa đẹp đẽ giữa người với người.
Từ đầu năm đến nay, lớp học vẫn duy trì đều đặn một tháng 6 buổi, với sự dạy bảo của những nhà túc nho như cụ Đỗ Viết Bảo, cụ Phan Thế Dân và cụ Nguyễn Mạnh Đa. Trong đó, cụ Đỗ Viết Bảo sắp qua tuổi 81, gần 60 năm tuổi Đảng nhưng mỗi tuần một buổi vẫn đều đều đạp xe đạp hàng chục kilômét để xuống lớp dạy chữ cho các học trò, trong đó có cả những người hơn tuổi.
Ngoài thời gian giảng bài trên lớp, về nhà cụ còn làm tranh, câu đối, viết chữ rồi cho chữ, sáng tác thơ, thậm chí còn dày công thực hiện một nhiệm vụ, mà nhiều người cho là "ngược đời" là dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt sang chữ Hán - Nôm.
Phương pháp dạy của các cụ cũng rất đặc biệt, đó là dạy một chữ mà biết nhiều nghĩa, dạy nguyên chữ bản tự vì đây là hệ chữ cổ, ít nước trên thế giới còn lưu giữ. Với phương pháp đó, học viên được biết thêm nhiều thực tế văn hóa kim, cổ của Đại Việt và Trung Hoa.
Từ những điển tích, điển cố đến thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ rồi Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch lần lượt được các cụ truyền dạy cho các học viên trong lớp... Chính vì thế, vốn kiến thức Hán học và Nho học của học viên tăng lên nhiều.
Ngoài các buổi học chính thức tại lớp, CLB còn tổ chức cho các học viên đi dã ngoại để chiêm ngưỡng các công trình di tích lịch sử, đọc dịch những câu đối Hán ngữ, bài thơ Hán tự của các bậc tiên tri khắc trên vách đá, bia ký, hoành phi tại Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ Phát Diệm hay cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.
Đồng thời, còn tổ chức cho các học viên trong lớp cho chữ, tặng chữ cho du khách tại đền Ghềnh vào các dịp lễ hội, những ngày đầu xuân, được nhân dân trong và quanh vùng, đặc biệt là các cháu học sinh vô cùng cảm kích.
Chúng tôi lặng lẽ ngồi quan sát lớp học, im lặng, trang nghiêm và say sưa nhưng cũng không kém phần sôi nổi. Đặc biệt là lớp học Thư pháp, mỗi lần thầy chấm điểm, buổi học luôn tràn trề khí thế thi đua.
Chỉ có điều, trong bất cứ tình huống nào, thái độ ứng xử, đạo thầy trò ở đây cũng được các thầy giáo - những nhà túc nho và các học viên cao tuổi trân trọng, đề cao tuyệt đối. Có những cụ già đã qua tuổi 80, vậy mà lúc nào cũng lễ phép gọi cụ Bảo, cụ Dân, cụ Đa là thầy, cho dù thầy thua trò đến gần chục tuổi.
Có học viên vì việc bận, đợi thầy giảng xong, lễ phép vòng tay trước ngực: "Kính thưa thầy, nhà con có việc đột xuất, thầy cho con về sớm...", đợi thầy gật đầu mới nhẹ nhàng ra về. Phía trên góc bảng là dòng chữ: "Học nhi bất yếm/ Hối nhân bất quyện" (Khổng Tử). Nghĩa là: "Học không biết chán/ Dạy không biết mỏi".
Và dường như, đó cũng chính là châm ngôn của các học viên đặc biệt tại lớp học này bởi khi đề cập đến việc lúc nào lớp học kết thúc thì các bậc cao niên trong lớp đều đồng loạt trả lời "sẽ học mãi cho đến khi các thầy không còn chữ để dạy nữa mới thôi"
Từ khóa » Từ đền Trong Tiếng Hán
-
Tra Từ: đền - Từ điển Hán Nôm
-
đền - Wiktionary Tiếng Việt
-
đền Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Số
-
đền Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Liễn đối, Hoành Phi Chữ Hán, Nôm ở đình, đền: Đánh đố Du Khách!
-
Tap Chi Han Nom So 4/1998
-
Từ Việc Phiên âm Dịch Nghĩa Chữ Hán Nôm Tại Các Di Tích Hà Nội
-
Từ Sai Sót Câu đối Chữ Hán Nôm Tại Một Số Di Tích - Báo Hải Phòng
-
Triệu Đà Với Công Cuộc Truyền Bá Chữ Hán Vào Việt Nam
-
Giá Trị Di Sản Hán Nôm
-
Từ Việc Phiên âm Dịch Nghĩa Chữ Hán Nôm Tại Các Di Tích Hà Nội
-
Mạo Trong "đình Chùa Miếu Mạo" Nghĩa Là Gì?
-
Tóc - Vietnamese Nôm Preservation Foundation