Từ Việc Phiên âm Dịch Nghĩa Chữ Hán Nôm Tại Các Di Tích Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
Trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Hà Nội, các bậc tiền nhân đã biên soạn, sáng tác nhiều thể loại bia ký, câu đối... và thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau ở các di tích đền, chùa, miếu mạo nhằm truyền lại tinh hoa truyền thống và cốt cách của dân tộc. Những câu đối ha bên cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội).
Giữ gìn, phát huy các tư liệu quý báu đó, đồng thời giúp những thế hệ hôm nay cũng như mai sau có thể nhận biết và hiểu được sâu sắc những thông điệp ẩn chứa trong đó của ông cha, đó là yêu cầu và trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu.
Sau bao phen thiên tai, địch họa, những thăng trầm của lịch sử, các tư liệu bị mất mát khá nhiều. Một số may mắn còn lại thì thường bị cái nạn sao chép lẫn lộn hoặc bị sửa chữa, cắt xén, thêm bớt... gây nên tình trạng "râu ông, cằm bà". Nghi vấn nguồn gốc, tác giả diễn ra khá phổ biến, đến nỗi có nhiều sách ngày nay khó mà xác định được phần văn bản. Những tác phẩm khắc đá ở các di tích còn lại đến ngày nay cũng đã bị lớp bụi thời gian bao phủ, rêu phong, mưa nắng bào mòn. Ðến như những tấm bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám tuy được bảo vệ, gìn giữ công phu đến thế, nhưng nếu không có đợt in dập của Trường Viễn Ðông Bác Cổ và lần in dập sau này của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) thì hiện nay cũng khó mà đọc trực tiếp hết được những chữ mờ, nét mờ trên mặt bia đá đó. Câu đối, hoành phi đại tự cũng không tránh khỏi tình trạng nêu trên, trong đó, những bản chữ khắc trên gỗ quý ít biến dạng hơn là các phần đắp bằng vữa trên tường thường bị bong lở, mất nét, mất chữ.
Trước tình hình ấy, những năm trước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã sớm nắm bắt và đề ra nhiệm vụ tiến hành thống kê, điều tra để biết khối lượng thư tịch cổ hiện có ở các di tích đình, đền, chùa, miếu mạo... đồng thời, vừa tổ chức phiên âm dịch nghĩa các tài liệu khối vuông đó sang tiếng Việt hiện đại. Chủ trương nêu trên là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, được dư luận và nhân dân Thủ đô hoan nghênh ủng hộ. Công việc thật phức tạp, công phu và không kém phần gian khổ, từ đó mới thấy được ý nghĩa xã hội sâu xa, giúp Hà Nội thu về một kho tàng tư liệu nhân văn quý giá của các bậc tiền nhân để lại. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đã cho làm thử nghiệm việc chuyển dịch các chữ Hán Nôm, khối chữ vuông, một thứ chữ mà số người biết và dịch giỏi không nhiều, sang tiếng Việt để khắc lưu trên đá, nhằm phục vụ rộng rãi các đối tượng khi đến tham quan tìm hiểu di tích. Công việc thí điểm này được thực hiện ở đền Ngọc Sơn, một di tích đặc biệt của Thủ đô Hà Nội. Khi đọc những câu đối ở đền Ngọc Sơn như: Vũ lược luyện hùng binh, lục thủy nghìn thu ghi sử Việt/ Văn tài mưu thượng tướng, Bạch Ðằng một trận thắng quân Nguyên hay khi đọc các bức hoành phi Long môn, Bảng hổ, dường như ta cảm thấy đâu đây dư âm của những thời đã qua, hào khí của tiền nhân vẫn âm thầm vọng về từ trong lòng đất, ấm áp mái ngói, bờ cây, đậm đà nghiên đài, bút tháp, biểu tượng những tinh anh của dân tộc. Phiên âm dịch nghĩa các tài liệu Hán Nôm, những tư liệu bất động cũng là một trong những ngả đường tìm về quá khứ của lịch sử dân tộc.
Việc phiên âm dịch nghĩa các tư liệu Hán Nôm ở các di tích nói chung, ở đền Ngọc Sơn nói riêng là việc làm cần thiết vì qua đó, chúng ta cố gắng phục sinh lại một phần quá khứ, hoàn nguyên lại đời sống tinh thần của cha ông, hiểu được những "viên ngọc quý" của truyền thống để giữ lại cái tinh hoa cho hôm nay và mai sau. Chủ trương làm việc này có thể coi là một sáng kiến hay. Sáng kiến không phải ở chỗ phát hiện ra cái mới mà ở chỗ lần đầu đưa ra cách làm để giải mã trực tiếp những thông điệp ẩn chứa trong các di tích mang lại những nhận thức trực quan đối với du khách đến di tích. Công việc thử nghiệm nêu trên đến nay đã trải qua một số năm tháng và cũng đã có những ý kiến khác nhau. Trước đó, đã có những hội nghị bàn về lý luận dịch thuật, đặc biệt là dịch Hán Nôm. Thế nhưng, dường như chưa có một lý luận cụ thể nào cho việc dịch các hoành phi loại từ hai chữ đến 11 chữ, là các đại tự, câu đối thường có ở các di tích đình, đền, chùa ở Việt Nam. Cùng với khó khăn ấy, việc dịch để khắc đá như ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội) còn gặp phải một việc khó là phải chọn chữ sao cho thật gọn, sáng nghĩa để thích hợp được với một kích cỡ hạn hẹp khi khắc chữ và chỉ dịch nghĩa để khắc chữ hay phải có cả phần chú thích. Mặc dù các tư liệu Hán Nôm ở đền Ngọc Sơn đã được công bố hai lần, nhưng có lẽ vẫn cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi thấy trước hết phải xem xét lại phần văn bản bởi vì câu đối, hoành phi đắp vữa ở Ngọc Sơn đã qua nhiều lần quét lại vôi có thể bị mờ nét, mất nét chăng? Bởi vậy, trước khi dịch hãy cứ xác định cho chuẩn xác vị trí, câu chữ được bài trí như hiện nay đã đích thực hay chưa và cần xác định văn bản vì việc dịch thuật ở các di tích đặc biệt là không thể đơn giản.
Cùng với việc xem xét lại các bản gốc và bản dịch, cần có phương pháp dịch cho các loại hình đặc biệt này. Chẳng hạn, dịch thuật chữ Hán ở các di tích có cần dựa vào phạm trù lịch sử không? Nếu như vậy thì phải tìm phương tiện ngôn ngữ đặc trưng như thế nào để lời dịch vừa bảo đảm ý nghĩa lịch sử, vừa bảo đảm được ý nghĩa thực của đối tượng thông tin. Làm thế nào để lời dịch thuộc hệ thống tiếng Việt hiện đại mà biểu đạt được ý nghĩa của hệ thống chữ Hán khối vuông và âm Hán Việt cổ? Nếu không như vậy thì lời dịch sẽ xa rời tính lịch sử mà chính yếu tố đó đã làm xuất hiện các mối liên hệ giữa thời đại và hệ thống ngôn ngữ đương đại. Chính vì vậy, việc này cần một phương pháp thống nhất chung cho dịch thuật ở các di tích, đúc kết thành các nguyên tắc, lý luận. Việc khắc trên đá tuy có ý nghĩa thực tiễn là phục vụ trực tiếp và phổ cập đối với khách tham quan di tích, nhưng cũng có mặt hạn chế là không phục vụ được các đối tượng ở xa di tích một cách rộng hơn, toàn diện hơn. Thực tế, việc dịch và gắn biển đá ở đền Ngọc Sơn cho thấy có những bài văn bia của Nguyễn Siêu, bài minh về đài nghiên, tháp bút quá dài thì làm sao khắc nổi.
Việc dịch chữ Hán Nôm ở đền Ngọc Sơn gần đây mới chỉ là thí điểm, còn có một số di tích lớn khác ở Hà Nội mà hằng năm có hàng nghìn lượt khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Trấn Vũ bên Hồ Tây, Thành Cổ Loa, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Hương... chứa đựng những kho tư liệu Hán Nôm phong phú với biết bao giá trị tinh thần, văn hóa của tiền nhân. Theo chúng tôi, đã đến lúc cần có cách thức để chuyển tải những thông điệp của quá khứ, đưa các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm đến với nhân dân và bạn bè quốc tế, giúp họ nhận thức và hiểu biết một cách đầy đủ hơn. Làm được như vậy sẽ giúp cho các di tích gần hơn với thế hệ hiện sinh và mở được lối tương thông giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ khóa » Từ đền Trong Tiếng Hán
-
Tra Từ: đền - Từ điển Hán Nôm
-
đền - Wiktionary Tiếng Việt
-
đền Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Số
-
đền Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Liễn đối, Hoành Phi Chữ Hán, Nôm ở đình, đền: Đánh đố Du Khách!
-
Tap Chi Han Nom So 4/1998
-
Từ Sai Sót Câu đối Chữ Hán Nôm Tại Một Số Di Tích - Báo Hải Phòng
-
Lớp Học Chữ Hán Giữa đền Ghềnh - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Triệu Đà Với Công Cuộc Truyền Bá Chữ Hán Vào Việt Nam
-
Giá Trị Di Sản Hán Nôm
-
Từ Việc Phiên âm Dịch Nghĩa Chữ Hán Nôm Tại Các Di Tích Hà Nội
-
Mạo Trong "đình Chùa Miếu Mạo" Nghĩa Là Gì?
-
Tóc - Vietnamese Nôm Preservation Foundation